Kế hoạch hành động Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Việt Nam đến 2015

Đỗ Đình Sâm, Phan Nguyên Hồng, Vũ Tấn Phương, Ngô Đình Quế

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Tóm tắt

Kế hoạch hành động Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Việt Nam đến 2015 được xây dựng trong khuôn khổ Hợp phần rừng ngập mặn Việt Nam thuộc dự án “Ngăn ngừa xu hướng suy thoái môi trường biển Đông và vịnh Thái Lan”. Kế hoạch hành động nhằm đẩy mạnh việc bảo vệ, phục hồi và sử dụng khôn khéo hệ sinh thái rừng ngập mặn (HSTRNM) Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững, đảm bảo các chức năng phòng hộ của rừng, các giá trị và tính đa dạng sinh học (ĐDSH) của HSTRNM đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường vùng cửa sông ven biển, đồng thời góp phần phối hợp thực hiện các hoạt động chung trong khu vực nhằm ngăn ngừa xu hướng suy thoái môi trường biển Đông và vịnh Thái Lan. Kế hoạch hành động gồm ba (3) mục tiêu cụ thể, chín (9) hành động và tám (8) dự án đề xuất nhằm giải quyết các tồn tại và thách thức trong quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Việt Nam hiện nay.

Từ khoá: Rừng ngập mặn, kế hoạch hành động, bảo vệ môi trường

Mở đầu

Giá trị to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Việt Nam, thực trạng quản lý rừng ngập mặn (RNM) sức ép hiện tại và tiềm ẩn lên RNM là những vấn đề cần được quan tâm, nhất là đối với các nhà quản lý, quy hoạch, hoạch định chính sách ở trung ương và đặc biệt ở cấp địa phương. Hơn nữa HSTRNM có liên quan chặt chẽ tới ngành thuỷ sản, tới các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, nằm trong chuỗi mắt xích gắn bó hữu cơ với nhau mà cho tới nay chúng ta chưa có những quy định pháp lý cụ thể về mối quan hệ, phối hợp hành động chung. Vì vậy một kế hoạch về bảo vệ và phát triển RNM là rất cần thiết trong khi chúng ta đã hình thành chiến lược quản lý đất ngập nước, chiến lược quản lý và bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN).

Trong chiến lược phát triển kinh tế hướng tới phát triển bền vững, HSTRNM và đất ngập nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế các địa phương ven biển, đặc biệt là hai đồng bằng quan trọng (sông Hồng và sông Cửu Long) nơi tập trung nhiều dân cư và là vựa lúa của quốc gia. HSTRNM, trước hết cung cấp sự đa dạng về các loại hình kinh tế, bổ sung cho sự phát triển nông nghiệp lúa gạo, cho vùng duyên hải tại hai đồng bằng này với các giá trị kinh tế trực tiếp trước mắt như khai thác gỗ, củi, lá, cành cây từ cây RNM, các loài thuỷ sản đặc biệt là nguồn giống tôm, cua con trong HSTRNM và các giá trị khác như dược phẩm, ngọc trai, mật ong vv.. Những giá trị trực tiếp này đã góp phần ổn định kinh tế cho nông dân vùng duyên hải, bổ sung và nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó nâng cao sản lượng và chất lượng cho sản xuất nông nghiệp.

Tầm quan trọng của xây dựng một chiến lược quản lý đất ngập nước còn thể hiện qua các chương trình bảo tồn sinh thái, môi trường mà HSTRNM mang lại các giá trị có tiềm năng lớn trong tương lai như du lịch, giải trí, giáo dục, đào tạo, phát triển cảnh quan, v.v… Những giá trị này có thể chưa được phát triển và khai thác với đúng tiềm năng của chúng, nhưng cần thiết được duy trì và đầu tư trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Sự kết hợp giữa phát triển và duy trì các giá trị kinh tế trực tiếp và hiện hữu cùng với sự bảo tồn các giá trị nói trên là chiến lược cơ bản cho phát triển bền vững, không chỉ cho các HSTRNM, đất ngập nước mà còn cho các vùng duyên hải Việt Nam.

Việt Nam là một nước có nhiều thiên tai và có tính nhạy cảm cao đối với các rủi ro môi trường. Do đó các tính năng môi trường của các HSTRNM, đất ngập nước có sự liên hệ chặt chẽ đối với sự phát triển kinh tế và bảo tồn những giá trị của các hệ sinh thái này. Các giá trị môi trường như chắn sóng, chắn gió bảo vệ đới bờ biển, chống xói mòn, cải tạo đất, cải tạo chất lượng nước, lưu giữ các chất ô nhiễm không đổ ra biển, cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên cho hệ sinh thái động thực vật, v.v… đều có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế và bảo tồn, mặc dù những giá trị này chưa được đánh giá cụ thể. Nhận thức sự quan trọng của các giá trị môi trường này trong kế hoạch bảo vệ và phục hồi RNM là một điều thiết yếu.

