MUỒNG ĐEN
Tên khác: Muồng xiêm
Tên khoa học: Cassia siamea Lamarck,
Senna siamea (Lamk) Iruvin & Barnby
Họ thực vật: Vang (Caesalpiniaceae)
1. Đặc điểm hình thái
Cây gỗ lớn, cao 15-20m, đường kính 30-35cm. Vỏ màu xám nhạt, nứt dọc. Cành non có khía, phủ lông mịn. Tán dài, rộng.
Lá kép lông chim một lần chẵn, mọc cách, dài 10-25cm, cuống lá dài 2-3cm. Lá chét 7-15 đôi, màu xanh thẫm, hình bầu dục, dài 3-7cm, rộng 1-2cm, đầu tròn hay lõm với 1 múi nhọn ngắn, gốc tròn. Lá kèm nhỏ, dễ rụng.
Cụm hoa chuỳ lớn ở đầu cành, màu vàng. Ra hoa tháng 7-12, quả chín tháng 1-4 năm sau. Quả đậu dẹt, nhẵn, lượn sóng, dài 20-30cm, rộng 1-1,5cm, khi chín màu đen. Mỗi quả có 20-30 hạt dẹt, hình bầu dục rộng, khi chín có màu nâu.
2. Đặc tính sinh thái
Có nguồn gốc ở Đông Nam Á, mọc ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippin,… Ở Việt Nam cây mọc tự nhiên từ các tỉnh miền Bắc trở vào các tỉnh phía Nam, nhiều nhất ở Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đồng Nai. Phân bố ở độ cao tới 1200m so với mực nước biển, nơi có lượng mưa bình quân năm trên 1500mm nhưng chịu được ở vùng có lượng mưa bình quân năm dưới 500mm.
Cây trung tính thiên về ưa sáng, ưa đất giàu canxi và đất bồi tụ trung tính màu mỡ, ẩm. Mọc được trên đất khô cằn, kể cả đất cát nghèo xấu. Cây mọc nhanh, sức nảy chồi khoẻ. Cây 3-5 tuổi bắt đầu ra hoa quả.
3. Giống và tạo cây con
Hạt giống được lấy từ cây mẹ 7-8 tuổi trở lên. Thu quả về đem phơi nắng rồi chà sát, tách hạt và làm sạch tạp vật, bỏ hạt vào túi nilông, để nơi khô ráo hay đưa bảo quản lạnh. Một kg có 3000 hạt, tỷ lệ nảy mầm 80-90%.
Ngâm hạt trong nước sôi, đến khi nước nguội vớt hạt ra, để ráo nước. Đem hạt gieo vào bầu hoặc ủ hạt trong túi vải, hàng ngày rửa chua bằng nước ấm 25-30oC cho nứt nanh rồi mới gieo mỗi bầu 1 hạt ở độ sâu lấp hạt 1cm.
Ruột bầu là đất mặt vườn ươm hay đất dưới tán cây bụi trộn với 1-2% supe lân hoặc 5-10% phân chuồng hoai theo khối lượng.
Hạt gieo sau 3-4 ngày thì nảy mầm, hàng ngày tưới nước đủ ẩm và định kỳ 15-20 ngày làm cỏ, phá váng 1 lần.
Cây gieo ươm 2-3 tháng, đạt chiều cao 20-25cm, không bị sâu bệnh hại, cụt ngọn là đủ tiêu chuẩn đem trồng.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Trồng rừng toàn diện trên bãi cát cao hoặc lên líp cao 20-30cm trồng theo đai lưới ô vuông trên bãi cát ẩm ướt mùa mưa, giữa các ô vuông trồng cây nông nghiệp như dưa hấu, dưa gang, đậu, lạc, sắn, hành, kiệu,…
Trồng thuần loài hoặc hỗn giao theo băng với các loài phi lao, bạch đàn, keo lá tràm, keo lá liềm.
Mật độ trồng rừng 2.500 cây/ha (2x2m) hoặc 2.000 cây/ha (2×2,5m). Cuốc hố trồng với kích thước 30x30x40cm, hoặc 40x40x50cm.
Chăm sóc 3 năm đầu, mỗi năm 2 lần. Năm đầu chăm sóc lần 1 sau khi trồng 2-3 tháng. Nội dung chăm sóc gồm phát dọn cây cỏ, cây bụi xâm lấn, xới đất quanh gốc rộng 0,5-0,8m, vun gốc cây.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ có dác lõi phân biệt, dác màu trắng vàng đến trắng, dày 3-7cm, lõi màu nâu đậm đến đen tím. Thớ thẳng, kết cấu hơi thô, cứng, tỷ trọng 0,912. Lõi khó mục, không bị mối mọt, dùng trong xây dựng, đóng đồ cao cấp, đồ mỹ nghệ.
Cây thường xanh được trồng làm cây bóng mát, cây cảnh quan ven đường, trồng rừng lấy gỗ, trồng rừng phòng hộ vùng cát ven biển. Trồng làm cây che bóng cho Chè, Cà phê.
Sau 3-4 năm chặt bỏ những cây cong queo, sâu bệnh chèn ép cây khác tận dụng làm củi. Rừng 30-40 tuổi có thể khai thác sử dụng.
Tin mới nhất
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu gỗ hợp pháp và quản lý rừng bền vững.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu tạo giống bạch đàn đa bội nhằm đáp ứng yêu cầu trồng rừng gỗ lớn.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp Bộ: Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia.
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: Sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện kỹ thuật trồng một số giống Keo lai mới được công nhận (BV586, BV376, BB055, BV584, BV523, BV434, BV350).
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ tiềm năng cấp Bộ: Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm Mít nài (Artocarpus chama Buchanan-Hamilton) cung cấp gỗ lớn ở khu vực miền núi phía Bắc.
Các tin khác
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật bảo vệ và nâng cao độ phì của đất nhằm nâng cao năng suất rừng trồng bạch đàn, keo ở các luân kỳ sau
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây rừng-giai đoạn 2006-2010
- Thông tin buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Huỳnh Nhân Trí
- Kỹ thuật trồng Lõi thọ
- Quyết định Ban hành quy định phân cấp quản lý các nhiệm vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam