Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu tuyển chọn và nhân giống thông nhựa (Pinus merkusii jungh et de vriese) kháng sâu róm thông (Dendrolimus Punctatus Walker).

Đào Ngọc Quang

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tài nguyên rừng ngày càng bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng do nhu cầu về lâm sản và đất canh tác của con người ngày càng cao, kéo theo hàng loạt các ảnh hưởng xấu về môi trường sinh thái.

Cây thông là một trong những loài cây có giá trị kinh tế cao (bao gồm một số loài thông chính như Thông mã vĩ Pinus massoniana Lambert, Thông nhựa Pinus merkusii Jungh et de Vries, Thông 3 lá Pinus kesya Royle ex Gordon…), ngoài gỗ cho xây dựng, làm giấy; nhựa thông còn được dùng trong nhiều ngành công nghiệp như sơn, vécni, vật liệu cách điện và các mặt hàng tiêu dùng khác. Loài gây hại nguy hiểm nhất cho thông là Sâu róm thông (Dendrolimus punctatus Walker) thuộc họ Ngài kén hay Ngài khô lá (vì hậu quả của sự phá hại làm cho lá khô cháy) (Lasiocampidae), bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Sâu róm thông (D. punctatus Walker) là một loài trong giống Sâu róm thông. Theo điều tra nghiên cứu về địa lý côn trùng học của Trung Quốc thì Sâu róm thông phân bố từ sông Hoàng Hà trở xuống. Ở nước ta Sâu róm thông có ở hầu hết tất cả các vùng trồng thông, đặc biệt là vùng trồng Thông đuôi ngựa hoặc Thông đuôi ngựa hỗn giao với Thông nhựa như: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Hiện nay theo xu hướng chung để hướng tới xây dựng một môi trường sinh thái bền vững phát triển theo đúng nghĩa của nó rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã và đang nghiên cứu về việc phòng trừ sâu bệnh bằng biện pháp chọn giống kháng sâu bệnh, lĩnh vực này bước đầu cũng đã được nghiên cứu trong nông, lâm nghiệp. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra và để chứng minh được điều đó và tìm ra được cơ chế kháng sâu của các loài này là rất quan trọng.

Để có cơ sở khoa học trong việc chọn giống Thông nhựa kháng Sâu róm thông cần tìm hiểu cơ chế kháng Sâu róm thông của Thông nhựa thông qua sự khác nhau giữa cây kháng và mẫn cảm với Sâu róm thông về:

– Các nhóm chất hóa học chính;

– Hình thái, giải phẫu lá;

– Thành phần vi sinh vật nội sinh.

Đó là những thông tin quan trọng phục vụ cho công tác chọn giống kháng sâu. Chính vì những lý do trên chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: Nghiên cứu tuyển chọn và nhân giống Thông nhựa (Pinus merkusii Jungh et de Vriese) kháng Sâu róm thông (Dendrolimus punctatus Walker).

15-04-10 Thongnhua

NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Nội dung nghiên cứu

1.1. Tuyển chọn một số cây trội có khả năng kháng Sâu róm thông

  • Điều tra khảo sát, phát hiện cá thể thông có tính kháng Sâu róm thông (không bị Sâu róm thông tấn công hoặc ít bị tấn công) làm cơ sở để tiến hành công tác chọn giống.
  • Nghiên cứu phân tích sinh hóa các mẫu lá của các cây tuyển chọn có khả năng kháng và cây mẫn cảm với SRT.
  • Nuôi Sâu róm thông tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm bằng lá các cây tuyển chọn có khả năng kháng và cây mẫm cảm với Sâu róm thông.
  • So sánh một số đặc điểm giữa cây kháng và cây mẫn cảm.
  • Nghiên cứu phương pháp nhân giống sinh dưỡng thích hợp (giâm hom, chiết, ghép) để nhân giống những cây mẹ tuyển chọn.
  • Tạo cây con nhân giống sinh dưỡng để trồng vườn vật liệu.
  • Thiết lập 01 vườn vật liệu từ những cây con nhân giống sinh dưỡng kháng Sâu róm thông.

1.2. Thí nghiệm nhân giống sinh dưỡng các cây trội tuyển chọn

1.3. Thăm quan học hỏi kinh nghiệm

Thăm quan học hỏi kinh nghiệm về phân tích sinh hóa các chất có khả năng kháng sâu và xác định cơ chế kháng sâu tại Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp và Lâm sản Nhật Bản.

