KỸ THUẬT TRỒNG TRE KINH DOANH MĂNG Ở MIỀN ĐÔNG NAM BỘ
Nguyễn Đình Phúc
Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai
I. CÔNG DỤNG
Cây tre dùng để chắn sóng, chống sụt lở bờ sông, bờ đê, bờ đập, làm nhà cửa, nông cụ, làm giấy, làm khí giới, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, dụng cụ thể dục thể thao, nhạc cụ, bàn ghế, tủ giường chiếu từ thô sơ đến cao cấp, làm thuốc chữa bệnh, làm thực phẩm cho người.
Tre trúc đã được người dân Việt Nam gây trồng từ lâu đời theo lối quảng canh, mục đích chủ yếu là khai thác thân cây tre một phần có kết hợp lấy măng. Những năm gần đây nước ta đã du nhập giống tre lấy măng chủ yếu từ Trung Quốc đem về trồng ở nhiều địa phương trong cả nước, theo hướng chuyên sản xuất măng.
II. ĐẶC TÍNH SINH HỌC
Tre trúc là loài thực vật thuộc họ phụ Bambusoideae, họ Poaceae, lớp một lá mầm, là loài cây ưa sáng mọc nhanh. Trên thế giới người ta đã tìm gặp được 1250 loài, trong đó Châu Á chiếm 900 loài (72%) số còn lại ở Châu Phi, Nam Mỹ, không gặp loài nào có nguồn gốc tại Châu Âu và có rất ít loài bản địa ở Châu Úc. Việt Nam có 92 loài, phân bố từ miền núi, trung du đến đồng bằng trên cả hai miền nam bắc Việt Nam.
Khác với cây thân gỗ, tre không có cấu tạo tượng tầng nên không có quy luật hình thành vòng năm, cây có một thân chính hình tròn, rỗng, suôn thẳng và hơi cong ở phần ngọn. Cây sinh sản bằng hai con đường hữu tính và vô tính, nhưng chủ yếu vẫn là sinh sản vô tính bằng thân ngầm hay thân khí sinh (gốc tre hay cành tre). Tre thường mọc thành bụi, mỗi bụi có nhiều thân khí sinh, các bụi tre xuất phát từ thân ngầm (Rhizomes). Các thân ngầm này lại xuất phát từ nách của thân ngầm cũ. Một khi măng nhú lên khỏi mặt đất với đường kính đạt kích thước của thân khí sinh và sau đó không tăng lên đáng kể, khi măng lớn lên, các mo rụng dần. Trên bề mặt của mo thường có nhiều lông tơ và tận cùng của mo có lá mo.
Tiết diện ngang của măng thường có hình tròn, rỗng với vách mỏng hay dầy, khi măng nhú lên khỏi mặt đất có màu xanh và thường có lông tơ hay một lớp sáp bao bọc. Thông thường các đốt tre có hình vòng tròn, là nơi phát sinh cành và một vòng rễ ở bên dưới đặc trưng cho từng chi. Sự phân cành trên các đốt kế tiếp theo hướng đối xứng và so le nhau. Cành mang nhiều nhánh nhỏ theo một dạng thức đặc sắc cho từng chi. Thông thường các nhánh nhỏ có mang lá, lá hình lưỡi mác có kích thước thay đổi tùy theo loài.
Phần lớn tre trúc mọc tự nhiên ở độ cao dưới 500m so với mặt nước biển, thích hợp ở vùng khí hậu nóng ẩm, có lượng mưa trung bình 1500mm-2500 mm/năm, nhiệt độ bình quân 21-270C, cây mọc thích hợp ở những đất có tầng canh tác dầy, nhiều mùn, ẩm, có thành phần cơ giới nhẹ và thoát nước tốt.
III. MỘT SỐ LOÀI TRE TRỒNG LẤY MĂNG
1.Tre Tàu
Cây tre Tàu còn có tên là Ma trúc, là giống nhập nội trồng khá lâu đời tại miền Đông Nam Bộ, nhiều năm nay người dân đã trồng thành rừng để kinh doanh măng trên quy mô lớn từ300-500ha như ở Đồng Nai, Bình Phước.
