Nghiên cứu phục hồi rừng tự nhiên tại Tân Lập, Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước

Phạm Văn Đẩu

Phân Viện Khoa học Lâm nghiệp Nambộ

Rừng tự nhiên có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống con người. Ngoài chức năng cung cấp gỗ củi, động thực vật, các lâm sản quí hiếm… chúng còn đóng vai trò tích cực trong phòng hộ, chống xói mòn, rửa trôi đất, điều hoà nguồn nước, điều hoà khí hậu, bảo vệ môi sinh.

Theo kết quả đánh giá của Cục Phát triển Lâm nghiệp thì trong 8,252 triệu ha rừng tự nhiên của nước ta hiện nay có 5,181 triệu ha rừng lá rộng thường xanh, trong đó rừng giàu chiếm 567.500ha (11%), rừng trung bình 1.717.000ha (33,1%) và rừng nghèo 2.896.300 ha (55,9%). Rừng giàu còn khả năng cung cấp gỗ phần lớn nằm ở vùng xa, vùng sâu, địa hình hiểm trở, không thuận tiện cho vận chuyển. Rừng nghèo thì có đến cả triệu ha đã trở nên kiệt, chỉ còn cây chồi lúp xúp, xen kẽ những lỗ trống cỏ mọc, lác đác còn những cây gỗ thưa thớt ở tầng cao 15- 20m, cây mẹ gieo giống có giá trị kinh tế còn rất ít, tái sinh rất kém, đa phần là cây tạp. Nhiều nơi cây rừng chỉ còn dây leo, bụi rậm; nhìn bề ngoài còn một thảm thực vật màu xanh nhưng bên trong rừng đã trở nên quá nghèo kiệt, chỉ còn thực hiện được chức năng phòng hộ; nếu để diễn thế tự nhiên thì không biết đến bao giờ rừng mới thực hiện được chức năng cung cấp gỗ.

Nghiên cứu phục hồi rừng thứ sinh, nghèo kiệt đã được ngành lâm nghiệp quan tâm rất sớm. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam kết hợp với các cơ sở sản xuất trong ngành đã được triển khai như ở vùng Cầu Hai – Phú Thọ (1964), Quỳ Châu – Nghệ An (1974), Kon Hà Nừng – Gia Lai (1980), Lộc Ninh – Bình Phước (1983), La Ngà, Mã Đà – Đồng Nai (1984), Phú Quốc – Kiên Giang (1984), Tánh Linh – Bình Thuận (1985)… và đã khá thành công với việc xác định được nhiều loài cây thích nghi cho mỗi vùng như: Chò nâu (Dipterocarpus tokinensis), ràng ràng mít, gội tía (Aglaia gigantera), giẻ cau (Quereus platy calyx), trám trắng (Canarium album), giổi xanh (Talauma gioi), vạng trứng (Endospermum chinense), giẻ đỏ (Pasania ducampii), re hương (Cinnamomum albiforum), lát hoa (Chukracia tabularis), lim xẹt (Pentophorum tonkiense), dầu rái (Dipterocarpus alatus), vên vên (Anisoptera costata), gõ đỏ (afzalia xylocarpa), sao đen (Hopea odorata), sến mủ (Shorea conchinchinensis), huỷnh (Tarrietia conchinchinensis)…

Rất tiếc hiện trường nghiên cứu thí nghiệm ở nhiều vùng do không được cấp kinh phí theo dõi liên tục, nên chỉ duy trì được ít năm và phần lớn những hiện trường này đến nay không còn nữa.

Tỉnh Bình Phước, với diện tích rừng thứ sinh nghèo kiệt trên 50.000ha, đang đặt ra một yêu cầu bức xúc là phải có những giải pháp lâm sinh tác động vào rừng một cách hợp lý, dễ thực hiện, bổ sung vào rừng một tập đoàn cây phong phú có chất lượng, sinh trưởng khá để phát huy cao hơn chức năng phòng hộ và chuyển hoá, làm giàu, cung cấp gỗ trong tương lai. Từ đầu năm 1998, đề tài nghiên cứu phục hồi rừng thứ sinh nghèo kiệt bằng kỹ thuật làm giàu rừng theo rạch với diện tích xây dựng mô hình 20 ha đã được triển khai trên đối tượng rừng Ic tại khoảnh 9, tiểu khu 382 thuộc ban quản lý rừng kinh tế Tân Lập, Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

I. Phương pháp và vật liệu nghiên cứu

a. Thu thập các tư liệu trong khu vực thí nghiệm

– Điều tra lập danh mục các loại cây gỗ.

