Kết quả xây dựng mô hình sử dụng đất có hiệu quả kinh tế và phòng hộ cho vùng xung yếu ven hồ Sông Đà

Đặng Thịnh Triều, Nguyễn Toàn Thắng, Trần Lâm Đồng và các CTV

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng hồ chứa đã để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và kinh tế – xã hội của một bộ phận dân cư sống trong vùng. Trước đây đời sống của người dân dựa vào canh tác lúa nước. Tuy nhiên, sau khi chuyển lên cao thì thay vào đó là phương thức canh tác phát nương làm rẫy. Do phương thức canh tác đơn giản, không có các biện pháp hạn chế xói mòn, cải tạo đất, vì vậy sau một thời gian ngắn đất đã bị xói mòn và rửa trôi nghiêm trọng, năng suất cây trồng giảm, thậm chí không còn khả năng canh tác.

Sau hơn 10 năm hồ Hoà Bình được đưa vào sử dụng, hàng năm lòng hồ đã bị bồi lắng trung bình từ 0,3-0,4m. Với tốc độ bồi lắng trên, tuổi thọ của đập Hoà Bình có thể sẽ bị giảm xuống chỉ còn 50 năm so với 100 năm như thiết kế. Nguyên nhân chính là do sử dụng đất chưa hợp lý cũng như chặt phá bừa bãi rừng phòng hộ đầu nguồn. Vấn đề cần giải quyết là làm thế nào để vừa có thể bảo vệ và phát triển được các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, nhằm bảo vệ được môi trường và kéo dài tuổi thọ của nhà máy thuỷ điện, đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định đời sống, kinh tế xã hội cho người dân sống trong vùng.

Xuất phát từ yêu cầu trên đây, việc xây dựng mô hình lâm-nông liên hoàn từ mép nước lên đỉnh dông nhằm tận dụng tối đa sức sản xuất của đất và sự hỗ trợ giữa các mô hình trong việc cải tạo đất, chống xói mòn là một việc làm cần thiết, nó sẽ giúp đồng bào sống quanh lòng hồ làm quen với việc canh tác nông – lâm nghiệp gắn liền với việc bảo vệ đất, chống xói mòn, đáp ứng nhu cầu phòng hộ cho vùng xung yếu ven hồ sông Đà.

Việc xây dựng các mô hình canh tác đất bền vững là một trong các nội dung của đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sử dụng đất có hiệu quả kinh tế và phòng hộ cho vùng xung yếu ven hồ sông Đà” với mục tiêu: Xây dựng và đề xuất được mô hình sử dụng đất có hiệu quả kinh tế, đảm bảo yêu cầu phòng hộ cho vùng xung yếu ven hồ sông Đà. Bài báo này trình bày kết quả bước đầu của việc xây dựng các mô hình canh tác đất dốc mà đề tài đã thực hiện từ năm 2002 đến năm 2004.

1. Nội dung và phương pháp nghiên cứu

1.1. Nội dung nghiên cứu

Xây dựng 24 ha mô hình sử dụng đất dốc liên hoàn từ mép nước lên đỉnh dông trên diện tích đất thuộc xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, cụ thể gồm các mô hình:

– Mô hình vườn hộ trồng cây ăn quả, diện tích 3ha.

– Mô hình rừng hỗn giao các loài cây lá rộng bản địa, luồng diện tích 7ha.

– Mô hình nông lâm kết hợp trên đất dốc diện tích 7ha.

– Mô hình khoanh nuôi phục hồi rừng có trồng bổ sung, diện tích 7ha.

 

1.2. Phương pháp nghiên cứu

Các mô hình được xây dựng dựa trên sự kế tiếp và điều chỉnh các mô hình sẵn có trên cơ sở kết quả từ việc điều tra, đánh giá về hiệu quả kinh tế, khả năng phòng hộ của các mô hình đã có trong vùng, đồng thời dựa vào phong tục tập quán của người dân địa phương trong khu vực lòng hồ Hoà Bình. Các mô hình được thực hiện bởi người dân địa phương với sự hướng dẫn kỹ thuật và tư vấn của cán bộ đề tài. Các mô hình thiết kế cụ thể như sau:

1.2.1. Mô hình vườn hộ trồng các loài cây ăn quả.

Phương thức trồng: Trồng hỗn giao các loài cây ăn quả, có trồng băng xanh cốt khí theo đường đồng mức nhằm hạn chế xói mòn đất.

