Về quyền sở hữu rừng tự nhiên

Vũ Long

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Trong Luật Đất đai 2003, ghi: “ Đất đai thuộc sở hữu tòan dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” ( điều 5); Nhà nước thực hiện quyền định đọat đối với đất đai , trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất và điều tiết các nguồn lợi từ đất đai.

Theo Hiến pháp quy định thì rừng tự nhiên cũng thuộc sở hữu tòan dân và trong dự thảo Luật BV&PTR, tại khoản 1 điều 6 ghi” Nhà nước sở hữu rừng tự nhiên…”Nhưng theo chúng tôi, tùy cùng là tài nguyên thiên nhiên song tài nguyên rừng tự nhiên có những đặc điểm khác với tài nguyênđất đai và do đó quyền sở hữu rừng của Nhà nước đối với đất đai có khác với rừng tự nhiên.

 

1. Đặc điểm của rừng tự nhiên

– Hiện trạng rừng tự nhiên. Theo công bố diện tích rừng và đất lâm nghiệp tòan quốc năm 2002 của Bộ NN&PTNT năm 2002, diện tích rừng tự nhiên tòan quốc là 9.865.020ha, so với năm 1999 tăng lên 394.283ha, trong đó rừng gỗ tăng 219.207ha .

Cơ cấu rừng gỗ tự nhiên ( theo tài liệu kiểm kê rừng năm 1999) như sau:

 

Loại rừng

Diện tích (ha)

Trữ lượng (1000m3)

Tổng diện tích rừng gỗ

7.779.647

666.163

– cấp trữ lượng I

25.829

4.809

– cấp trữ lượng II

160.941

40.232

– cấp trữ lượng III

1.178.478

206.118

– cấp trữ lượng IV

2.219.671

224.896

– cấp trữ lượng V

1.360.116

85.722

Rừng non có trữ lượng

2.119.377

104.322

Rừng non có trữ lượng

714.377

Rừng lá kim

247

61.132

 

– Đặc điểm khác biệt cơ bản của rừng tự nhiên và đất đai là: rừng tự nhiên là tài nguyên tái tạo được, được bảo vệ & phát triển sẽ sinh sôi nẩy nở cả về diện tích, chất lượng và giá trị rừng; có đất đai là tài nguyên không tái tạo được. Rừng luôn gắn với đất đai không thể tách rời.

– Chukỳ sinh trưởng của cây rừng tự nhiên rất dài; chu kỳ sản xuất của rừng tự nhiên thường từ 25-30 năm ( khai thác chọn theo phương án điều chế rừng). Quá trình tái sản xuất trong kinh doanh rừng tự nhiên vừa là quá trình tái sản xuất tự nhiên và quá trình tái sản xuất kinh tế, khi áp dụng phương thức thâm canh rừng thì quá trình tái sản xuất kinh tế ngày càng có vai trò quan trọng.

– Tiêu chí đo lường rừng tự nhiên khác với đất đai: tiêu chí đo lường đất đai thông thường là diện tích, tính bằng m2, ha…Nhưng đối với rừng tự nhiên, tiêu chí diện tích là không đủ, đồng thời với diện tích là tiêu chí chất lượng rừng. Thông thường hiện nay mới dùng trữ lượng gỗ m3/ha, là chưa đủ, vì cùng một trữ lượng nhưng tổ thành loài cây khác nhau rừng có giá trị rất khác nhau. Đối với rừng tự nhiên sản xuất, tiêu chí chất lượng rừng là cực kỳ quan trọng, nó là yếu tố quan trọng nhất để quyết định giá rừng cao hay thấp (tính trên ha).

– Rừng tự nhiên có giá trị về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và cả kinh tế, gấp nhiều lần rừng trồng. ở nước ta chưa có nghiên cứu tính giá trị môi trường bằng tiền, nhưng ở các nước phát triển cho thấy giá trị môi trường chiếm trên 90% tổng giá trị của rừng (giá trị lâm sản hàng hóa chỉ chiếm 4-5%). Giá trị môi trường của rừng là giá trị phi hàng hóa, hiện nay tòan xã hội đang sử dụng mà không phải trả phí.

– Tuy giá trị lâm sản hàng hóa của rừng tự nhiên nhỏ so với tổng giá trị của rừng, nhưng đối với nền kinh tế địa phương ở vùng còn rừng, rừng tự nhiên vẫn là một nguồn lực đáng kể cho phát triển, đặc biệt là đối với miền núi. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn gắn bó nhiều với rừng tự nhiên, nhất là lâm sản ngoài gỗ.

