Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 3128/QĐ-BNN-TCCB ngày 13/12/2012 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng, tổ chức tiền thân của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã được thành lập theo Quyết định số 276 TC-LĐ ngày 15/5/1990 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN&PTNT) và là một trung tâm nghiên cứu chuyên đề Cải thiện giống và Bảo tồn nguồn gen cây rừng.
Ba mươi năm, một chặng đường không dài đối với lịch sử phát triển của một đơn vị nghiên cứu khoa học, nhưng những thành tựu đã đạt được là sự nỗ lực phấn đấu và cống hiến liên tục của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp, những thành tựu đó đang và sẽ được các thế hệ CBVC nối tiếp phát huy và phát triển. Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp ngày nay đang có một đội ngũ cán bộ trẻ, đầy nghị lực và nhiệt huyết, quyết tâm phấn đấu vươn lên giành những thắng lợi mới, xứng đáng là đơn vị nghiên cứu khoa học lâm nghiệp được thành lập đầu tiên của ngành.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bằng tâm huyết và nghị lực, với sự cố gắng phi thường, tập thể cán bộ Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã nghiên cứu chọn tạo được hàng trăm giống các loại, trong đó 158 giống, 27 vườn giống và rừng giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Các giống được công nhận đều có năng suất cao (bình quân đạt 20 – 40 m3/ha/năm), chất lượng gỗ tốt, chống chịu sâu bệnh. Viện đã cung cấp giống gốc và đào tạo, chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống cho nhiều cơ sở sản xuất, qua đó, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng trong cả nước (từ dưới 10 m3/ha/năm giai đoạn trước năm 2000 – 2010 lên đến 15-20 m3/ha/năm giai đoạn 2015-2020), nâng cao thu nhập đời sống người dân trồng rừng và phát triển các ngành kinh tế liên quan như sản xuất giấy, ván nhân tạo, xuất khẩu dăm gỗ và sản xuất đồ mộc xuất khẩu.
Được sự thống nhất và cho phép của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Ngày 10/11/2020 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện.
Dự lễ kỷ niệm có đ/c Hà Công Tuấn – Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; GS.TS. Ngô Xuân Bình – Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ các ngành kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ; đ/c Nguyễn Thành Lệ- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đ/c Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Khoa học Công nghệ & Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đ/c Lê Văn Thành – Chánh văn phòng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; GS.TS. Võ Đại Hải – Bí thư đảng ủy, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Ban Giám đốc Viện, lãnh đạo các Ban, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cán bộ khoa học đã nghỉ hưu và Đại diện các Sở nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học công nghệ, Chi Cục Lâm nghiệp các tỉnh, Đại diện các doanh nghiệp lâm nghiệp các tỉnh;
Thay mặt Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp, TS Nguyễn Đức Kiên– Bí thư Chi bộ, Viện trưởng đã đọc diễn văn Truyền thống kỷ niệm 30 năm thành lập Viện. Trong hành trang 30 năm xây dựng và phát triển, với đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt huyết và hết lòng vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học; được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp các ngành, Viện đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại, phấn đấu xây dựng Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp là đơn vị sự nghiệp khoa học góp phần phát triển kinh tế xã hội của ngành Lâm nghiệp.
Trong hành trình phát triển, Viện đã tham gia đào tạo 15 Tiến sỹ, liên kết đào tạo 20 Thạc sỹ, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Giống, Bảo tồn nguồn gen, Công nghệ sinh học Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Viện đã công bố 60 bài báo quốc tế và 235 bài viết trên các tạp chí khoa học trong nước.
Thông qua việc tìm kiếm các cơ hội và giải pháp tiếp cận từ các dự án hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế (ACIAR, AusAid, Sida-SAREC, CSIRO, Skogforsk, SLU, Đại học Kasersart – Thái Lan, Đại học quốc gia Malaysia, Đại học Sunshine Coast, Đại học Queensland – Australia, Viện nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới – Trung Quốc và một số công ty đa quốc gia, …), Viện đã đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ, tiếp nhận các các công nghệ và phương pháp nghiên cứu tiên tiến như tạo giống đa bội, chuyển gen, phân lập các gen mục tiêu, phát triển các phương pháp chọn giống thông qua chỉ thị phân tử, … để chọn tạo thêm các giống có năng suất cao, chất lượng gỗ tốt, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với điều kiện biến đổi của khí hậu, nghiên cứu bảo tồn gen cho nhiều loài cây quý hiếm, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước trong khu vực tạo thành một mạng lưới nghiên cứu để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi vật liệu giống nhằm đa dạng hóa tập đoàn giống công tác. Từ năm 2012, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp là thành viên sáng lập nhóm nghiên cứu về di truyền và lâm sinh của các loài keo của Liên minh các tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (IUFRO working party 2.08.07 – Genetics and Silviculture of Acacias).
Với các thành tích to lớn đã đạt được, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động Hạng ba (năm 1996), Hạng hai (năm 2001), Giải thưởng Nhà nước về KHCN (năm 2000), Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam (năm 2012 và 2018), Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2020). Ngoài ra, các tập thể và cá nhân trong Viện đã được tặng nhiều giải thưởng và bằng khen của Chính phủ, của Bộ NN&PTNT cũng như của một số tổ chức quốc tế.
Sở hữu hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại về công nghệ tế bào thực vật, sinh học phân tử, hiện nay, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp có 5 Bộ môn, 1 Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao giống cây rừng, quản lý 215,1 ha ha rừng thí nghiệm cùng tập đoàn giống phong phú, đa dạng, lực lượng cán bộ đã được tăng cường gồm 8 Tiến sỹ, 2 Nghiên cứu sinh, trên 20 Thạc sỹ. Tự hào với truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác chuyên môn và phát triển xứng tầm với vị thế là đơn vị hàng đầu cả nước trong lĩnh vực Giống cây Lâm nghiệp.
Một số hình ảnh của Lễ kỷ niệm.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở các nhiệm vụ xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia thực hiện bởi Viện nghiên cứu Lâm sinh và Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp
- Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ
- Thông báo kết quả thi tuyển viên chức Vòng 1
- Nghiên cứu sinh Nguyễn Hữu Sỹ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở các nhiệm vụ xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia