Tính chất vật lý, cơ học và hướng sử dụng gỗ của một số loài cây cho trồng rừng sản xuất vùng Đông Nam bộ

Lê Thu Hiền, Đỗ Văn Bản, Nguyễn Tử Kim

Phòng Nghiên cứu Tài nguyên Thực vật rừng

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Nghiên cứu đặc tính cơ bản của gỗ trong đó bao gồm tính chất gỗ và cấu tạo gỗ là rất quan trọng bởi nó liên quan chặt chẽ tới chế biến và sử dụng gỗ. Nghiên cứu về khoa học gỗ đã được tiến hành từ 50 năm trước ở một số viện nghiên cứu, đặc biệt là Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Đề tài “Nghiên cứu cấu tạo và tính chất cơ vật lý của một số loài gỗ và tre chủ yếu ở Việt Nam làm cơ sở cho chế biến, bảo quản và sử dụng” đã được tiến hành từ năm 2006 có nội dung quan trọng là tổng hợp các nghiên cứu đã có về tính chất cơ học, vật lý và cấu tạo giải phẫu của gỗ. Trong báo cáo này chúng tôi cung cấp các thông tin cơ bản về tính chất vật lý, cơ học và định hướng sử dụng gỗ của 11 loài cây nằm trong danh lục các loài cây chủ yếu cho trồng rừng sản xuất vùng Đông Nam Bộ.

Gỗ Bông gòn, Dó trầm, Gáo trắng, Lát mexico có khối lượng thể tích rất nhẹ (320-490 kg/m3); Hệ số co rút thể tích nhỏ (0.31-0.38); Giới hạn bền khi nén dọc thớ và giới hạn bền khi uốn tĩnh yếu (lần lượt là 203-369.5 kg/cm2 và 337-677 kg/cm2). Bông gòn và Dó trầm có sức chống tách yếu (6.28-9.8 kg/cm), hệ số uốn va đạp trung bình (0.51-0.54); Gỗ Gáo trắng cả 2 giá trị ở mức trung bìnhtrong khi Lát Mexico có sức chống tách trung bình và hệ số va đập lớn. Điểm bão hòa thớ gỗ thấp (24%) ở gỗ Dó trầm, trung bình (25-27.8%) ở gỗ Gáo trắng và gỗ Lát Mexiconhưng cao (36.9%) ở gỗ Bông gòn.

Gỗ Keo lá tràm, keo lai, Keo tai tượng, Xoan ta có khối lượng thể tích nhẹ (524-597 kg/m3); Hệ số co rút thể tích trung bình (0.39-0.46); Giới hạn bền khi uốn tĩnh yếu (627-1013 kg/cm2); Súc chống tách trung bình (10.5-12.7 kg/cm). Keo lai và Xoan ta có giới hạn bền khi nén dọc thớ yếu (335-417 kg/cm2). Keo lá tràm và Keo tai tượng có giới hạn bền khi nén dọc thớ ở mức trung bình (432-462kg/cm2). Hệ số uốn va đập nhỏ (0.54) ở Xoan ta và cao (1.1) ở Keo lá tràm.

Gỗ Dầu rái, Sao đen, Xoan mộc có khối lượng thể tích trung bình (690-754 kg/m3); Điểm bão hòa thớ gỗ thấp (18-24%); Giới hạn bền khi nén dọc và uốn tĩnh ở mức trung bình ( lần lượt là 570-740 kg/cm2 và 1145-1635 kg/cm2); Sức chống tách trung bình (16-16.6 kg/cm). Hệ số co rút thể tích trung bình (0.45-0.54) ở gỗ Dầu rái và gỗ Sao đen nhưng cao (0.64) ở gỗ Xoan mộc. Gỗ Dầu rái và gỗ Xoan mộc có hệ số uốn va đập trung bình (0.6-0.7), gỗ Sao đen có hệ số uốn va đập cao (1.08).Căn cứ vào tính chất gỗ của 11 loài cây gỗ này, chúng tôi đã có những khuyến nghị trong việc chế biến, bảo quản và sử dụng chúng. 8 loài: Bông gòn, Dó trầm, Gáo trắng, Lát Mexico, Keo lá tràm, Keo tai tượng, Keo lai, Xoan tacó thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất ván ghép thanh, ván MDF, ván dán hoặc sản xuất giấy. 3 loài Dầu rái, Sao đen, Xoan mộc có thể sử dụng trong xây dựng, công nghiệp tàu thuyền và đồ gia dụng.

(Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Công nghệ Lâm nghiệp với phát triển rừng bền vững và biến đổi khí hậu, trang 406-411)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]