 

2. Sở hữu rừng tự nhiên.

Từ những đặc điểm nêu trên có thể đưa ra nhận xét về quyền sở hữu đối với rừng tự nhiên ở nước ta như sau:

 

2.1 Hiện nay không phải mọi loại rừng tự nhiên đều thuộc sở hữu Nhà nước.

a) Xét về tiêu chí diện tích rừng:

Trong 9.440 nghìn ha rừng gỗ tự nhiên hiện có, có 2.800 nghìn ha rừng non có trữ lượng và chưa có trữ lượng, chiếm 29,6% tổng diện tích rừng gỗ tự nhiên. Loaị rừng này là kết quả của tái sinh tự nhiên và việc khoanh nuôi có đầu tư của các chủ rừng. Chủ rừng bỏ vốn đầu tư khoanh nuôi phục hồi rừng không bằng nguồn vốn ngân sách thì quyền sở hữu rừng thuộc về họ chứ không của Nhà nước. Đã có hàng vạn ha rừng được các chủ rừng khoanh nuôi thành rừng. (Diện tích rừng gỗ tự nhiên năm 2002 tăng hơn năm 1999 là 219.207 ha). Đến 2002 Nhà nước đã giao cho hộ gia đình cá nhân và tập thể 1.553.766 ha rừng gỗ, chủ yếu là rừng ngheò kiệt và rừng non phục hồi, và 2.057.199 ha đất trống đồi trọc, trong đó diện tích Ic là 455.994ha, đó là đối tượng khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên. Do đó khẳng đinh rằng hiên nay đã có hàng vạn ha rừng non phục hồi không thuộc sở hữu nhà nước.( tất nhiên diện tích đất vẫn là sở hữu Nhà nước).

 

b) Xét về chỉ tiêu chất lượng rừng: Chất lượng rừng biến đổi theo thời gian phụ thuộc vào quá trình tái sinh tự nhiên và xúc tiến tái sinh do các chủ rừng đầu tư. Do đó không phải ở mọi thời điểm sở hữu rừng tự nhiên (xét theo chỉ tiêu chất lượng, giá trị rừng) đều thuộc sở hữu Nhà nước.

– Một ví dụ: Ban đầu Nhà nước giao cho hộ gia đình một diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, có trữ lượng 50m3/ha, hộ tự đầu tư bảo vệ, nuôi dưỡng, làm giàu; 30 năm sau trở thành rừng trung bình có trữ lượng 100m3/ha, năng suất rừng tăng, tổ thành loài cây được cải thiện, giá trị kinh tế, môi trường, đa đạng sinh học của rừng tăng lên rõ rệt. Vậy ở thời điểm ấy liệu giá trị khu rừng đó có hoàn toàn thuộc sở hữu Nhà nước không ? Chúng tôi cho rằng, khu rừng đó phải có chế độ đồng sở hữu: Nhà nuớc và chủ rừng. Xác định quyền sở hữu về khu rừng như vậy là đúng với nguyên tắc kinh tế, và không gây phương hại gì cho lợi ích Nhà nước, xã hội. Rừng tốt lên thì dân và nhà nước cùng có lợi.

Ngay trong chính sách hưởng lợi từ rừng của hộ gia đình, cá nhân nhận giao đất giao rừng (Quyết định 178//2001/QĐ-TTg của Chính phủ) cũng thể hiện nguyên tắc này. Ví dụ, tại khỏan 4, Điều 7 quy định: căn cứ vào hiện trạng rừng khi giao cho hộ gia đình, cá nhân, giá trị lâm sản khai thác chính sau khi nộp thuế được phân chia: đối với rừng gỗ là rừng thứ sinh nghèo kiệt, hộ gia đình được hưởng 100%. Theo chiến lược phát triển lâm nghiệp của Bộ NN&PTNT đến 2010, diện tích rừng trồng khỏang 5 triệu ha, trong đó 2/3 là rừng sản xuất. Rừng trồng sản xuất chủ yếu thuộc sở hữu cá thể, tư nhân và đa sở hữu ( sở hữu công ty).

