Vũ Long
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Rừng là môi trường sống quen thuộc từ lâu đời đối với ngươì dân miền núi, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Cho đến nay ở nhiều vùng, đời sống của đồng bào còn phụ thuộc rất nhiều vào rừng, từ đất làm nương rãy, gỗ làm nhà, thực phẩm, cây thuốc chữa bệnh…Rừng đã đóng góp một phần quan trọng vào nền kinh tế tự cấp tự túc của họ. Ngoài ra rừng còn là một bộ phận văn hóa tâm linh của đồng bào, như nhà văn Nguyên Ngọc đã phát hiện về văn hóa rừng của đồng bào Tây Nguyên. Nhân dân miền núi theo quan niệm của mình, đã từng tạo lập ra cách quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên trên lãnh địa sinh sống, quan trọng nhất là rừng núi, đất đai, đã tồn tại qua nhiều thế hệ và dư âm còn tồn tại đến ngày nay
Chính sách giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đã được thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi, nhưng vẫn chưa tạo ra động lực để nhân dân miền núi gắn bó với rừng và đất lâm nghiệp như khi được giao ruộng đất .
Chương trình 327 có chính sách giao khoán bảo vệ rừng (50.000đ/ha/năm) đã được nhân dân miền núi hưởng ứng rộng rãi, vì tăng thêm thu nhập cho đồng bào, tuy không nhiều. Nhưng do nguồn vốn ngân sách có hạn, nên diện tích rừng khóan không nhiều, không thỏa mãn nhu cầu của dân, chỉ một số gia đình được nhận khoán. (Diện tích rừng được cấp kinh phí giao khoán bảo vệ rừng hàng năm khoảng hơn 1 triệu ha, nhưng diện tích rừng cần bảo vệ lên gần 8 triệu ha). Mặt khác, nhận khoán vẫn là bảo vệ rừng thuê cho Nhà nước, khi nào dự án “cắt khoán” thì người dân không còn quyền lợi gì, rừng lại trở thành vô chủ. Khi chuyển sang dự án 5 triệu ha rừng, chính sách khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rất xung yếu vẫn tiếp tục được thực hiện, nhưng có thời hạn không quá 5 năm, kinh phí khoán bảo vệ rừng cũng không tăng lên. Nhằm tạo động lực kinh tế khuyến khích nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng và làm cho thu nhập từ rừng trở thành một nguồn thu đáng kể góp phần đảm bảo cuộc sống của người làm nghề rừng, năm 2001 Chính phủ đã ban hành chính sách về quyền hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp (quyết định 178/2001/QĐ-TTg). Quyền hưởng lợi trên đất lâm nghiệp bao gồm: gỗ, các lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm trồng xen, tiền công tương xứng tiền của công sức của hộ gia đình, cá nhân đã đầu tư vào rừng, không chỉ đơn thuần là tiền công khoán bảo vệ rừng với thời hạn nhất định như trước đây.
Quyết định 178 được ban hành từ cuối năm 2001, những tưởng sẽ tạo ra một làn gió mới trong lâm nghiệp ở miền núi như khoán 10 trong nông nghiệp, nhưng cho đến nay sau hơn 2 năm, tình hình vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, không được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người dân, cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở, không có thôn xã nào chủ động triển khai thực hiện chính sách này.
Vì sao chính sách hưởng lợi từ rừng lại chậm đi vào cuộc sống ? Chúng tôi thử tìm cách lý giải, như sau:
- Sự trì trệ trong tổ chức thực hiện chính sách
Đến naychính sách 178 vẫn chưa được triển khai thực hiện đến người dân. ở nhiều vùng chúng tôi đến, cấp xã cũng chỉ mới nghe qua là có chính sách về quyền hưởng lợi từ rừng, nhưng chua được phổ biến cụ thể, cũng chưa có văn bản gửi đến. Các bên giao khoán rừng cho hộ gia đình như Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, lâm trường, Ban quản lý dự án 661…tuy đã có quyết định 178, nhưng vẫn chưa động tĩnh, vì còn chờ cấp trên hướng dẫn thực hiện. Cấp tỉnh thì án binh bất động với lý do việc thực hiện ăn chia sản phẩm gỗ khai thác chính giữa hộ gia đình và Nhà nước quá phức tạp, chờ đợi thông tư hướng dẫn của các Bộ. Còn cấp Bộ thì còn “ngâm cứu”, sau gần 2 năm mới ra được thông tư hướng dẫn! (số 80/2003/TTLT/BNN-BTC, ngày 03/9/2003), cuối tháng 10/2003 tỉnh Quảng Nammới nhận được thông tư này.