– Điều tra tái sinh các loại cây.

– Đào phẫu diện đất và phân tích các chỉ tiêu hoá tính 5 phẫu diện đại diện.

b. Bố trí thí nghiệm ngẫu nhiên theo rạch tối thiểu có 3 lần lặp với 2 nghiệm thức

– Cây trong rạch với tán rừng cây bụi lúp xúp có chiều cao 6-8m.

– Cây trong rạch với tán rừng cây bụi lúp xúp có chiều cao 6-8m và còn rải rác cây gỗ có tán che trên cao 15- 20m.

c. Rạch bố trí thí nghiệm theo hướng Đông Tây, chiều rộng của rạch 4m được chặt toàn bộ cây bụi, dây leo, cỏ dại, tre gai, chỉ chừa lại cây tái sinh có giá trị kinh tế, tạo điều kiện ánh sáng cho cây trồng. Trên rạch bố trí một hàng cây, cây cách nhau 4m. Rạch chừa có chiều rộng 6m được phát luỗng tre gai, dây leo, cỏ dại. Khoảng cách giữa các hàng cây là 10 m. Hố trồng có kích thước 50x 50x 50cm. Cây được trồng vào tháng 8/ 1998. Bố trí 1ha rừng tự nhiên làm đối chứng không tác động.

d. Hàng năm đo đếm sinh trưởng cây trồng,thu thập các số liệu Dg, Hvn, tính toán số liệu theo phương pháp thống kê toán học.

e. Vật liệu thí nghiệm là các loại cây gỗ có giá trị kinh tế, có nguồn giống được gieo ươm trong vùng Đông Nam bộ, đa phần là cây bản địa, một số ít là cây nhập nội đã được khảo nghiệm từ nhiều năm và hiện nay đã có nguồn giống, cây con gieo ươm trong bầu màng PE. Các loài cây tham gia trong mô hình là:

Dầu nước Dipterocarpus alatus Roxb.

Sao đen Hopea odorata Roxb.

Vên vên Anisoptera costata Korth.

Chò chỉ Parashorea stellata Kurz.

Gõ đỏ Afzlia xylocarpa Craib.

Giáng hương Pterocarpus macrocarpus Kurz.

Muồng đen Cassia siamea Lam.

Lim xanh Erythrophroeum fordii Oliv.

Xà cừ Khayasenegalensis A. Juss

Xà cừ lá nhỏ Swietenia microphylla Cam.

Giái ngựa Swietenia macrophylla King.

Chiêu liêu Ternrinalia superba

Trám trắng Canarium album Roeusch

II. Kết quả nghiên cứu

Một số số liệu về sinh trưởng cây trồng được kê trong bảng dưới:

Sinh trưởng cây trồng (Số liệu đo đếm tháng 8/ 1998 và tháng 12/ 2000)

STT Loài cây Trồng 8/1998 Đo sinh trưởng 12/ 2000
Rạch chừa cao 6-8m Rạch chừa cao 15-20m
H

(m)

D (cm) H

(m)

?H D

(cm)

?D H

(m)

?H D

(cm)

?D
Dầu rái

Sao đen

Vên vên

Chò chỉ

Lim xanh

Muồng đen

Gõ đỏ

Giáng hương

Xà cừ

Xà cừ lá nhỏ

Giái ngựa

Chiêu liêu

Trám trắng

0,82

0,75

0,72

0,45

0,35

0,55

0,88

0,90

0,95

0,95

0,98

0,75

0,78

0,8

0,6

0,8

0,5

0,4

0,5

0,9

0,9

1,1

1,2

1,2

0,6

0,7

2,23

1,96

2,30

1,76

3,27

5,89

2,19

2,51

4,07

3,64

3,78

4,11

1,78

0,60

0,52

0,68

0,56

1,25

2,29

0,56

0,69

1,34

1,15

1,20

1,44

0,42

3,2

2,2

3,0

1,7

3,4

5,4

2,6

3,0

5,4

4,6

4,6

5,8

2,3

1,0

0,7

0,9

0,5

1,3

2,1

0,7

0,9

1,8

1,4

1,4

2,2

0,7

1,63

1,63

1,88

1,49

2,21

3,17

2,97

2,63

2,89

0,35

0,38

0,49

0,45

0,79

1,12

0,86

0,71

0,92

2,0

1,7

2,1

1,4

2,4

2,4

3,3

3,3

3,5

0,5

0,5

0,5

0,4

0,8

0,8

0,9

0,9

1,2

Qua số liệu trong bảng và quan sát ở mô hình, có một số nhận xét:

– Cây trồng trong các rạch mà tầng rừng ở rạch chừa cao 6-8m sinh trưởng vượt trội so với cây trồng trong các rạch mà tầng rừng ở rạch chừa còn lại lớp cây gỗ ở tầng cao 15-20m.