1.4. Thiết lập khu khảo nghiệm hậu thế

Xây dựng 4ha Thông nhựa khảo nghiệm hậu thế từ hạt của những cá thể Thông nhựa có khả năng kháng SRT mà công tác điều tra đã chọn được để đánh giá lại khả năng kháng SRT của chúng tại 4 điểm thường xuyên xảy ra dịch SRT: Hà Trung, Thanh Hóa; Nam Đàn, Nghệ An; Can Lộc, Hà Tĩnh và Quảng Trạch, Quảng Bình

1.5. Đánh giá mức độ bị hại của các dòng, gia đình trong vườn vật liệu và khu khảo nghiệm

  • Đánh giá và so sánh tỷ lệ sống/chết, mức độ sinh trưởng của SRT khi được nuôi bằng lá các dòng, gia đình Thông nhựa thông qua gây nuôi SRT tại thực địa và trong phòng thí nghiệm.
  • Phân cấp mức độ bị hại của các dòng, gia đình Thông nhựa.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Tuyển chọn một số cây trội có khả năng kháng Sâu róm thông

2.1.1. Điều tra phát hiện cá thể Thông nhựa kháng và mẫn cảm với Sâu róm thông

Điều tra theo tuyến: Tiến hành điều tra trên những khu vực đã, đang và sau khi bị Sâu róm thông hại, từ đó phát hiện những vùng bị Sâu róm thông hại, vùng không bị hại và các cá thể không bị hại.

Điều tra theo ô tiêu chuẩn: Điều tra tỷ lệ và mức độ bị hại hiện tại của sâu gây ra, số cây trong ô tiêu chuẩn.

2.1.2. Nghiên cứu phân tích sinh hóa các mẫu lá của các cây tuyển chọn có khả năng kháng và cây mẫn cảm với Sâu róm thông

  • Phương pháp xác định định tính các lớp chất chính (không phải thành phần tinh dầu
  • Phương pháp xác định định tính thành phần tinh dầu

2.1.3. Nuôi Sâu róm thông tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm

2.1.4. So sánh một số đặc điểm giữa cây kháng và cây mẫn cảm

2.2. Nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng các cây trội tuyển chọn

2.2.1. Phương pháp chiết cành

2.2.2. Phương pháp ghép cành

2.2.3. Phương pháp giâm hom

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

1. Tuyển chọn một số cây trội có khả năng kháng Sâu róm thông

1.1. Điều tra, phát hiện cá thể thông có tính kháng Sâu róm thông

  • Tại Thanh Hóa: ô tiêu chuẩn TH4: 3 cây; ô tiêu chuẩn TH5: 12 cây.
  • Tại Nghệ AN: ô tiêu chuẩn NA5: 15 cây.
  • Tại Hà Tĩnh: ô tiêu chuẩn HT4: 13cây; ô tiêu chuẩn HT 5: 2 cây
  • Tại Quảng Binh ô tiêu chuẩn QB5: 15 cây.

1.2. Phân tích sinh hóa các mẫu lá của các cây tuyển chọn

1.2.1. Xác định định tính các lớp chất chính (không phải thành phần tinh dầu)

Định tính các lớp chất cho thấy về cơ bản, các mẫu lá của cây có khả năng kháng và mẫn cảm với Sâu róm thông đều có thành phần các hợp chất khá giống nhau, lớp chất chính là các chất dầu (chất béo), sterol và tecpenoit.

Nghiên cứu dải các chất từ phân cực đến kém phân cực thì hầu như không có sự khác nhau giữa các mẫu lá của cây có khả năng kháng và mẫn cảm với Sâu róm thông. Như vậy, thành phần các hợp chất (không phải là tinh dầu) của các mẫu không khác nhau.

Kết quả này chưa đủ cơ sở để phân biệt được sự khác nhau giữa các lớp chất có trong lá cây có khả năng kháng và mẫn cảm với Sâu róm thông.

