Kết quả điều tra hệ thực vật và thảm thực vật rừng huyện KonPlong, Tỉnh Kon Tum

Phạm Gia Hội

Trịnh Đức Nhuần – Vũ Văn Thành*

Nghiên cứu điều tra hệ thực vật rừng trong dự án “Nghiên cứu thử nghiệm về kế hoạch điều chế rừng ở huyện Konplong, tỉnh Kon Tum thuộc Tây Nguyên ” được tiến hành từ 21/ 3 đến 10/ 5 / 2001.

Phương pháp được sử dung là điều tra theo ô tiểu chuẩn điển hình. Vị trí ô tiêu chuẩn được định sẵn trên bản đồ “Land-set ” theo từng trạng thái rừng khác nhau, với diện tích là 50x 20m (1000m2), sau đó tiến hành đo đường kính ở 1,30m và chiều cao vút ngọn của tất cả các loài trong ô tiêu chuẩn có đường kính từ 10cm trở lên. Kết quả thu được như sau:

1. Hệ thực vật thân gỗ

Kết quả khảo sát 34 ô tiêu chuẩn thuộc địa phận 6 lâm trường là: Tân Lập, Măng Đen, Đắc-ruồng, Măng Cành I, Măng Cành II, và Măng La, kết hợp với quan sát ngoài ô tiêu chuẩn đã ghi nhận được 273 loài thực vật thân gỗ của 126 chi, 65 họ thực vật, phân bố như sau:

STT Ngành thực vật Họ Chi Loài
1

2

Ngành thực vật hạt trần (Pinophylla)

Ngành thực vật hạt kín- Hai lá mầm

(Magnoliophyta-Magnoliopsida)

4

61

6

120

8

265

– Trong 4 họ của ngành thực vật hạt trần thì 2 họ có số loài là 3, đó là họ Thông (Pinaceae), họ Kim giao (Podocarpaceae); còn họ Hoàng đàn (Cupressaceae) và họ Thông đỏ (Taxaceae) có 1 loài.

– Trong 61 họ của ngành thực vật hạt kín- hai lá mầm thì 4 họ có số lượng từ 10 loài trở lên là: Họ Long não (Lauraceae): 28 loài; họ Giẻ(Fagaceae): 20 loài; họ 3 mảnh vỏ (Euphorbiaceae): 16 loài; họ Trâm (Myrtaceae): 11 loài; họ Bứa (Clusiaceae): 10 loài. 13 họ thực vật có số lượng từ 5 – 9 loài là: Họ Xoan (Meliaceae): 9 loài; họ Côm (Elaeocarpaceae): 9 loài; họ Cà phê (Rubiaceae): 8 loài; họ cánh bướm (Fabaceae): 7 loài; họ Xoài (Anacardiaceae): 6 loài; họ Na (Annonaceae): 6 loài; họ Chè (Theaceae): 6 loài; họ Dung (Symplocaceae): 6 loài; họ Tếch (Verbenaceae): 6 loài; họ Dâu tằm (Moraceae): 7 loài; họ Dầu (Dipterocarpaceae): 5 loài; họ Trôm (Sterculiaceae): 5 loài. Còn lại 44 họ có từ 1 đến 4 loài.

Nhưng qua điều tra khảo sát thì số loài tạo lập tầng ưu thế sinh thái và tầng vượt trội lại thuộc về một số họ sau: Họ Fagaceae, họ Pinaceae, ho Dipterocarpaceae, họ Podocarpaceae, họ Hamamelidaceae, họ Theaceae.

2. Thực vật đặc hữu và các loài quí hiếm

Ngoài các yếu tố bản địa và các luồng di cư của các loài thực vật trong hệ thực vật bậc cao có mạch vẫn giữ được nguyên vẹn một số thực vật cổ xưa, mang tính đặc hữu của Konplong nói riêng và của Tây Nguyên nói chung còn sót lại ở các kỷ trước đó là

+ Thông Đà Lạt (Pinus dalatensis): Loài này có mặt trên các ngọn núi hoặc nơi có độ cao từ 1200m trở lên so với mặt biển; gặp ở ô tiêu chuẩn số 4 và một số vùng trong khu rừng phòng hộ Thạch Nham thuộc lâm trường Măng La.

+ Thông đỏ (Taxus bacata var. wallichiana): Loài này được tìm thấy tại vùng Daksô, lâm trường Măng La.

+ Thông tre (Podocarpus neriifolius): Loài này mọc rải rác ở rừng của các lâm trường Măng La, Mang Cành I, Mang Cành II nhưng số cá thể ít.

3 loài trên đều thuộc nhóm IA theo phụ lục 1 về “Danh lục các loài cây đặc biệt quý hiếm” ban hành theo Nghị định số 18-HĐBT ngày 17 tháng 1 năm 1992.

