Trồng rừng hỗn loài ở vùng ẩm nhiệt đới Châu Phi

Tại sao lại trồng rừng hỗn loài

Trồng rừng hỗn loài là một biện pháp lâm sinh cổ. Trồng rừng dưới tán theo đám hoặc theo băng với cự ly cánh đều đã tạo ra các lâm phần hỗn loài khác nhau trong rừng tự nhiên sau khai thác. ởCote d’Ivoirephương thức trồng rừng dưới tán này được thiết lập với các loài cây gỗ như: Hertiera utilis, Khaya ivorensis, Terminalia ivorensis, Aucoumea klaineana, Entandrophagma spp, Lovoa trichilioides, Lophira alata, Guarea cedrata, Entandrophlogma angolense. Sau đó vào những năm 1960 việc trồng rừng đã được phát triển và mở rộng, nhiều loài cây khác đã được sử dụng để trồng rừng hỗn loài như: Entandrophragma cylindricum, Terminalia superba, Triplochiton scleroxylon, Thieghemella heckelli, Afzelia spp, Nauclea diderrichii, Mitragyna ciliata, Pycnanthus angolensis, Cedrela odorata, Tectona grandis, Gmelina arborea, Acacia mangium, Acacia auriculiformis, Cassia siamea vaf Eucalyptus. Trong phần lớn các trường hợp sự kết hợp các loài cây này gồm cả loài cây cho gỗ lớn và loài cây cung cấp gỗ nguyên liệu. Khoảng 14.000 ha rừng trồng hỗn loài đã được trồng ở Cute d’Ivoiretừ 1930 (Dupuy & Mile 1991).

Nhiều vấn đề còn tồn tại đối với rừng trồng đặc trưng cho kiểu thuần loài như tỉa thưa, sử dụng các sản phẩm tỉa thưa, cấu trúc rừng và sự phá hoại của côn trùng. Trồng rừng hỗn loài có thể làm giảm một số hạn chế trên bằng cách tạo ra sự đa dạng các loài cây trồng trong lâm phần và tránh được các rủi do. Vì vậy, một nhà lâm nghiệp có thể trồng rừng hỗn loài nhằm:

· Hạn chế được sự phá hại của côn trùng và sự lây lan của các mần bệnh so với kiểu trồng thuần loài.

· Cải thiện độ phì của đất và bảo vệ đất khỏi bị xói mòn.

· Làm giảm những rủi do bất thường không mong muốn như lửa rừng.

· Cải thiện hình dạng thân cây trong tương lai (trong mùa khai thác chính) bằng cách tạo ra một tầng rừng dưới tán nhằm hạn chế sự phát triển cành, nhánh.

· Tạo ra nhiều loại sản phẩm gỗ từ quá trình tỉa thưa, khai thác do việc kết hợp nhiều loài cây gỗ khác nhau.

· Bảo đảm tốt được trữ lượng rừng trồng thông qua việc sử dụng các loài cây bạn.

Để kinh doanh rừng trồng hỗn loài thích hợp và bền vững thì mục tiêu cụ thể phải được đưa ra trước khi trồng rừng. Mục tiêu này sẽ quyết định phương thức lâm sinh nào sẽ được sử dụng cho lâm phần. Bất kể mục tiêu nào, sự thành công của trồng rừng hỗn loài sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các biện pháp xử lý lâm sinh ban đầu.

Các nhân tố chính đem lại hiệu quả

Có nhiều khía cạnh còn tồn tại và nhiều yếu tố đang còn tiềm ẩn trong trồng rừng hỗn loài bằng các loài cây được lựa chọn. Trồng rừng hỗn loài phải là sự kết hợp hài hoà giữa các nhu cầu sinh thái của loài với các đặc điểm về địa hình, đất trồng và khí hậu của lập địa nơi trồng rừng. (Dupuy & Mile, 1991; Wormald, 1992; Evan, 1992).

Nhà lâm nghiệp cần quản lý rừng trồng hỗn loài theo hai chiều hướng khác nhau: Sự phân bố của các loài trên mặt đất và cấu trúc thẳng đứng của lâm phần (Dauget, Dupuy & N’Guessan 1990). Đó là lý do để trồng rừng và sau đó nuôi dưỡng rừng. Rừng trồng hỗn loài thường được trồng theo băng hoặc theo hàng với số lượng băng của mỗi loài được xác định theo mục tiêu kinh doanh. Tuỳ vào sự sinh trưởng khác nhau của các loài lựa chọn mà có thể tạo thành rừng một tầng hoặc hai tầng.