1.2.2. Xác định thành phần hoá học và hàm lượng của tinh dầu các mẫu lá bằng phương pháp sắc ký khí – khối phổ

Kết quả phân tích cho thấy ở cả 4 địa điểm nghiên cứu, toàn bộ mẫu lá của 12 cây mẫn cảm đều có những chất mà các mẫu lá của 60 cây kháng đều không có. Đồng thời, thành phần và hàm lượng các hợp chất thuộc nhóm terpene giữa các mẫu lá của cây kháng và mẫn cảm có sự khác nhau. Cụ thể, hầu hết các mẫu lá Thông nhựa có khả năng kháng Sâu róm thông đều có hàm lượng các hợp chất thuộc nhóm terpene lớn hơn các mẫu lá Thông nhựa mẫn cảm với Sâu róm thông. Đồng thời, các mẫu lá của cây mẫn cảm không thấy xuất hiện một số hợp chất thuộc nhóm terpene, hoặc có nhưng với hàm lượng rất nhỏ, như: a-Cadinene; a-Phellandrene; b-Cadinene; b-Cubebene; b-Terpinene; Limonene. Đặc biệt, những cây có khả năng kháng Sâu róm thông và có sản lượng cao là những cây đều có hàm lượng chất d-3-Carene cao.

1.3. Nuôi Sâu róm thông tại hiện trường và trong phòng thí nghiệm

Ở các lồng nuôi bằng lá của những cây thông có khả năng kháng Sâu róm thông hầu hết sâu non chết ngay sau khi trứng nở khoảng 4-5 ngày. Chỉ có 19 lồng nuôi có sâu non phát triển đến giai đoạn nhộng, tuy nhiên tỉ lệ sống chỉ đạt khoảng 7% so với 70% ở những lồng nuôi bằng lá cây mẫn cảm, thời gian hoàn thành vòng đời ngắn hơn, trọng lượng nhộng cũng nhỏ hơn so với nhộng của Sâu róm thông nuôi bằng những lá cây mẫn cảm.

1.4. So sánh một số đặc điểm giữa cây kháng và cây mẫn cảm

1.4.1. So sánh đặc điểm hình thái và giải phẫu lá của cây kháng và cây mẫn cảm

Đặc điểm hình thái lá

Thu mẫu lá của 15 cây đại diện có khả năng kháng sâu và 3 mẫu lá của cây mẫn cảm tại Hà Tĩnh tiến hành so sánh một số đặc trưng của lá như màu sắc, kích thước và độ cứng của lá. Kết quả cho thấy lá của những cây có khả nămg kháng Sâu róm thông có màu xanh đậm hơn, cứng hơn lá của những cây mẫn cảm. Đồng thời, kích thước lá cũng to hơn rất nhiều so với lá cây mẫn cảm, dài hơn đến 31% (32,47cm sovới 22,27cm), rộng hơn đến 33% (13,09mm so với 8,8mm)

Đặc điểm cấu tạo lá

Đặc điểm cấu tạo của lá cây kháng sâu có tầng cutin, tầng biểu bì và tầng hạ bì dầy, tầng nhu mô đồng hóa mỏng nên lá cây rất cứng và có thể vì thế nên sâu non không thích ăn. Trong khi đó lá của cây mẫn cảm có lớp cutin, tầng biểu bì và hạ bì mỏng, lớp nhu mô đồng hóa lớn nên lá cây mềm hơn, sâu thích ăn hơn.

1.4.2. So sánh một số đặc điểm khác giữa cây kháng và cây mẫn cảm

Cây kháng và cây mẫn cảm có sự khác biệt rõ ràng về hình thái bên ngoài như: góc phân cành, màu sắc vỏ, độ nứt, màu sắc nhựa và sản lượng nhựa. Khi đi điều tra ngoài thực địa sơ bộ có thể nhận ra được sự khác nhau giữa cây kháng và mẫn cảm với Sâu róm thông thông qua các đặc điểm hình dạng bên ngoài, đặc biệt là kích thước lá, độ cứng của lá, màu sắc lá và góc phân cành.

2. Nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng các cây trội tuyển chọn

2.1.1. Thí nghiệm ghép cành

Tỉ lệ sống của cây con khi được nhân giống bằng phương pháp ghép áp cành cao hơn so với phương pháp ghép nêm (7,3% so với 4,9%). Tuy nhiên, cả hai phương pháp ghép đều cho kết quả rất thấp, tỉ lệ sống không đạt như mong muốn. Như vậy có thể nói rằng rất khó áp dụng phương pháp này trong thực tế.