Ngoài ra còn một số loài cây quí hiếm khác nằm trong nhóm IIA của Nghị định trên, đó là:

+ Trầm hương (Aquilaria crassna): Loài này biên độ sinh thái rộng, thích hợp với nhiều vùng, trong đó Trầm hương có mặt tại Konplong. Trước đây thì không hiếm, nhưng do nhựa trầm là mặt hàng có giá trị cao trên thị trường trong nước và thế giới nên việc tìm kiếm, khai thác chặt phá đã đến mức báo động và có nguy cơ tuyệt chủng.

+ Pơmu (Fokienia hodginsii): Có tại ô tiêu chuẩn số 4, hỗn giao với thông Đà Lạt và thông tre; đối với Pơmu vùng Tây Nguyên đã tìm thấy ở Đà Lạt – Lâm Đồng, ở KoKaKinh, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

+ Du xam (Keteleria davidiana): Có mặt tại ô tiêu chuẩn số 30, vùng Konturằn bên kia sông Daknghe thuộc lâm trường Đakruồng. Theo một số tài liệu đã công bố về thực vật của Việt Nam thì Du xam mới thấy ở trên độ cao 1100m so với mặt biển thuộc một số tỉnh vùng Tây Bắc-Bắc Bộ. Như vậy, cây Du xam cũng có thể là thực vật đặc hữu của huyện Konplong nói riêng và của Tây Nguyên nói chung.

Ngoài các loài trên trong khu vực điều tra còn thấy có các loài gỗ quý khác như: Cẩm lai (Dalbergia oliveri), giáng hương quả lớn (Pterocarpus macrocarpus), trắc (Dalbergia conchinchinensis); chàm đen (Dalbergia nigrescens),… thuộc lâm trường Măng Đen, xã Đakalôi thuộc lâm trường Đăkruồng.

3. Thảm thực vật rừng Konplong

Căn cứ vào đặc điểm địa hình, khí hậu, đất đai có thể phân hệ thảm thực vật rừng Konplong thành một số kiểu sau:

3.1. Kiểu rừng thông hai lá (Pinus Merkusii) thuần loại.

Ô tiêu chuẩn số 7, thuộc lâm trường Mang Cành I, đất màu nâu hoặc nâu vàng, trên độ cao 1204m. Kiểu rừng này gồm ba tầng:

– Tầng ưu thế sinh thái: Thông hai lá (Pinus merkusii)

– Tầng cây bụi: Trà hươu (Wendlandia glabrata); dung chịu hạn (Symblocos sp.)

– Tầng thảm: Sim (Rhodomyrtus tomentosus); mua (Melastomaceae); guột (Dicranopteris); cỏ tranh (Imperata cylindrica).

Kiểu rừng này chiếm diện tích khoảng 300- 400ha thuộc lâm trường Mang Cành I và Đakruồng.

3.2. Kiểu rừng hỗn giao cây lá kim và cây lá rộng

Đây là kiểu rừng chuyển tiếp giữa kiểu rừng thuần loại cây lá kim (3.1) với kiểu rừng lá rộng thường xanh mưa mùa ẩm. Trong kiểu rừng này phân làm 2 kiểu:

3.2.1 Kiểu rừng thường xanh thông Đà Lạt hỗn giao với cây lá rộng.

Ô tiêu chuẩn sô 4, thuộc lâm trường Măng La; đất màu nâu vàng hoặc nâu sáng, trên độ cao 1261m. Kiểu rừng này chia thành 4 tầng:

– Tầng ưu thế sinh thái: Thông Đà Lạt, hồng tùng (Dacrydium pierrei), thông tre.

– Tầng dưới tán: Giẻ đỏ (Lithocarpus ducampii), mạ xưa lá lớn (Helicia grandis); bứa (Garcinia oblongifolia); thích 10 nhị (Acer decandrum).

– Tầng cây bụi: Mán đĩa (Pithecelobium clypearia); trọng đũa (Ardisia sp.); trúc gấu (Phyllostachys sp.)

– Tầng thảm tươi: Lấu (Psychotria rubra); sẹ (Canthium bracteosum); lan đất (Orchidaceae).

3.2.2 Kiểu rừng thường xanh, thưa hỗn giao thông 2 lá và cây họ Dầu (Dipterocarpaceae)

Ô tiêu chuẩn số 15, 16 thuộc xã Đakacôi, lâm trường Đakruồng; đất màu vàng nhạt hoặc da cam, nằm ở độ cao 700-800m. Kiểu rừng này chia thành 4 tầng:

– Tầng vượt trội: Thông 2 lá

– Tầng ưu thế sinh thái: Dầu trà beng (Dipterocarpus obtusifolius); sồi quả dẹt (Quercus pelferrianum); cẩm liên (Shorea siamensis); giẻ đỏ.

