Kỹ thuật trồng Cây trẩu lá xẻ (Vernicia montana Lour)

Mô tả hình thái

Cây trẩu là một loài cây bản địa có dầu đã được trồng ở Việt Namtừ lâu đời. Đây là một loài cây đặc sản đã từng có thời kỳ mà sản phẩm của nó rất được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước. Trẩu thuộc loại cây gỗ trung bình có thể cao 15 – 16m. Vỏ cây nhẵn màu nâu nhạt, cành non màu lục. Lá đơn mọc cách cuống dài 7 – 12cm (cá biệt dài 20cm), phiến lá xẻ 4-5 thuỷ sâu nhưng cũng có lá xẻ nông và lá nguyên hình tim ở đầu cành. Hoa đơn tính cùng gốc hoặc khác gốc, mọc thành chùm hoa đực riêng, hoa cái riêng. Chùm hoa đực có nhiều hoa có thể 100-250 hoa trong khi chùm hoa cái chỉ khoảng 5-50 hoa một chùm. Quả nang hình cầu đường kính 4-5cm, khi già hoá gỗ mỗi quả có 3 hạt, hạt có vỏ cứng màu nâu sẫm, phôi nhũ màu trắng. Tỷ lệ chế biến 3-4kg quả được 1kg hạt, 1kg hạt có khoảng 300-400 hạt.

Đặc điểm sinh thái

Trẩu có sinh trưởng và ra hoa kết quả tốt ở các điều kiện khí hậu á nhiệt đới thiên về nhiệt đới ẩm với các đặc điểm: Nhiệt độ trung bình năm 20-250C, lượng mưa 1600-2500mm, số tháng khô có thể 3-4 tháng. Về đất, trẩu mọc rất tốt trên các loại đất feralit vàng đỏ hoặc đỏ vàng có tầng dày >80cm trên các loại đá mẹ biến chất hoặc trầm tích như phiến thạch sét, gnai, phiến thạch mica, poocphia, bazan… có thành phần cơ giới thịt nhẹ đến thịt trung bình, mùn 1,5-3%, đạm 0,1-0,2%. Cây mọc tốt trên đất có độ pH = 5-5,5.

Công dụng

Trẩu là loài cây bản địa đa tác dụng, mọc nhanh. Gỗ dùng làm củi đun, làm nguyên liệu để sản xuất nấm ăn rất tốt. Do tính chịu mặn, chịu kiềm của nó nên các dụng cụ tàu thuyền đi biển sau khi sơn phủ đảm bảo độ bền. Trẩu là cây cho dầu dùng để chế biến nhiều mặt hàng tiêu dùng như công nghiệp sơn, các loại chất dẻo, da nhân tạo, đến các loại thuốc giải độc, thuốc chữa mụn nhọt. Dầu trẩu mau khô, tỷ trọng nhẹ, bóng, không dẫn nhiệt, không dẫn điện, có tính chống ẩm, chống ải và chống mục tốt. Khô dầu trẩu cũng là một loại phân bón rất tốt. Trong khô dầu có tới 77,58% chất hữu cơ, 3,5% đạm, 0,97% lân, 0,5% kali. Ngoài ra nếu được khử sạch độc tố thì cũng có thể dùng làm thức ăn cho gia súc. Hàm lượng dầu trong hạt chiếm khoảng 25-30%. Tuy nhiên vấn đề của cây trẩu là năng suất hạt thấp do có hiện tượng cây đực và cây cái. Gỗ trẩu đã được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nấm ăn đạt kết quả rất tốt. Tính trung bình 1 ster gỗ trẩu có thể bán với giá từ 70.000-120.000đ tuỳ theo địa phương. Nếu dùng để sản xuất mộc nhĩ có thể cho 15-20kg mộc nhĩ.

Gỗ có màu be trắng, vòng sinh trưởng rõ ràng và dứt khoát, thường rộng 4-7mm có khi 10mm. Mạch đơn và kép ngắn, phân bố theo kiểu vòng và nửa vòng mạch. Tia gỗ nhỏ và hẹp. Mô mềm phân tán và tụ hợp, có những chỗ phát triển thành những giải hẹp và mô mề dính mạch không đều nhưng khó phân biệt với những sợi gỗ. Sợi gỗ dài trung bình và có vách mỏng. Gỗ mềm và nhẹ, khối lượng thể tích gỗ khô 430kg/m3. Hệ số co rút thể tích 0,40. Giới hạn bền khi nén dọc thớ 320kh/cm2, uốn tĩnh 480kg/cm2. Sức chống tách 8,5kh/cm. Hệ số uốn va đập 1,35.