Cây thuộc loại dễ tính, ưa khí hậu nóng ẩm, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, có thành phần cơ giới nhẹ và thoát nước, mọc thích hợp nơi có tầng đất sâu trên 60cm. mật độ trồng thích hợp 330-400 cây/ha.
Cây tre Tàu dễ trồng, phát triển nhanh, lá có bản rộng, cây cho nhiều măng, năng suất trung bình 15 tấn/ha/năm, trọng lượng trung bình 1,2 -2kg/măng. Măng có chất lượng ngon, giòn, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
2. Tre Mạnh tông
Loài này có nguồn gốc từ Trung Quốc, đảo Đài Loan, trước đây chính quyền Sài gòn (cũ) đã nhập từ Đài Loan về trồng ở Đồng nai, Bình dương, Bình phước thuộc các tỉnh Miền đông và một số tỉnh ở miền Tây nam bộ. Tre Mạnh tông có bộ rễ phát triển, măng to, ăn ngon và có giá trị xuất khẩu, năng suất măng trung bình đạt 10 tấn/ha/năm.
3.Tre Bát độ
Là loài tre có nguồn gốc từ Trung Quốc mới du nhập vào Việt Nam, chuyên trồng để lấy măng. Cây măng to, vỏ mỏng, thịt dày màu trắng ngà, có giá trị dinh dưỡng cao, măng ăn ngon, giòn, vị ngọt, không cần nấu kỹ như các loài măng khác.
Điểm đặc biệt của loài tre này là năng suất măng rất cao, ở Ngọc Mỹ-Thái Hòa -Vĩnh Phúc sau 3 năm trồng đã cho thu hoạch 10-14 măng/gốc, năng suất đạt 30 tấn/ha/năm, đường kính gốc măng có khi đạt 30cm và nặng 5-8kg/măng, chất lượng cao có giá trị xuất khẩu.
Hiện đã có trồng thử nghiệm tại Đồng nai, sau 16 tháng trồng tính đến ngày 31/12/2004. Kết quả bước đầu cho thấy giống tre Bát độ đã tỏ ra thích nghi với điều kiện đất đai và khí hậu tại Đồng nai. Trên đất xám, đất Ferralit cây sinh trưởngtrung bình,mỗi bụi tre có từ 5-6cây, chiều cao trung bình từ 3-4 mét, cá biệt có bụi cao 5m, đường kính gốc măng từ 6-7cm. Trên đất đỏ Bazan cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, bình quânmỗi bụi tre có từ 6-7 cây, cá biệt có bụi đến 10 cây tre, chiều cao trung bình từ 5- 6mét, đường kính gốc măng đạt 12-15cm, đang tiếp tục theo dõi.
4.Tre Lục trúc (Tre Đài Loan, tre ngọt)
Tre Lục trúc phân bố tự nhiên ở vùng Á nhiệt đới. Năm 1995-1996, chúng ta nhập từ Đài Loan đưa về trồng tại một số tỉnh ở phía Bắc, hiện đã dẫn giống vào các tỉnh phía Nam. Đây là loài tre chuyên lấy măng, dễ trồng, thích hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm. Tre Lục trúc thân cây nhỏ, mọc tốt trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước, mật độ trồng thích hợp là 500 cây/ha. Măng Tre Lục trúc có chất lượng cao, hương vị thơm ngon, năng suất trung bình 5tấn/ha/năm, khai thác măng khi còn nằm dưới mặt đất. Thân cây tre Lục trúc có sợi dài nên dùng làm nguyên liệu giấy khá tốt.
IV.CÂY GIỐNG
1.Chọn cây giống và nhân giống
Đối với các loài tre nói chung có nhiều cách nhân giống từ thân ngầm, hom gốc, thân khí sinh (hom thân), hom cành hay trồng bằng hạt. Khi nhân giống nên chọn những bụi (khóm) tre phát triển tốt, không sâu bệnh, chưa ra hoa. Lựa những cây không quá non hoặc quá già (bánh tẻ), khoảng 7-8 tháng tuổi để làm giống. Ơ các tỉnh phía nam thường lấy hom giống từ tháng 1 đến tháng 2 (mùa khô) hàng năm để ươm.
