Kết quả tuyển chọn các dòng bạch đàn chống chịu bệnh có năng suất cao ở vùng Đông Nam bộ

Nguyễn Hoàng Nghĩa, Phạm Quang Thu

Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Minh Chí

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Bạch đàn trắng và Bạch đàn nâu là hai loài cây trồng rừng chính ở Việt Nam để sản xuất bột giấy ván MDF, ván dăm và gỗ xẻ.Từ cuối năm 1980, bệnh đốm lá, cháy ngọn dẫn đến chết ngược các loài bạch đàn xảy ra ở nhiều nơi. Các bệnh hại chính được xác định là: Cryptosporiopsis eucalypti, Cylindrocladium reteaudii (Cylindrocladium quinqueseptatum), Mycosphaerella spp., Teratosphaeria destructans (Kirramyces destructans), Ralstonia solanacearumChrysoporthe cubensis. Chương trình chọn giống kháng bệnh ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1996. Chọn cây trội với tiêu chuẩn sinh trưởng nhanh, không bị bệnh ở rừng trồng, khu khảo nghiệm hậu thế, xuất xứ. Dẫn giống các cây trội tuyển chọn bằng phương pháp vô tính. Các dòng vô tính được khảo nghiệm tại những vùng có nguy cơ mắc bệnh cao. Phân cấp bệnh, đo sinh trưởng đối với các dòng được tiến hành hàng năm vào cuối mùa khô, tháng 11 hoặc tháng 12. Các dòng có chỉ số bệnh thấp, sinh trưởng nhanh, hình dáng thân thẳng được chọn là giống tiến bộ kỹ thuật để trồng rừng quy mô lớn. Hai dòng (SM51 và SM55) có lượng tăng trưởng hàng năm cao hơn 20 m3/ha/năm, chỉ số bệnh nhỏ hơn 0,31 từ khảo nghiệm tại Sông Mây, Đồng Nai được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật năm 2010. Ba dòng (B28,B32 và B34) có lượng tăng trưởng hàng năm cao hơn 26 m3/ha/năm, chỉ số bệnh nhỏ hơn 0,30 từ khảo nghiệm tại Minh Đức, Bình Phước được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật năm 2010.

Từ khóa: Bạch đàn, Đông Nam Bộ, kháng bệnh, năng suất cao.

MỞ ĐẦU

Giống là một trong những khâu quan trọng nhất của trồng rừng đặc biệt là rừng trồng sản xuất. Không có giống được cải thiện theo mục tiêu kinh tế thì không thể đưa năng suất rừng trồng lên cao. Vì thế, cải thiện giống cây rừng nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng gỗ và các sản phẩm mong muốn khác là một yêu cầu cấp bách đối với sản xuất lâm nghiệp ở nước ta. Hiện nay một số nước có nền lâm nghiệp tiên tiến đã tạo được năng suất rừng trồng 40 -50 m3/ha/năm trên diện rộng, có nơi đã đạt năng suất 60 – 70 m3/ha/năm. Gần đây, với việc đưa một số giống Keo lai và bạch đàn cao sản vào sản xuất, một số nơi đã đạt năng suất rừng trồng 30 – 40 m3/ha/năm, mở ra triển vọng mới cho công tác giống và trồng rừng sản xuất ở nước ta.

Tuy nhiên khi diện tích rừng trồng sản xuất tăng lên dẫn đến khả năng xuất hiện các loài bệnh hại tăng theo làm giảm năng suất và chất lượng rừng trồng. Từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, dịch bệnh cháy lá, chết ngọn đã xuất hiện trên diện rộng đối với một số loài bạch đàn đã là mối đe dọa lớn cho các nhà trồng rừng trên cả nước, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ và miền Trung (gồm các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế). Các mầm bệnh được xác định là: Cryptosporiopsis eucalypti, Cylindrocladium reteaudii (Cylindrocladium quinqueseptatum), Mycosphaerella spp., Teratosphaeria destructans (Kirramyces destructans), Ralstonia solanacearumChrysoporthe cubensis. Kết quả điều tra, đánh giá của các tác giả như Nguyễn Hoàng Nghĩa (1992), Sharma (1994) và Old và Yuan (1995) cho thấy diện tích rừng bạch đàn bị bệnh lên tới 50% tổng diện tích (khoảng 174.000 ha) với các mức độ hại khác nhau và đều cảnh báo nguy cơ gây hại lớn đối với rừng trồng tập trung. Vì vậy việc tuyển chọn các dòng chống chịu bệnh là một nhu cầu cấp thiết.

(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp, số 1 năm 2011, trang 1697-1703)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]