2.1.2. Thí nghiệm giâm hom

Kết quả giâm hom Thông nhựa với loại thuốc kích thích ra rễ IBA ở 2 nồng độ khác nhau: 1% và 1,5% cho thấy ở nồng độ 1% cho tỉ lệ sống cao hơn so với nồng độ 1,5% (4,9% so với 3,2%). Tuy nhiên, với cả 2 nồng độ này thì tỉ lệ sống của cây hom vẫn rất thấp. Cũng giống như phương pháp ghép, có thể nói rằng rất khó áp dụng phương pháp này trong thực tế.

2.1.3. Thí nghiệm chiết cành

Trong 3 phương pháp nhân giống sinh dưỡng đối với Thông nhựa, chỉ có phương pháp chiết cành cho kết quả cao nhất (60%). Như vậy có thể áp dụng phương pháp này trong nhân giống sinh dưỡng đối với Thông nhựa. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao cần tuân thủ nghiêm ngặt theo theo qui trình như sau, đặc biệt là khâu khoanh vỏ:

  • Chọn cành chiết: Cành chiết là cành bánh tẻ, có đường kính gốc cành từ 1,5-2,0cm, lá trên cành phát triển đạt kích thước tối đa, không sâu bệnh, dị tật.
  • Thời vụ chiết: Từ tháng 4 đến tháng 6, hoặc từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
  • Khoanh vỏ: Khoảng cách khoanh vỏ là 3cm. Dùng dao cắt hết lớp vỏ, cạo kỹ xung quanh và dùng cồn 90o lau sạch, sau 3 ngày lau cồn 1 lần, để sau khoảng 10 ngày mới bó bầu.

2.1.4. Xây dựng vườn vật liệu

Từ những cây con nhân giống sinh dưỡng (giâm hom, ghép cành, chiết cành), đề tài đã tiến hành xây dựng một vườn vật liệu giống tại Đại Lải, Vĩnh Phúc. Vườn giống này được xây dựng chủ yếu từ những cây con nhân giống bằng phương pháp chiết cành.

3. Kết quả chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm xác định cơ chế kháng sâu tại Nhật Bản

Đoàn dành thời gian 10 ngày (từ ngày 19 tháng 5 đến ngày 28 tháng 5 năm 2008) làm việc và học tập tại phòng thí nghiệm về sinh hóa côn trùng cùng với tiến sĩ Tadakaru NAKASHIMA về phương pháp xác định định tính các lớp chất có trong lá thông. Được sự giúp đỡ, cộng tác nhiệt tình của tiến sĩ Tadakaru NAKASHIMA, đoàn đã nghiên cứu và học tập cách tách chiết các lớp chất có trong lá thông của cây kháng và mẫn cảm với Sâu róm thông bằng các dung dịch khác nhau, đọc và xem sự khác nhau về các lớp chất có trong lá cây kháng và cây mẫn cảm. Kết quả quan sát cho thấy cơ bản không có sự khác nhau về thành phần các lớp chất có trong mẫu lá thông. Cần cứu tỉ mỉ hơn về thành phần và hàm lượng tinh dầu có trong các mẫu cần nghiên cứu, đồng thời cần tiến hành nuôi sâu non bằng lá các cây kháng và mẫn cảm để theo dõi quá trình di chuyển, cũng như các thành phần tập tính sinh học của sâu non, phân tích sự khác nhau về đặc điểm hình thái và cấu tạo lá của các cây này để đi đến kết luận cuối cùng về cơ chế kháng Sâu róm thông của Thông nhựa.

