Kết quả nghiên cứu bước đầu về khả năng phục hồi rừng tự nhiên lá rộng thường xanh sau nương rẫy ở Tây nguyên

Võ Đại Hải – Trần Văn Con và các cộng tác

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Tây Nguyên bao gồm 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Lâm Đồng với tổng diện tích 57.373 km2 và dân số 4.058.512 người (số liệu năm 1999). Đây là vùng đất có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng đối với cả nước. Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên thuận lợi với khí hậu nhiệt đới nắng ấm, mưa nhiều; diện tích che phủ của rừng còn rất lớn với nguồn tài nguyên sinh học phong phú. Đất đai Tây Nguyên rất phong phú và còn tương đối màu mỡ, đặc biệt là quĩ đất Bazan thể hiện tiềm năng rất lớn cho phát triển nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, những thế mạnh và tiềm năng to lớn của Tây Nguyên chưa được khai thác và sử dụng đúng mức, rừng vẫn tiếp tục bị chặt phá và diện tích ngày càng giảm sút. Một trong những nguyên nhân là tình trạng phá rừng làm nương rẫy của một bộ phận rất lớn đồng bào các dân tộc bản địa Tây Nguyên còn phụ thuộc vào cuộc sống du canh du cư.

Quá trình phục hồi rừng sau nương rẫy chính là yếu tố quan trọng để thực hiện nông nghiệp du canh quay vòng. Trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998-2010, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác trồng rừng, vấn đề phục hồi rừng tự nhiên cũng rất được quan tâm chú ý. Tuy nhiên, nghiên cứu về vấn đề này còn rất ít ỏi vì đây là cả một quá trình diễn thế lâu dài, phức tạp. Nhằm góp phần xây dựng các cơ sở khoa học cho việc phục hồi rừng sau nương rẫy, trong khuôn khổ dự án nghiên cứu: “Nghiên cứu và đề xuất các biện pháp kỹ thuật để thiết lập và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn ở Tây Nguyên, Việt Nam” do tổ chức khoa học quốc tế của Thuỵ Điển tài trợ chúng tôi đã tiến hành đánh giá khả năng phục hồi rừng tự nhiên lá rộng thường xanh. Chuyên đề này do Tiến sỹ Trần Văn Con và các cộng tác viên của Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Namthực hiện.

Địa điểm nghiên cứu thuộc địa bàn xã Sơ Pay, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai có độ cao phổ biến trên 1000m với các đặc trưng chính sau đây:

Về chế độ nhiệt: Điều kiện nhiệt hạn chế (tổng tích ôn dưới 8000oC). Nền nhiệt độ thấp, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất (tháng 1) dưới 16oC, nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối có khả năng dưới 5oC, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến trên dưới 30 oC .

Chế độ ẩm: Nhìn chung lượng mưa bình quân hàng năm trên 2.400 mm (ba tháng mưa nhiều nhất là tháng 9, 10 và 11). Mùa hạ thừa ẩm, mùa đông đủ ẩm thuộc kiểu khí hậu núi cao. Độ ẩm bình quân hàng năm trên 90%, phía Namhuyện dưới 90%.

Một trong những yếu tố hết sức quan trọng để thực vật sinh trưởng và phát triển là chế độ nhiệt ẩm, được thể hiện qua một số chỉ tiêu phản ánh sự đảm bảo nước cho thực vật. Các chỉ tiêu này phản ánh chế độ nhiệt ẩm của vùng K’Bang là vùng khí hậu của thảm thực vật rừng mưa nhiệt đới lá rộng thường xanh.

Đây là vùng đất đai còn khá mầu mỡ, các kiểu canh tác trên rẫy du canh của người dân tộc Bahna chủ yếu gồm các loài cây sau: lúa cạn, ngô, sắn, đậu xanh, đậu cu ve,…; độ dốc các rẫy trong vùng thuộc diện thấp, trung bình <200. Hình thức canh tác của người Bahna thường là luân canh, mỗi rẫy mới được phát có thể canh tác từ 2-4 vụ (phụ thuộc vào độ phì, năng suất rẫy, tình hình cỏ dại), sau đó được bỏ hoá và quay lại canh tác sau khoảng 15 năm. Ngày nay do nhiều sức ép nên thời gian bỏ hoá đã rút ngắn xuống còn 7 năm.