Một số tỉnh do sự bức xúc của tình hình, trong khi chưa có thông tư hướng dẫn, đã chủ dộng ban hành chính sách địa phương về quyền hưởng lợi từ rừng.
– Tỉnh Đắc Lắc đã làm thí điểm giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân (trên diện tích rừng thu hồi lại từ các lâm trường). UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt các phương án giao đất lâm nghiệp thí điểm, trong đó có quy định về quyền hưởng lợi từ rừng của hộ được giao rừng, đến hết 2003 tỉnh đã giao 24.885ha rừng cho 4.419 hộ gia đình và nhóm hộ, cộng đồng tại một số thôn ở 2 huyện Ea H’leo và Krông Bông. Quyền hưởng lợi tương tự như chính sách 178. (còn chưa áp dụng với rừng nhận khóan bảo vệ).
– Tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định số 106/23003/ QĐ-UB quy định tạm thời về giao khoán rừng có hưởng lợi theo quyết định 178, nhưng phạm vi áp dụng chỉ giới hạn cho việc khoán bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất của lâm trường quốc doanh.
– Từ cuối năm 2000, để đẩy mạnh giao đất giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng làng bản, tỉnh Sơn La đã ban hành chính sách giao đất giao rừng, có quy định quyền hưởng lợi từ rừng (mức hưởng lợi cao hơn nhiều so với quyết định 178), đã giao được được 384.784ha, tại 16 huyện.
Một số dự án quốc tế về lâm nghiệp ở miền núi rất quan tâm đến chính sách này đã tổ chức khảo sát tổng kết để rút kinh nghiệm, nhưng không thu được kết quả gì vì chính sách chưa được triển khai.
2. Còn thiếu các chính sách đồng bộ để người dân được thực sự hưởng quyền lợi từ rừng như quyết định 178.
Kinh nghiệm trong nông nghiệp cho thấy không chỉ giao ruộng đất cho hộ gia đình, cá nhân mà đã tạo đủ động lực cho sản xuất nông nghiệp phát triển, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều chính sách như: xóa bỏ nghĩa vụ bán lương thực, nông sản, chính sách một giá, tự do lưu thông nông sản hàng hóa, vật tư nông nghiệp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ…. Còn để triển khai chính sách hưởng lợi từ rừng (quyết định178), lại chưa có hệ thống chính sách đồng bộ như vậy.
Ví dụ: i) ở những vùng sâu vùng xa, kinh tế chủ yếu là tự cấp tự túc, người dân thiếu ruộng nước, mối quan tâm hàng đầu của hộ là có đất để mở rộng sản xuất nông nghiệp (trồng cạn) và làm nương rãy, thì chính sách lại chưa đề cập đến đất làm nương rãy. Việc khai thác gỗ làm nhà là quyền lợi gần như đương nhiên từ trước đến nay, tùy theo mức sống của từng hộ, nay lại quy định phải xin giấy phép khai thác đến huyện. Những khảo sát của chúng tôi ở nhiều nơi cho thấy không ai thực hiện cả, cấp thôn bản đến xã quản lý là có hiệu lực.