4. Thiết lập khu khảo nghiệm hậu thế

Một trong những đặc điểm khác biệt của những cây kháng SRT là rất ít quả, thậm chí có những cây không có quả. Chỉ có một số cây là có khả năng thu được quả như ở Thanh Hóa và Quảng Bình. Vì vậy không thể thu được hạt để gieo ươm cho tất cả các cây mẹ. Đến nay đề tài chỉ thu được hạt giống của 12 cây mẹ tại 2 địa điểm nghiên cứu, cụ thể: TH02, TH03, TH07, TH08, TH09, TH10, TH11, TH13, QB04, QB11, QB12 và QB13. Số lượng cây con thu được từ hạt của những cây mẹ tuyển chọn là hơn 8.000 cây con và đã trồng 4ha khu khảo nghiệm hậu thế tại 4 địa điểm thường xuyên xảy ra dịch Sâu róm thông trong những năm gần đây là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

5. Đánh giá mức độ bị hại của các dòng, gia đình trong vườn vật liệu và khu khảo nghiệm

5.1. Nuôi SRT bằng lá của các dòng, gia đình Thông nhựa

5.1.1. Nuôi sâu tại hiện trường

Kết quả nuôi sâu ở các địa điểm nghiên cứu cho thấy rằng ở tất cả các công thức thí nghiệm sâu non chỉ sống được một thời gian rất ngắn (khoảng 1-3 ngày). Sau khi được thả trên các cành kể cả những cành của các dòng, gia đình kháng và mẫn cảm sâu non chỉ gặm một chút đầu lá sau đó bỏ đi và chết.

5.1.2.  Thí nghiệm đẻ trứng của sâu trưởng thành trong phòng thí nghiệm

Theo dõi quá trình đẻ trứng của sâu trưởng thành sau 5 ngày vũ hóa cho thấy hầu như không xuất hiện trứng trên tất cả các lá của các dòng, gia đình Thông nhựa ở tất cả 5 địa điểm nghiên cứu. Sâu trưởng thành sau khi vũ hóa không tìm đến các cành, lá Thông nhựa đặt trong lồng nuôi mà chỉ thấy xuất hiện sâu trưởng thành đậu trên lưới của lồng nuôi và đẻ trứng trên đó.

5.1.3. Thí nghiệm nuôi sâu non trong phòng thí nghiệm

Kết quả cho thấy tỉ lệ trứng nở là khá cao (76%-96%), số lượng sâu non ở tất cả các dòng, gia đình sau các khoảng thời gian 4h, 8h và 24h hầu như không có sự khác nhau. Tuy nhiên toàn bộ sâu non đều không ăn và sang đến ngày thứ 3 là chết hết

5.2. Phân cấp mức độ bị hại của các dòng, gia đình Thông nhựa

Đề tài đã tiến hành điều tra phân cấp mức độ bị Sâu róm thông hại các dòng, gia đình trong khu khảo nghiệm hậu thế và vườn vật liệu 2 lần trong năm (tháng 3 và tháng 10), đây là những thời điểm thường xảy ra dich Sâu róm thông ở các địa phương. Tuy nhiên ở cả 2 lần điều tra thì đều không thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu phá hại nào của Sâu róm thông. Mức độ bị hại của tất cả các cây điều tra đều bằng 0 (cây khỏe mạnh bình thường, tán lá không bị hại).

5.3. Sinh trưởng của các dòng, gia đình Thông nhựa

Kết quả đo đếm sinh trưởng của các dòng, gia đình Thông nhựa trong vườn vật liệu và khu khảo nghiệm hậu thê ở các địa điểm nghiên cứu sau 1 và 2 tuổi chỉ ra rằng tỉ lệ sống của các gia đình trong các khu khảo nghiệm hậu thế là khá cao (Thanh Hóa: 91,54; Nghệ An: 91,53%; Hà Tĩnh: 85,38%; Quảng Bình: 90,83%). Sinh trưởng về chiều cao vút ngọn và đường kính gốc của các gia đình không khác nhau nhiều. Tuy nhiên có những cá thể sinh trưởng khá tôt, ví dụ ở Hà Tĩnh có cây đạt Hvn=98cm, Dg=3,2cm (2 năm tuổi), ở Quảng Bình có cây đạt Hvn=70cm, Dg=3,0cm (1 năm tuổi).

