Chủ trương chuyển đổi tổ chức khoa học – công nghệ (KH-CN) công lập sang cơ chế tự chủ thực hiện đã được gần 12 năm, song khó khăn, rào cản còn rất nhiều nên kết quả chưa được là bao.
Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi GS.TS Võ Đại Hải – Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) xung quanh câu chuyện này.
Quan điểm của ông và các nhà khoa học với chủ trương tự chủ của tổ chức KH-CN công lập được quy định trong các Nghị định của Chính phủ như thế nào?
Có thể nói việc chuyển đổi hoạt động của các tổ chức KH-CN từ bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là tất yếu, phù hợp xu thế phát triển hiện nay cả trong và ngoài nước nên tôi và phần lớn các nhà khoa học hoàn toàn ủng hộ.
Do đây thực sự là cơ chế lớn, có tính bước ngoặt trong chiến lược quản lý KH-CN ở nước ta nên khi triển khai không tránh khỏi lúng túng từ cả phía cơ quan quản lý cấp trên đến các tổ chức KH-CN. Đến nay, dù nhiều nghị định, thông tư đã ban hành nhưng kết quả triển khai chưa được bao nhiêu.
Theo ông, những khó khăn, tồn tại cơ bản trong việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ trong KH-CN là gì?
“Theo các quy định hiện hành, các cán bộ được cử đi học tập dài hạn ở nước ngoài vẫn được hưởng 40% lương, tuy nhiên khi bước vào thực hiện cơ chế tự chủ mà cụ thể là nhiệm vụ 121 không còn phù hợp nữa nhưng chưa có văn bản điều chỉnh vấn đề này”, GS.TS Võ Đại Hải. |
Trước hết, các chính sách Nhà nước chưa đồng bộ nên khó thực hiện trong thực tiễn. Cụ thể là đã có 4 nghị định (Nghị định 115, 96, 16 và 54) và nhiều thông tư liên tịch, Bộ NN-PTNT đã 2 lần phê duyệt các đề án chuyển đổi cho Viện và các đơn vị trực thuộc, nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Hiện tại, chúng tôi vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn tiếp theo cũng như dự kiến phải xây dựng đề án chuyển đổi lần thứ ba.
Tiếp đến, vấn đề thương mại hóa sản phẩm KH-CN trong lĩnh vực lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, bản quyền tác giả về giống và TBKT chưa có chế tài xử lý vi phạm trong thực tiễn, gây thiệt hại cho nhà nước, khó khăn cho các tổ chức KH-CN khi đi vào cơ chế tự chủ.
Bên cạnh đó, nguồn ngân sách Bộ NN-PTNT cấp thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng theo thông tư liên tịch 121 chỉ đủ đảm bảo chi lương và các khoản trích theo lương ở mức tối thiểu. Việc khống chế nguồn kinh phí này ổn định trong các năm và yêu cầu các tổ chức KH-CN phải bỏ thêm một phần kinh phí để triển khai các nhiệm vụ dẫn đến rất nhiều đơn vị không đủ kinh phí để chi tăng lương hàng năm và các hệ số chức vụ khi bổ nhiệm, các đơn vị phải tự tìm kiếm các nguồn kinh phí bổ sung để mua vật tư, trang trải tiền công tác phí… mới có thể thực hiện các nhiệm vụ này có hiệu quả, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng điểm.
Ngoài ra, mô hình quản lý các Viện xếp hạng đặc biệt nhiều cấp theo kiểu “Viện mẹ – Viện con” cũng bộc lộ một số tồn tại, khó khăn khi các “Viện con” chuyển đổi hết sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khối văn phòng Viện có 4 ban chức năng, chủ yếu làm công tác về quản lý khoa học, tài chính, tổ chức, đào tạo và hợp tác quốc tế, khối các ban này nhìn chung không có nguồn thu nên hoạt động sẽ khó khăn trong khi các đơn vị trực thuộc lại có xu hướng… ly tâm.
Vậy, những kết quả và bước đi đột phá của VAFS là gì thưa ông?
Chúng tôi đặt trọng tâm vào công tác đào tạo công tác cán bộ, cả cán bộ quản lý và cán bộ KH-CN chất lượng cao cho các mũi nhọn. Hiện trung bình mỗi năm Viện đào tạo được 8 – 9 tiến sĩ, chủ yếu đào tạo ở nước ngoài, nâng đội ngũ cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tăng gấp 2 lần so với 7 – 8 năm trước.
VAFS đang từng bước thực hiện cơ chế tự chủ |
“Trong công tác chuyển đổi các các tổ chức KH-CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, việc xác định giá trị tài sản và giao tài sản cho các đơn vị là việc làm hết sức quan trọng. Vấn đề này hiện nay Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, tuy nhiên đối với lâm nghiệp chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản trên đất rừng vì hiện chưa có các văn bản hướng dẫn cho vấn đề này”, GT.TS Võ Đại Hải. |
VAFS chủ động làm việc với Bộ KH-CN, Bộ TN-MT, Sở KH-CN các địa phương, đối tác nhằm tìm kiếm công việc, nhờ đó số nhiệm vụ KH-CN năm 2015 – 2017 của Viện tăng lên đáng kể. Một số đơn vị trực thuộc Viện đã sử dụng nguồn vốn phát triển hoạt động sự nghiệp của mình triển khai 20 đề tài nghiên cứu với kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Viện cũng đẩy mạnh hoạt động đào tạo, thiết lập quan hệ với nhiều đối tác quốc tế với 16 nhiệm vụ, kinh phí 26 tỷ đồng. Qua đó, bổ sung, hỗ trợ rất tốt cho các hoạt động của Viện về tăng cường cơ sở vật chất, KH-CN và đào tạo cán bộ.
Viện cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển giao giống gốc, sản xuất giống mô, hom, cung cấp cây giống chất lượng cao; công nghệ xây dựng các vườn và rừng giống cho các loài cây trồng rừng chủ lực; liên doanh, liên kết trong nghiên cứu, trồng rừng và cung cấp gỗ nguyên liệu; giám định thực vật, sản phẩm gỗ… doanh thu từ 70 – 110 tỷ một năm. Đây là các hoạt động để từng bước thực hiện tốt mô hình theo cơ chế tự chủ của Viện.
Ông có kiến nghị gì với nhà nước trong quá trình triển khai cơ chế tự chủ trong khoa học thời gian tới?
Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể đồng bộ để triển khai Nghị định 54/2016/NĐ- CP của Chính phủ, cụ thể là xây dựng đề án chuyển đổi, các quy chế chi tiêu nội bộ… Chúng tôi muốn sớm ổn định để đi vào thực hiện.
Đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép các tổ chức KH-CN được sử dụng các sản phẩm nghiên cứu KH-CN sau khi kết thúc như như một nguồn thu để bổ sung vào kinh phí hoạt động của đơn vị đã được quy định trong thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN trước đây.
Đề nghị Bộ NN-PTNT có quy định về bản quyền tác giả giống và TBKT trong lâm nghiệp, tăng cường công tác quản lý và xử phạt nghiêm minh về vấn đề này. Đặc biệt, cần có cơ chế để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp vì đây là lĩnh vực rất ít được các doanh nghiệp đầu tư.
NGUYÊN HUÂN
Nguồn: http://nongnghiep.vn/vafs-va-dau-an-tu-chu-trong-khoa-hoc-post191770.html
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ
- Thông tin luận án của NCS Phạm Tuấn Anh
- Thông tin buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Lại Thanh Hải
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia Mã số: ĐTĐL-G03/2014.
- Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm lại Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam