Thông tin Luận án Tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Phạm Văn Bốn

Tên luận án “Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, tính chất gỗ và tính bất thụ của keo tam bội làm cơ sở cho chọn giống  và trồng rừng”.

Chuyên ngành: Di truyền và chọn giống cây lâm nghiệp              Mã số: 9 62 02 07

Nghiên cứu sinh: Phạm Văn Bốn

Người hướng dẫn khoa học: TS. Hà Huy Thịnh và TS. Nghiêm Quỳnh Chi

Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

 

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

  • Về sinh trưởng

Bốn dòng keo lai tam bội có triển vọng gồm: X101, X102, X201 và X205. Năng suất của các dòng tương đương hoặc vượt so với các dòng đối chứng từ 3,7 – 69,5%. Cả 4 dòng keo lai tam bội có triển vọng đều có khả năng kháng bệnh phấn hồng tốt ở khu vực Đông Nam Bộ; Bước đầu cho thấy hướng lai AM (Keo lá tràm nhị bội × Keo tai tượng tứ bội) có triển vọng tốt, có tỉ lệ cao dòng có triển vọng; Các dòng keo lai tam bội có triển vọng đều có chất lượng thân cây (Icl) tốt. Trong đó, 2 dòng X101 và X102 có độ thẳng thân (Đtt) tốt nhất, trong khi 2 dòng X201 và X205 cho thấy sự vượt trội về chỉ số phát triển ngọn (Ptn) và sức khỏe (Sk) ở cả 3 địa điểm nghiên cứu.

  • Về tính chất gỗ

Khối lượng riêng cơ bản của gỗ của keo lai tam bội khác biệt không đáng kể so với keo lai nhị bội ở địa điểm Vĩnh Cửu. Tuy nhiên, ở 2 địa điểm còn lại (Cam Lộ và Xuân Lộc), khối lượng riêng của hầu hết các dòng keo lai tam bội đều thấp hơn so vơi các dòng keo lai nhị bội từ 10,4 – 16,7%; Tỉ lệ gỗ lõi của các dòng keo lai tam bội khác biệt không đáng kể so với với keo lai nhị bội ở Cam Lộ. Ở 2 địa điểm phái Nam, 3 dòng X11, X101 và X102 có tỉ lệ gỗ lõi vượt trội so với các dòng keo lai nhị bội đối chứng  từ 63,7% – 73,2%; Chiều dài sợi gỗ của keo lai tam bội vượt trội so với các dòng đối chứng ở cả 3 địa điểm nghiên cứu, trung bình vượt 5,8% – 20,5%; Tính chất về cơ lý gỗ của các dòng keo lai tam bội tại thời điểm nghiên cứu là không có sự sai khác có ý nghĩa so với các dòng keo lai nhị bội ở cả 2 địa điểm nghiên cứu; Dòng Keo lá tràm tam bội X41 có các tính chất gỗ đều lớn hơn hoặc tương đương, ngoại trừ tỉ lệ gỗ lõi.

  • Về tính chất bất thụ

Các dòng keo tam bội đều có khả năng ra hoa bình thường giống như các dòng keo nhị bội, song hạt phấn của hầu hết các dòng keo tam bội không có khả năng nảy mầm hoặc có tỉ lệ nảy mầm rất thấp trên môi trường nhân tạo (agar); Chỉ 2/13 dòng keo tam bội được theo dõi là có đậu quả nhưng với tỉ lệ rất thấp so với đối chứng (0,003 – 0,006% so với 0,27 – 0,32%). Trong đó, chỉ dòng X201 là có hạt chắc với tỉ lệ thấp 1,7 hạt/quả so với 5,3 hạt/quả của dòng BV33; Hạt của dòng keo lai tam bội X201 có tỉ lệ nảy mầm thấp hơn rõ rệt so với hạt của dòng keo lai nhị bội BV33 (42,2% so với 88,9%). Hầu hết  hậu thế của dòng keo lai tam bội X201 ở dạng lệch bội và có sức sống rất kém.

Toàn văn luận án đã được đăng tải công khai trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại đường link: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.32&view=38554

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]