Tiềm năng của du lịch sinh thái tại các Khu bảo tồn của Việt Nam

Nguyễn Ngọc Quang

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Tính đến ngày 30 tháng 5 năm 2003 cả nước ta đã có 25 Vườn Quốc gia và 115 Khu Bảo tồn Thiên nhiên (sau đây gọi chung là KBT) được thành lập và trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa các KBT được thành lập trong cả nước. Các KBT và các VQG ra đời là điều kiện rất tốt để bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm trước các hiểm hoạ bị tuyệt chủng. Mặt khác, các KBT cũng đang chứa đựng một tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái mà chưa được khai thác hợp lý.

Trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển như Thuỵ Điển, Nhật Bản, Mỹ… các KBT được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch, nhiều loại hình du lịch được hình thành như leo núi, thăm động vật hoang dã trong xe bảo vệ, theo dõi cuộc sống của các loài linh trưởng, ngắm nhìn các loại động thực vật biển…Gần đây, một số nước Châu Phi cũng rất chú trọng phát triển loại hình du lịch này, ở một số nước như Uganda, Nigeria… việc phát triển du lịch sinh thái được đưa vào trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

ởViệt Nam, từ lâu đã có những chuyến thăm quan, cắm trại tại các khu rừng tự nhiên (Cúc Phương, Nam Cát Tiên) nhưng các chuyến thăm quan này thường chỉ dừng lại ở mức phục vụ cho học tập và nghiên cứu. Thuật ngữ “du lịch sinh thái” mới chỉ thực sự xuất hiện gần đây sau khi phong trào “thăm miệt vườn” phát triển.

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ xin đưa ra một số đánh giá chung về tiềm năng, lợi thế và hạn chế của hoạt động du lịch sinh thái tại các KBT.

1. Tiềm năng, lợi thế và hạn chế

Tiềm năng:

– Tính đa dạng sinh học tại các KBT là rất cao, tại đây có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

– Tại hầu hết các KBT, địa hình đều chia cắt rất phức tạp là điều kiện tốt cho các hoạt động du lịch mạo hiểm.

– Không khí ở các KBT là hoàn toàn trong lành giúp cho du khách có cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng.

– Sống xen kẽ hoặc xung quanh KBT chủ yếu là người dân tộc, đây là những nơi rất đa dạng về văn hoá và ngành nghề truyền thống là nơi lý tưởng cho du khách dừng chân.

– Các hình thức bảo tồn tại các khu bảo vệ sẽ đáp ứng được thị hiếu đa dạng của du khách; ví dụ như nếu du khách thích biển có thể thăm các KBT như Côn Đảo, Cát Bà, Bình Châu – Phước Bửu; du khách leo núi và thích tham khảo truyền thống văn hoá của dân tộc miền núi phía Bắc thì có thể thăm các KBT như Hoàng Liên, Pù Luông, Cúc Phương và nếu du khách thích thăm các khu rừng khộp rộng lớn và truyền thống văn hoá của đồng bào Tây Nguyên thì có thể thăm các KBT như York Don, KonCharang…

Những lợi thế

– Các KBT được bảo vệ chặt chẽ bằng hệ thống luật pháp và lực lượng bảo vệ, do vậy mà các tiềm năng về du lịch sinh thái sẽ tồn tại lâu dài.

– Các chi phí cơ bản đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho du lịch sinh thái là không lớn.

– Du lịch sinh thái là cơ hội tốt nhất để phố biến và thông tin đến mọi người về vai trò và giá trị của tài nguyên thiên nhiên.

– Gắn liền với các KBT là truyền thống văn hoá và tập quán canh tác đa dạng của bà con dân tộc thiểu số, bên cạnh đó là sự thân thiện và mến khách của người dân, đây sẽ là một trong những lợi thế lớn nhất trong phát triển du lịch sinh thái

Hạn chế

– Chưa có sự quan tâm ở tất cả các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cho du lịch sinh thái. Chính vì vậy mà chưa có các chiến lược, kế hoạch hoặc chính sách cụ thể cho phát triển du lịch sinh thái trong một giai đoạn dài.

– Khả năng tiếp cận đến các vùng có tiềm năng du lịch sinh thái còn khó khăn do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển, cụ thể ở đây là hệ thống đường vào rất kém, tại nhiều nơi ô tô không thể đưa du khách vào đến địa điểm du lịch. Bên cạnh đó là những dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của du khách như chỗ ăn, ngủ, vệ sinh.