I. Phương pháp nghiên cứu

1.1. Phương pháp lập ô tiêu chuẩn và thu thập số liệu

Do điều kiện về thời gian nghiên cứu, đề tài đã sử dụng phương pháp bố trí hệ thống các ô tiêu chuẩn tạm thời với quan điểm “lấy không gian thay thế thời gian”. Chỉ tiêu để chọn ô điều tra: (i) Tuổi của rừng phục hồi (từ khi bỏ hóa); (ii) Lịch sử canh tác trước đó; và (iii) Điều kiện lập địa. Diện tích ô tiêu chuẩn là 900m2 được thiết kế thành 3 phần (xem hình vẽ).

-Phần A là hình vuông lớn (30x30m) để điều tra tất cả các cây gỗ có đường kính ngang ngực >5 cm và có chiều cao >1,3 m, ghi lại các thông số sau: Loài, chiều cao vút ngọn, đường kính ngang ngực, đường kính tán, sức sống,…

-Phần B: Hình chữ nhật (5×30 m) thống kê ghi lại tất cả các cây gỗ có đường kính ngang ngực <5 cm và chiều cao >1,3 m, ghi lại các thông số: loài, chiều cao vút ngọn, đường kính ngang ngực, độ che phủ, sức sống,…

-Phần C: 13 ô vuông dạng bản (2x2m) để đếm các cây tái sinh có chiều cao nhỏ hơn 1,3 m, độ che phủ.

Các ô tiêu chuẩn được chọn theo chuỗi thời gian sau bỏ hóa từ 1 cho đến trên 10 năm và được chia thành 3 cấp bỏ hoá: Cấp 1: từ 1-3 năm; Cấp 2: từ 4-7 năm; Cấp 3: >7 năm. Thông tin về thời gian bỏ hóa và lịch sử sử dụng đất của rừng phục hồi được thu thập thông qua phỏng vấn dân sở tại (thường là các chủ rẫy bỏ hóa).

1.2. Phương pháp phân tích các thông số cấu trúc

Các thông tin thu thập được qua các ô điều tra ở 3 phần của ô tiêu chuẩn được dùng để đánh giá các nội dung sau: Độ che phủ của thảm thực vật (tính cả cây thân thảo), mật độ, tổ thành loài cây, động thái thay đổi tổ thành cây theo thời gian, sự thay đổi về độ phì của đất (thông qua thảm thực vật phục hồi), các chỉ tiêu sinh trưởng H, D,…

Cấu trúc tổ thành loài là thành phần cá thể của các loài tham gia tạo nên quần xã thực vật cũng như vai trò và quan hệ tương tác giữa các loài đó. Các chỉ tiêu để phân tích các thông số cấu trúc gồm:

Tổng số cây của mỗi loài trong ô điều tra (độ nhiều tương đối).

Tổng tiết diện tròn của từng loài (ưu thế tương đối), thể hiện giá trị vai trò của mỗi loài trong quần xã.

Tỷ lệ hỗn loài = số loài chia cho tổng số cây: Để phân biệt các pha diễn thế (động thái tổ thành) theo tỷ số hỗn loài, chúng tôi phân biệt hai loại tỷ số hỗn loài như sau: (i) HL1 = Số loài/tổng số cây; (ii) HL2 = số loài có độ nhiều tương đối >5%/ tổng số cây.

Để đánh giá mức độ phục hồi rừng, dùng độ tàn che của những cây gỗ có H>1,3 m và D1,3>5 cm, tương đương với các cây có chiều cao từ 3-5 m trở lên (Trần Đình Lý, 1996), ký hiệu là K: Nếu K< 0,3 chưa có rừng; K= 0,3-0,6 rừng thưa; K> 0,6 rừng kín.

II. Kết quả nghiên cứu:

2.1. Kết quả điều tra, đánh giá khả năng phục hồi rừng sau nương rẫy ở Kon Hà Nừng:

Số liệu điều tra được tổng hợp ở bảng 1.

