Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu nguồn gốc thực vật để làm thuốc bảo quản

Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bùi Văn Ái,

Nguyễn Duy Vượng, Phạm Thị Thanh Miền

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Thuốc bảo quản lâm sản được dùng ở Việt Nam và trên thế giới hầu hết là hỗn hợp các hóa chất vô cơ hoặc hợp chất hữu cơ tổng hợp trong công nghiệp hóa học. Tuy nhiên, một số hóa chất do độc tố cao với con người và môi trường sống nên đã bị cấm sử dụng trên phạm vi toàn cầu. Đây chính là lý do thúc đẩy công tác nghiên cứu tìm kiếm những hợp chất nguồn gốc sinh học vừa có tính năng phòng trừ sinh vật hại lâm sản vừa đáp ứng được tiêu chí an toàn.

Một số loại nguyên liệu thực vật sẵn có trong nước đã được nghiên cứu sử dụng để tạo thuốc bảo quản lâm sản, bao gồm Dầu vỏ hạt Điều (Anacardium occidentale L) thu được từ quá trình chế biến hạt Điều; dầu hạt Neem (Azadirachta Indica A.Juss), dầu hạt Cóc hành (Azadirachta excelsa (Jack))được tách từ hạt Neem và Cóc hành hiện đang được gây trồng với diện tích lớn tại Ninh Thuận và Bình Thuận; Tannin được chiết xuất từ củ Nâu (Dioscorea cirrhosa).

Thông qua kết quả khảo nghiệm hiệu lực của các hoạt chất thực vật trên đây đối với côn trùng và nấm gây hại lâm sản đã xác định được dầu vỏ hạt Điều có hiệu lực với mối (đại diện cho côn trùng gây hại lâm sản) khi nồng độ sử dụng lên đến 15%. Dầu hạt Cóc hành đạt hiệu lực trung bình tại cấp nồng độ 2% khi xử lý mẫu gỗ khảo nghiệp theo phương pháp nhúng. Dầu hạt Neem và Tannin đạt hiệu lực trung bình với mối ở mức nồng độ 4%. Trong các loại nguyên liệu thực vật được nghiên cứu, chỉ có Tannin là có khả năng chống lại sự phá hoại nấm gây lâm sản.

Các nghiên cứu nâng cao hiệu lực của hoạt chất thực vật được tiến hành theo nhiều hướng khác nhau. Dầu vỏ hạt Điều sau khi được xục khí clo đã đạt được hiệu lực tốt với mối chỉ mức nồng độ 9%. Dầu hạt Neem và dầu hạt Cóc hành đã được bổ sung thêm phụ gia là hóa chất thuộc nhóm Pyrethroit đã đạt được hiệu lực tốt với mối ở cấp nồng độ lần lượt là 4% và 2%. Dung dịch chế phẩm được dùng để xử lý bảo quản gỗ theo phương pháp bảo quản bề mặt như nhúng, phun, quét. Tannin củ Nâu được phối hợp thêm phụ gia là hợp chất của Boron, và đã đạt được hiệu lực tốt với cả côn trùng, nấm gây hại ở mức nồng độ sử dụng là 4%.

Các công thức thuốc bảo quản lâm sản nguồn gốc thực vật trên đây được đánh giá ít ảnh hưởng đến các tính chất gỗ, không ăn mòn kim loại và không ảnh hưởng đến chất lượng màng trang sức gỗ.

Từ khóa: Thuốc bảo quản lâm sản, Nguồn gốc thực vật.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]