Nghiên cứu lâm sinh, thành tựu

Nghiên cứu lâm sinh, thành tựu

và những vấn đề nghiên cứu trong thời gian tới

***********

TS. TRần Quang Việt.

Nghiên cứu lâm sinh học ở nước ta trong mấy thập kỷ qua đã thu được nhiều thành tựu quan trọng đặt nền móng cho các nghiên cứu ứng dụng,nhằm đưa ra các giải pháp kỹ thuật phục vụ cho sản xuất. Từkhi nguồn tài nguyên rừng còn phong phú những nghiên cứu chủ yếu tập trung vào phân loại thực vật giá trị sử dụng của tài nguyên gỗ rừng Việt nam. Nghiên cứu các trạng thái thảm thực vật, nguyên nhân hình thành, các giai đoạn phát triển. Đó là những nghiên cứu kinh điển đặt cơ sở khoa học cho nhiều nghiên cứu tiếp tục sau này.

I. một số thành tựu nghiên cứu lâm sinh

Giai đoạn 1980-1985 đã tập trung các nghiên cứu về các giải pháp kỹ thuật kinh doanh rừng tự nhiên các phương thức khai thác chọn đảm bảo tái sinh, cường độ và luân kỳ khai thác, tuổi khai thác các kết quả có thể kể đến là các nghiên cứucấu trúc một số loại rừng LRTX trong cả nước. Nguyễn Ngọc Lung (1983) với công trình “Những cơ sở bước đầu để xây dựng quy phạm khai thác gỗ” đã đề cập đến khái niệm “rừng chuẩn” và năng suất tối ưu trên cơ sở đó mọi tác động lâm sinh là hướng khu rừng kinh doanh tới gần một rừng chuẩn mục đích cung cấp tối ưu gỗ lớn. Tácgiả cũng đã nêu các nguyên nhân làm cho rừng bị xuống cấp và đặt vấn đề phải sửa đổi bổ sung quy trình khai thác gỗ ban hành năm 1963. Nguyễn Hông Quân (1983-1984) cũng đã nghiên cứu về điều chế rừng ở nước ta và chỉ rõ những bất hợp lý trong quá trình khai thác chọn và sự lạc hậu về nội dung kỹ thuật lâm sinh đãđã dẫn đến hậu quả là rừng ngày một nghèo đi và đưa ra biện pháp khắc phục. Nguyễn Văn Trương (1984) với các công trình “Một số biện pháp lâm sinh trong thiết kế kinh doanh rừng tự nhiên hỗn giao lá rộng”, “Nghiên cứu về trúc phục vụ công tác khai thác nuôi dưỡng” đã đề suất các mô hình cấu trúc chuẩn làm căn cứ cho khai thác và nuôi dưỡng rừng. Vũ Đình Phương (1988) “Nghiên cứu xác định cấu trúc quần thể phù hợp cho từng đối tượng và mục tiêu điều chế” đã nêu lên quan điểm là phải tìm trong thiên nhiên các cấu trúc mẫu có năng suất cao đáp ứng mục tiêu kinh tế cho từng khu vực và và hướng rừng theo các mẫu chuẩn đó. Bảo Huy (1993) đã vận dụng lý thuyết mẫu chuẩn tự nhiên để lựa chọn thiết lập các mô hình cấu trúc N/D1,3 chuẩn cho các đơn vị phân loại của rừng bằng lăng Tây Nguyên và đề xuất điều chỉnh cấu trúc N/D1,3 theo cấu trúc chuẩn.