Bảng 1: Tổng hợp kết quả điều tra khả năng phục hồi rừng sau nương rẫy tại Kon Hà Nừng

Pha diễn thế (năm) Tổng số cây có H<1,3m

(Cây/ha)

Số cây H>1,3

D1,3<5

Số cây H>1,3

H1,3>5

H bình quân (m) G bình quân (m2/ha) Độ tàn che K

(%)

HL2
1-3 3000 1300 280

v=”63%

4,8

v=”21%

1,7

v=”21%

1/6

v=”69%

4-7 4600 1350 1120

v=”45%

11,5

v=”20%

10,4

v=”68%

0,4

v= 36%

1/29

v=”62%

>7 4100 1400 1130

v=”23%

12,9

v=”15%

15,0

v=”31%

0,6

v=”42%

1/18

v=”44%

Kết quả phân tích số liệu thu được cho thấy ngay từ năm đầu tiên bỏ hoá, độ che phủ của thảm thực vật đã đạt đến 100%, chủ yếu là những cây thân thảo (thảm cỏ, dây leo, cây bụi thấp). Trong giai đoạn từ 1-3 năm đầu, các loài cây bụi, cây tiên phong ưa sáng cạnh tranh mạnh mẽ với thảm cỏ này cho đến khi nó che bóng và tiêu diệt dần thảm cỏ (từ năm thứ 4). Dùng tỷ số hỗn loài của các nhóm loài có độ nhiều tương đối >5%, ta thấy: đến tuổi 3 phân biệt giữa HL1 và HL2 chưa rõ ràng, nghĩa là ở giai đoạn đầu chưa có loài nào chiếm ưu thế rõ rệt. Bắt đầu từ tuổi 4 HL2 giảm đi rõ rệt, cấu tạo lâm phần lúc này cho thấy khá đồng nhất về mặt tổ hợp loài. Đến tuổi 8 HL2 lại lớn hơn vì số loài có độ nhiều >5% tăng lên, lúc này số cây/ha đã ổn định hơn.

Với tỷ số hỗn loài HL2 có thể phân diễn thế của rừng tự nhiên lá rộng thường xanh phục hồi sau nương rẫy tại vùng nghiên cứu ra 3 pha:

Pha 1:(từ 1-3 năm): Cây bụi tiên phong với một tỷ lệ hỗn loài tương đối cao (HL2=”1/6″ với hệ số biến động v=”69%).” Số cá thể có đường kính ngang ngực >5 cm và H>1,3 m trung bình là 280 cây/ha (v=”63%),” chúng đạt được một tiết diện ngang khoảng 1,7 m2/ha và chiều cao trung bình đạt 4,8 m (v=”21%),” các loài chủ yếu xuất hiện trong pha này là các loài cây tiên phòng ưa sáng: Hu đay, Ba soi, Ba bét,… với một sự tái sinh rất phong phú. Độ tàn che của các cây gỗ có chiều cao trên 3m <0,3, theo phân loại của Trần Đình Lý xem như chưa có rừng.

Pha 2:(từ 4-7 năm): Rừng thứ sinh non được hình thành và có đặc trưng rõ nét về sự đồng nhất về quần thể, hệ số hỗn loài nhỏ hơn nhiều so với pha 1 (HL2=”1/29″ với v=”62%)” do số lượng cá thể của các loài tiên phong dẫn đến. Tổng số cây có D1,3>5 cm và H>1,3m đạt bình quân 1.120 cây/ha (v=”45%);” độ tàn che đạt khoảng K=”0,4″ (biến động v=”36%).” Do tỷ lệ của các loài tiên phong ưa sáng (Hu đay) tương đối lớn (>48%) nên các loài còn lại khác không có ý nghĩa thực tế. Trong khi thành phần thực vật (quần thể) trong pha diễn thế này hầu như không thay đổi thì cấu trúc kích thước của nó biến đổi rất mạnh. Sinh trưởng chiều cao mạnh của các loài Hu đay, Ba soi,… đã hình thành nên hai tầng rừng theo chiều thẳng đứng của rừng thứ sinh: Tầng cây bụi và tầng cây gỗ phía trên. Thảm thực bì mặt đất hầu như đã bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho các loài ưa bóng phát triển. Chiều cao bình quân của rừng lúc này đạt 11,5 m (v=”20%)” với tiết diện ngang chừng 10,4 m2 (v=”68%).”

