Đa dạng nguồn tài nguyên cây thuốc ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu

Hoàng Thanh Sơn, Nguyễn Hoàng Nghĩa

Phạm Quang Tuyến, Trịnh Ngọc Bon

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Tổng số loài cây thuốc điều tra trong khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là 213 loài thuộc 169 chi, 83 họ của ba ngành thực vật. Trong đó, ngành Hạt kín có tới 206 loài chiếm 96,71%, ngành Dương xỉ có 6 loài chiếm 2,82% và ngành Thông đất có 1 loài chiếm 0,47%. Tám họ có số lượng loài lớn nhất là 78 loài chiếm 36,62% số loài và 51 chi chiếm 30,2% số chi trong khu vực nghiên cứu, đó là Euphorbiaceae 24 loài; Verbenaceae 13 loài; Asteraceae 11 loài; Moraceae 8 loài; Fabaceae 6 loài; Araceae 6 loài; Rubiaceae 5 loài và Araliaceae 5 loài. Thực vật được sử dụng làm thuốc tại khu vực huyện Mường Tè với 4 dạng sống khác nhau: dạng cây thảo chiếm số lượng lớn nhất 58 loài chiếm 27,23%, dạng cây gỗ 57 loài chiếm 26,76%, dạng cây bụi 56 loài chiếm 26,29% và dạng cây dây leo 42 loài chiếm 19,72%. Trong quá trình điều tra chúng tôi nhận thấy có rất nhiều bộ phận của cây được sử dụng làm thuốc, bộ phận được sử dụng nhiều nhất là thân với 71 loài chiếm 40,85%, tiếp đến lá, rễ, vỏ và quả cũng được sử dụng (lá: 33,33%, rễ: 25,82%, vỏ: 10,33% và quả: 8,92%). Các loài cây thuốc được sử dụng chữa nhiều nhóm bệnh khác nhau, trong đó nhóm bệnh về đường tiêu hoá có số lượng loài lớn nhất 36 loài chiếm 16,90%, tiếp đến nhóm chữa bệnh phụ nữ23 loài chiếm 10,80% và nhóm bệnh về xương 21 loài chiếm 9,86%. Tại khu vực điều tra chúng tôi đã xác định được 5 loài thực vật sử dụng làm thuốc bị đe dọa ở các mức độ khác nhau được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007.

Từ khóa:Đa dạng cây thuốc, Mường Tè, Lai Châu

MỞ ĐẦU

Mường Tè là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, diện tích tự nhiên 368.582,50 ha, diện tích rừng 183.577,9 ha. Rừng tự nhiên phần lớn tập trung tại 2 xã Tà Tổng và Mù Cả. Rừng tại khu vực Mường Tè có tiềm năng đa dạng sinh học to lớn, với khu hệ thực vật đa dạng phong phú, có nhiều loài quý hiếm, đặc trưng cho khu hệ thực vật Tây Bắc.

Kết quả điều tra đã phát hiện được ở khu vực nghiên cứu có phân bố tự nhiên của 480 loài thuộc 307 chi, 128 họ của ngành Nấm (Mycophyta) và 3 ngành thực vật bậc cao là ngành Thông đất (Lycopodiophyta), ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và ngành Hạt kín (Magnoliophyta), trong đó có 46 loài cây quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007). Đặc biệt rừng tự nhiên ở huyện Mường Tè có nhiều loài cây thuốc có giá trị được đồng bào địa phương khai thác để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và đem bán.

Trong những năm gần đây, do việc khai thác tự phát của đồng bào dẫn đến số lượng cây thuốc giảm đáng kể. Mặt khác, việc gây trồng cây thuốc trong vườn nhà cũng hạn chế là nguy cơ rất lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các loài cây thuốc tự nhiên. Do đó một yêu cầu cấp bách cần đặt ra hiện nay là phải bảo tồn và phát triển được nguồn tài nguyên cây thuốc. Bên cạnh đó lại phải nâng cao giá trị những kinh nghiệm, kiến thức sử dụng cây thuốc của đồng bào địa phương.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]