Triển khai bếp đun cải tiến cho vùng nông thôn miền núi

Nguyễn Phú Nghiệp

Nguyên cán bộTrung tâmứng dụng KHKT Lâm nghiệp

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Việt Nam có trên 40 tỉnh trung du và miền núi, chất đốt dùng cho đun nấu, sinh hoạt gia đình, sưởi ấm chủ yếu là gỗ củi, hầu hết do phụ nữ và trẻ em đi lấy từ rừng và trực tiếp đun nấu hàng ngày.

Hiện nay ở những vùng này người dân chủ yếu sử dụng bếp cổ truyền là 3 cục kê hoặc kiềng sắt để đun nấu. Loại bếp này hiệu suất nhiệt thấp, khi đun nấu gây nhiều khói bụi và khí độc hại, là nguyên nhân gây bệnh về mắt và đường hô hấp, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người đun nấu.

Theo thống kê của Viện Năng Lượng, hàng năm cả nước tiêu thụ số gỗ củi để đun nấu từ 17-18 triệu tấn, lượng gỗ củi này tương đương 340 nghìn đến 360 nghìn ha rừng bị khai thác trắng. Đây là một trong các nguyên nhân làm cho rừng bị kạn kiệt, làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái gây hạn hán lũ lụt, rửa trôi đất đai, kạn kiệt nguồn nước sản xuất nông nghiệp, thuỷ điện và sinh hoạt hàng ngày của người dân miền núi.

Hoạt động triển khai bếplâm nghiệp (BLN)

Hiện nay rừng ngày càng cạn kiệt, nhiều vùng người dân phải đi xa nửa ngày đường mới kiếm được một gánh củi để đun nấu cho gia đình từ 2 đến 3 ngày. Nếu phải sưởi ấm chỉ dùng được từ 1 đến 2 ngày. Đặc biệt là phụ nữ miền núi, hàng ngày đi làm trên nương rẫy đã mệt mỏi, khi về còn thồ, địu củi, phải trèo đèo, lội suối rất cực nhọc.

Để giải quyết một phần khó khăn trên, cần có biện pháp sử dụng tiết kiệm chất đốt bằng cách dùng bếp cải tiến thay thế bếp truyền thống.

Từ năm 1989 Trung tâm ứng dụng KHKTLN thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đã nghiên cứu tuyển chọn được bếp cải tiến lâm nghiệp, đặt tên bếp là BLN. Đây là loại bếp đun kín, kiểu ngồi đun, dùng được tất cả chất đốt thực vật: củi, cây bụi, phế thải nông nghiệp. Vật liệu làm bếp có tại địa phương dễ mua dễ kiếm. Khi được hướng dẫn kỹ thuật người dân có thể tự làm. Bếp sử dụng được cả trên nhà sàn.

Bếp sử dụng dễ dàng thuận tiện, khi hư hỏng dễ sửa chữa, chi phí làm bếp phù hợp với khả năng của nông dân (Nếu tính toàn bộ giá thành vật liệu làm bếp khoảng 150.000 đến 170.000 đồng, trong thực tiễn người dân có thể tự tìm kiếm và tận dụng một số vật liệu sẵn có trong gia đình, chỉ phải mua 1 số vật liệu họ không tự sản xuất ví dụ như xi măng, sắt)

·Hiệu quả của Bếp cải tiến (so sánh với bếp kiềng)

-Tiết kiệm chất đốt: 30-50%

– Giảm thời gian đun nấu: 15-35%

– Giảm nóng cho người đun về muà hè: 5-70c

– Giảm khói bụi.

– Hạn chế hoả hoạn do đun nấu gây ra

Trong 10 năm qua, chúng tôi đã xây dựng được 81 mô hình trình diễn cho gần 100 xã của 21 tỉnh gồm 10 dân tộc miền núi từ Bắc tới Nam, bằng các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế.

Từ các mô hình trình diễn này, các địa phương đã nhân lên và phát triển được hàng nghìn bếp như ở Thái Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Đắc Lắc…

Trong nghành lâm nghiệp nói riêng và cả nước nói chung, các chương trình trên đều là các dự án nhỏ và phần lớn chỉ là một hoạt động nằm trong nhiều hoật động khác của một dự án. Nhưng nó đã thực sự đem lại hiệu quả về kinh tế, môi trường xã hội rất lớn.

