Một số kết quả nghiên cứu cơ giới trồng rừng giai đoạn 2006-2010

Đoàn Văn Thu

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

TÓM TẮT

Cơ giới hoá làm đất trồng, chăm sóc rừng góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, giảm sức lao động thủ công ở khâu công việc nặng nhọc. Kết quả nghiên cứu công nghệ và thiết bị cơ giới phục vụ trồng, chăm sóc rừng giai đoạn 2006- 2010 đã xác định được các yêu cầu cơ bản của thiết bị và kỹ thuật canh tác cơ giới trong lâm nghiệp. Đề xuất công nghệ và thiết bị cơ giới làm đất trồng, chăm sóc rừng thâm canh cho một số loài cây trồng rừng kinh tế chủ lực. Về công nghệ làm đất trồng rừng với địa hình đất dốc, sử dụng liên hợp máy (LHM) kéo xích công suất từ 150 – 200 mã lực liên hợp với khung răng rà rễ, thiết bị nhổ gốc cây để xử lý thực bì, sau đó cày theo đường đồng mức bằng cày ngầm. Đối với địa hình có độ dốc dưới 50 ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, có thể sử dụng cày chảo liên hợp với máy kéo bánh hơi công suất từ 50-80 mã lực để làm đất trồng và chăm sóc rừng.

Bằng nghiên cứu thực nghiệm đã xác định được hệ số lực cản riêng K0 của cày ngầm, xây dựng quan hệ giữa K0 với vận tốc cày (K0 = f(v)) ứng với mỗi độ cày sâu và kết cấu bộ phận làm việc của cày ngầm trên đất lâm nghiệp. Đây là những yếu tố rất quan trọng làm cơ sở nghiên cứu thiết kế và xác định chế độ làm việc tối ưu nâng cao hiệu quả hoạt động của LHM.

Đã thiết kế, cải tiến và chế tạo được các mẫu cày ngầm, cày không lật và cày chảo 2 dãy để làm đất trồng và chăm sóc rừng. Đây là những thiết bị có tính chuyên dụng, năng suất và chất lượng làm đất đạt cao hơn các thiết bị hiện có: Mũi cày ngầm cải tiến có chi phí năng lượng giảm 15-20% so với mũi cày nguyên bản vẫn sử dụng; cày chảo 2 dãy có năng suất đạt 150%, chất lượng làm đất tốt hơn so với sử dụng cày chảo một dãy.

Từ khóa:Cơ giới làm đất trồng rừng.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cơ giới hoá trồng rừng là việc sử dụng các thiết bị máy móc để thực hiện các công việc từ sản xuất cây giống tại vườn ươm, làm đất, trồng cây, chăm sóc và bảo vệ rừng. Trong các công việc đó, làm đất trồng, chăm sóc rừng là những việc nặng nhọc, tốn nhiều lao động, chi phí lớn và bằng lao động thủ công khó đảm bảo các yêu cầu chất lượng. Hơn nữa, hoạt động sản xuất lâm nghiệp được thực hiện trong điều kiện địa hình chia cắt phân tán phức tạp, độ dốc cao, đất đai không đồng nhất, cây rừng có chu kỳ dài, yêu cầu kỹ thuật canh tác đối với mỗi loại cây và mục đích trồng là rất khác nhau… Do vậy, thiết bị cơ giới sử dụng trong sản xuất lâm nghiệp phải có tính năng kỹ thuật và chế độ sử dụng phù hợp mới có thể đạt hiệu quả cao.

Thực tế ở nước ta hiện nay, các nghiên cứu cơ bản xây dựng cơ sở khoa học làm căn cứ lựa chọn và nghiên cứu thiết kế, cải tiến thiết bị trong lĩnh vực cơ giới trồng rừng còn rất hạn chế. Hệ thống thiết bị cơ giới phục vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hầu hết có nguồn gốc từ thiết bị sử dụng trong nông nghiệp, giao thông, xây dựng, đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả cơ giới các khâu sản xuất trong lâm nghiệp còn thấp.

(Kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2010, trang 419-429)

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]