Hạt trẩu có hàm lượng dầu tư­ơng đối cao, chiếm khoảng 25-30% theo tỷ lệ hạt hoặc 50% theo tỷ lệ nhân.

Ngoài tác dụng lấy dầu, vỏ quả còn có thể chế than hoạt tính.

Yêu cầu khí hậu, đất đai

Trẩu lá xẻ phân bố tự nhiên ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào v.v… ở Việt Namphân bố ở vùng đồi, núi các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Trẩu cũng đã đ­ược nhân dân gây trồng lâu đời.

Phạm vi thích ứng với khí hậu của cây trẩu này rất rộng. Nhiệt độ thích hợp nhất để trẩu sinh trưởng tốt, sản l­ượng quả cao là những nơi có nhiệt độ bình quân hàng năm trên 20oC, ẩm độ không khí 85-90%, l­ượng mư­a 1000-2000 mm. Trong mùa sinh trư­ởng từ tháng 4-7 cần l­ượng m­ưa tương đối nhiều, nếu m­ưa ít thì sản l­ượng quả thấp.

Trẩu yêu cầu đất tốt, tầng đất dày, đất tơi xốp, thoát n­ước, nh­ưng đủ ẩm, hơi chua (độ pH 5-6,5). Những nơi đất chua, kiềm, đất bị chặt, nhiều đá lẫn hoặc sỏi sạn thì trẩu sinh trư­ởng không tốt.

Trẩu là cây ­ưa sáng mạnh, nên nơi đồi gò, trồng thư­a, tán cây xòe rộng thì trẩu kết quả nhiều. Nơi khe núi, chân núi do thiếu ánh sáng nên trẩu ra hoa kết quả kém mặc dù cây vẫn có thể mọc tốt.

Kỹ thuật gây trồng

Cần chú ý đầu tiên đến khâu chọn giống. Khả năng ra hoa kết quả của trẩu biến động rất lớn theo từng cá thể. Những cây ra hoa cái nhiều th­ường là giữ đ­ược tính ổn định, ngư­ời ta đã dùng cách ghép mắt của cây ra hoa cái nhiều vào cây trẩu con mọc từ hạt rồi đem trồng thì sẽ đem lại kết quả cao.

Trẩu ra hoa vào mùa xuân, quả chín mùa thu khi vỏ quả từ màu xanh vàng chuyển sang màu nâu đen, hơi nứt ở đỉnh, dễ rụng, vỏ hạt có màu đen là lúc hạt chín, có thể thu hái đư­ợc. Hàng ngày có thể nhặt quả mới rụng ở gốc hoặc rung cây cho quả chín rụng xuống rồi nhặt. Quả thu về có thể xếp đống ở góc vư­ờn, phủ rơm, rạ, đợi đến mùa xuân năm sau thì đem gieo. Hạt sau khi gieo 20-30 ngày thì nảy mầm.

Ngư­ời ta có thể trồng trẩu bằng cách gieo hạt thẳng. Nh­ưng gieo hạt thẳng do không chọn giống được kỹ nên sau này tỷ lệ cây cho hoa đực nhiều. Vì thế hiện nay chủ yếu trồng bằng cây ghép, cho nên cần lập v­ườn ư­ơm để sản xuất cây trẩu con mọc từ hạt.

Chọn cây mẹ sai quả, lấy mắt ghép vào cây trẩu con. Th­ường ghép vào mùa thu, tháng 7 hoặc tháng 8. Có thể ghép mắt, ghép cành.

Sau khi đã chọn cây mẹ sai quả cũng cần chọn cành để ghép. Cành ghép cần to, mập, mắt dày và phân bố đều trên cành. Tuổi cành ghép trên dư­ới 1 năm. Nếu địa điểm vư­ờn ư­ơm và nơi lấy cành ghép gần nhau thì có thể lấy ngày nào ghép ngày ấy. Nếu nơi lấy cành ghép xa thì sau khi cắt cành ghép xong cần nhúng vào nư­ớc 1-2 giờ sau đó cắt bỏ lá, mặt cắt cành nên bôi sáp để tránh thoát hơi n­ước, xếp cành ghép trong rong, rêu ẩm, để trong thùng rồi vận chuyển đến nơi ghép.