Loài cây trồng:

+ Cây ăn quả lâu năm: Xoài Australia ghép, nhãn lồng Hưng Yên, na dai, hồng nhân hậu.

+ Cây trồng băng xanh: cốt khí + dứa Cayen.

Mật độ trồng:

+ Xoài + nhãn: 200 cây/ha (7x7m).

+ Na dai: 400 cây/ha (trồng xen giữa 2 hàng xoài + nhãn, cự ly 7×3,5m).

+ Hồng nhân hậu: 200cây/ha (trồng xen giữa 2 cây xoài và nhãn, cự ly 7x7m).

+ Băng xanh: 1.500m băng xanh + 1.500 cây dứa/ha (trồng dưới chân hàng xoài + nhãn, hàng cách hàng 7m, dứa cự ly 1m/cây).

Làm đất, bón phân, chăm sóc

+ Xoài : Cuốc hố kích thước 50cm x 50cm x 50cm. Bón lót 10kg phân chuồng + 0,5kg NPK

+ Na, hồng, nhãn : Cuốc hố rộng 40x40cm, sâu 30cm.

+ Băng xanh: Gieo cốt khí theo hàng cách hàng xoài + nhãn 1,5m xuống phía dưới, trồng dứa cách hàng cốt khí 0,5m lên phía trên cự ly 1m/cây.

+ Chăm sóc: Phát dọn thực bì, xới cỏ, vun gốc toàn bộ cây trồng 2 lần/năm, bón thúc phân NPK với liều lượng 0,2kg/cây.

 

1.2.2. Mô hình trồng rừng hỗn giao các loài cây bản địa lá rộng với luồng

Phương thức trồng: Trồng hỗn giao theo hàng luồng, cây bản địa, keo lai. Cốt khí gieo theo đường đồng mức.

Loài cây trồng: Luồng Thanh Hoá, lim xanh, re gừng, dẻ đỏ, keo lai, cốt khí

Mật độ trồng:

+ Luồng: 200cây/ha (cự ly 10x5m).

+ Lim xanh, re gừng, dẻ đỏ, keo lai: 500cây/ha, cự ly 10x2m (trồng giữa 2 hàng luồng).

+ Hàng cốt khí: 500m (gieo cốt khí theo hàng, hàng cách hàng 20m).

Làm đất, bón phân và chăm sóc:

+ Luồng: Cuốc hố kích thước 60cm x 60cm x 50cm. Bón lót 10kg phân chuồng + 0,5kg NPK

+ Lim xanh, re gừng, dẻ đỏ, keo lai: Cuốc hố kích thước 40cm x 40cm x 30cm.

+ Gieo một hàng cốt khí phía trên hàng cây trám trắng 0,5m.

+ Chăm sóc: Phát dọn thực bì, xới cỏ, vun gốc toàn bộ cây trồng, bón thúc phân NPK cho luồng 0,3kg/bụi, các loài cây bản địa bón thúc 0,2kg phân NPK/cây.

 

1.2.3. Mô hình nông lâm kết hợp trên đất dốc

Phương thức trồng: Nông lâm kết hợp, trồng băng xanh theo đường đồng mức ngăn xói mòn đất.

Loài cây trồng:

+ Băng xanh: Cốt khí + dứa + keo lai + trám trắng.

+ Cây nông nghiệp trồng xen: Ngô lai.

Mật độ trồng:

+ Băng xanh: 500m băng xanh + 500 cây dứa/ha (gieo cốt khí thành băng gồm 2 hàng một song song, băng cách băng 20m, trồng dứa phía trên cách hàng cốt khí 0,5m, cự ly 1m/cây).

