Đánh giá hiệu quả môi trường một số loại rừng trồng cung cấp gỗ lớn ở Việt Nam

Lương Văn Tiến, Vũ Tấn Phương và Trần Thị Thu Hà
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Nghiên cứu có mục tiêu là phân tích hiệu quả môi trường của một số loại rừng trồng cung cấp gỗ lớn. Đối tượng nghiên cứu là các loại rừng trồng Huỷnh, Lát hoa và Trám trắng tại các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa và Quảng Ninh. Các giá trị môi trường tập trung phân tích gồm giá trị cung cấp nguồn dinh dưỡng cho đất, hấp thụ các bon và bảo vệ đất. Nghiên cứu đã điều tra trên các rừng trồng có tuổi từ 5 – 30 năm. Các chỉ tiêu điều tra gồm sinh trưởng, mật độ, thảm tươi cây bụi, thảm mục, sinh khối rừng, hấp thụ các bon và đất. Phương pháp giá cả thị trường và chi phí thay thế được áp dụng để phân tích hiệu quả môi trường của rừng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị hấp thụ các bon là lớn nhất, tiếp đến là giá trị bảo vệ đất và thấp nhất là giá trị cung cấp nguồn dinh dưỡng, cải thiện độ phì đất. Xu hướng chung là các giá trị môi trường đều tăng dần khi tuổi rừng tăng. Điều này có nghĩa là các lợi ích môi trường của rừng trồng luân kỳ dài là rất đáng kể.
Từ khóa : độ phì đất,xói mòn đất , hấp thụ các bon

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong giai đoạn hiện nay, rừng trồng sản xuất, đặc biệt là sản xuất gỗ lớn có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững tại Việt Nam. Đây là đối tượng liên quan nhiều đến phát triển kinh tế, xã hội nông thôn và xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của cư dân miền núi, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất hàng hoá lâm sản, rừng trồng sản xuất còn đem lại nhiều dịch vụ môi trường khác như hấp thụ các bon, điều hoà vi khí hậu, điều tiết nguồn nước mặt, cải tạo tính chất của đất, vv.Tuy nhiên, khi đánh giá giá trị của rừng trồng sản xuất chúng ta đã quá tập trung vào việc tính các lợi ích trực tiếp từ việc bán lâm sản mà không tính đến giá trị của các dịch vụ môi trường mà rừng mang lại. Chính vì vậy đã gây ra những rào cản nhất định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách và lập quy hoạch phát triển rừng trồng cây gỗ lớn.

Do đó, để làm rõ hiệu quả môi trường của rừng trồng cây gỗ lớn, nghiên cứu được tiến hành nhằm cung cấp các cơ sở khoa học cho các nhà quản lý trong việc hoạch định chính sách khuyến khích và phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn phục vụ cho công tác chế biến hàng hóa lâm sản tại Việt Nam.

(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp số 3 năm 2010, trang 1309-1314)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]