ii) Phân chia giữa Nhà nước và hộ gia đình đối với gỗ khai thác chính dường như là trọng điểm của chính sách hưởng lợi. Nhưng thử hỏi với chính sách hạn chế khai thác rừng tự nhiên của Chính phủ như hiện nay ( toàn quốc 1 năm chỉ được cấp phép khai thác 150-200.000 m3 gỗ và chỉ dành cho các lâm trường quốc doanh khai thác theo phương án điều chế) thì quyền lợi của dân được thực hiện bằng cách nào? Liệu Sở NN&PTNT được quyền duyệt thiết kế và cấp giấy phép khai thác rừng ngoài quota của Chính phủ chăng? Việc quản lý khai thác rừng tự nhiên và vận chuyển lưu thông lâm sản hiện nay còn quá nặng nề, dựa trên tư duy rừng tự nhiên là tài sản quốc gia, nên nặng về ngăn chặn nạn khai thác lậu đã gây cản trở cho việc sản xuất và lưu thông lâm sản hàng hóa của chủ rừng sản xuất. Chỉ khi quá trình sản xuất và lưu thông lâm sản thực hiện được trôi chảy thì người chủ rừng mới được hưởng thụ quyền lợi đầy đủ .
3.Tính phức tạp của việc xác định cơ sở tính quyền hưởng lợi từ rừng.
Dân gian có câu “rậm như rừng”. Đúng vậy, chính sách lâm nghiệp dường như cũng rối rắm hơn, khó minh bạch hơn nông nghiệp. Để bảo đảm tính công bằng trong quyền hưởng lợi từ rừng của người được giao, nhận khoán rừng, có quá nhiều yếu tố phải tính đến, lại khó xác định chính xác :
+ Trước hết, phải xác định loại rừng được giao hay nhận khoán là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hay rừng sản xuất. Theo quy chế quản lý 3 loại rừng, do mục đích sử dụng rừng khác nhau, nên quyền hưởng dụng sản phẩm và các lợi ích khác rất khác nhau. Trên thực tế việc xác định ranh giới ngoài thực địa của 3 loại rừng thật không dễ dàng vì rất ít tỉnh có kinh phí để cắm mốc giới cho 3 loại rừng trên địa bàn từng xã, ngoại trừ ở những Vườn quốc gia lớn, có vốn viện trợ của nước ngoài.
+ Thứ đến, xác định hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp nhận ban đầu (đồng thời thể hiện công sức đầu tư vào rừng của hộ gia đình- qua số năm đã nhận giao hay khoán rừng). Có sự khác biệt rất lớn giữa cách phân loại hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp của Nhà nước và của dân. Hệ thống phân loại hiện trạng rừng của Nhà nước rất phức tạp (quyết định 682/QĐKT, ngày 01/8/1984 của Bộ Lâm nghiệp về quy phạm thiết kế kinh doanh rừng) chỉ những người được đào tạo chuyên môn lâm nghiệp mới sử dụng được: đất lâm nghiệp chưa có rừng là loại I, tùy theo thảm thực vật che phủ chia ra Ia,Ib,Ic; Rừng được phân ra 3 loại II,III,IV, theo trữ lượng gỗ của rừng và mức độ tác động của con người đến rừng, và trong mỗi loại lại còn được chia nhỏ theo khả năng tái sinh…thành A,B,C rồi 1,2,3. Việc phân loại này là cần thiết trong thiết kế kinh doanh rừng của tổ chức lâm nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, nhưng thực tế không phải lúc nào trong cũng có thể phân loại rành rẽ ngoài thực địa cho từng khu rừng giao hay khoán cho hộ gia đình, cộng đồng, nếu không phải là cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp có nghiệp vụ về điều tra rừng, có công cụ quan sát, tính toán. Ngoài ra đối với mỗi loại rừng (rừng lá rộng thường xanh, rừng rụng lá, rừng lá kim, rừng ngập mặn…) tiêu chí phân loại lại khác nhau. Trong tài liệu kiểm kê rừng tự nhiên năm 1999, rừng tự nhiên được phân loại theo cấp trữ lượng (4 cấp), trước đây thì phân loại theo rừng giàu, trung bình và rừng nghèo, rừng non.
Còn người dân miền núi, do mục đích sử dụng rừng của mình là lấy gỗ làm nhà , lấy đất làm nương rãy nên phân loại rừng rất đơn giản: rừng già, là rừng tự nhiên có nhiều cây cổ thụ chưa bị phá làm nương rãy, hoặc đã bị phá nhưng nay đã phục hồi hoàn toàn có nhiều cây gỗ lớn; tuy theo mức độ cây gỗ nhiều hay ít, lớn hay bé, mà có thể chia ra rừng giàu hay rừng nghèo. Vùng rừng hay làm nương rãy thì có rừng phục hồi sau nương rãy (đồng bào Cor ở Quảng Namgọi là rừng “dế”) và đất trống.
Do sự khác biệt quá lớn như thế, nên khi thực hiện chính sách 178 thì cán bộ xác định trạng thái rừng như thế nào thì người dân biết vậy chứ không thể tham gia ý kiến được (ngay cả đến cán bộ huyện, xã, cán bộ địa chính không có chuyên môn lâm nghiệp cũng chịu). Chúng tôi được tham gia nhóm khởi thảo chính sách 178 đã lường trước khó khăn này, nên khi thiết kế chính sách đã không sử dụng cách phân loại hiện trạng rừng theo quy phạm thiết kế kinh doanh rừng, mà dùng cách phân loại đơn giản để người dân dễ nhận biết, với rừng gỗ: phân chia thành rừng thứ sinh nghèo kiệt, rừng phục hồi sau nương rãy, rừng có trữ lượng trung bình hoặc già. Với cách phân loại này người dân và cộng đồng có thể bàn bạc tự xác định được. Nhưng đáng tiếc, trong thông tư số 80, hướng dẫn thi hành quyết định 178, lại bê nguyên xi cách phân loại hiện trạng rừng của quy phạm thiết kế kinh doanh rừng để hướng dẫn thực hiện, đã làm phức tạp hóa vấn đề. (Phải chăng đó là tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, xuất hiện không hiếm trong các thông tư hướng dẫn thi hành văn bản luật và nghị định của Chính phủ, làm cho luật pháp khó đi vào cuộc sống!?). Theo chúng tôi, việc phân loại rừng theo trạng thái khi giao rừng cốt để đảm bảo công bằng về quyền hưởng lợi giữa các hộ gia đình trong cộng đồng là chính chứ không chỉ nhằm phân chia công bằng, sòng phẳng lợi ích giữa Nhà nước và người dân; lợi ích lớn nhất của Nhà nước thu được là rừng được bảo vệ và phát triển, môi trường được cải thiện, điều này được thể hiện trong chính sách 178: phần giá trị lâm sản nộp vào ngân sách Nhà nước để lại cho ngân sách xã và sử dụng vào các việc hỗ trợ công tác bảo vệ rừng; trợ cấp cán bộ lâm nghiệp, cán bộ kiểm lâm công tác trên địa bàn xã và công tác khuyến lâm.
4.Hướng dẫn cách phân chia sản phẩmkhai thác chính giữa hộ gia đình với bên giao, khoán rừng và đất lâm nghiệp (mục II.1, thông tư 80) là bất hợp lý, thiệt cho dân, thể hiện sự quan liêu:
+ Chi phí khai thác gỗ phụ thuộc rất lớn vào cự ly vận xuất ( bao gồm cả tiền làm đường), nên bãi giao càng gần nơi khai thác càng tốt. Sản lượng khai thác càng nhỏ thì càng không nên tập trung ở bãi lớn. Một hộ gia đình được giao chỉ tối đa 5 ha rừng tự nhiên. Giả định được khai thác 30-40 năm 1 lần thì sản lượng khai thác tối đa cũng chỉ khoảng 100m3. Một xã có 30 hộ khai thác ở 10 bản khác nhau. Trong thông tư 80 quy định UBND cấp tỉnh quy định địa điểm bãi giao. Vậy tỉnh sẽ quy định mấy bãi giao, ở địa điểm cụ thể nào trong 1 xã cho hợp lý? Trong một tỉnh phải có bao nhiêu bãi giao mà tỉnh phải ra quyết định?
Việc khai thác gỗ, bán gỗ là của người sản xuất, tại sao lại phải kéo UBND tỉnh vào việc này? Có thời nào chính quyền phải quy định bãi tập trung bán gỗ cho 1 lâm trường chưa? Phải qua bao nhiêu cửa, cần bao nhiêu loại giấy tờ hành chính, mất bao nhiêu thời gian và chi phí mất bao nhiêu để tỉnh xác định 1 bãi gỗ cho 1 hộ gia đình? (bệnh quan liêu xem ra lại còn nặng hơn cả thời bao cấp!).
