Thông tin Luận án Tiến sĩ của Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Bích Ngọc

Tên đề tài luận án: Nghiên cứu đặc điểm lâm học và biện pháp kỹ thuật gây trồng loài Nghiến (Burretiodendron hsienmu Chun et How) tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên

Chuyên ngành: Lâm sinh             Mã số: 9620205

Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Bích Ngọc

Họ và tên cán bộ hướng dẫn: GS.TS. Võ Đại Hải

Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

  1. Nghiên cứu bổ sung được một số đặc điểm lâm học loài Nghiến trong bối cảnh tài nguyên rừng đã bị tác động nhiều tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Nghiến còn lại chủ yếu cây có kích thước nhỏ. Đường kính từ 13,8-54cm, chiều cao từ 8,6-22,6m, mật độ từ 28 – 80 cây/ha. Lá cây tái sinh và trưởng thành có 3 – 5 gân gốc. Lá cây mầm dạng hình tai, ra hoa tháng 3 – 4, quả chín rộ tháng 5 – 6, khi chín quả tự nứt thành 5 mảnh.
  2. Nghiến phân bố nơi địa hình núi đá vôi có độ cao từ 650 – 890m, trạng thái rừng IIIA1 (chủ yếu), IIIA2 (ít) và tham gia vào tất cả các tầng rừng, chủ yếu tầng giữa và tầng trên. Loài hay xuất hiện cùng Nghiến gồm: Nghiến, Lát hoa, Vàng anh, Re hương, Trai lý. Diện tích dinh dưỡng cây Nghiến trưởng thành trung bình 41,13m2 và mật độ nên giữ lại từ 250 – 300 cây/ha. Mật độ cây tái sinh từ 2200 – 7800 cây/ha, tái sinh triển vọng từ 36,36 – 81,40%. Tổ thành cây tái sinh khá tương đồng với tầng cây cao, đặc biệt thành phần loài ưu thế là Nghiến cho thấy sự kế thừa tốt của lớp cây tái sinh. Nghiến tái sinh tương đối tốt cả trong tán và ngoài tán cây mẹ, trong tán chủ yếu cây dưới 1m hoặc cây mạ.
  3. Hạt Nghiến có độ thuần cao, từ 82,0 – 92,6%; khối lượng 1000 hạt từ 198,2 – 209,6g; trong 1kg có bình quân 4.940 hạt. Hạt có tỷ lệ nảy mầm từ 70-81%, trung bình 75,5%; thời gian để hạt nứt nanh hoàn toàn từ 12,4 – 13,4 ngày. Nhiệt độ xử lý hạt thích hợp là 40oC. Độ che sáng thích hợp nhất trong giai đoạn vườn ươm đến 12 tháng tuổi là 50%; hỗn hợp ruột bầu nên dùng 80% tầng đất mặt + 10% phân chuồng ủ hoai + 9% trấu hun +1% super lân.
  4. Kết quả nhân giống Nghiến bằng hom: Đối với hom từ rừng tự nhiên, sử dụng chất kích thích sinh trưởng thực vật IAA nồng độ 5000ppm, thời gian nhúng từ 10-20s cho tỷ lệ hom ra rễ cao nhất. Đối với hom đã được trẻ hóa, IAA sử dụng nồng độ 1250ppm với thời gian nhúng 20s. Hom được trẻ hóa cho tỷ lệ hom ra rễ cao hơn hom chưa được trẻ hóa.
  5. Nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng Nghiến: Nên sử dụng cây con từ 12 tháng tuổi trở lên, tốt nhất là từ 15 tháng tuổi. Bón lót nên sử dụng là 0,2kg NPK/gốc cây, mật độ trồng làm giàu rừng nên áp dụng 400 cây/ha. Nghiến trồng hỗn giao với Lát hoa với mật độ 2500 cây/ha, tỷ lệ 4 hàng Lát hoa với 1 hàng Nghiến sẽ cho sinh trưởng Nghiến tốt nhất. Sinh trưởng Nghiến trong các thí nghiệm không có sự sai khác rõ rệt giữa 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên. Bón thúc trong 3 năm đầu kết hợp với chăm sóc làm cỏ định kỳ 2 lần/năm. Từ năm thứ 3, Nghiến có sự tăng rõ rệt về chiều cao và đường kính.

6. Đề xuất các biện pháp kỹ thuật bảo tồn, phục hồi và phát triển Nghiến tại Sơn La và Điện Biên từ kết quả nghiên cứu, bao gồm: Giải pháp điều chỉnh cấu trúc rừng, nhân giống, trồng và chăm sóc rừng, làm giầu rừng.

Thông tin luận án và toàn văn luận án đã được đăng tải công khai trên trang thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại đường link: http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.32&view=35379

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]