NCS La Ánh Dương bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện

Sáng ngày 26/11/2019, tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, nghiên cứu sinh (NCS) La Ánh Dương đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện, chuyên ngành Di truyền và chọn giống cây lâm nghiệp (mã số 9620207), với tên đề tài “Nghiên cứu đặc điểm biến dị và khả năng di truyền về sinh trưởng và mục ruột của Keo tai tượng (Acacia mangium Willd.) trong các khảo nghiệm hậu thế thế hệ 2” với sự hướng dẫn khoa học của PGS. TS. Nguyễn Hoàng Nghĩa và TS. Phí Hồng Hải.

Các đại biểu tham dự buổi lễ có TS. Đoàn Văn Thu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, các giáo viên hướng dẫn cùng một số bạn bè và người thân của NCS.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện có mặt đầy đủ với 07 thành viên do GS. TS. Lê Đình Khả làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng đánh giá cao những đóng góp của luận án, cụ thể như sau:

  • Luận án đã đạt được một kết quả chính sau: i) Xác định được mức độ biến dị về sinh trưởng, chất lượng thân cây và mức độ mục ruột ở các gia đình trong các vườn giống Keo tai tượng thế hệ 2; ii) Đã ứng dụng phương pháp đánh giá gián tiếp mức độ mục ruột bằng thiết bị ArborSonic 3D; iii) Xác định được hệ số di truyền của bệnh mục ruột ở Keo tai tượng ở mức thấp đến trung bình với hệ số biến động di truyền lũy tích tương đối cao; iv) Mức độ tương quan giữa bệnh mục ruột với các các chỉ tiêu sinh trưởng là yếu, chứng tỏ chọn giống theo các chỉ tiêu sinh trưởng tương đối độc lập với bệnh mục ruột và ngược lại; v) Tương quan giữa các lập địa về bệnh mục ruột là rất thấp, chứng tỏ mức độ tương tác kiểu gen – hoàn cảnh là cao, do đó việc chọn giống chống chịu bệnh mục ruột phải được tiến hành độc lập trên các vùng sinh thái khác nhau; vi) Chọn được 18 gia đình Keo tai tượng sinh trưởng nhanh, có khả năng chống chịu bệnh mục ruột.
  • Luận án có một số đóng góp mới sau: i) Đã nghiên cứu một cách tương đối toàn diện về mức độ biến dị, khả năng di truyền của bệnh mục ruột và quan hệ giữa bệnh mục ruột với các tính trạng sinh trưởng, chất lượng thân cây ở Keo tai tượng trong khảo nghiệm hậu thế thế hệ 2 ở Việt Nam; ii) Lần đầu tiên áp dụng phương pháp đánh giá gián tiếp bệnh mục ruột bằng thiết bị ArborSonic 3D cho Keo tai tượng tại Việt Nam.
  • Về khoa học, luận án đã bổ sung những hiểu biết về đặc điểm biến dị, khả năng di truyền mức độ mục ruột, và tương quan giữa các tính trạng sinh trưởng, chất lượng gỗ với bệnh mục ruột, làm cơ sở cho chọn giống Keo tai tượng. Về thực tiễn, luận án đã xác định được phương pháp đánh giá gián tiếp mức độ mục ruột bằng thiết bị ArborSonic 3D để áp dụng trong nghiên cứu chọn tạo giống chống chịu bệnh mục ruột, đã chọn lọc được một số gia đình Keo tai tượng có sinh trưởng nhanh, chất lượng thân cây tốt, mức độ mục ruột thấp.
  • Công trình của NCS đã đáp ứng được yêu cầu của một luận án tiến sĩ Lâm nghiệp, chuyên ngành Di truyền và chọn giống cây lâm nghiệp cả về nội dung và hình thức.

Sau khi tiến hành bỏ phiếu đánh giá với kết quả 7/7 phiếu tán thành, Hội đồng biểu quyết thông qua Nghị quyết kiến nghị Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cấp học vị tiến sĩ Lâm nghiệp cho NCS La Ánh Dương với sự nhất trí 100%.

Ảnh: NCS La Ánh Dương (cầm hoa), Hội đồng đánh giá luận án và đại biểu

Lễ bảo vệ được tổ chức theo đúng quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ. NCS đã trình bày các kết quả nghiên cứu chính của luận án và trả lời đầy đủ các câu hỏi của các thành viên Hội đồng.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm kiếm toàn văn luận án tại Thư viện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam./.

ĐTHT

 

 

 

 

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]