– Tầng cây gỗ nhỏ: Chẹo lông (Engelhardtia colebrookeana); nhựa (Ilex sp.); trà; hươu (Wendlandia glabrata); đỏ ngọn (Cratoxylon prunifolium).

– Tầng thảm tươi: Lấu (Psychotria sp.); guột, chìa vôi (Lasianthus sp.).

3.3. Kiểu rừng khộp (Dryopenforest)

Ô tiêu chuẩn số 13, 14 tại lâm trường Măng Đen; loại đất màu vàng, ở độ cao 700-800m so với mặt biển. Kiểu rừng này có 3 tầng:

– Tầng vượt trội: Dầu trà beng

– Tầng ưu thế sinh thái: Cẩm liên, cà chít (Shorea obtusa), cà ổi lá nhỏ (Castanopsis echinocarpa), trâm (Sygygium zeylanicum).

-Tầng thảm tươi: Chè vè (Miscanthus floridulus), nhâm hôi (Micromelum sp).

3.4. Kiểu rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm

Ô tiêu chuẩn số 33, tại lâm trường Măng La; đất màu nâu vàng, ở độ cao dưới 1000m. Kiểu rừng này chia làm 4 tầng:

– Tầng vượt tán: Chò chỉ (Parashorea stellata).

– Tầng ưu thế sinh thái: Trôm đỏ (Sterculia coecinea); chắp lá thuôn (Beilschmiedia oblongifolia); cóc đá (Dacryodes dungii).

– Tầng cây gỗ nhỏ: Dumoóc (Baccaurea annamensis), mãi táp trơn (Randia depauperata), nhọc (Polyalthia jenkinsii), bù lột (Grewia bulot).

– Tầng thảm tươi: Lụi (Rhapis laosensis); chè vè; thảo quả (Amonum costatum); trong loại rừng này có thực vật ngoại tầng là: Mây và mây tắt.

3.5. Kiểu rừng lá rộng thường xanh vùng núi

Kiểu rừng này có thể chia thành 2 kiểu:

3.5.1 Kiểu rừng lá rộng thường xanh hồng tùng (Dacrydium pierrei) hỗn giao với cây lá rộng.

Ô tiêu chuẩn số 20 tại lâm trường măng Cành II; đất màu vàng hơi khô, độ cao từ 1000-1100m. Kiểu này thường có 5 tầng:

– Tầng vượt tán: Hồng tùng.

– Tầng ưu thế sinh thái: Hồng quang (Rhodoleia championii); côm tầng (Elaeocarpus dubius); quế lợn (Cinnamomum iners ),…

– Tầng cây gỗ nhỏ: Chân chim (Schefflera octophylla); mặt cắt (Rapannea cochinchinensis); bùi lá tròn (Ilex rotunda).

– Tầng cây gỗ nhỏ: Chè rừng (Camellia sp.); trọng đũa (Ardisia sp.); mãi táp trơn.

– Tầng thảm tươi: Cẩm cang (Smilax sp.); dứa dại (Pandanus humilis); sẹ; giang (Dendrocalamus patellaris);…

3.5.2 Kiểu rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm vùng núi

Ô tiêu chuẩn số 2 tại lâm trường Măng La; đất màu vàng hay chuyển nâu- sáng, độ cao 1230m. Kiểu rừng này có 4 tầng:

– Tầng vượt tán: Giẻ lá tre (Quercus bambusaefolia);

-Tầng ưu thế tái sinh: Hồng quang; côm tầng; quế lợn; dung lá nhỏ (Symplocos dolichotricha).

– Tầng cây gỗ nhỏ: Chân chim; mặt cắt; bùi lá tròn; mạ xưa nam (Helicia cochinchinensis).

– Tầng thảm tươi: Lầu; giang; dương xỉ;…

Tài liệu tham khảo

Phạm Hoàng Hộ. Thực vật Việt Nam, tập 1,2 xuất bản năm 1991- 1992 tại Paris

VietnamForesttrees, của Viện điều tra quy hoạch rừng, do nhà xuất bản nông nghiệp Việt Namấn hành năm 1996.

Nguyễn Tiến Bân, 1993. Danh lục thực vật Tây Nguyên. Nhà máy in Diên Hồng ấn hành.

Results of the survey on forest flora and forest vegetation

in Konplong district, KonTum province.

Summary:This paper briefly mentions results of the research and survey on forest plant resources of Konplong. In this area there are 273 woody species belonging to 126 genera and 65 families. The author also makes known and assesses the endemic, rare and precious tree species, scientifically and economically valuable and reports on some forest types arising due to special topographical, climatic and soil conditions.

(* Các thành viên trong đoàn nghiên cứu điều tra hệ thực vật rừng thuộc huyện Konplong, tỉnh Kon Tum)

*******************************************

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]