1.1.Hom gốc
Nhân giống tre bằng hom gốc, hom gồm có một phần thân khí sinh (thân tre) khoảng 7-8 tháng tuổi, có 3 lóng dài từ 80-100cm, có đường kính từ 7cm trở lên, mang một thân ngầm, có chồi mầm không dập nát, không bị thối, đem ươm ở vườn ươm thời gian từ 3 – 4 tháng xuất vườn đem trồng, cây sẽ có tỷ lệ sống cao.
1.2.Hom thân
Chọn cây tre 7-8 tháng tuổi cưa ở gốc, phần tiếp giáp với thân ngầm, đem về đục lỗ trên các lóng theo hướng thẳng góc vớicành, rồi đem đặt ở các luống tại vườn ươm, lấp đất vừa đủ kín thân cây tre (đất vườn ươm đã được cày bừa và bón phân hữu cơ đầy đủ). Kế tiếp đổ nước vào các lóng tre cho đầy rồi đậy lại để giữ ẩm, vườn ươm có làm giàn che mát 70-80%, tưới ẩm thường xuyên.
Sau 1 tháng dỡ bỏ giàn che, nuôi cây trong vườn khoảng 3 tháng, khi cây ra cànhmới và rễ thứ cấp thì bứng lên, cưa từng đoạn đem trồng.
1.3.Hom cành
Nếu nhân giống bằng hom cành đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm và công sức. Chọn cây tre 7-8 tháng tuổi, chọn cành bánh tẻ (khi trên cành còn lưu lại một vài mo nang), phần gốc của cành có đường kính > 0,8cm, đã có rễ phát triển, dùng cưa cưa gốc cành theo chiều từ dưới lên sâu ½ đường kính của gốc cành, cắt ngắn bớt cành để lại chừng 2-3 lóng. Dùng giá thể đã trộn sẵn rơm hoặc xơ dừa + đất + chất kích thích ra rễ IBA hoặc NAA, nồng độ 100ppm (Indol Butyric Acid và Napthil Acetic Acid), đủ ẩm bó vào gốc cành, rồi dùng bao nylon có đục nhiều lỗ bọc chặt lại, tưới nước giữ ẩm.
Sau 20-30 ngày kiểm tra thấy cành nào ra rễ mới, cắt xuống đưa vào bầu đất (bầu đất gồm 90% đất thịt pha cát + 9% phân chuồng hoai + 1% Super lân). Đặt bầu vào thànhtừng luống che mát 70-80%, tưới ẩm thường xuyên.
Sau 1 tháng dỡ bỏ giàn che từ từ, nuôi cây trong vườn khoảng 3 tháng, khi cây ra nhiều rễ, cành lá mới thì đem trồng.
V. KỸ THUẬT TRỒNG
Tre là loài cây ưa sáng, nhưng vẫn chịu bóng nhẹ, do vậy có thể trồng tre ngoài đất trống, dưới tán các cây khác như trồng hỗn giao với một số loài cây rừng có tán thưa, tuy nhiên tỷ lệ che bóng không quá 30%. Ngoài ra còn có thể trồng hỗn giao theo băng rộng 50m, trồng một băng cây rừng rồi đến một băng cây tre và lập lại như cũ, tốt nhất là bố trí hàng theo hướng đông tây.
1. Chọn đất trồng
Các loài tre đều ưa thích tầng đất dày, tơi xốp nhiều mùn, ẩm nhưng thoát nước tốt, nhất là các loại đất phù sa ven sông suối, đất nương rẫy còn mang tính chất đất rừng. Không trồng tre trên đất mặn, đất có tầng canh tác mỏng, đất đá ong hóa, đất cát khô rời rạc, đất bị úng ngập, hoặc quá bí chặt.
Trường hợp đất nghèo xấu, nhiều sỏi đá cần áp dụng biện pháp cải tạo đất như đào hố to rộng, bón nhiều phân hữu cơ, che tủ đất bằng rơm rạ, tưới nước, trồng xen cây họ đậu để làm phân xanh.
2. Thời vụ trồng
Đối với tre, việc trồng đúng thời vụ sẽ quyết định tỷ lệ sống cao. Ở miền Đông Nam Bộ, thời vụ trồng khoảng tháng 6 tháng 7, khi đất đã đủ ẩm. Nếu trồng sớm phải chú ý đến nguồn nước tưới.