Trong các lâm phần một tầng: tốc độ sinh trưởng của hai loài là tương tự nhau. Nhà lâm nghiệp có thể thử nghiệm trồng rừng hỗn loài theo đám, theo hàng hoặc theo cây trên lập địa mà cả hai loài đều đạt đường kính khai thác vào cùng một thời gian. Bằng việc kết hợp hai loài có tốc độ sinh trưởng như nhau sẽ thuận lợi cho tỉa thưa loài cây sinh trưởng không tốt trong điều kiện lập địa đặc biệt.

Trong các lâm phần hai tầng:các loài sinh trưởng nhanh hơn gọi là loài sơ cấp, có thể được ưu tiên tỉa thưa trước trong quá trình tỉa thưa. Theo trình tự các loài này sẽ chiếm tầng ưu thế của rừng. Các loài sinh trưởng chậm hơn, gọi là loài thứ cấp, hình thành tầng rừng dưới tán, nó có thể là tầng tạm thời hoặc lâu dài.

Trong một vùng sinh thái được lựa chọn, một trong các nhân tố chính ảnh hưởng tới sự thành công của trồng rừng hỗn loài là sự cạnh tranh giữa các loài về ánh sáng. Đối với rừng trồng hỗn loài, trong mỗi giai đoạn nhất định, loài được lựa chọn có thể tạm thời chiếm ưu thế, bởi có một số loài cần được che bóng ban đầu như: Heritiera utilis, Khaya ivorensis, K. anthoteca, Entandrophragma utile, E.angolense, Guarea cedrata, Tectona grandis, Cassia siamea và Leucaena leucocephala. Một số loài khác không chịu bóng trong thời gian dài vì thế không nên trồng hỗn loài chúng với các loài cây mọc nhanh.

Hệ thống các kiểu trồng rừng hỗn loài

Các loài cây trồng có thể được xác định theo thiết kế (rừng một hay hai tầng), theo mục đích (rừng sản xuất hay rừng phòng hộ) và loại rừng sản xuất gỗ (gỗ xẻ, gỗ công nghiệp hay gỗ củi).

Có thể chia ra 3 kiểu rừng trồng hỗn loài như sau:

  1. Trồng rừng hỗn loài sản xuất gỗ xẻ

Loại rừng hỗn giao này thường chỉ một tầng và sử dụng các loài cây có chu kỳ kinh doanh vừa (20-40 năm) hoặc dài (hơn 50 năm). Sự hỗn giao của các loài được kết hợp theo từng cặp như: Terminalia ivorensis và T. superba, T. superba và Triplochiton scleroxylon, Khaya ivorensis và Heritiera utilis, Khaya ivorensis và Aucoumea klaineana, Heritiera utilis và Aucoumea klaineana, Triplochiton scleroxylon và Gmelina arborea. Hai loài cây được lựa chọn có chu kỳ kinh doanh và các biện pháp lâm sinh tương tự nhau (ví dụ mật độ trồng và thời gian tỉa thưa).

  1. Trồng rừng hỗn loài với mục đích sản xuất(gỗ xẻ, gỗ nguyên liệu và các loại gỗ khác):

Đối với loại rừng hỗn giao này thường có hai tầng. Loài cây chính chiếm tầng ưu thế là các loài cây có chu kỳ kinh doanh vừa (20-40 năm). Mục đích là sản xuất gỗ xẻ. Còn loài thứ hai sản xuất các loại gỗ ít có giá trị hơn hoặc chỉ cung cấp gỗ nguyên liệu, chúng thường là các loài có chu kỳ kinh doanh ngắn (5-10 năm), nó tạo thành tầng thứ hai của rừng. Ví dụ về kiểu hỗn loài này là: Tectona grandis và Acacia mangium, Gmelina arborea và Acacia auriculiformis, Cedrela odorata và Acacia mangium.

  1. Trồng rừng hỗn loài với mục đích sản xuất và phòng hộ

Với kiểu trồng rừng này, loài cây sản xuất gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh vừa hoặc dài (hơn 20 năm) và được kết hợp với các loài cây có chức năng bảo vệ và cải tạo đất. Ví dụ như: Khaya spp và Leucaena leucocephala; Entandrophagma spp và Leucaena leucocephala; Tectona grandis và Acacia auriculiformis; Gmelina arborea và Acacia auriculiformis. Mục đích chính của các loài cây bạn đi kèm là bảo vệ và cải tạo đất, ngăn cản sự xâm chiếm bởi cỏ dại và các loài cây không mong muốn (Musanga, Chrmolaena, Trema, Solanum, Imperata) hoặc làm giảm rủi do do lửa rừng hoặc hạn chế ảnh hưởng sự tấn công của các loài sống bám. Các loài cây họ đậu thường được sử dụng vì nó bảo vệ tốt tính chất lý học của đất, tăng khả năng cải thiện các chất khoáng sẵn có trong đất đặc biệt là nitơ.