Pha 3: (trên 7 năm): So với 2 pha đầu, rừng có cấu trúc quần thể phức tạp và kích thước lớn hơn. Hệ số hỗn loài bình quân HL2=”1/18″ (v=”44%).” Vào đầu pha này, các loài cây tiên phong ưa sáng có dấu hiệu giảm dần về độ nhiều, các cá thể của những loài ưa bóng (có giá trị kinh tế) tăng dần lên thay vào đó, vì vậy mà tổng số cây bình quân/ha so với pha 2 không mấy thay đổi, đạt 1.130 cây/ha (v=”23%),” nhưng do tán của nó phát triển mạnh nên độ tàn che đã được nâng lên (K= 0,6 ; v=”42%).” Trong khi các đại diện của nhóm loài cây tiên phong không thấy xuất hiện cây tái sinh, thì các loài khác có sự tái sinh khá mạnh mẽ (trên 4.000 cây/ha). Nhưng lớp cây tái sinh này không đủ ánh sánh để chúng sinh trưởng và phát triển. Cây tái sinh có chiều cao trên 1,3 m hầu như không tăng lên so với pha 2. Chiều cao bình quân của rừng trong pha này đạt 12,9 m. (v=”15%)” và tiết diện ngang là 15 m2/ha (v=”31%). Tuy nhiên, sự phân chia thời gian các pha diễn thế trên đây chỉ mang tính chất tương đối mà thôi vì khả năng phục hồi rừng sau nương rẫy còn phụ thuộc khá nhiều vào các nhân tố khác như cường độ canh tác, cự ly từ rẫy tới vách rừng tự nhiên (khả năng gieo giống của rừng),… Chính vì vậy mà thời gian của pha 1 có thể kéo dài tới 4-5 năm, pha 2 có thể kéo dài tới từ năm thứ 5 tới năm thứ 9-10.

Số liệu thống kê các loài có mặt trong các ô tiêu chuẩn là 45 loài, đạt bình quân từ 26-40 loài/ha, so với rừng tự nhiên ở Kon Hà Nừng khoảng 60-70 loài/ha. Như vậy, sự phong phú về loài ở rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy đã giảm đi một cách đáng kể, chất lượng rừng cũng bị giảm sút. Điều này cũng phù hợp với nhận định và đánh giá cho rằng phục hồi rừng sau nương rẫy là một quá trình diễn thế đi xuống, phải mất một thời gian rất dài chất lượng rừng mới đạt được trạng thái ban đầu. Kết quả phân tích các loài tái sinh xuất hiện trong rừng phục hồi sau nương rẫy ở Kon Hà Nừng trong 3 pha diễn thế cho phép phân chia thành 3 nhóm loài theo phản ứng phát triển (tái sinh, số cá thể, phát triển chiều cao, đường kính,…):

Nhóm thứ nhất: Gồm những loài cây tiên phong tạm cư có đời sống ngắn, giá trị kinh tế không cao chủ yếu thuộc các họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae), cà phê (Rubiaceae),… thường xuất hiện ở pha đầu với số lương rất lớn và giảm dần ở cuối pha 2 và mất hẳn ở pha 3.

-Nhóm thứ hai:là những loài cây ưa sáng, chịu được bóng trong giai đoạn đầu, xuất hiện vào cuối pha 1 (từ năm thứ 3) và sinh trưởng rất nhanh về chiều cao để vươn lên tầng trên. Đây là các loài cây thuộc nhóm gỗ từ IV-VIII ở các họ: Xoan (Meliaceae), họ Long não (Lauraceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Dầu (Dipterocarpaceae).

Nhóm thứ 3: gồm các loài chịu bóng, phát triển chậm, gỗ có giá trị cao xuất hiện nhiều dần ở pha hai khi các loài tiên phong đã phủ kín tiêu diệt hết thảm thực bì mặt đất.

2.2 Một số kết luận bước đầu:

Rừng tự nhiên lá rộng thường xanh có quá trình tái sinh và diễn thế sau nương rẫy phức tạp, có thể phân biệt được ba pha diễn thế với những đặc trưng động thái rõ ràng. Sau khi bỏ hóa trên 10 năm, rừng phục hồi có thành phần thực vật gần với rừng tự nhiên chưa bị tác động mạnh. Tuy nhiên sự phong phú về loài không bằng rừng nguyên sinh và đặc biệt là chất lượng rừng kém hơn nhiều. Quá trình diễn thế của rừng thường có xu hướng đi xuống.