3. Chuẩn bị đất trước khi trồng
Nơi đất nghèo dinh dưỡng nên trồng cây họ đậu trước một năm để cải tạo đất, khi thu hoạch cần vùi lấp toàn bộ cây họ đậu để làm tốt đất. Trồng tre lấy măng nên chọn đất bằng phẳng có độ dốc nhỏ hơn 100 là tốt nhất, trường hợp phải trồng tre trên đồi dốc >100 có thể dùng biện pháp đào rãnh dài 2m sâu 60cm, theo đường đồng mức, bố trí so le hình nanh sấu để vừa chống xói mòn đất. Hố nên đào trước một năm đổ rác, bã mía, lá cây, rơm rạ, rồi lấp đất để cho hoai mục giúp đất tơi xốp giàu mùn, tạo khoảng tơi xốp rộng hơn cho rễ cây trồng phát triển.
Trường hợp không đào rãnh thì đào hố có kích thước 60 x 60 x 60cm, trước khi trồng cần bón lót mỗi hố tối thiểu 10-15 kg phân chuồng hoai mục (hoặc 5-6 kg phân hữu cơ vi sinh) + 0,6 kg phân NPK (chú ý không được bón phân chuồng tươi vì dễ gây sâu bệnh cho cây và quá trình phân huỷ phân tươi sinh nhiệt ảnh hưởng đến bộ rễ làm chết cây trồng).
4. Trồng cây
Hom giống sau khi xuất vườn phải được trồng ngay trong ngày, cẩn thận khi vận chuyển để tránh làm dập các chồi non. Mật độ trồng khoảng từ 330-400 cây/Ha là vừa (trồng theo cự ly 5 x 6 m hoặc 5 x 5m). Đối với tre Lục Trúc có thể trồng dày 500 cây/ha (5m x 4m). Khi trồng tre dùng cuốc trộn đều hỗn hợp phân với đất cho đều, đặt cây giống xuống hố nghiêng khoảng 450 (nếu là hom gốc),dùng đất nhỏ mịn lấp đầy hố và nén chặt. Trường hợp trồng bằng hom thân, hom cành thì khi đặt hom vào giữa hố theo chiều thẳng đứng, phần gốc chồi nằm dưới miệng hố không quá 10cm rồi lấp đất và nén chặt.
Đối với tre mọc tản mật độ cây trồng/Ha thay đổi tùy theo loài và tùy vào mục đích kinh doanh. Trồng cây bằng thân ngầm, hom thân ngầm thường dài 40-50cm, nhiều rễ và phải có từ một đến hai chồi ngủ cứng chắc to mập, không sâu bệnh, hố trồng chỉ cần sâu 30cm và đặt hom ở độ sâu 10cm là được.
Trồng xong nên tưới nước thật đẫm, đảm bảo rễ cây tiếp xúc tốt với đất, dùng rơm rạ tủ chung quanh gốc cây một lớp dày 10 x 20cm để chống cỏ dại vào mùa mưa, giữẩm vào mùa khô.
VI. QUẢN LÝ, CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG
Hàng năm vườn tre được chăn sóc 3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa bằng phương tiện cơ giới như máy cày, máy kéo có gắn giàn phát cỏ và sử dụng nhân công chăm sóc những diện tích mà máy móc không làm được.
Phòng chống cháy cho tre hàng năm là vấn đề cần phải được quan tâm đúng mức. Ngoài ra vào mùa sinh măng cần lưu ý không được thả gia súc vào vườn tre sẽ làm hư hại măng.
Có thể đưa các loài cây lương thực, thực phẩm, vào trồng trên đất mới trồng tre đã được cày bừa sẵn, như bắp lai, đậu các loại, bí đỏ, bí đao hay một số loài cây có củ khác như khoai môn, gừng.v.v.nhằm góp phần làm giảm chi phí chăm sóc, phòng chống cháy tre, có nguồn thu bổ sung, đầu tư cho cây trồng, thực hiện phương thức nông lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài.
