Hội thảo “Giải pháp quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn vùng Nam Trung Bộ”.

Ngày 19/12/2022, tại Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn vùng Nam Trung Bộ”. Hội thảo là một trong các nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn vùng Nam Trung Bộ” do Viện Nghiên cứu Lâm sinh thực hiện từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2025.

Tham dự hội thảo có gần 50 đại biểu đến từ: Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, đại diện cho các cơ quan quản lý địa phương (Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm Lâm, Vườn Quốc Gia, Ban Quản lý rừng phòng hộ các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và các bên liên quan khác. GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các bài trình bày: Giới thiệu tổng quan về đề tài, Định hướng quản lý bền vững phòng hộ đầu nguồn vùng Nam Trung Bộ, Chính sách phục hồi và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn vùng Nam Trung Bộ, Giải pháp quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Thuận và Mô hình quản lý tổng hợp rừng phòng hộ đầu nguồn vùng Nam Trung Bộ.

Các đại biểu đã tổ chức thảo luận nhóm và chia sẻ nhiều vấn đề về các giải pháp phục hồi và phát triển bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn vùng Nam Trung Bộ như: i) Các giải pháp quản lý, cơ chế, chính sách; ii) Các giải pháp kỹ thuật, và iii) Định hướng xây dựng mô hình quản lý tổng hợp rừng phòng hộ đầu vùng Nam Trung Bộ.

Kết luận Hội thảo, GS.TS. Võ Đại Hải đã nhấn mạnh chủ đề của hội thảo là một trong những vấn đề quan tâm của cả ngành lâm nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực hoạch định và hướng dẫn thực thi chính sách cho việc quản lý bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn nói chung và vùng Nam Trung Bộ nói riêng. Kết quả của hội thảo sẽ định hướng cho việc thực hiện các nội dung của đề tài trong thời gian tới.

Một số vấn đề chính đã được xác định như sau:

– Về chính sách: cần làm rõ chính sách đầu tư, hưởng lợi, cơ chế phối hợp các bên liên quan và tổ chức quản lý của các ban quản lý rừng phòng hộ;

– Về kỹ thuật: cần nghiên cứu, điều chỉnh một số giải pháp kỹ thuật tác động cho từng đối tượng (rừng trồng phòng hộ và rừng tự nhiên phòng hộ) khác nhau theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện địa phương.

– Về mô hình quản lý tổng hợp: cần xác định rõ mô hình quản lý (khung mô hình quản lý bao gồm: khái niệm, điều kiện hình thành, cách thức vận hành, các hoạt động), mô hình quản lý theo hướng quản lý rừng đa mục đích nhằm quản lý bền vững nguồn tài nguyên rừng và tạo sinh kế bền vững cho các ban quản lý rừng phòng hô, cộng đồng và các bên liên quan khác.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]