Nghiên cứu đặc điểm lâm học rừng kín ẩm thường xanh ẩm nhiệt đới tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú – Đồng Nai

Phan Minh Xuân

Khoa Lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Tp. HCM

TÓM TẮT

Rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú tỉnh Đồng Nai có thành phần thực vật phong phú và đa dạng, đa số các loài cây thuộc họ Dipterocarpaceae, Euphorbiaceae, Fabaceae, Myrtaceae, Annonaceae, Tiliaceae,… Qua kết quả nghiên cứu đã cho thấy thành phần cây thân gỗ có 71 loài, 49 chi thuộc 36 họ thực vật gồm có 40 loài thuộc gỗ lớn, 22 loài gỗ trung bình và 9 loài gỗ nhỏ, trong đó có 5 loài thuộc sách đỏ Việt Nam. Thành phần thực vật tại khu vực tạo nên hai ưu hợp chính, đó là: ưu hợp 1: Cầy+Dầu song nàng+Sến cát+Chò chai+… và ưu hợp 2: Bằng lăng ổi+Dầu rái+Săng đen+Dầu song nàng+… Cấu trúc đứng của rừng bao gồm 3 tầng tán, đồ thị phân bố số cây theo cấp chiều cao lệch trái phù hợp phân bố Weibull ở ưu hợp 1 và phân bố Normal ở ưu hợp 2; Cấu trúc ngang của rừng có dạng phân bố giảm phù hợp với phân bố Mayer cho cả hai ưu hợp, phần lớn số cây thuộc cấp phẩm chất tốt và trung bình. Độ tàn che của ưu hợp 1 là 0,76, ưu hợp 2 là 0,71 và trung bình của rừng là 0,74. Ưu hợp 1 có mật độ 654 cây/ha, tiết diện ngang 28,7 m2/ha và trữ lượng là 259,2 m3/ha; ở ưu hợp 2 có mật độ 747 cây/ha, tiết diện ngang 30,4 m2/ha và trữ lượng là 264,6 m3/ha. Mật độ tái sinh của rừng tại khu vực nghiên cứu cao, dao động khoảng 13.639 cây/ha (ưu hợp 1) đến 18.667 cây/ha (ưu hợp 2).

Từ khóa: Rừng phòng hộ, Tổ thành loài, Độ tàn che, Ưu hợp, Tái sinh

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú có tổng diện tích tự nhiên 13.733,12 ha, trong đó đất có rừng là 12.327,41 ha chiếm 89,76%. Rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Tân phú thuộc vành đai hệ sinh thái dưới 1.000m, bao gồm đồng bằng, gò và đồi thấp, diện tích rừng tự nhiên thuộc trạng thái rừng ẩm thường xanh nhiệt đới là vành đai lớn nhất có tính chất nhiệt đới điển hình với hệ thực vật rừng rất phức tạp, phân bố ưu thế các loài cây thuộc họ Dipterocarpaceae, Euphorbiaceae, Fabaceae, Myrtaceae, Annonaceae, Tiliaceae,… Được đổi tên từ Lâm trường Tân Phú năm 2007 thành Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú với nhiệm vụ quản lý bảo vệ, khoanh nuôi, phục hồi, trồng rừng và phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học, dịch vụ sinh thái. Việc nghiên cứu đặc điểm lâm học có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nhà lâm học biết được tình hình rừng (thành phần thực vật, mật độ, cấu trúc tầng thứ, độ che phủ, trữ lượng rừng, tái sinh rừng,…) từ đó có những định hướng phát triển và trong công tác quản lý bảo vệ, nuôi dưỡng, phục hồi rừng, đa dạng sinh học, dịch vụ sinh thái, trước hết cần phải nghiên cứu nắm bắt những đặc điểm lâm học tại khu vực để có cơ sở đề ra kế hoạch, phương án hoặc những biện pháp lâm sinh tác động nhằm dẫn dắt rừng sinh trưởng phát triển đảm bảo phát huy tốt vai trò và chức năng phòng hộ môi trường của rừng.

(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp số 2 năm 2012, trang 2227-2234)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]