– Các loài cây như dầu rái, sao đen, vên vên, chò chỉ, gõ đỏ, giáng hương là các loài cây bản địa, tỏ ra sinh trưởng khá chậm ngay cả trên các rạch có đủ ánh sáng.

– Các loài như lim xanh, chiêu liêu, muồng đen, giái ngựa, xà cừ, xà cừ lá nhỏ trồng trong rạch, được xử lý có đủ ánh sáng tỏ ra sinh trưởng khá, cá biệt có những cây mới chỉ trồng được gần 3 năm mà chiều cao vút ngọn đã đạt được 8m, ngang với tán rừng còn lại ở rạch chừa.

– Cây lim có tán lá xanh quanh năm, ngay cả trong những tháng mùa khô khắc nghiệt, gõ đỏ, giáng hương dụng trụi hết lá thì lim xanh vẫn ra chồi non, vẫn sinh trưởng.

– Nhìn chung, các loài cây đưa vào trồng trong rạch do bị tán rừng của rạch chừa chèn ép nên chúng có xu thế vươn lên sinh trưởng về chiều cao mạnh hơn về đường kính, tỉa cành tự nhiên mạnh hơn.

– Các rạch chừa được phát luỗng dây leo và loại bỏ các cây phi mục đích nên thông thoáng hơn, môi trường được cải thiện, lớp cây tái sinh tự nhiên phát triển khá hơn.

III. Thảo luận và kết luận

+ Mục đích của làm giàu rừng là duy trì và phát huy ngày càng cao tác dụng phòng hộ của rừng tự nhiên, tận dụng sự hỗ trợ của nền rừng cũ với cây trồng mới để xây dựng rừng với cây trồng làm giàu chiêm ưu thế, hỗn loại với cây sẵn có trong tự nhiên. Để đi đến thành công thì việc tác động vào rừng phải hết sức tỷ mỷ, phải được coi là biện pháp kỹ thuật thâm canh, phải giải toả được những mâu thuẫn nảy sinh giữa thảm thực vật hiện có và cả hệ động vật, côn trùng, vi sinh vật của rừng với cây trồng mới trong giai đoạn phát triển của cây trồng.

+ Các giải pháp kỹ thuật tác động vào rừng để đơn giản hoá về mặt tổ thành, tăng thêm các loài cây có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh, tạo ra những nhóm sinh thái để rừng phát triển bền vững là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm.

+ Làm giàu rừng trên nền rừng thứ sinh nghèo kiệt, dạng rừng Ib và Ic, theo phương pháp mở rạch, tuy mới triển khai được 3 năm, nhưng qua sinh trưởng của cây trồng mới với 13 loài cây đưa vào trồng thí nghiệm, kết quả rất khả quan. Công trình cần được tiếp tục đầu tư theo dõi để hoàn thiện về công nghệ và sớm đưa vào ứng dụng trong sản xuất của ngành.

Tài liệu tham khảo chính

1 – Baur. Geoge, 1976. Cơ sở sinh thái học kinh doanh rừng mưa. Vương Tấn Nhị dịch, Nhà xuất bản KHKT.

2 – Nguyễn Văn Trương, 1986. Thâm canh rừng tự nhiên. Nhà xuất bản nông nghiệp.

3 – Bộ Lâm nghiệp, 1993. Quy phạm các giải pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất gỗ và tre nứa.

4 – Vũ Xuân Đề, 1985. Các giải pháp tổng hợp khai thác đảm bảo tái sinh cải tạo và trồng rừng cây gỗ lớn, gỗ quý ở miền Đông Nam bộ (04.01.01.03)- Báo cáo khoa học.

Research on natural forest rehabilitation at Tan Lap, Dong Xoai, Binh Phuoc province.

Summary:There mentioned in this paper the research on rehabilitation of depleted secondary forest by forest enrichment technique with row planting. A 20 ha model was established in the area of Ic forest, compartment 9, block 382 of the Tan Lap Management Board of Economic Forests, Dong Xoai, Binh Phuoc province.

It is only 3 years since the establishment now but rather satisfactory results have been obtained through the growth of planted trees of high economic value species .

Investment must be continued for monitoring and having the technology perfected and soon applied in production in forestry.

**************************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]