Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây rừng-giai đoạn 2006-2010

TS. Phí Hồng Hải

I. Đặt vấn đề

Nước ta có một hệ thực vật rất phong phú và đa dạng, trong đó có khoảng 30% số loài là đặc hữu, không tìm thấy ở nơi khác ngoài Việt Nam (N.N.Thìn 1997). Các nhà khoa học dự đoán Việt Nam có khoảng 12.000 tới 15.000 loài thực vật, trong đó khoảng 7.000 loài đã được nhận biết (Trần Đình Lý 1993). Nhân dân ta từ xa xưa đã sử dụng hàng ngàn loài cây làm lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh, nguyên nhiên liệu, cây cảnh và nhiều các mục tiêu khác. Trần Đình Lý (1993) đã giới thiệu khoảng 1.900 loài cây có giá trị ở nước ta thuộc gần 1.000 chi.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân như chiến tranh kéo dài, khai thác lạm dụng, du canh du cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã làm diện tích và chất lượng rừng của nước ta suy giảm đi nghiêm trọng trong những năm qua. Nhiều loài thực vật rừng quý hiếm đang bị khai thác, chặt hạ trái phép nên đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng. Năm 1996, Việt Nam có 356 loài thực vật bị đe doạ tuyệt chủng (Sách đỏ Việt Nam 1996), thì con số này đã là 450 loài vào năm 2008 (Sách đỏ Việt Nam 2007). Chính vì vậy, suốt từ năm 1998, Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được chỉ định là cơ quan đầu mối về bảo tồn nguồn gen cây rừng và cũng từ đó công tác nghiên cứu bảo tồn được coi là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài nhằm phục vụ cho mục tiêu bảo vệ các nguồn gen quý hiếm và đặc thù của đất nước, góp phần duy trì sự tồn tại của một số loài bị đe dọa cho các thế hệ tương lai.

Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây rừnggiai đoạn 2006-2010” là một sự tiếp nối các định hướng chiến lược bảo tồn nguồn gen đã được hoạch định, các nội dung nghiên cứu của đề tài là sự kế thừa các kết quả đã đạt được của các đề tài bảo tồn nguồn gen cây rừng ở các giai đoạn trước, với những mục tiêu mới và các kết quả mới nhằm mở rộng điều tra các nguồn gen cây rừng và thúc đẩy mạnh việc khai thác và phát triển nguồn gen các loài cây rừng bản địa có giá trị kinh tế, đưa thêm nguồn gen có giá trị vào trồng rừng.

Mỡ Hải Nam 1

2. Mục tiêu và nội dung đề tài

Nhằm thúc đẩy mạnh việc khai thác và phát triển nguồn gen các loài cây rừng bản địa quý hiếm/giá trị kinh tế vào trồng rừng, đề tài đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như sau: (1) Tập hợp và lưu giữ nguồn gen các loài cây rừng có giá trị kinh tế và/hoặc bị đe dọa; (2) Tăng cường tính đa dạng di truyền của các loài cây bảo tồn và những nguồn gen quý hiếm nhằm phục vụ cho công tác cải thiện giống cây rừng trước mắt và lâu dài; (3) Tăng cường năng lực nghiên cứu về bảo tồn nguồn gen cây rừng; (4) Tư liệu hóa nguồn gen cho các loài cây bảo tồn. Do đó, nội dung chính của đề tài: (1) Tiếp tục điều tra khảo sát xác định đa dạng di truyền một số chi thực vật; (2) Thu hái và bảo quản hạt giống và mẫu giống; (3) Xây dựng mới các khu tập hợp nguồn gen và khu bảo tồn ex situ; (4) Tư liệu hoá các loài cây bảo tồn và các nguồn gen đã có; (5) Chăm sóc, bảo vệ, theo dõi, đánh giá một số vườn sưu tập thực vật đã xây dựng ở giai đoạn 2001-2005; (6) Tiếp tục nghiên cứu giâm hom và nuôi cấy mô cho một số loài cây bản địa quý hiếm hoặc khó thu hái bảo quản hạt; (7) Tuyên truyền, phổ biến và tập huấn về bảo tồn nguồn gen cây rừng và các kiến thức phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gen cây rừng.

3. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

3.1 Vật liệu nghiên cứu

Hai mươi sáu loài cây gỗ rừng tự nhiên có giá trị kinh tế và hoặc bị đe dọa là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của đề tài. Đó là: Thông Đà Lạt, Thông đỏ, Thông Pà Cò, Pơ mu, Bách xanh, Bách xanh đá, Chò chỉ, Dầu rái, Dầu song nàng, Dầu đọt tím, Kiền kiền, Vù hương, Re gừng, Sưa, Ươi, Chiêu liêu nghệ, Giổi xanh, Giổi ăn quả, Xạ đen, Song mật, Thông hai lá dẹt, Sao lá hình tim, Sao mạng, Cẩm liên, Cẩm lai, và Giổi bà. Tùy theo từng đối tượng mà đề tài có từng nội dụng nghiên cứu bảo tồn khác nhau.