1. Bón phân
Mỗi năm bón thúc hai lần vào thời điểm trước khi ra măng 1 tháng và sau khi thu hoạch măng nhằm giúp cây phục hồi sức nhanh. Dùng 15-20kg phân chuồng hoai (hoặc 10kg phân hữu cơ vi sinh) và khoảng 1 kg phân NPK bón cho mỗi bụi tre trong thời kỳ kinh doanh. Đối với tre phân chuồng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để tạo ra rau sạch.
2. Cách bón
Đào rãnh nhỏ xung quanh bụi tre cách gốc tre khoảng 0,5m rồi rải phân lấp kín đất lại. Nếu có thể tưới nước cho cây trong mùa khô sẽ giúp cây sinh trưởng tốt, tre có khả năng ra măng trái vụ, giá bán sẽ gấp nhiều lần so với măng chính vụ.
VII. SÂU BỆNH HẠI
Nhìn chung sâu bệnh hại trên cây tre là rất ít, tuy nhiên tre cũng có những sâu bệnh sau đây:
-Bệnh thối thân (cây măng)- Sâu cuốn lá (hại lá)
-Bệnh sọc tím (măng cây luồng)-Ruồi xanh (hại lá)
-Bệnh khô héo (trên măng)-Bệnh vàng sọc (trên lá)
-Sâu vòi voi (hại măng)-Châu chấu (phá hại cành non)
Phòng ngừa sâu bệnh hại tre, măng bằng các biện pháp lâm sinh là chủ yếu. Từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm nên chặt tỉa bỏ cành tre ở tầm cao 2,5m trở xuống, vệ sinh tạo cho vườn tre thông thoáng, áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp dịch hại (IPM), để tre sinh trưởng tốt, có sức đề kháng cao, trường hợp có sâu bệnh hại mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Sau khi kết thúc một chu kỳ sinh trưởng, tre sẽ ra hoa rồi chết (khuy). Chu kỳ này ngắn hay dài tùy thuộc vào các loài tre khác nhau, có thể là 30-50 năm hoặc lâu hơn nữa, các yếu tố ngoại cảnh như đất đai, khí hậu, con người cũng có chi phối đến sự ra hoa kết quả của tre.
VIII. KHAI THÁC,CHẾ BIẾN,TIÊU THỤ
1. Khai thác măng
Hầu hết các loại tre sau 3 năm trồng (36 tháng) sẽ cho năng suất măng tương đối ổn định.
1.1.Những loài tre mọc theo kiểu hợp trục: (Tre Tàu, Mạnh Tông, Bát Độ, Điền Trúc…) Vào mùa măng chọn những cây măng tốt sinh ra trong đầu vụ để nuôi dưỡng thành tre, thay thế những cây già sẽ phải chặt hàng năm. Nên chọn 2-3 cây to khỏe mọc ở phía ngoài, có thân ngầm nằm sâu dưới mặt đất để lại nuôi dưỡng, đó cũng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế sự “nâng bụi” của tre.
Khi khai thác măng nếu gặp gốc măng có thân ngầm nằm trên mặt đất thì đào bỏ, không nên đắp đất vào gốc vì làm như vậy là tạo điều kiện cho tre nâng bụi và sẽ hoàn toàn không có lợi về mặt kinh doanh lâu dài của vườn tre.
Tuỳ theo thị hiếu của người tiêu dùng và tuỳ theo loài, măng sẽ được khai thác ở các chiều cao khác nhau. Thông thường khai thác măng khi măng còn non, chưa có chất xơ. Khai thác măng phải dùng dụng cụ sắc bén, không được làm tổn thương đến những cây măng bên cạnh, chỉ được phép cắt ngang phần lóng cuối cùng của thân khí sinh, không được cắt phạm vào thân ngầm vì ở thân ngầm mang nhiều chồi sinh măng. Do vậy người khai thác măng nhất thiết phải được hướng dẫn trước.
1.2. Đối với các loài tre mọc theo kiểu đơn trục hay còn gọi là mọc tản: (cây trúc cần câu, trúc sào, cây vầu, tre giang). Các loài này gây trồng bằng thân ngầm. Khi thu hoạch măng thông thường người ta quan sát các vết nứt trên mặt đất để xác định vị trí chỗ có măng và dùng một cái thuổng đặc biệt để đào lấy măng củ. Măng củ là chồi mới mọc ra từ thân ngầm. Việc đào lấy măng phải được tiến hành thận trọng để măng không bị bư hại, nên đào lấy đất chung quanh gốc măng để bộc lộ phần gốc dính với thân ngầm và lấy măng bằng một cái thuổng bén sau đó lấp đất lại.
