Kết quả chọn lọc cây trội và khảo nghiệm dòng vô tính sở bằng phương pháp ghép đổi tán ở Nghĩa Đàn – Nghệ An

Hoàng Văn Thắng

Phòng Nghiên cứu Kỹ thuật Lâm sinh

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Sau 3 năm theo dõi và chọn lọc, đề tài đã chọn được 5 cây trội tại Nghĩa Lộc – Nghĩa Đàn – Nghệ An. Đây là 5 cây trội cho sản lượng hạt cao hơn từ 20% và hàm lượng dầu cao hơn từ 15% so với trung bình quần thể. Kết quả khảo nghiệm dòng vô tính Sở bằng phương pháp ghép đổi tán cho thấy sau 1 năm tỷ lệ sống của chồi ghép lấy từ 5 cây trội nói trên đạt từ 46,2-57,4%. Sinh trưởng của chồi ghép lấy từ 5 cây trội sau 1 năm đã có sự khác nhau tương đối rõ rệt (Sig <0,05). Sinh trưởng về đường kính và chiều cao của chồi ghép lấy từ cây trội NA13 và NA15 đạt giá trị cao nhất và được xếp vào cùng một nhóm trong khi đó khả năng sinh trưởng của chồi ghép lấy từ cây trội NA1, NA6 và NA8 đạt thấp hơn và có sinh trưởng gần tương đương nhau. Mức độ phân hóa về đường kính, chiều cao và đường kính tán của chồi ghép lấy từ dòng NA1 đều đạt cao nhất.

Từ khóa: Cây trội, Dòng vô tính, Ghép đổi tán, Chồi ghép

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sở (Camellia sasanqua) là một trong những loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao đã và đang được trồng trên quy mô lớn ở huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An. Thực tế cho thấy việc trồng Sở hiện nay ở Nghĩa Đàn chủ yếu đều đang sử dụng từ các nguồn giống chưa được chọn lọc nên đã ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng của rừng Sở. Do vậy việc chọn lọc các cây trội để làm nguồn cung cấp vật liệu giống có chất lượng cao cho người dân trong vùng là rất cần thiết. Kết quả sau 3 năm nghiên cứu, đề tài đã tuyển chọn được 5 cây trội tại xã Nghĩa Lộc huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An. Đây là các cây trội cho năng suất hạt, hàm lượng dầu cao và tương đối ổn định. Song song với khảo nghiệm hậu thế đề tài đã tiến hành khảo nghiệm dòng vô tính bằng phương pháp ghép đổi tán nhằm chọn được những dòng có tính ưu việt về năng suất hạt và hàm lượng dầu. Do thời gian nghiên cứu còn ngắn nên bài viết này chỉ trình bày các kết quả bước đầu về chọn lọc cây trội và khảo nghiệm dòng vô tính 5 cây trội tại Nghĩa Lộc – Nghĩa Đàn – Nghệ An. Đây là một trong những phương pháp khảo nghiệm nhanh mang lại kết quả và dễ dàng áp dụng trong thực tiễn sản xuất.

(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp số 3 năm 2010, trang 1315-1319)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]