+ Keo lai + trám trắng: 250 cây/ha (trồng xen theo hàng cốt khí cự ly 2m x 20m/cây cho mỗi loài.

+ Ngô lai: Trồng trên toàn bộ diện tích còn lại, 10kg/ha.

Làm đất, bón phân và chăm sóc:

+ Keo lai, trám trắng: Cuốc hố kích thước 40cm x 40cm x 30cm, gieo 2 hàng cốt khí dày dọc trên và dưới hàng keo lai + trám trắng cách mỗi bên 0,5m. Bón lót 0,2kg phân NPK.

+ Ngô lai: Sau khi tạo băng xanh gieo ngô lai vào giữa các băng, cách băng xanh1,5m.

+ Chăm sóc: Phát dọn thực bì, xới cỏ, vun gốc toàn bộ cây trồng, băng xanh 2 lần/năm. Bón lót 0,2kg phân NPK cho cây lâm nghiệp.

 

1.2.4. Mô hình khoanh nuôi phục hồi rừng có trồng bổ sung

Phương thức trồng: Khoanh nuôi phục hồi kết hợp trồng bổ sung theo lỗ trống bằng các loài cây bản địa.

Loài cây trồng: Giẻ đỏ, re gừng, lim xanh, lát hoa.

Mật độ trồng: Trồng bổ sung theo lỗ trống khoảng 500 cây/ha.

Làm đất và chăm sóc:

+ Cuốc hố kích thước 40cm x 40cm x 30cm.

+ Chăm sóc: Luỗng thực bì, xới cỏ, vun gốc toàn bộ cây trồng và cây gỗ tái sinh 2 lần/năm.

 

1.2.5. Kích thước cây đem trồng

Trước khi đem trồng cây con có kích thước sau:

Bảng 1. Kích thước cây con trước khi đem trồng

Loài cây Do.o (cm) Hvn (cm) Dt (cm)
Lim xanh 0,68 0,71 0,59
Re gừng 0,73 0,80 0,43
Keo lai 0,51 0,63 0,25
Giẻ đỏ 0,33 0,28 0,25
Lát hoa 0,45 0,72 0,28
Luồng Thanh Hoá Luồng 2 năm tuổi
Na dai 0,54 0,53 0,25
Xoài úc 0,84 0,84 0,35
Nhãn lồng 0,70 0,70 0,28
Hồng nhân hậu 0,60 0,60 0,24

1.2.6. Thu thập, phân tích và xử lý số liệu

Các chỉ tiêu điều tra gồm: chiều cao vút ngọn (Hvn), đường kính gốc (Doo), đường kính tán lá (Dt), sinh lực cây, tỷ lệ sống và sản cây nông nghiệp trồng xen trong các năm đầu. Các số liệu thu thập được xử lý, tính toán trên phần mềm Excel và S.A.S.

 

1.3. Một số thông tin về điều kiện khu vực xây dựng mô hình

Các mô hình được xây dựng tại thôn Đồng Mã, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, Sơn La. Xã Tân Phong có tổng diện tự nhiên là 323ha trong đó: Đất lâm nghiệp60ha (18,57%); Đất nông nghiệp (nương rẫy) 192,6ha (59,63%), còn lại là đất khác. Độ dốc trung bình trên 25o. Khí hậu chia 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ không khí trung bình năm: 24,8oC; nhiệt độ tối cao: 28,5o­C; nhiệt độ tối thấp: 18,0oC; Độ ẩm trung bình: 74%; Lượng mưa bình quân năm: 1.394mm.

Bản Đồng Mã có 85 hộ với 424 nhân khẩu, 100% số hộ là người Mường. Lao động chính trong bản có 168 người, chiếm 39,62%. Thu nhập bình quân đầu 1.290.000 đ/người/năm. Nguồn thu nhập chính là canh tác nương rẫy (Ngô) chiếm 76,69%.

2. Kết quả xây dựng các mô hình

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]