Nghiên cứu sinh Lê Thành Công bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp Viện

Sáng ngày 04/10/2021, tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu sinh (NCS) Lê Thành Công đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện, chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng, Mã sốchuyên ngành: 9 62 02 11 với tên đề tài: ” Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học phân hủy vật liệu cháy dưới tán rừng Thông nhựa và Thông mã vĩ từ nấm ở Việt Nam”. Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Phạm Quang Thu; TS Vũ Văn Định.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện có mặt đầy đủ với 07 thành viên do GS. TS. Võ Đại Hải làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng đánh giá cao những đóng góp của luận án, cụ thể như sau:

  • Luận án đã đạt được một kết quả chính:

– Đánh giá được đặc điểm VLC ở 4 địa điểm nghiên cứu.

– Phân lập được 42 chủng nấm từ đất mùn và lá thông rụng tại 5 địa điểm nghiên cứu, trong đó đã giám định được 22 loài.

– Nghiên cứu ghi nhận 10 loài nấm mới cho khu hệ vi nấm ở Việt Nam.

– Xác định được bốn chủng nấm Talaromyces pinophilus (HBN4.5), Trichoderma citrinoviride (LBN8.1), Penicillium sclerotiorum (SSN5.3) và Fomitopsis sp.2 (SSHN10) có mức độ an toàn sinh học cao và đều có khả năng phân giải cellulose rất mạnh.

   – Xác định được môi trường PD và CMC lỏng, tốc độ lắc 150 vòng/phút, thời gian nuôi cấy 12 ngày, nhiệt độ 25-30oC, pH 6-7, độ ẩm 80-90% là những điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất giống cho 4 chủng nấm được tuyển chọn.

– Xác định được giá thể hiệu quả nhất gồm 87,5% gạo ngâm để ráo nước, 10% cám gạo, 1% bột nhẹ, 1,5% D-glucose.

– Xác định được điều kiện và thời gian bảo quản chế phẩm: Chế phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phòng, thời gian 6 tháng

  • Luận án có một số đóng góp mới sau:

– Đã xác định được 22 loài nấm có hiệu lực phân giải cellulose mạnh và rất mạnh, trong đó 10 loài nấm mới ghi nhận cho khu hệ vi nấm ở Việt Nam gồm: Aspergillus chrysellus, Cladosporium halatolerans, Penicillium adametzii, P. austrosinicum, P. mariae-crucis, P. singorense, P. yezoense, Talaromyces pinophilus, Trichoderma citrinoviride Umbelopsis angularis.

– Đã xây dựng được quy trình tạo chế phẩm phân huỷ vật liệu cháy từ 3 chủng nấm có hiệu lực phân giải cellulose mạnh: Penicillium sclerotiorum (SSN5.3), Talaromyces pinophilus (HBN4.5) và Trichoderma citrinoviride (LBN8.1).

  • Về khoa học Luận án đã cung cấp các dữ liệu cơ sở khoa học phục vụ nghiên cứu tạo chế phẩm phân hủy vật liệu cháy từ nấm phân giải cellulose; Luận án đã mô tả một số loài mới cho khu hệ vi nấm ở Việt Nam.
  • Vệ thực tiễn Kết quả của luận án đã đánh giá khả năng phân giải cellulose của các chủng nấm dưới tán rừng thông; đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của các chủng nấm phân giải cellulose trong nuôi cấy thuần khiết; tạo ra chế phẩm sinh học phân hủy VLC dưới tán rừng Thông nhựa và Thông mã vĩ từ nấm góp phần hạn chế khả năng cháy rừng thông ở Việt Nam.
  • Công trình của NCS đã đáp ứng được yêu cầu của một luận án tiến sĩ Lâm nghiệp, chuyên ngành Quản lý Tài nguyên rừng cả về nội dung và hình thức.

Sau khi tiến hành bỏ phiếu đánh giá với kết quả 7/7 phiếu tán thành, Hội đồng biểu quyết thông qua Nghị quyết kiến nghị Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cấp học vị tiến sĩ Lâm nghiệp cho NCS Lê Thành Công với sự nhất trí 100%.

Một số hình ảnh của Buổi bảo vệ Luận án:

Nghiên cứu sinh và Hội đồng 

 

Nghiên cứu sinh tặng hoa cảm ơn Cơ sở đào tạo

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]