Về nghiên cứu phân loại rừng ở Việt nam đã được nhiều tác giả ngoài nước quan tâm từ rất sớm. Năm 1918, Chevalier đã đưa ra một bản phân loại rừng Bắc bộ thành 10 kiểu trong “Thống kê những lâm sản Bắc Bộ” (Chevalier .1918). Năm 1943, Mourand đã chia ra 8 quần thể trong ba vùng thuộc Đông Dương (Bắc, Trung, Nam). Năm 1953, Maurand đưa bản phân loại mới về các quần thể thực vật trên cơ sở tổng kết các công trình phân loại của Rollet, Lý Văn Hội và Neang sam Oil. Năm 1956, Dương Hàm Hy một nhà Lâm học Trung Quôc đã công bố bảng phân loại về thảm thực vật rừng miền Bắc Việt Nam.Nghiêm Xuân Tiếp cũng đưa ra bảng phân loại những kiểu rừng Việt Nam trên cơ sở tổng hợp bảng phân loại của Maurand và Dương HàmHy. Các bảng phân loại trên có tính chất học thuật và có nhiều mục đích khác nhau.

Năm 1960, Cục Điều tra quy hoạch rừng áp dụng cách phân loại các loại hình rừng của Loschau để đề xuất các biện pháp lâm sinh. Rừng được chia làm 4 loại hình:

-Loại I: gồm những đất hoang trọc, những trảng cỏ và cây bụi, trên loại này cần gây trồng rừng.

-Loại II: gồm những rừng non, cần khoanh nuôi hay làm giàu.

-Loại III: gồm những loại rừng bị khai thác mạnh trở nên nghèo kiệt, cần nuôi dưỡng làm giàu.

-Loại IV: những rừng còn bị ít tác động hay chưa bị tác động.

Cách phân loại này đơn giản, ngoài thực địa dễ nhận, dễ đề xuất các giải pháp lâm sinh và đã được áp dụng rộng rãi. Nhược điểm của phương pháp phân loại Loschau là tuy có đề ra tiêu chuẩn phân loại để chia các loại hình rừng là: thành phần loài cây, đặc tính sinh thái và hình thái cấu trúc. Tuy nhiên 3 tiêu chuẩn đó đã không thể hiện trong bảng phân loại. Thực tế căn cứ vào hiện trạng rừng tuỳ theo mức độ tác động khác nhau. Không phân biệt các trạng thái nguyên sinh và thứsinh và các giai đoạn phức tạp của chúng để có giải pháp lâm sinh thích hợp.

Năm 1970, Trần Ngũ Phương đã đưa ra bảng phân loại rừng miền Bắc Việt Nam. Bảng phân loại chia rừng miền Bắc thành ba đai lớn : Đai rừng nhiệt đới mưa mùa, đai rừng á nhiệt đới mưa mùa, đai rừng á nhiệt đới mưa mù núi cao. Trong mỗi đai, phân các kiểu thảm thực vật rừng, mỗi kiểu phân thành các loại hình khí hậu, các kiểu phụ thổ nhưỡng và kiểu phụ thứ sinh. Những kiểu này được đại diện bằng một hai loài cây ưu thế.

Công trình nghiên cứu phân loại của Trần Ngũ Phương cho thấy các kiểu rừng khí hậu, kiểu phụ thổ nhưỡng, kiểu phụ thứ sinh đều là các kiểu rừng hỗn loại đa dạng, phức tạp với nhiều loài cây, loài ưu thế không rõ.Trừnhững trường hợp đất đai đặc biệt (lầy mặn, cát) chỉ số ít loài sinh sống được mới mới tạo nên ưu thế rõ rệt.

Năm 1970, Thái Văn Trừng công bố hệ thống phân loại thảm thực vật rừng Việt Nam. Đây là công trình phân loại rừng hoàn chỉnh và có nhiều căn cứ xác đáng. Căn cứ trên 5 nhân tố phát sinh:

* Nhóm nhân tố địa lý- địa hình (vĩ độ, độ cao)

* Nhóm nhân tố khí hậu – thuỷ văn ; Chế độ nhiệt , chế độ ẩm.

* Nhómkhu hệ thực vật.

* Nhóm nhân tố đá mẹ – thổ nhưỡng.

* Nhóm nhân tố sinh vật – con người.