 

Như vậy, quyền sở hữu rừng tự nhiên, xét trên cả 2 tiêu chí: diện tích và giá trị rừng, ở thời điểm hiện nay, khi chính sách giao đất giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân đã được thực hiện vài chục năm với hàng triệu ha rừng tự nhiên và đất trống đồi trọc đã được giao và Nhà nước đã thực hiện nhiều dự án trợ giúp cho dân bảo vệ phát triển rừng thì không thể ghi vào dự thảo Luật BV&PTR là Nhà nước sở hữu rừng tự nhiên một các chung chung như vậy, cần thừa nhận quyền sở hữu khác về rừng tự nhiên: sở hữu cá thể, cộng đồng, tư nhân và chế độ đồng sở hữu ( nhà nước – tư nhân).

 

2.2 Cải cách cơ cấu sở hữu rừng là nền tảng để thực hiện cải các cơ cấu kinh tế lâm nghiệp, thực hiện xã hội hóa nghề rừng.

Quyền sở hữu Nhà nước với rừng chỉ nên xác lập ở lọai rừng đặc dụng và phòng hộ (khu phòng hộ tập trung) và một ít rừng tự nhiên sản xuất tập trung (những công ty lâm nghiệp quốc doanh có quy mô lớn), còn lại nên chuyển đổi thành các loại sở hữu khác với phương thức thích hợp. Cải cách cơ cấu kinh tế lâm nghiệp theo hướng trên sẽ thu hút được vốn đầu tư toàn xã hội vào phát triển rừng và lâm nghiệp, giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Bài học về phát triển ngành chế biến gỗ xuất khẩu hiện nay cho thấy: với luật doanh nghiệp và chính sách thuế nhập khẩu gỗ và xuất khẩu gỗ bằng 0% và việc kiểm sóat nguồn gốc gỗ xuất khẩu thông thoáng, các doanh nghiệp đã tích cực khai thác thị trường, có khả năng nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ lên khoảng 1 tỷ USD ngay năm 2004 (đạt 40% mục tiêu xuất khẩu năm 2010, theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp), đóng góp chủ yếu là thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

Xã hội hóa một bộ phận rừng tự nhiên sẽ tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư bảo vê và phát triển rừng tự nhiên nghèo kiệt và rừng non đang phục hồi trở thành rừng tốt, có giá trị kinh tế và môi trường. Nhu cầu vốn đầu tư cho loại rừng này rất lớn: tổng diện tích rừng tự nhiên cần đầu tư 6,380 triệu ha, suất đầu tư tối thiểu 5 triệu đ/ ha/ 25 năm (200.000đ/ha/năm), thì nhu cầu vốn hàng năm là 1276 tỉ đồng (gấp hơn 4 lần vốn đầu tư của Dự án 5 triệu ha hiện nay), ngân sách Nhà nước không thể bao cấp nổi.

Bảo vệ rừng tự nhiên hiện có là vấn đề khó khăn phức tạp nhất hiện nay. Luật pháp chính sách và năng lực của tổ chức bảo vệ rừng dường như kém hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu. Phải chăng nên tiếp cận đến giải pháp về quyền sở hữu: có nên giao quyền sở hữu rừng tự nhiên cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn không? Có nên bán rừng tự nhiên sản xuất cho tổ chức không? Quyền sở hữu tài sản sẽ tạo ra động lực cho chủ rừng bảo về rừng. Hoặc chí ít cũng là quyền đồng sở hữu, đa sở hữu. Nhà nước nắm chặt quyền sở hữu Nhà nước về đất đai là kiểm sóat được quyền sử dụng rừng của tổ chức, cá nhân. Nhà nước quản lý chặt chẽ bằng quy chế khai thác sử dụng rừng tự nhiên là đủ (tất nhiiên phải để cho người sở hữu được hưởng lợi chính đáng phù hợp với công sức đầu tư của họ).

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Luật Đất đai, 2003,

2. Dự thảo Luật BV&PTR ( sửa đổi)- ủy ban KHCN-MT Quốc hội,7/2004,

3. Tổng kiểm kê rừng tòan quốc.

 

Summary

 

According to the draft revised forest protection and development law, natural forest is owned by the state but based on the characteristics of the forest and the present forestry practice not all natural forests are owned by the state and the ownership of some areas of natural forest does lie in other economic sectors. Improvement of forest economy structure in the direction of socialization of forest career will create favourable conditions for natural forest and forestry development.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]