– Các nhà tổ chức du lịch mới chỉ quan tâm đến các địa danh và dáng vẻ bề ngoài của nó mà chưa thực sự kết hợp được với các tour du lịch sinh thái tiềm ẩn bên trong. Trong khi đó có rất nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là ở các nước phát triển cho biết rằng, mục đích của họ đến Việt Nam là muốn được thăm những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tìm hiểu truyền thống dân tộc tại vùng núi và vùng nông thôn Việt Nam.

– Trình độ và thái độ của các hướng dẫn viên còn kém, họ không hiểu biết nhiều về vùng du lịch, cũng như chưa học được cách ứng xử và xử sự với từng loại du khách khác nhau.

– Thông tin liên lạc còn yếu kém, điều này được phản ảnh ở các khía cạnh như vùng phủ sóng và chất lượng của hệ thống thông tin chưa tốt cũng như kiến thức của người sử dụng hạn chế hoặc chưa quan tâm. Việc xây dựng, quảng cáo các tour du lịch xuyên quốc gia là chưa có, điều này tạo ra một khoảng cách lớn giữa cầu và cung.

– Cuối cùng là khả năng quản lý, trình độ nhận thức của các cơ quan và người dân địa phương còn hạn chế nên đã không hấp dẫn được du khách. Hiện tượng trộm cắp, ăn xin, lừa đảo du khách chính là những kẻ thù lớn nhất của du lịch nói chung cũng như du lịch sinh thái nói riêng.

2. Một số khuyến nghị

– Một chiến lược hành động cụ thể về du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng phải được xây dựng từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh. Trong chiến lược này cần phải chỉ rõ các tiềm năng, lợi thế cũng như hạn chế thách thức của địa phương, qua đó sẽ có những định hướng cơ bản cho các hoạt động thực thi sau này.

– Có thể nói, thông tin, quảng cáo đóng vai trò quan trọng nhất đối với du lịch. Các thông tin đầu tiên về vùng du lịch du khách sẽ đề đều xuất phát từ thông tin, quảng cáo do vậy nếu hệ thống thông tin, quảng cáo càng rộng và có chất lượng thì sẽ có nhiều du khách và ngược lại. Chính vì vậy, việc ứng dụng có chất lượng thông tin đa loại hình (internet, báo, đài, tivi, tờ rơi…) sẽ có ý nghĩa quyết định đến hoạt động du lịch.

– Đào tạo, nâng cao nhận thức là một trong những hoạt động cụ thể nhất nhằm nâng cao chất lượng du lịch sinh thái, việc đào tạo có thể chia ra 3 loại hình:

+ Đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý cho các nhà quản lý, tổ chức du lịch

+ Đào tạo nâng cao trình độ về giao tiếp, lịch sử và ngoại ngữ cho các hướng dẫn viên.

+ Tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của du lịch sinh thái cho những người dân sống trong hoặc liền kề các khu du lịch sinh thái.

– Tại các vùng du lịch sinh thái, hệ thống cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội cần phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu “tối thiểu và thiết yếu” nhất của du khách.

– Cuối cùng, phát triển du lịch sinh thái luôn phải gắn kết với trách nhiệm bảo tồn tính đa dạng sinh học trong vùng du lịch. Trên thực tế bảo tồn và phát triển luôn là 2 thái cực đối lập nhưng lại có vai trò quyết định lẫn nhau nếu bảo tồn tốt thì các hoạt động du lịch sinh thái sẽ ngày càng phát triển, nếu du lịch sinh thái được tổ chức tốt thì công tác bảo tồn sẽ ngày càng được nâng cao.

Tài liệu tham khảo

1. Phát triển du lịch trong và xung quanh Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông – Markus Madeja – Tư vấn cho dự án Pù Luông – Cúc Phương.

2. Who is on the Corilla’s payroll? Claims on Tourist Revenue from a UgandanNational Park.

Summary

Upto 30/5/2003there are in Vietnam25 national parks and 115 nature reserves. The coming into existence of the nature reserves and national parks is a favorable condition for conservation of the gene sources of rare and precious plant and widelife species that are threatened to extinction. The nature reserves and national parks also have great potentiality in ecological tourism that is not yet rationally brought into reality.The evaluation of the potentiality, advantages as well as limitations of ecological tourism is a good condition for working out policies, strategies and action plan of tourism in general and ecological tourism in particular in Vietnam in the future.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]