Ông đã phân loại thảm thực vật rừng Việt Nam đượcchia thành 14 kiểu thảm thực vật.Trong mỗikiểu, căn cứ vùng địa lý, các nhân tố sinh thái phát sinh quần thể, hình thái cấu trúc quần hệ; thành phần loài cây và các kiểu phụ, các ưu hợp thực vật; chia kiểu phụ miền thực vật.

Trong 14 kiểu rừng, kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới là kiểu phong phú nhất.

Về các biện pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng tự nhiên ở nước ta, rất nhiều phương thức đã được nghiên cứu từ khoanh nuôi đơn giản chỉ tiến hành bảo vệ tới các phương thức có tác động tích cực hơn tra dặm thêm hạt giống, trồng bổ sung… Thời gian này cũng là thời gian thử nghiệm nhiều phương thức cải tạo rừng mà sau này gọi là làm giầu rừng. Một số loài cây kinh tế của rừng tự nhiên đã được nghiên cứu kỹ thuật gây trồng và đưa vào các mô hình làm giầu theo băng, rạch. Các thử nghiệm cũng đã được tiến hành với qui mô khá lớn nhưng kết quả còn nhiều hạn chế do chưa có các nghiên cứu cơ bản về đặc tính lâm học của loài. Quan hệ tương tác giữa các loài trong các nhóm sinh thái cũng chưa được biết đến do vậy một số loài được trồng chỉ sinh trưởng trong giai đoạn đầu sau đó không phát triển được. Tuy vậy cũng đã có một vài mô hình có triển vọng với chế độ chăm sóc và mở tán kịp thời cho cây trồng làm giầu sinh trưởng.Nuôi dưỡng rừng sau khai thác cũng đã được đặt ra khá lâu nhưng chỉ sau năm 1975 và thập kỷ 80 mới có các nghiên cứu sâu về cấu trúc của rừng làm nền tảng cho các biện pháp lâm sinhtrong đó có kỹ thuật nuôi dưỡng rừng. Về lý thuyết đã xác định các cơ sở khoa học cho các tác động lâm sinh trong công tác nuôi dưỡng bao gồm việc tạo điều kiện môi trường sống thuận lợi cho cây phát triển và chặt điều chỉnh tổ thành và cấp thế hệ để hướng cho rừng phát triển theo một số mẫu chuẩn của tự nhiên, đảm bảo cho rừng phụ hồi bù lại lượng đã bị khai thác đảm bảo cho kinh doanh chu kỳ sau. Đáng tiếc là sau đó một thời gian dài việc nuôi dưỡng đã không được theo dõi sâu thêm và chỉ đạo thực hiện trong sản xuất theo lý thuyết, nên công tác nuôi dưỡng vẫn chủ yếu là tác động vào dây leo bụi rậm. Chưa có mô hình nào đảm bảo đủ các yêu cầu đã đặt ra và có hiệu quả rõ rệt.