Ghép xong cần làm giàn che, phun ẩm để nâng cao tỷ lệ sống. Sau 1-2 tuần kiểm tra nếu mắt ghép không sống thì có thể ghép lại ở mặt đối diện. Khi mắt ghép sống và mọc cao 1-2 cm thì có thể bỏ dây buộc, kịp thời làm cỏ xới đất, bón thúc, cắt bỏ những chồi mọc lên từ gốc ghép, đảm bảo cho cành ghép phát triển thuận lợi.

Trẩu chủ yếu trồng để lấy quả, hạt, vì thế cần trồng thư­a ngay từ đầu. Trồng bằng cây ghép tuy tốn công như­ng đạt hiệu quả kinh tế cao, cây con mọc lên sẽ sai quả.

Mật độ trồng cây ghép thư­ờng từ 300-400 cây/ha là thích hợp.

Trồng trẩu với chè là mô hình tốt, đã đư­ợc nhân dân áp dụng từ lâu. Ngoài ra có thể trồng xen trẩu với đậu, lạc, lúa n­ương, khoai v.v… Trẩu che bóng cho cây chè, giúp chè sinh trư­ởng tốt, đến mùa đông ánh sáng yếu thì trẩu lại rụng lá, không ảnh hư­ởng tới sự sinh tr­ưởng của chè. Khi chăm bón cho chè đồng thời cũng giúp cho trẩu sinh tr­ưởng phát triển. Nếu không trồng xen cây nông nghiệp thì hàng năm đều phải xới đất, bón phân, diệt trừ dây leo, cỏ dại thì trẩu mới sinh trưởng tốt và mới sai hoa kết quả. Theo tài liệu n­ước ngoài bón nitơ có thể làm tăng sản l­ượng quả, bón kali hợp lý có thể làm tăng hàm l­ượng dầu trong hạt.

Hàng năm nên bón phân vào mùa xuân, mùa hè có lợi cho việc phát triển của hoa và quả. Nghiên cứu ở tỉnh Quảng Ninh cho thấy bón mỗi gốc 0,2-0,4kg phân NPK và 5kg phân chuồng giúp cho trẩu sinh tr­ưởng và ra hoa kết quả tốt. Nếu nơi đất xấu lại không bón phân đủ thì quả sẽ bị rụng non nhiều, làm giảm sản lư­ợng.

Cần chú ý loại bỏ các loại tầm gửi trên cây trẩu và phòng trừ sâu bệnh như­ sâu đo, sâu đục thân, bệnh đốm lá, đốm quả.

Đến mùa thu hoạch (tháng 9-10) có thể dọn sạch cỏ rồi định kỳ thu nhặt quả rơi rụng xuống đất, như­ vậy đỡ tốn công lại thu đư­ợc quả già.

Khuyến nghị

· Cây trẩu là một loài cây bản địa mọc nhanh, dễ trồng thích hợp phát triển ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, vùng Trung tâm và miền Trung Việt Nam. Ngoài việc trồng để lấy dầu, cây trẩu có thể được trồng với các mục tiêu khác như lấy củi. Một số tài liệu nước ngoài cũng đề cập việc sử dụng gỗ trẩu để làm gỗ dán nhưng ở nước ta gỗ trẩu chưa được dùng vào việc này.

· Cây trẩu có thể được trồng với mục tiêu nhanh chóng phủ xanh bảo vệ đất, nước trước khi đưa trồng một số cây lá rộng bản địa khác. Gỗ trẩu hiện nay dùng để nuôi cấy mộc nhĩ đạt hiệu quả tốt.

· Nếu trồng để lấy dầu cần phải trồng bằng cây ghép với vật liệu lấy từ cây sai quả. Chỉ có như vậy mới đảm bảo rừng trẩu đạt sản lượng cao.

· Có thể trồng bình thường bằng hạt với các mục tiêu lấy gỗ. Khi cần chuyển thành rừng lấy quả có thể áp dụng cách ghép cải tạo với đối tượng rừng trẩu 3-6 năm. Lúc đó kết hợp lấy gỗ và sử dụng gốc cây trẩu để làm gốc ghép. Như vậy có thể nhanh chóng chuyển hoá sang rừng trẩu quả mà vẫn tận dụng được sản phẩm cây gỗ đã được tạo ra.(Nguồn: Tổng hợp từ Kỹ thuật trồng một số cây thân gỗ đa tác dụng, NXB Văn hóa Dân tộc, 2000, Sử dụng cây bản địa vào trồng rừng ở Việt Nam, NXB Nông nghiệp, 2002 )

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]