+ Lo lợi ích Nhà nước trước lợi ích của dân. Tại quyết định 178 thường ghi là: Hộ gia đình, cá nhân được hưởng từ (70-80%); phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước. Đó là thể hiện tinh thần xác định quyền hưởng lợi từ rừng của dân nhằm tạo ra động lực kinh tế để dân bảo vệ và phát triển rừng. Nhưng thông tư 80 thì ngược lại, lại hướng dẫn cách xác định khoản tiền phải nộp ngân sách xã khi phân chia sản phẩm trước, phần còn lại mới là của dân. Trong công thức tính lại càng thể hiện rõ thiếu ý thức lo đến lợi ích của dân:
Khoản tiền phải nộp ngẫn sách Khối lượng lâm sản
Xã khi phân chia sản phẩm = khai thác tại bãi giao x Giá cây đứng x % nộp ngân sách xã
(không bao gồm các khỏan thuế)
Giá cây đứng: là giá lâm sản đến tuổi thành thục công nghệ có thể khai thác sử dụng do UBND cấp tỉnh quy định ở thời điểm khai thác lâm sản (thông tư 80). Xin hỏi trong thời buổi kinh tế thị trường mà tại sao chính quyền lại cần phải quy định giá gỗ ảo (cho dù là giá cây đứng)? quy định giá ấy dựa trên cơ sở nào? mất thời gian bao lâu để ban hành được giá này? (chờ giá cây đứng của tỉnh gỗ của dân có mục không?-lại một thứ quan liêu!) Tại sao không dựa trên giá bán gỗ thị trường mà phân chia lợi ích được? Phải chăng tỉnh định giá cây đứng thì phần lợi ích Nhà nước được nắm đàng chuôi, do tỉnh định giá thế nào dân cũng chịu không tham gia được. Hiện nay ở một số tỉnh quy định giá gỗ để làm cơ sở tính thuế tài nguyên rừng có trường hợp không sát, đã gây trở ngại cho hoạt động tiêu thụ sản phẩm của lâm trường. Sao không giao cho UBND xã giám sát việc phân chia sản phẩm này được?
Đáng lẽ ra khi hướng dẫn phân chia lợi ích phải làm rõ cái lợi của dân khi thực hiện chính sách 178 so với khi chỉ nhận tiền khoán bảo vệ rừng đơn thuần theo 661; nhưng ở đây chỉ lo tính trước cho Nhà nước được bao nhiêu.
+ Vì sao lại bắt hộ gia đình được giao rừng phải gánh chịu phần chi phí khai thác lâm sản liên quan đến phần nộp ngân sách Nhà nước, trong khi hộ nhận khoán rừng thì không phải chịu phần chi phí này? Như vậy hộ gia đình được giao rừng không còn được thực hưởng 70-80% giá trị lâm sản khai thác chính như chính sách đã quy định. Quyền hưởng lợi chủ yếu nói đến hưởng thụ thu nhập ròng (thực chất là công bảo vệ rừng) chứ không phải tổng thu nhập (bao gồm chi phí).Trong ví dụ nêu ra để hướng dẫn cách tính của thông tư 80- mục 4): 21.600.000đ- đó không phải là khoản tiền hộ gia đình được hưởng, vì trong đó bao gồm chi phí khai thác cả 30m3 gỗ, tiền thực hưởng của hộ gia đình chỉ là khoản còn lại sau khi trừ chi phí khai thác, là bao nhiêu? người thiết kế chính sách không cần biết đến?