Về nông lâm kết hợp, một chuyên ngành nghiên cứu mới đã được thế giới công nhận cũng đã được chũng ta quan tâm nghiên cứu với một số thành tựu quan trọng – Tổng kết tập hợp một các có hệ thống các mô hình sản xuất NLKH ở nước ta. Từ các mô hình do người dân tiến hành qua kinh nghiệm nhiều thế hệ lần đầu tiên đã được đúc kết, đánh giá một cách khoa học. Nguyễn Ngọc Bình & các cộng sự. Tiếp sau đó là việc vận dụng các kiến thức tổng kết được trong việc xây dựng các mô hình mới với nhiều loài cây đa tác dụng kèm cây họ đậu cải tạo đất để canh tác được bền vững. Đã có nhiều mô hình canh tác trên đất dốc đã được tiến hành có hiệu quả mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân miền núi như các mô hình được xây dựng tại Tủa Chùa Lai Châu, Lại Bằng-Huế, Yên Lập- Phú Thọ v.v…Một số thành quả đã phát huy tác dụng tích cực nhất là sau năm 1986 với chủ trương đổi mới nền kinh tế của Đảng và nhà nước, sự phát triển của nông nghiệp cũng rất đa dạng. Nhiều mô hình vườn rừng có hiệu quả đã được xây dựng mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Trong chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước 1990-1995 về “Khôi phục rừng và phát triển lâm nghiệp” gồm 14 đề tài trong đó một số đề tài đã đi sâu giải quyết các vấn đề cơ bản như đánh giá tiềm năng đất lâm nghiệp đã nêu lên các nguyên tắc phân chia và sử dụng đất (Đỗ Đinh Sâm). Nghiên cứu xác định cơ sở khoa học thâm canh rừng cây gỗ lớn (Vũ Biệt Linh) với việc xác định các nhóm loài sinh thái trong rừng tự nhiên ở một số vùng. Công tác phục hồi rừng tự nhiên với kỹ thuật nuôi dưỡng làm giầu đã có cơ sở và được thí nghiệm ở một số vùng trọng điểm trong đó có mô hình tại Câù Hai rất có triển vọng. Về kỹ thuật rừng trồng thay vì các nghiên cứu phương thức, phương pháp trồng thuần loại quảng canh trước đây, khái niệm rừng trồng thâm canh đã được đưa vào nghiên cứu và ngày càng rõ nét. Đã có các nghiên cứu phối hợp các biện pháp thâm canh trên cơ sở kết hợp sử dụng giống tốt đã được tuyển chọn, chọn vàthâm canh cải thiện lập địa “Nâng cao công nghệ thâm canh rừng trồng…” (Hoàng Xuân Tý) trong đó đã đề xuất các biện pháp sử dụng cây họ đậu cải thiện đất và chăm sóc cho rừng giai đoạn gần khai thác đật hiệu quả rõ rệt. Về nông lâm kết hợp đã xây dựng các mô hình lâm nghiệp xã hộicho các vùng sinh thái trọng điểm như vùng trung tâm miền bắc (Phùng Ngọc Lan). Vùng ven biển miền trung với các mô hình làng sinh thái (Nguyễn Văn Trương) đã được người dân hưởng ứng làm theo và đã và xây dựng lên các mô hình đạt hiệu quả cao về kinh tế xã hội. Ngoài ra còn có mô hình lâm nghiệp xã hội cho vùng núi Tây nguyên và vùng đất Đồng bằng sông Cửu long. Việc xác định tính chất một số loại gỗ rừng Việt nam cũng đã được quan tâm. Với đề tài “Nghiên cứu giá trị của một số loài thực vật rừng chủ yếu…”. (Nguyễn Đình Hưng) đã tiến hành với 78 loài cây gỗ trong đó có 4 loài bổ sung và 74 loài nghiên cứu lần đầu. Bên cạnh đó để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển rừng đã có các nghiên cứu về xác định cơ cấu cây trồng rừng cho toàn quốc (Nguyễn Xuân Quát 1990-1994) và chọn tập đoàn cây trồng cho rừng phòng hộ thuộc chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc theo Quyết đinh 327 (Trần Quang Việt, Nguyễn Bá Chất, Cao Quang Nghĩa, Võ Đại Hải. 1997-1998) đã đề suất 70 loài cây cho các vùng sinh thái kèm theo các đặc điều kiện gây trồng-yêu cầu về khí hậu, đất đai và những hạn chế cần cân nhắc khi gây trồng.

Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu gây trồng một số cây bản địa thuộc đề tài cấp ngành nhằm phục vụ cho các chương trình phục hồi tái tạo lại rừng tự nhiên đã bị khai thác quá mức ở nước ta.