Muốn diện tích canh tác nương rẫy được hồi phục thành rừng có hiệu quả, cần phải hội tụ đủ các điều kiện sau: (i) Diện tích làm rẫy không quá lớn (dưới 3 ha), và xung quanh rẫy bỏ hóa phải có rừng tự nhiên, hoặc trên diện tích làm rẫy phải chừa lại đủ số lượng cây mẹ để gieo giống; (ii) Quá trình bỏ hóa để rừng phục hồi cần đủ lớn trên 15 năm; (iii) Trong những trường hợp cần thiết nên áp dụng các biện pháp xúc tiến tái sinh để thúc đẩy quá trình phục hồi rừng sau nương rẫy như: đốt thảm thực bì; xúc tiến tái sinh bằng tác động xới đất để hạt tiếp xúc tốt; trồng bổ sung; hạn chế lửa rừng trong những năm đầu,…

Tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Con: Đánh giá khả năng phục hồi rừng sau nương rẫy. Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới, Gia Lai tháng 12 năm 2000.

2. Trần Đình Lý: Nghiên cứu xác định diện tích và hệ thống biện pháp kỹ thuật cho việc khoanh nuôi phục hồi rừng. Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước: Khôi phục rừng và phát triển lâm nghiệp, mã số KN.03. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội 1996.

3. Đỗ Đình Sâm: Tổng luận phân tích nông nghiệp du canh ở Việt Nam. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Hà Nội 1996.

Preliminary research results on potential rehabilitation of natural evergreen broad-leaved forests after slash-and-burn cultivation in the Central Highland.

Summary:Natural evergreen broad-leaved forests undergo complex and long-term regeneration and rehabilitation process after slash and burn cultivation. Three forest succession phases however can be identified through features concerning tree species; Phase1: from the 1st to 3rd year: The phase of pioneer, light demanding bush and small timber tree species with short life; Phase 2: From the 4th to 7th year: The phase of young forest with pioneer light demanding and shade tolerant species as dominant ones in early stage; Phase 3: From 8th year on wards: Rehabilitated forest with restored initial species composition and there appear shade tolerant, slow-growth species with timber of high economic value.

***************************************

Kết quả bước đầu và một số kinh nghiệm từ dự án:

“áp dụng tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình sử dụng đất hợp lý

nhằm phục hồi môi trường sinh thái và góp phần tăng thu nhập của nông dân vùng núi Nham Biền, huyện Yên Dũng – Bắc Giang “

Ngô Đình Quế và cộng sự

Trung tâm Nc Sinh tháI và Môi trường rừng

Yên Dũng là huyện miền núi nghèo của tỉnh Bắc Giang. Tài nguyên rừng cạn kiệt. Toàn bộ rừng tự nhiên bị phá huỷ từ nhiều thập kỷ nên phần đồi núi bị xói mòn nghiêm trọng. Rừng thông trồng đến năm 1984 bị phá huỷ hoàn toàn. Rừng trồng chỉ có 876 ha mới trồng trong 5 năm gần đây. Đất lâm nghiệp còn lại là đồi núi trọc tập trung ở núi Nham Biền. Đây là một dải núi có diện tích khoảng 2000ha nằm ở giữa đồng bằng với gần 100 ngọn núi cao thấp khác nhau. Các đỉnh cao nhất 261 m, đỉnh trung bình và thấp khoảng 100m trên mặt biển.

Thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Quyết định số 72 / HĐBT của Chính phủ về việc phát triển toàn diện kinh tế xã hội ở miền núi nhằm ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường trong các hoạt động hỗ trợ khoa học công nghệ các tỉnh miền núi và dân tộc đã chấp thuận cho xây dựng và tổ chức thực hiện dự án : “áp dụng tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình sử dụng đất hợp lý nhằm phục hồi môi trường sinh thái và góp phần tăng thu nhập của nông dân vùng núi Nham Biền huyện Yên Dũng – Bắc Giang ” và giao cho Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và MT tỉnh Bắc Giang thực hiện từ tháng 12 / 1997 – 12 / 2000.

Hai điểm được lựa chọn để xây dựng mô hình là thôn Bình An thuộc xã Tiền Phong và làng Vây thuộc thị trấn Neo. Hai thôn này đại diện cho các xã thuộc khu vực núi Nham Biền, huyện Yên Dũng.

Mục tiêu, nội dung và phương pháp của dự án

1.1. Mục tiêu của dự án

+ Tạo được mô hình sử dụng đất dốc, bền vững, phù hợp cho đối tượng đất đồi núi trọc bị suy thoái điển hình tại núi Nham Biền, nhằm phục hồi môi trường và đưa lại thu nhập lâu dài cho hộ nông dân vùng trung du.

+ Chuyển giao các mô hình kỹ thuật nói trên cho nông dân trong huyện học tập và áp dụng ở các nơi có điều kiện tương tự.

1.2. Nội dung.

Nội dung 1.Xây dựng mô hình phục hồi rừng phần sườn và đỉnh núi Nham Biền nhằm chống xói lở, bảo vệ vườn quả và tạo môi trường sống cho các làng mạc xung quanh (20ha/ 20 hộ gia đình). Các cây chính là: Thông Caribeae, trám, keo, … và cây họ Đậu phủ đất như: Cốt khí, đậu triều …

Nội dung 2.Xây dựng mô hình cây ăn quả thân gỗ dài ngày trên đất dốc nhằm tăng thu nhập, phủ xanh đất với diện tích 10ha/ 20 hộ gia đình. Cây chính là vải thiều, nhãn, na và bổ sung cây mới như hồng, xoài ghép, đu đủ Đài Loan, dứa.

Nội dung 3.Tập huấn để chuyển giao các kỹ thuật nói trên cho 10 xã quanh núi Nham Biền. Ngoài ra dự án sẽ đề xuất các giải pháp và chính sách liên quan đến áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho dự án 5 triệu ha rừng ở các vùng tương tự.

1.3 Phương pháp tiến hành.

– Thảo luận bàn bạc thống nhất với chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện và xã nơi thực thi dự án như: Thành lập Ban chỉ đạo và điều hành dự án, địa điểm và số hộ tham gia.

– Thành lập các nhóm hộ thực hiện mô hình được xem xét về điều kiện và năng lực tiếp nhận, trên cơ sở tự nguyện có lao động và đất được giao, có nhóm trưởng là người đại diện tổ chức, vận động, tiếp nhận vật tư cây giống cho các hộ trong nhóm.

– Huy động đội ngũ cán bộ KHKT, các chuyên gia có kinh nghiệm của đơn vị, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Phòng Nông nghiệp huyện trực tiếp tham gia triển khai trên cơ sở thống nhất cơ chế chính sách khuyến khích cán bộ làm việc ở địa phương.

– Thiết kế đo đạc mô hình cho từng hộ tham gia dự án.

– Tập huấn kỹ thuật: Mở các lớp tập huấn cho người dân tham gia dự án về kỹ thuật gây trồng, chăm sóc cây rừng, cây ăn quả, kỹ thuật canh tác trên đất dốc, quản lý trang trại. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác nơi có mô hình sản xuất giỏi.

– Tổ chức hội nghị đầu bờ, sơ tổng kết từng giai đoạn, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường của dự án. 2. Các kết quả đạt được của dự án

2.1. Xây dựng mô hình trồng rừng phục hồi môi trường sinh thái vùng đồi núi trọc Nham Biền.

– Với sự tham gia của 21 hộ gia đình dự án đã trồng 16 ha thông trong đó có 12.5ha rừng thông Caribeae. Tỷ lệ sống trung bình 90 – 95%, thông sinh trưởng tốt, trong đó thông Caribeae sinh trưởng tốt hơn hẳn thông nhựa.

Sau 3 năm thông Caribeae có D = 6.8cm, và chiều cao H = 1.68m; thông nhựa có D = 6.2cm, và chiều cao H = 1.55m.

– Đã trồng được 3ha keo lá tràm (Acacia auriculiformis) theo băng. Tỷ lệ sống trung bình đạt từ 85 – 90%. Sinh trưởng của keo lá tràm ở mức trung bình. Sau 3 năm, keo lá tràm có D = 6.0cm và có chiều cao trung bình H = 3.5m.

