Keo lai phá thế độc canh Tràm – Báo Nông nghiệp Việt Nam

Đến nay Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã có 18 giống keo lai tự nhiên và 4 giống keo lai nhân tạo được Bộ NN-PTNT công nhận.

16-08-08 Keolai trenLip

Keo lai dòng AH7 4,5 tuổi phát triển tốt trên vùng đất phèn Cà Mau

 

Bắt đầu thực hiện nghiên cứu chọn tạo giống keo lai từ đầu những năm 1990, đến nay Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã có 18 giống keo lai tự nhiên và 4 giống keo lai nhân tạo được Bộ NN-PTNT công nhận và đã chuyển giao rộng rãi vào sản xuất.

Trong những năm gần đây, việc phát triển trồng rừng keo lai trên trên vùng đất phèn ở khu vực Cà Mau nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đang có xu hướng phát triển mạnh và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ trồng rừng trong khu vực.

Nhằm xác định giống tốt và kỹ thuật gây trồng rừng phù hợp cho vùng này, từ năm 2009 – 2013, Viện Khoa học lâm nghiệp Nam bộ (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm trồng rừng keo lai (Acacia hybrid) bằng các dòng có năng suất cao đã được công nhận trên vườn cây tạp và bờ bao vùng rừng tràm bán đảo Cà Mau” với qui mô 100ha.

Những kết quả chính của dự án đạt được sau 5 năm đã được ThS Võ Ngươn Thảo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Tây Nam bộ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ) chia sẻ:

Về giống, khẳng định được 4 dòng keo lai: AH7, AH1, BV32 và TB12 là phù hợp và cho sinh trưởng tốt nhất trên líp và bờ bao ở U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau. Về kỹ thuật trồng rừng, đối với vùng đất phèn cần thực hiện tạo líp với độ rộng mặt líp từ 10 – 12m, độ cao líp so với mặt đất tự nhiên từ 0,6 – 0,8m, kênh rộng 4m và sâu 1m. Mật độ trồng rừng kinh doanh gỗ xẻ trên líp và bờ bao là 1.100 cây/ha hoặc mật độ từ 1.600 – 2.000 cây/ha trồng ban đầu sau đó tỉa thưa rừng ở năm thứ 3 – 4, để lại mật độ cuối cùng từ 833 – 1.100 cây/ha.

Về năng suất rừng, có thể khẳng định rằng các dòng keo lai được công nhận sinh trưởng tốt trên dạng líp mới và trên bờ bao ở vùng đất phèn U Minh Hạ. Trong đó, các dòng AH7, AH1, BV32 và TB12 là những dòng có sinh trưởng tốt nhất và cho năng suất rất cao từ 34 – 37 m3/ha/năm sau 4,5 tuổi và cao hơn từ 10 – 30% năng suất trung bình của các dòng keo lai khác. Như vậy, sau 7 năm trồng 1ha rừng keo lai trồng bằng 4 giống này cho sản lượng khoảng 200m3 gỗ, cao hơn nhiều lần so với các vùng khác và tỷ lệ gỗ lớn đạt trên 50%.

Hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại sau 5 năm cho lợi nhuận từ 80 – 90 triệu đồng đối với trồng keo lai trên bờ bao và từ 50 – 60 triệu đồng cho trồng rừng trên líp mới do chi phí đầu tư lên líp ban đầu cao nhưng líp có thể sử dụng được ít nhất qua 3 chu kỳ kinh doanh.

Kết quả thành công của dự án đã góp phần nhân rộng rừng trồng keo lai trên toàn tỉnh Cà Mau. Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, đến cuối năm 2015 cả tỉnh đã trồng được hơn 5.000ha rừng trồng keo các loại và đã bắt đầu cho thu hoạch mang lại kinh tế cao cho người trồng rừng. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị rừng trồng đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

GS.TS. Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết: Ngày 17/11/2014 Bộ NN-PTNT đã có Quyết định số 4196/BNN-TCLN về việc ban hành danh mục loài cây chủ lực cho trồng rừng sản xuất và danh mục loài cây chủ yếu cho trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp.

Theo đó, các dòng keo lai BV10, BV16, BV32, BV33, BV71, AH1, AH7, TB05, TB06, TB12, TB03, TB01, TB07, TB11, KL2 và các dòng Keo lá tràm AA1, AA9 là những giống chủ lực để trồng rừng sản xuất ở vùng Tây Nam bộ. Hiện những giống này đang được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam lưu giữ, sản xuất và chuyển giao giống gốc và công nghệ nhân giống cho sản xuất. +

 

+ TS. Kiều Tuấn Đạt, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ: “Diện tích đất phèn ở vùng ĐBSCL chiếm gần 1,6 triệu ha, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, từng bước phá thế độc canh của cây tràm sẽ là một hướng đi đúng và cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu để phát triển nhân rộng”.

+ Các giống keo lai do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chọn tạo có năng suất từ 20 – 40 m3/ha/năm, thân thẳng, cành nhánh nhỏ, có khả năng thích ứng rộng, khả năng chống chịu được bệnh phấn hồng, khả năng cải tạo đất tốt và có tiềm năng bột giấy cao nên đã được gây trồng rất rộng khắp cả nước, từ các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng ven biển miền Trung cho đến vùng ngập phèn ở ĐBSCL đã là hơn 517.000ha tính đến hết năm 2015.

 NGUYÊN HUÂN.

Nguồn: http://nongnghiep.vn/keo-lai-pha-the-doc-canh-tram-post171446.html

 

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]