5.Cần có chính sách giao rừng cho nông dân. Bấy lâu nay trong Luật BV&PTR và nhiều văn bản pháp quy, và tuyên truyền chính sách cứ nói đến giao đất giao rừng cho dân. Nhưng theo tôi chỉ mới có chính sách giao đất cho hộ gia đình, cá nhân chứ chưa có chính sách giao rừng, nhất là rừng tự nhiên. Luật Đất đai đã ghi rõ các quyền của hộ gia đình, cá nhân được giao đất nông nghiệp, đối với đất trống đồi trọc thì có đủ các quyền như ruộng đất, nhưng hộ gia đình cá nhân có những quyền gì đối với rừng tự nhiên có trên đất được giao?, chưa thấy có văn bản pháp lý nào ghi rõ về các quyền này. Ngay trong thông tư 80, mục 5 của quy định chung ghi: “Nhà nước giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình …Rừng tự nhiên là tài nguyên quốc gia, không phải là tài sản của hộ gia đình; hộ gia đình chỉ được hưởng lợi từ rừng” (tôi biết rằng đây là quan điểm của Bộ Tài chính). Đất nông nghiệp cũng là tài nguyên quốc gia, cũng như tài nguyên rừng. Trong Luật Đất đai (điều 113) xác định quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê, gồm các quyền: chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp; chuyển nhượng; cho thuê quyền sử dụng đất, để thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp bảo lãnh quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Vậy với đất có rừng tự nhiên trên đất được giao hộ gia đình, cá cá nhân cũng phải có đủ các quyền ấy, còn việc sử dụng rừng tự nhiên hộ gia đình, cá nhân phải tuân thủ các luật pháp về lâm nghiệp, chứ không thể vin lý do rừng là tài nguyên quốc gia, không phải là tài sản của hộ, mà hạn chế các quyền của họ. Rất cần có Nghị định của Chính phủ khẳng định các quyền này để tránh sự giải thích tùy tiện khi thi hành Luật của một số cơ quan Nhà nước, bảo hộ lợi ích chính đáng của nông dân. Song cũng rất cần phổ biến tuyên truyền rõ cho dân về các quyền để tránh tình trạng hiểu lầm, hay lạm dụng dẫn đế làm sai luật, như một số hộ ở xã Chiềng Ve huyện Mai Sơn – Sơn la sau khi được giao rừng cho rằng mình có quyền sử dụng đất nên đã chặt hết gỗ củi bán cho nhà máy đường làm mất trắng rừng (10ha loại rừng non phục hồi). Cộng đồng bản Mường xã Chiềng Yên, thị xã Sơn La, sau khi nhận rừng đã khai thác trắng rừng tự nhiên bán gỗ củi, lấy tiền chia cho các hộ trong bản. Người dân miền núi có tập quán coi rừng là của trời, ai cũng có quyền sử dụng, nên có tình trạng một số người vẫn tự do khai thác gỗ, nhất là lâm sản ngoài gỗ trong rừng đã giao cho hộ gia đình khác, các cơ quan pháp luật chưa bảo hộ các quyền của hộ gia đình được giao rừng như với đất sản xuất nông nghiệp (trừ khi phá rừng làm nương hay đốt rừng).
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.
2. Thông tư liên tịch số 80/2003/TTLT/BNN-BTC ngày 03/9/2003hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp.
3. Đánh giá kết quả bước đầu về công tác giao đất giao rừng tự nhiên – GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung, 12/1003.
4. Khảo sát đánh giá tình hình triển khai chính sách hưởng lợi đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng được giao, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp ở tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc. Phạmõuân Phương & Đỗ Anh Minh, Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT, 12/2003.
SummaryThe policy on right of the households that are allocated and allocated on contract with forest to enjoy benifits from forests (178) promulgated in 2001 is still now not widely applied. The reason is that the circular of guidance on the interministerial Decision of the Agriculture and Rural Development and Finance ministries was promulgated two years late. Moreover, some points of the circular seem to cause difficulties for the carrying out of the Decision, the benifits of the households are not ensured as they are in Decision 178. At the same time the complexity of forest does constitute a difficulty to the implementation of the policy. There must be more open policy on forest management and products of natural forest so that the households may really enjoy the benifits from forest, actively participate in forest protection and development.
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Phương pháp khai hoang bảo tồn độ màu mỡ của đất ( Kinh nghiệm Braxin )
- Sự thay đổi tiểu khí hậu và hiệu quả kinh tế trong hệ trồng xen hông chè
- Kỹ thuật trồng nấm mộc nhĩ trên gỗ
- Kỹ thuật trồng cây muồng hoa pháo
- Về tính khả thi trồng mới 3 triệu ha rừng sản xuất trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (5THR)