Quan điểm về trồng rừng hỗn loài

Với biện pháp lâm sinh phù hợp, ý tưởng và mục tiêu cụ thể, trồng rừng hỗn loài có thể tạo ra nhiều mô hình có hiệu quả. Khai thác quá mức kết hợp với vệ sinh sau khai thác không hợp lý, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới Châu Phi thì việc tạo rừng bằng tái sinh nhân tạo là điều không tránh khỏi. Thâm canh, phục hồi rừng cần được tiến hành trước trên đất hoang hoá đã bị suy thoái do du canh du cư. Rừng trồng đóng nhiều vai trò quan trọng như phục hồi và bảo vệ đất, sản xuất gỗ, hạn chế lửa rừng, bảo tồn exsitu của các khu rừng tự nhiên, bảo vệ thiên nhiên, cải thiện khí hậu và mở rộng sự lựa chọn các loại hình sử dụng đất.

Lớp phủ của tầng cây gỗ trên mặt đất sẽ bảo vệ đất và ngăn chặn sự xâm chiếm và cạnh tranh của các loài cỏ dại với cây trồng chính và hạn chế sự lây lan của lửa rừng. Các loài cây được kết hợp trong trồng rừng hỗn loài có thể ảnh hưởng trực tiếp (như các loài cây họ đậu) hoặc gián tiếp đến nhau (dự trữ mùn) như phục hồi các chất khoáng cũng như làm cân bằng nước cho đất (cải thiện cấu trúc vật lý). Lớp phủ trên mặt đất của các loài cây cố định đạm như: Pueraria phaseolioides, Centrosema pubescens hoặc Calopogonium mucunoides được sử dụng từ lâu trong các rừng trồng cao su công nghiệp hay rừng trồng cây họ dầu, có thể đưa ra một biện pháp kỹ thuật hiệu quả để thiết lập rừng trồng sản xuất gỗ.

Nghiên cứu trồng rừng hỗn loài là nghiên cứu về quan hệ giữa hai loài tham gia hỗn giao và nó có giá trị bổ xung cho các nghiên cứu về trồng rừng thuần loài. Môi trường tự nhiên của các loài cây trồng là gợi ý tốt cho việc lựa chọn và áp dụng các biện pháp lâm sinh phù hợp. Vì vậy các loài cây tiên phong tìm thấy trong rừng non thứ sinh như: Terminalia spp, Triplochiton scleroxilon, Aucoumea klaineana, Nauclea diderrichi, Funtumia spp, cho thấy khả năng ít bị cạnh tranh (Aubroville, 1947; Guillaumet & Adjanohoun, 1971; Alexandre, 1979; Trochain et al, 1980…). Khi còn ở giai đoạn rừng non các loài cây này cần đủ không gian dinh dưỡng sống vì thế cần phải tỉa thưa bớt, thiếu không gian sống chúng không tự tạo lập lâm phần mà sẽ bị chết đi. Các loài cây ở rừng già thứ sinh hay rừng khí hậu ( Heritiera utilis, Khaya spp, Mansonia altissima, Entondrophragma spp, Milicia excelso) có quan hệ qua lại mật thiết hơn và ít phải chịu đựng do sự cạnh tranh nhau. Những loài này có thể sinh trưởng bình thường khi bị che bóng ở giai đoạn non và duy trì trong một giai đoạn cho đến khi chúng có khả năng dành lại ánh sáng và sẽ sinh trưởng nhanh.

Nghiên cứu trồng rừng hỗn loài góp phần bổ xung cho các công trình nghiên cứu về sinh thái học cá thể trong rừng tự nhiên. Trong nhiều trường hợp các biện pháp lâm sinh áp dụng cho rừng trồng hỗn loài là dạng gắn kết giữa các phương thức lâm sinh cho rừng trồng thuần loài và rừng tự nhiên. Sự cần thiết tăng lên về sản lượng của rừng trồng hỗn loài không quan trọng bằng việc tránh được các rủi do và việc bảo vệ môi trường mà rừng hỗn loài đem lại. Tuy nhiên nhà lâm nghiệp cần nắm vững được các đặc điểm sinh vật học cũng như nhu cầu về sinh thái của các loài được lựa chọn đề xây dựng rừng hỗn giao.

Hoàng Văn Thắng

Lược dịch, Bernard Dupuy, CIRAD – forest DFO/IDEFOR

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]