– Đã trồng được 1ha trám trắng (Canarium album ).

– Dự án đã trồng thêm ngoài kế hoạch 1ha Sở với tổng số 2000 cây. Tỷ lệ sống trung bình đạt 60 – 65%; sinh trưởng của cây sở nhìn chung xấu, tỏ ra không thích hợp với điều kiện lập địa vùng núi trọc Nham Biền.

Như vậy, dự án đã trồng được 21 ha (làm thêm 1 ha Sở). Các cây trồng rừng nhìn chung sinh trưởng tốt và có nhiều triển vọng; từ đó đã khẳng định cơ cấu các loài cây trồng rừng của dự án là có cơ sở khoa học và thực tiễn.

2.2. Xây dựng mô hình vườn quả trên đất dốc.

Dự án đã cung cấp hơn 3000 cây giống ăn quả, chủ yếu là các giống cây thân gỗ dài ngày, có tán lá rộng, độ che phủ đất tốt, rễ ăn sâu, phù hợp với khí hậu và đất đai ở Yên Dũng, có giá trị kinh tế tương đối cao và có thị trường tiêu thụ lâu dài như: Vải thiều Lục Ngạn (giống chiết), hồng không hạt, xoài (gốc ghép Yên Châu + mắt ghép Quảng Đông -Trung Quốc), na dai, đu đủ Đài Loan, quýt, dứa để xây dựng các đường băng cây xanh, ngăn cản dòng chảy chống xói mòn đất.

– Dự án đã cung cấp cho dân 13.500kg phân NPK để bón lót cho các cây ăn quả, một số cây lâm nghiệp và tiền mặt để xây dựng bể nước treo nằm ngang sườn đồi, trữ nước tưới cho vườn quả trong mùa mưa và mùa khô.

– Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thước chữ A để xây dựng các bậc thang trồng cây ăn quả và các băng cây xanh: Cốt khí + dứa theo đường đồng mức, chống xói mòn.

– Sau 3 năm thực hiện dự án, đã trồng được 10.7ha vườn cây ăn quả trên đất dốc, vượt kế hoạch 0.7ha. Các cây ăn quả trồng có tỷ lệ sống cao > 90%. Mặc dù trồng trong điều kiện thời tiết ở địa phương không được thuận lợi, như nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới … chỉ sau 18 tháng đường kính D:4.7cm và chiều cao trung bình Htb> 1.5m; nhiều cây đã bắt đầu cho quả. Các loài cây vải thiều, hồng không hạt, đu đủ Đài Loan có nhiều triển vọng tốt và một số cây đã bắt đầu ra trái và có thu hoạch.

2.3. Xây dựng được mô hình sử dụng đất dốc bền vững SALT + VAC trên đất đồi núi trọc xấu ở Nham Biền.

– Trong những năm 1987 – 1989 các mô hình sử dụng đất dốc bền vững SALT1, SALT 2, SALT 3, SALT4 đã được nghiên cứu thành công ở Philippines và đã được áp dụng ở nhiều nước Đông Nam á, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, mô hình SALT áp dụng ở dự án đã được thay đổi một cách sáng tạo để phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội ở địa phương vùng đồi núi trọc Nham Biền.

Sườn cao và đỉnh: 70% diện tích được trồng rừng: Thông Caribeae, thông nhựa nơi cao và có độ dốc lớn, trồng hỗn loài: Thông + keo lá tràm hoặc keo lai nơi có độ dốc thấp.

– Sườn thấp và chân: Chiếm 30% tổng diện tích xây dựng vườn quả cây thân gỗ. Các bậc thang và các đai băng cây xanh theo đường đồng mức kết hợp với mô hình vườn + ao + chuồng ( V.A.C).

– Các ao nuôi cá ở chân đồi chứa nước từ các dòng chảy trên mặt đất dốc trong mùa mưa và từ các dòng chảy kiệt theo các khe suối chảy tới các vùng thấp trong mùa khô.

– Đặc biệt, dự án đã làm bể treo trên các sườn đồi cao để chứa nước từ dòng chảy trên mặt trong mùa mưa. Biện pháp đó có tác dụng làm giảm bớt khối lượng nước chảy trên mặt đất trong mùa mưa và có nước tưới cho vườn quả nằm ở phía dưới, trong những ngày trời nắng, không mưa. Đến mùa khô, bể treo chứa nước bơm từ ao dưới chân đồi để tưới cho vườn quả nằm ở sườn thấp.

