Trần Thanh Cao, Hoàng Liên Sơn
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
TÓM TẮT
Xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu của năm 2010 với mức tăng trưởng 30% đạt xấp xỉ 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, sản xuất chế biến gỗ của nước ta phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu (chiếm tỷ trọng khoảng 80%). Nguyên nhân là nguồn cung gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và khai thác rừng tự nhiên không đáp ứng được nhu cầu. Đây là bài toán khó trước mắt cũng như lâu dài được đặt ra cho các nhà quản lý. Chính vì vậy, nghiên cứu xác định vị trí của rừng trồng sản xuất trong chuỗi giá trị của ngành hàng gỗ Việt Nam là chủ đề quan trọng và rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy rừng trồng sản xuất đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi ngành hàng gỗ tại các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên Hải Bắc và Nam Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Trồng rừng tại các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi hơn về đất đai so với các tỉnh ở vùng Duyên hải Bắc và Nam Trung Bộ và miền núi phía Bắc. Keo lai và Keo tai tượng là những loài cây được chọn lựa nhiều nhất, trong khi đó, diện tích Bạch đàn và Keo lá tràm đang giảm dần. Những loài cây có chu kỳ kinh doanh dài như Thông ba lá, Thông đuôi ngựa, Thông nhựa có diện tích phân bố lớn ở các tỉnh Lâm Đồng, Lạng Sơn và Quảng Trị. Tuy nhiên, trồng cây Cao su trên đất lâm nghiệp đang có xu hướng cạnh tranh mạnh mẽ đối với trồng rừng sản xuất trên phạm vi cả nước. Các vùng được điều tra đều có nguồn giống và hệ thống vườn ươm cung cấp cây giống đảm bảo quy định. Vườn ươm tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường cây giống. Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch cho trồng rừng sản xuất phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược lâm nghiệp hiện có của mỗi địa phương. Những vùng có diện tích đất tập trung là Tây Nguyên và Đông Bắc của miền núi phía Bắc; và ít tập trung ở các tỉnh của vùng Đông Nam Bộ. Mặc dù mức độ tập trung ở quy mô cấp tỉnh và vùng là vậy, nhưng diện tích bình quân cho mỗi hộ gia đình đều nhỏ lẻ và manh mún trong các mô hình tổ chức sản xuất trồng rừng. Các chủ hộ gia đình này và tổ chức được giao quyền sử dụng đất đã chủ động chọn lựa hình thức tổ chức sản xuất để phát triển rừng trồng.Năng suất rừng trồng sản xuất trên thực tế còn khá thấp so với mức năng suất có khả năng đạt được từ các kết quả nghiên cứu khoa học đã đưa ra. Tuy nhiên, các mô hình trồng rừng sản xuất đều đem lại hiệu quả tài chính dương, ngoại trừ mô hình rừng Thông ba lá ở Lâm Đồng có NPV<0 vì chu kỳ kinh doanh quá dài. Sản phẩm gỗ rừng trồng phần lớn được cung ứng cho thị trường nguyên liệu giấy và thị trường dăm xuất khẩu, trong khi đó chất lượng gỗ tròn chưa được coi trọng và chiếm tỷ trọng không đáng kể (Đường kính gỗ tròn nhỏ nhất được sử dụng là 5cm).
Từ khóa: Rừng trồng sản xuẩt, Chuỗi giá trị, Giá trị hiện tại ròng (NPV), Ngành hàng gỗ
ĐẶT VẤN ĐỀ
Kết quả kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ Việt Nam tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây, năm 2008 là 2,8 tỷ USD đến năm 2010 đã đạt xấp xỉ 3,3 tỷ USD, tăng trưởng 30% (nguồn: Vietfores.org). Tuy nhiên, lượng gỗ nguyên liệu phải nhập khẩu “ròng” gia tăng trong nhiều năm qua tương ứng với kim ngạch xuất khẩu, chiếm gần 80% nhu cầu nguyên liệu sản xuất trong nước. Nguyên nhân được xác định là sự hạn chế về nguồn cung gỗ nguyên liệu ở trong nước, trong khi đó người trồng rừng trong nước chưa thu được nhiều lợi ích trong quá trình sản xuất và năng lực trồng rừng sản xuất đạt hiệu quả chưa cao.
Phân tích vị trí của rừng trồng sản xuất trong chuỗi giá trị ngành hàng gỗ theo hướng tiếp cận từ thị trường theo chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị để có cơ sở đề xuất chính sách phát triển trồng rừng sản xuất là rất cần thiết. Bởi vì, trồng rừng sản xuất là hoạt động khởi đầu và cũng là mắt xích còn hạn chế nhất của chuỗi hàng hóa gỗ rừng trồng – Nguồn gỗ nguyên liệu cung không đáp ứng đủ nhu cầu và lĩnh vực trồng rừng chưa thực sự hấp dẫn đầu tư sản xuất.
(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2010, trang 562-574)
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ cấp Quốc gia: Nghiên cứu phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ nội địa phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp Việt Nam. Mã số: ĐTĐL.XH-04/18
- Hội thảo Mở rộng hệ thống truy xuất nguồn gốc thông minh (iTwood) cho gỗ rừng trồng hộ gia đình để hỗ trợ triển khai hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS)
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở dự án: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất và quản lý gỗ hợp pháp đối với gỗ rừng trồng”.
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu hiệu quả rừng trồng một số loài cây làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển cây trồng chủ yếu phục vụ sản xuất hàng hóa lâm sản ở Việt Nam
- Thực trạng rừng trồng sản xuất ở Việt Nam
Các tin khác
- Đánh giá thực trạng và đề xuất các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh lâm nghiệp phù hợp với xu hướng quản lý rừng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế
- Đánh giá một số dự án lâm nghiệp vùng Tây Nguyên giai đoạn 1995-2005: Kết quả và khuyến nghị nâng cao hiệu quả dự án
- Kết quả nghiên cứu về định giá rừng ở Việt Nam
- Đánh giá kết quả tác động tạo trầm và thị trường tiêu thụ trầm hương
- Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp kỹ thuật, cơ chế chính sách khai thác, sử dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững phục vụ dự án 661