·Về kinh tế và môi trường:

Mỗi hộ gia đình nông thôn có 5, 6 người kết hợp chăn nuôi thường xuyên, nếu sử dụng bếp đun cải tiến thì 1 năm có thể tiết kiệm được 1 tấn củi. Việt Nam hiện có 12 triệu hộ gia đình nông thôn, nếu vận động giúp đỡ được 50% số hộ sử dụng bếp cải tiến thì 1 năm có thể tiết kiệm được 6 triệu tấn củi tương đương 60.000 ha rừng trồng đưa vào khai thác trắng. Đầu tư trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng đến tuổi khai thác 10 năm hết ít nhất 3 triệu đồng/ha. Như vậy, nếu mỗi năm tích kiệm cho nhà nước 180 tỷ đồng đầu tư trồng rừng”.

– Bếp cải tiến tích kiệm 1/2 chất đốt, thì ít nhất cũng giảm được 1/2 lượng khí thải vào không khí. Như vậy, vừa hạn chế được nạn phá rừng, vừa giảm khí thải vào khí quyển, cải thiện được môi trường sinh thái.

·Về xã hội:

– Bếp cải tiến giảm được nhiều khói bụi trong nhà bếp (còn gọi là bếp ít khói), nên đã giảm được ô nhiễm không khí trong nhà bếp, hạn chế các bệnh về mắt, đường hô hấp. Đa số các gia đình có bếp cải tiến đã sắp xếp lại gian nhà bếp gọn gàng, tạo được nếp sống văn minh ngăn nắp.

– Bếp cải tiến rút ngắn thời gian đun nấu, đã giúp chị em phụ nữ có thêm thời giờ giành cho việc chăm sóc dạy bảo con cái, nghỉ ngơi đọc sách, nghe đài, xem truyền hình, nâng cao được kiến thức.

– Bếp cải tiến giảm nóng và vất vả cho người đun nấu, cho nên đã tạo ra hứng thú cho những người trong gia đình đối với việc bếp núc. Chính vì vậy mà đã thu hút đươc nam giới vào bếp chia sẻ với phụ nữ, góp phần vào việc giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng trong gia đình.

Giảm hoả hoạn do đun nấu gây ra. Đối với nhà bếp người nghèo phần lớn làd tranh tre nứa lá, khi đun nấu kiềng không chú ý rất dễ gây hoả hoạn.

1. Phương pháp triển khai bếp BLN

Để triển khai bếp cải tiến vào hộ gia đình, cần tiến hành các bước chính sau:

1. Khảo sát:tình hình dân sinh kinh tế xã hội, phong tục đun nấu, chất đốt sinh hoạt gia đình và vật liệu xây dựng tại địa phương triển khai xây dựng bếp BLN

2. Thiết kế cụ thể mẫu bếp:

Sau khi khảo sát sơ bộ các nội dung nêu trên, đã có những thông tin cơ bản để thiết kế được kiểu bếp phù hợp cho nhà nền đất, nhà sàn gỗ, theo yêu cầu và thích hợp với cách đun nấu của người dân.

Thông thường hộ gia đình ở vùng đồng bằng, trung du có nhà bếp rộng lại sử dụng nhiều loại chất đốt như củi, rơm rạ, lá cây thì bếp được thiết kế to rộng hơn bếp nhà sàn của nguồn vùng núi cao.

ở vùng có điện lưới quốc ga, bếp BLN được thiết kế thêm quạt thổi để nhóm bếp hoặc khi phải đun củi chưa khô.

3. Xây dụng bếp mẫu để dân dùng thử:

ở mỗi điểm trình diễn, xây dựng từ 4 đến 6 bếp mẫu cho các gia đình có số nhân khẩu khác nhau; địa điểm đặt bếp mẫu phải thuận tiện cho việc thăm quan của người dân địa phương. Có nơi bếp mẫu được xây dựng ngay tại khuôn viên trụ sở UBNN xã hay nhà bếp tập thể của xã hoặc các hộ gia đình gần đó.

Sau khi bếp sử dụng được 2 tuàn lễ, cần tổ chức cuộc họp, gồm các hộ gia đình có bếp mẫu, đại diện chính quyền, các đoàn thể phụ nữ, nông dần và một số hộ gia đình của các thôn trong xã.

Trước khi họp, mọi người đến thăm quan các mẫu bếp và xem đun nấu trình bằng 2 loại bếp BLN và bếp kiềng với cùng một điều kiện như nhau:Xoong nồi, lượng gạo nước, thời gian chất đốt để đun nấu. ưu điểm của bếp BLN so với bếp kiềng về các mặt tiết kiệm chất đốt, thời gian đun nấu, giảm ô nhiễm môi trường, sẽ dễ dàng thuyết phục người dân tham gia.