Như vậy, dưới tác dụng của rừng phục hồi môi trường sinh thái, hạn chế dòng chảy, chống xói mòn, tăng dòng chảy kiệt, tăng độ ẩm của đất, kết hợp với các băng cây xanh, và các bậc thang theo đường đồng mức và phân bón cung cấp cho các vườn cây ăn quả, cộng với mô hình VAC và bể treo, thì đây là một mô hình sử dụng đất dốc bền vững, có cơ sở khoa học vững chắc, mang lại hiệu quả kinh tế, với mức độ đầu tư vừa phải ở vùng đồi núi trọc Việt Nam, mà chúng ta cần nhân rộng ra, sau khi dự án kết thúc.

3. Kết luận, kinh nghiệm và kiến nghị.

3.1. Kết luận

Qua 3 năm thực hiện dự án, Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng – Viện KHLN Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, Phòng Nông nghiệp huyện, Sở KHCN và Môi trường tỉnh Bắc Giang, UBND các xã nơi thực hiện Dự án, cùng với sự tích cực hưởng ứng của bà con nông dân và đạt kết quả tốt.

– Kết quả xây dựng mô hình đã xác định được cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, cây ăn quả, cây cải tạo đất, tạo nên mô hình sử dụng đất dốc bền vững và có hiệu quả.

– Thông qua tập huấn, người nông dân được trang bị kiến thức khoa học về trồng rừng, xây dựng vườn quả, canh tác trên đất dốc, thâm canh cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế canh tác nông lâm nghiệp trên đất dốc.

– Nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn miền núi.

Từ những kết quả đạt được của dự án các cấp có trách nhiệm đang tìm các giải pháp triển khai nhân rộng mô hình của dự án gắn liền với chương trình 5 triệu ha rừng mà Chính phủ giao cho tỉnh Bắc Giang.

3.2. Các kinh nghiệm.

– Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt là với xã và huyện.

– Việc xác định các mô hình sản xuất và cơ cấu cây trồng phải dựa vào các điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất và nguyện vọng của người dân địa phương, không thể áp đặt các mô hình ở nơi khác vào và cũng không thể chỉ lấy các mô hình đã có ở địa phương để áp dụng.

– Việc tiến hành tập huấn kỹ thuật phải được thực hiện trước khi thực thi các hạng mục công trình của dự án để người dân biết mình cần phải làm gì sau khi quy hoạch đất đai sản xuất cho gia đình họ.

3.3. Kiến nghị.

– Cần phải mở rộng mô hình ở Yên Dũng 70% là trồng rừng, 30% diện tích là xây dựng vườn quả, để trong thời gian rừng trồng chưa được khai thác người dân vẫn có thu nhập thường xuyên và lấy vườn quả để đầu tư chăm sóc rừng trồng.

– Nhà nước cần hỗ trợ giống cây tốt và kỹ thuật cho người dân.

– Xây dựng quỹ tín dụng ở các địa phương để cho người dân vay vốn trồng rừng, xây dựng vườn quả trong thời gian dài 5 – 10 năm với lãi xuất thấp, hoặc không lấy lãi.

Cần tổ chức các dịch vụ cung ứng giống cây con tốt và vật tư cho nông dân với giá cả khuyến khích và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Summary:The project of application of advanced techniques in establishing integrated, efficient land use models on denuded hills and bare land in the NhamBien mountainous region aimed at both restoration of ecological environment and improvement of the people’s income had been carried out from Dec.1997 to Dec. 2000. A preliminary result of the project is successfully establishing models of forest environment restoration on the side and on top of NhamBien mountain with a variety of forest tree species (20ha) such as; Pinus caribaea, P. merkusii, Acacia auriculiformis, A. hybria, Tephrosia candida (Soil cover); and a model of perennial fruit trees (10ha) of high value on sloping land such as Litchisinensis, longan, castard apple, persimmon, graft mango Taiwanese papaya, pine apple. In addition the project has also organized desmonstration courses for technology transfer serving the local people and the nearby communes, suggested an approach concerning advanced techniques application for the project 661 in similar regions.

***************************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]