Măng có chất lượng ngon là khi còn nằm trong đất, do vậy trước mùa ra măng người ta tủ một lớp rơm rạ dày 20-30 cm quanh gốc tre để hạn chế không cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào thân măng sẽ làm giảm chất lượng (măng có vị đắng).
2. Khai thác tre
Từ năm thứ 3 (sau 36 tháng tuổi) trở đi thông thường mỗi bụi tre chỉ duy trì 6-7 cây tre và số tre này hàng năm đều được thay mới, có cây 2 năm tuổi, 1 năm tuổi, cây mới sinh ra trong đầu vụ. Hay nói cách khác là trên một bụi tre có 3 thế hệ, tre ông bà, tre cha mẹ, tre con cái. Mùa khô khai thác tre ông bà, khi mưa đến thì có tre cháu thay thế và cứ luân phiên như vậy.
Điều cần chú ý ở đây là sau khi khai thác tre nhất thiết phải đào bỏ thân ngầm già (gốc tre), nhằm giúp đất thông thoáng để măng mọc ra từ thân ngầm khác có điều kiện phát triển tốt hơn, đối với tre mọc tản cũng làm tương tự.
3. Sản phẩm chế biến từ măng.
Măng là một loại thực phẩm sạch có giá trị xuất khẩu cao trên thương trường. Sản phẩm chế biến từ măng tre có nhiều như măng ăn tươi, măng khô (bóc vỏ, xắt nhỏ, luộc chín, sấy khô, đóng bao bì ), măng giòn, măng chua, măng đóng hộp 1-2 kg/hôp, măng đóng thùng 15-20 kg/thùng, măng muối.
4. Tiêu thụ măng tre
Thị trường của măng tre tại các tỉnh phía nam hơn 10 năm nay, giá măng vẫn luôn ở mức bình ổn, măng tre trồng còn tươi nguyên vỏ, giá bán sỉ tại vườn là 2000 đồng kg, vào mùa khô măng tươi trái vụ giá bán cao gấp 5 lần so với măng chính vụ. Hiện nay măng khô giá bán 50.000-60.000 đồng/kg chủ yếu là măng Lồ ô, một loại măng rừng chất lượng không ngon lắm.
5. Ưu thế của cây tre
Trồng tre như là một phương thức (1) đưa các vùng đất trống vào sử dụng một cách kinh tế, (2) cây tre có khả năng tạo sinh khối nhanh, (3) dễ tạo nguồn giống, (4) có khả năng chắn sóng, giữ đất cao, phát huy tác dụng phòng hộ nhanh, phù hợp với nông dân vì mang lại nhiều công dụng.
Trồng Tre lấy măng tương đối ít tốn kém. Trong hai hay ba năm đầu khi vườn tre còn nhỏ, nông dân có thể trồng xen các hoa màu khác để thu hồi phần nào tiền vốn đầu tư. Chính vì vậy việc trồng tre lấy măng được xem là mộtloại hình nông lâm kết hợp, trong đó tre giữ vai trò của một loài cây đa mục đích.
Hiện nay đã có 34/63 tỉnh thành trong cả nước tham gia trồng tre lấy măng với diện tích đã trồng là 4.077ha bao gồm các giống Tre tàu, Mạnh tông, Điền trúc, Lục trúc, Tạp giao..v..v..Dự kiến năm 2005 sẽ đưa diện tích tre cả nước lên 520.000ha, sản lượng măng đạt 383.000 tấn/năm.
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Sự phát triển của công nghiệp sản xuất ván MDF trên thế giới & Triển vọng ở Việt nam
- CDM - CƠ HỘI MỚI CHO NGÀNH LÂM NGHIỆP
- Một số bất cập trong quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác ( Quyết định số 40/2000/QĐ-BNN, ngày 07/07/2005)
- Kết quả điều tra sâu hại vườn ươm cây rừng ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam
- Đánh giá một số mô hình trồng rừng hỗn loài ở các tỉnh phía Bắc