 

KẾT LUẬN – ĐỀ NGHỊ

1. Kết luận

  • Qua nghiên cứu phân tích sinh hóa thành thành các hợp chất có trong lá của các cây trội Thông nhựa tuyển chọn kháng và mẫn cảm với Sâu róm thông, kết hợp với kết quả nuôi sâu trong phòng thí nghiệm và ngoài hiện trường, đề tài đã xác định được 36 cây trội tại 4 địa điểm nghiên cứu có khả năng kháng Sâu róm thông cao, cụ thể: Thanh Hóa (8 cây); Nghệ An (9 cây); Hà Tĩnh (12 cây); Quảng Bình (7 cây).
  • 36 cây trội có khả năng kháng Sâu róm thông cao là những cây có hàm lượng các hợp chất thuộc nhóm terpene cao, đồng thời những cây này có sản lượng nhựa cao gấp 200%-300% lần so với những cây mẫn cảm.
  • Bước đầu xác định được cơ chế kháng SRT của Thông nhựa:
    • Cơ chế không ưa thích: Sự khác biệt về đặc điểm hình thái và cấu tạo lá giữa mẫu lá các cây kháng và mẫn cảm: Lá của cây kháng sâu có tầng cutin, tầng biểu bì và tầng hạ bì dầy, tầng nhu mô đồng hóa mỏng nên lá cây rất cứng và vì thế sâu non không thích ăn.
    • Cơ chế kháng kháng sinh:
      • Có sự khác biệt rõ rệt về thành phần tinh dầu có trong mẫu lá Thông nhựa. Một số nhóm chất chỉ thấy xuất hiện trong các mẫu lá cây mẫn cảm, nhưng không thấy xuất hiện trong mẫu lá các cây kháng.
      • Hàm lượng một số thành phần lớp chất thuộc nhóm terpene có trong lá của những cây kháng cao hơn so với lá cây mẫn cảm và không thấy xuất hiện trong lá cây mẫn cảm.

2. Đề nghị

  • Tiếp tục chăm sóc, theo dõi và đánh giá mức độ bị hại của các dòng, gia đình trong vườn vật liệu và khu khảo nghiệm; tiếp tục tuyển chọn thêm các cây trội Thông nhựa kháng Sâu róm thông và sản lượng nhựa cao tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
  • Tiếp tục xác định cơ chế kháng Sâu róm thông của Thông nhựa thông qua xác định thành phần vi sinh vật nội sinh và thành phần các chất dễ bay hơi có trong lá
  • Tiếp tục xây dựng khu khảo nghiệm hậu thế của các gia đình và các tổ hợp lai giữa những cây trội Thông nhựa kháng Sâu róm thông.
  • Tiếp tục nghiên cứu thêm về phương pháp ghép cành đối với Thông nhựa nhằm tạo cây con phục vụ xây dựng vườn tập hợp đầu dòng.
  • Tiếp tục xây dựng vườn tập hợp đầu dòng từ cây con nhân giống sinh dưỡng phục vụ công tác giống sau này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tài liệu tham khảo tiếng Việt

  • Lưu Minh Cúc, Vũ Đức Quang, Trần Đình Long (2008). Di truyền tính kháng bệnh đốm lá muộn (Late leaf spot) trên cây lạc (Arachis hypogaea). Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 6 – 2008, tr 7-11.
  • Nguyễn Quang Dũng, Phạm Quang Thu (2008). Bước đầu đánh giá khả năng kháng nấm Quambalaria eucalypti gây bệnh bạch đàn qua khảo nghiệm loài/xuất xứ tại Đại Lải – Vĩnh Phúc. Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp, số 1 – 2008, tr 548.
  • Nguyễn Hoàng Nghĩa, Phạm Quang Thu và Nguyễn Văn Chiến (2007). Báo cáo công nhận giống các Bạch đàn Keo lai và Keo lá tràm chống chịu bệnh có năng suất cao
  • Nguyễn Thế Nhã, Trần Văn Mão (2004). Bảo vệ thực vật. NXB Nông Nghiệp Hà Nội.
  • Agostinho (1994). 5-Methylcoumarins from Toona ciliata stem bark and their chemotaxonomic significance.
  • Cunningham S. A. and Floy R. B. (1999). Insect Reistance and Silviculture Control of Shoot bores, Hypsipyla robusta, Feeding on Species on Meliaceae in the Asia-Pacific Region, Annual Report, ACIAR project FST/97/24.
  • Michael R. W., Karen M. C., Francois L. and Timothy D. P. (2002). Mechanisms and Development of Resistance in Trees to Insects. Kluwer Academic Publicshers. P.O. Box 17, 3300 AA Dordrencht, The Nertherlands.
  • Kubo and Klocke (1986). Antifeedant activities of terpenoids isolated from tropical Rutales.

2. Tài liệu tham khảo tiếng Anh

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]