Bên cạnh những giá trị môi trường, HSTRNM còn cung cấp các nguồn gen vô cùng quý giá nhằm duy trì tính đa dạng sinh học (ĐDSH) của hệ động thực vật. Trong kế hoạch hành động về bảo vệ và phát triển RNM, cần thiết phải thiết lập một cơ chế nhằm bảo vệ sự đa dạng của các loài động thực vật và nhất là những nguồn gen quý hiếm. Chỉ có sự đa dạng và sự nguyên sơ của tự nhiên mới thu hút được các loài động vật từ khắp các nơi di cư đến và điều này càng làm tăng tính đa dạng của các khu rừng, đồng thời hạn chế được những rủi ro và những mối đe doạ đối với các loài động thực vật hiện đang bị săn lùng, đánh bắt một cách không có quy hoạch và quản lý. Bảo vệ được đa dạng sinh học không chỉ đem lại những giá trị về mặt sinh thái mà còn có giá trị rất lớn đối với kinh tế của địa phương trong việc phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái (DLST), giải trí, nghiên cứu và giáo dục. Đây mới chính là những vai trò quan trọng có giá trị mang tính xã hội của HSTRNM.

Các giá trị trên đây dù có thể lượng hoá được thành tiền theo các phương pháp trực tiếp hay gián tiếp cũng không thể nào thể hiện hết được tầm quan trọng của HSTRNM đối với tự nhiên nói chung và con người nói riêng.

Ngoài ra, trong phối hợp hành động chung các nước khu vực biển Đông và vịnh Thái Lan chống thoái hoá môi trường khu vực cũng đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về rừng ngập mặn trong khuôn khổ hoạt động của dự án.

Mặc dù đã có những tiến bộ nhất định trong quản lý, bảo vệ, phục hồi HSTRNM nhưng nhìn chung những tồn tại và thách thức vẫn còn đáng kể, đó là:

v Quản lý HSTRNM chưa được coi trọng đúng mức, nhất là ở địa phương có diện tích RNM không lớn và chưa chú trọng xây dựng một hệ thống quản lý RNM từ trung ương tới địa phương.

Theo Nghị định số 109/2003/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia liên quan đến nhiều ngành và nhiều tỉnh. Diện tích đất ngập nước còn lại do các Bộ khác (Bộ NN & PTNT; Bộ Thủy sản) trực tiếp quản lý, nhưng mối quan hệ sinh thái của nhiều kiểu đất ngập nước (ĐNN) lại khá chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Hiện chưa có ủy ban quốc gia quản lý ĐNN trong khi việc quản lý HSTRNM liên quan tới nhiều Bộ, ngành. Sự phối hợp trong quản lý giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và đặc biệt ở địa phương còn thiếu chặt chẽ.

ở Trung ương và địa phương hầu như không có bộ phận riêng theo dõi và giám sát RNM trừ một số tỉnh có diện tích RNM lớn. Điều quan trọng là chưa có những văn bản quy định về cơ chế phối hợp giữa các ngành ở Trung ương và địa phương trong việc quản lý HSTRNM.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý ở địa phương không những thiếu mà còn có nhiều hạn chế về kiến thức HSTRNM dẫn đến hạn chế năng lực nghiệp vụ trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn.

v Thiếu chính sách, qui định cụ thể về sử dụng rừng ngập mặn liên quan đến các lĩnh vực thuỷ sản, các ngành kinh tế khác. Hầu hết các văn bản mới tập trung vào khai thác sử dụng các giá trị kinh tế RNM, chưa coi trọng vai trò phòng hộ của RNM, đặc biệt bảo vệ HSTRNM và ĐDSH.

v Nhận thức của các nhà quản lý, cộng đồng và người dân về tầm quan trọng và giá trị của HSTRNM còn nhiều hạn chế. Do vậy ở nhiều địa phương đã xảy ra việc chặt phá RNM trên diện rộng để phát triển nuôi trồng thủy sản.

v Thiếu quy hoạch liên ngành có cơ sở khoa học và tính pháp lý về sử dụng đất trong đó có RNM ở địa phương (cấp tỉnh, huyện).

Các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương liên quan đến quản lý HSTRNM chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quy hoạch sử dụng đất và giám sát thực hiện. Trong các phương án quy hoạch Ngành thủy sản ở địa phương quan tâm nhiều tới việc phát triển nuôi trồng thủy sản mà chưa coi trọng đúng mức tới việc bảo vệ HSTRNM. Bên cạnh đó, thiếu những quy hoạch tổng thể và chi tiết ở cấp tỉnh và huyện đã dẫn đến việc phá RNM khá tùy tiện.

v Các nghiên cứu về HSTRNM còn nhiều khoảng trống, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý và sử dụng bền vững HSTRNM.

Nghiên cứu về ĐDSH và diễn biến của HSTRNM còn tản mạn, chưa có hệ thống hoặc mới ở một số vùng hẹp. Nghiên cứu về phục hồi rừng trên các điều kiện đất đai bị thoái hoá sau khi phá RNM cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Nghiên cứu về giá trị phòng hộ, môi trường và lượng giá kinh tế HSTRNM còn rất hạn chế.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]