Nội dung cuộc họp là tập hợp ý kiến của các gia đình sử dụng bếp mẫu, đánh giá chung của mọi người về ưu khuyết điểm của bếp BLN và bàn bạc cách triển khai xây dựng bếp BLN mở rộng.

4. Tập huấn kỹ thuật:

Nội dung lớp tập huấn gồm 2 phần:

– Phần lý thuyết nhằm làm cho học viên nắm được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của bếp cải tiến, những thiếu sót về mặt kỹ thuật thường gặp trong khi xây dựng bếp, cách điều chỉnh bảo dưỡng sửa chữa bếp khi hỏng và biết cách tận dụng vật liệu sẵn có của địa phương để xây dựng bếp BLN.

– Phần hướng dẫn thực hành: bằng cách cầm tay chỉ việc, mỗi nhóm do một cán bộ kỹ thụât hướng dẫn kèm cặp từng người cho đến khi đạt yêu cầu.

5. Triển khai xây dựng bếp BLN cho hộ gia đình:

Sau lớp tập huấn và góp ý kiến của người sử dụng bếp nấu, cần tiến hành mở rộng diện xây bếp cho các hộ gia đình theo kế hoạch của Dự án.

Học viên đã tập huấn được chia làm từng nhóm, mỗi nhóm có một cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chỉ đạo.

Vật liệu xây dựng bếp BLN gồm:

– Gạch (200 x 100 x 50 mm) : 100 ¸150 viên

– Xi măng : 12 ¸15 kg

– Cát : 0,2 m3

– Vôi : 30 kg

– Sắt kê đáy xoong (f14 ¸f16) : 2,5 ¸3 m

– Sắt f6 : 1,5 kg

– ống khói f100 : 1,5 ¸2 m

Gạch có thể là gạch nung hoặc gạch không nung (gạch mộc). Có thể tận dụng gạch vỡ đến 80 %.

ống khói có thể là ống sành f100 (ống thoát nước) ghép lại hoặc xây bằng gạch.

2. Kết luận và khuyến nghị:

1.1. Kết luận

– Nước ta có nguồn năng lượng gỗ củi đa dạng nhưng không lớn. Bình quân diện tích rừng chỉ là: 0,14 ha/người. Những năm qua chính phủ và ngành lâm nghiệp đã cố gắng trong công tác tạo nguồn và sử dụng tiết kiệm năng lượng gỗ củi thông qua các chương trình trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán và các dự án khác góp phần thoả mãn một phần nhu cầu gỗ củi trong phạm vi cả nứơc.

– Khó khăn hiện nay là thiếu một hệ thống số liệu cơ sở về năng lượng gỗ củi đủ tin cậy, cập nhập thường xuyên, phục vụ cho công tác kế hoạch hoá như quản lý về khai thác sử dụng gỗ củi đạt hiệu quả cao.

– Việc tiết kiệm chất đốt gỗ củi bằng việc sử dụng bếp cải tiến mới chỉ dừng lại ở các mô hình trình diễn mà chưa được phát triển thành phong trào rộng lớn.

1.2. Khuyến nghị

– Chính phủ cần có chương trình hoặc dự án Quốc gia về năng lượng gỗ củi nhằm xây dựng chiến lược phát triển bền vững và bếp đun cải tiến.

– Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về trồng các loại cây mọc nhanh năng suất cao để tạo nguồn năng lượng gỗ củi và sử dụng tiết kiệm bằng bếp đun cải tiến.

Trông các dự án về năng lượng gỗ củi và bếp đun cải tiến từ khi xây dựng đến quá trình triển khai thực hiện, đánh giá tổng kết, các cấp hội phụ nữ phải là thành viên chủ chốt của dự án, đặc biệt là cơ sở, có như vậy dự án mới đạt hiệu quả cao.

Tài liệu tham khảo

– Nguyễn Phú Nghiệp, Hướng dẫn kỹ thuật xây và sử dụng bếp BLN.

– Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam do WB/SGP tài trợ năm 2001.

– Bùi Minh Vũ, Nguyễn Thị Lai, Lâm nghiệp xã hội với việc tạo nguồn năng lượng gỗ củi – Tài liệu dùng cho lớp tập huấn kỹ thuật BLN.

– Wood energy news, December 1998, Vol.13.No.3

– Tạp chí Lâm nghiệp tháng 8/2000.Thông tin KHKT Lâm nghiệp tháng 2/1998.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]