Viện khoa học lâm nghiệp việt nam tổ chức lớp tập huấn về xây dựng đề án nghiên cứu

Võ Đại Hải Viện

Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Xây dựng đề cương, đề án nghiên cứu là một bộ phận quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học. Với người làm công tác nghiên cứu khoa học cần phải nắm vững được nội dung, yêu cầu cũng như cách viết một đề cương hay đề án nghiên cứu, nhất là đối với các cán bộ khoa học trẻ khi kinh nghiệm và khả năng tiếp cận còn nhiều hạn chế.

Nhằm tăng cường sự hiểu biết và kỹ năng xây dựng các đề án nghiên cứu cho cán bộ khoa học trẻ, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Khoa học Quốc tế Thuỵ Điển (International Foundation for Science) Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn về xây dựng đề án nghiên cứu tại Hà Nội từ ngày 13-15 tháng 3 năm 2001. Tham dự lớp tập huấn có 27 nhà khoa học trẻ đang làm việc tại các phòng và các Trung tâm nghiên cứu của Viện, các cán bộ giảng dạy của các khoa Trường Đại học Lâm nghiệp, cán bộ nghiên cứu của Viện Bảo vệ Thực vật và Di truyền Nông nghiệp. Nội dung lớp tập huấn được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm của 2 lớp tập huấn về xây dựng đề án nghiên cứu tổ chức tại Kadoma, Zimbabwetừ ngày 19-22/1999 và Kuala Lumpur, Malaysiatừ ngày 5-6/8/2000. Chương trình lớp tập huấn bao gồm 3 phần chính sau đây:

Phần 1: Những thành tựu và những vấn đề định hướng, ưu tiên trong nghiên cứu lâm nghiệp hiện nay ở Việt Nam.

Phần 2: Kỹ năng xây dựng một đề án nghiên cứu.

Phần 3: Vai trò của Tổ chức Khoa học Quốc tế Thuỵ Điển trong việc xây dựng năng lực nghiên cứu ở các nước đang phát triển.

Tài liệu của lớp tập huấn được các chuyên gia biên soạn dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và các tài liệu tập huấn do các chuyên gia nước ngoài biên soạn, đặc biệt là quyển Handbook for Preparing and Writing Research Proposal của tác giả C.P. Patrick Reid, Trường Đại học tổng hợp Arizona, Mỹ năm 1999.

Các học viên tham gia lớp tập huấn đã được hệ thống lại những vấn đề nghiên cứu trong lâm nghiệp, và những thành tựu đạt được từ trước đến nay cũng như những vấn đề bức xúc đang đặt ra đối với ngành lâm nghiệp nước ta. Bên cạnh đó, học viên còn được trang bị thêm kiến thức về cách xác định vấn đề và ưu tiên nghiên cứu, xác định nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phần đặc biệt quan trọng là cách xây dựng và trình bày một đề án. Ngoài ra, học viên còn được phát mẫu xin dự án nghiên cứu của Tổ chức Khoa học quốc tế Thuỵ Điển và hướng dẫn cách viết. Phần cuối chương trình lớp học các học viên đã được chia thành 4 nhóm để thực hành.

*************************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]