II. Vấn đề nghiên cứu lâm sinh trong thời gian tới

2.1-Nghiên cứu rừng tự nhiên: Cần thiết phải đặt lại một số nghiên cứu cơ bản, cơ sở để có căn cứ cho các nghiên cứu ứng dụng, đồng thời cũng cần đẩy nhanh các nghiên cứu ứng dụng để phục vụ kịp thời cho sản xuất. Các nội dung cần quan tâm là:

·Nghiên cứu động thái các loại rừng chính ở nước ta (RTX, Rừng khộp, Rừng thông, Rừng ngập mặn) đặc tính lâm học, tài nguyên, tăng trưởng,

·Nghiên cứu các đặc tính lâm học loàivà nhóm loài của các loại hình rừng.

·Nghiên cứu các biện pháp nuôi dưỡng, làm giầu để nâng cao năng xuất và chất lượng rừng sau khai thác phù hợp với hiện trạng rừng.Các phương thức làm giầu rừng có hiệu quả trên tinh thần tiến hành ngay sau khi khai thác kết hợp với nuôi dưỡng và hướng là dựa vào kết cấu rừng chuẩn để xác định các biện pháp tác động.

·Nghiên cứu xác định các chỉ tiêu cho khai thác Cường độ, luân kỳ, đường kính tối thiểu…v.v phù hợp cho tình hình rừng hiện tại và yêu cầu gỗ sử dụng đã có nhiều thay đổi hiện nay, sao cho đảm bảo kinh doanh rừng được bền vững. Nghiên cứu phương pháp khai thác ít ảnh hưởng với khuynh hướng là cường độ thấp với chu kỳ ngắn để vận dụng cho các rừng cộng đồng.

·Quản lý rừng bền vững bao gồm các yếu tố quản lý kỹ thuật, cơ chế chính sách, quuyền sử dụng đất, cơ chế hưởng lợi, sự tham gia của cộng đồng, quản lý rừng cộng đồng v.v…

2.2- Trồng rừng, Nông lâm kết hợp.

·Nghiên cứu sử dụng các loài cây mọc nhanh kể cả cây bản địa và nhập nội cho các mục tiêu kinh tế.

·Nghiên cứu công nghệ thâm canh với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ (cải thiện giống, cải thiện môi trường trồng). Cho các loài cây nguyên liệu mọc nhanh và các cây rừng ngập mặn như đước, tràm… phục vụ cho sản xuất hàng mộc cho trong nước và xuất khẩu.

·Các mô hình nông lâm , lâm nông, lâm ngư , lâm súc phù hợp cho các vùng cũng cần được nghiên cứu sâu thêm, chú trọng đến hiệu quả kinh tế và cho các vùng phải di dân xây dựng các công trình thuỷ điện.

·Tiếp tục nghiên cứu các loài cây đa tác dụng có thể cung cấp các sản phẩm ngoài gỗ cho việc xây dựng các trại rừng. Gây trồng trám lấy quả thông qua biện pháp trồng cây ghép và ghép cải tạo, gây trồng dó trầm và các tác động để sinh trầm, sử dụng sa nhân, ba kích trồng dưới án, Kết hợp phát triển cây sở cung cấp dầu thực vật, Phục tráng và phát triển cây hồi ở các vùng thích hợp với các kỹ thuật cải tạo (ghép cải tạo rừng) để nâng cao năng suất quả.

·Nhập công nghệ hoặcnhập nội một số dòng hoặc cây lai có năng suất cao của các loài Tếch, Bạch đàn, thông, hông, lõi thọ v.v..

·Nghiên cứu tìm kiếm thêm các loài cây trồng mới để gây trồng nhằm cung cấp gỗ cho hàng mộc (gáo, chắp tay, cáng lò..)

·Nghiên cứu hệ sinh thái rừng núi đá vôi và các loài cây trồng có khả năng tồn tại lâu dài với mục tiêu phòng hộ bảo vệ môi trường và cảnh quan.

Ngoài ra cũng cần đi sâu vào một số chuyên môn đang được quan tâm hiện nay như quản lý rừng bền vững, lâm nghiệp xã hội và lâm nghiệp cộng đồng, chống sói mòn và canh tác bền vững trên đất dốc.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]