3.2 Phương pháp nghiên cứu

Đề tài đã kết hợp sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp khác nhau trong điều tra khảo sát, như: phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp phỏng vấn chuyên gia, phương pháp phỏng vấn linh hoạt, phương pháp quan sát thực tế hiện trường, phương pháp định danh cây rừng. Với việc đánh giá mức độ đe dọa, đề tài sử dụng các cấp đánh giá mức độ đe dọa mà IUCN đưa ra năm 2001 và 2008, ngoài ra còn tham khảo đánh giá của Sách đỏ Việt Nam, phần thực vật (1996 và 2007) và các nghiên cứu của các tác giả khác trong và ngoài ngành Lâm nghiệp. Việc xác định tổ thành được tiến hành ở các ô tiêu chuẩn tạm thời và bán định vị tại các khu rừng tự nhiên có phân bố loài nghiên cứu. Tại mỗi điểm nghiên cứu lập 1 ô tiêu chuẩn với diện tích 2500 m2 và trong mỗi ô tiêu chuẩn lập 5 ô phụ để điều tra tái sinh. Chỉ số IV, phân bố N/D và quan hệ giữa các loài trong ô được tính toán bằng phương pháp thống kê sinh học trong lâm nghiệp trên phần mền ứng dụng Excel và Statgraphics (Bảo Huy, 2008).

Nghiên cứu đa dạng di truyền được tiến hành bằng các phản ứng PCR – RAPD, phản ứng PCR – SSR, phản ứng cắt enzyme hạn chế. Việc xác định hệ số di truyền giống nhau được tiến hành theo phương pháp của Nei và Li (1979) và việc so sánh hệ số tương quan kiểu hình theo phương pháp Dice phân nhóm UPGMA. Lập biểu đồ hình cây dựa vào giá trị tương quan kiểu hình (r) cao nhất trong chương trình NTSYSpc 2.0. Xác định ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng (IAA, IBA, NAA) và ảnh hưởng của thời vụ (xuân, hạ, thu và đông) đến tỷ lệ ra rễ được nghiên cứu theo phương pháp của Lê Đình Khả (2003). Trong nuôi cấy mô, các phương pháp khử trùng thích hợp, thời gian khử trùng thích hợp, thời điểm lấy mẫu thích hợp, môi trường tái sinh ban đầu được nghiên cứu bằng phương pháp của Đoàn Thị Mai và các công sự (2004). Các thí nghiệm bảo quản hạt được thiết kế với 2 nhân tố tác động đến sức sống của hạt là độ ẩm hạt và nhiệt độ cất trữ và được thực hiện theo phương pháp của Thomsen và Stubsgaard (1998).

4.  Kết quả và thảo luận

Đối với một số nhóm loài, việc xác định chính xác tên loài, phạm vi phân bố và mối liên kết di truyền là một yêu cầu không thể bỏ qua trong chiến lược và kế hoạch bảo tồn. Thông qua khảo sát thực địa và tập hợp tài liệu hiện có, đề tài đã đánh giá được hiện trạng và các giá trị sử dụng của các loài cây cho một số họ thực vật quan trọng từ đó làm cơ sở cho chọn lọc cây đại diện/cây trội, thu hái vật liệu giống phục vụ trồng các khu bảo tồn chuyển chỗ cho các loài cây bảo tồn.

4.1 Điều tra, khảo sát, mức độ đe dọa và phương án bảo tồn của một số loài nghiên cứu

Trong các giai đoạn trước, 53 loài cây lá kim có mặt tại nước ta đã được điều tra khảo sát và 33 loài đã được đánh giá mức độ đe dọa và tiền năng gây trồng (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2004). Tuy nhiên, các điều tra giai đoạn trước còn chưa thực cụ thể, và chỉ điều tra sơ bộ các khu phân bố của loài. Ở giai đoạn này, đề tài tập trung điều tra khảo sát mở rộng và chi tiết cho 5 loài cây lá kim, trong đó Thông đỏ Lâm Đồng ở mức độ Rất nguy cấp (CR); Pơ mu, Bách xanh, Bách xanh đá và Thông đỏ Pà Cò ở mức độ Nguy hiểm (EN) (IUCN, 2008). Kết quả điều tra cho thấy Thông đỏ Lâm Đồng chỉ phân bố rải rác thành từng quần thể nhỏ ở nhiều nơi thuộc tỉnh Lâm Đồng trên độ cao khoảng 1500m, như Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương. Tổng số cây hiện còn khoảng 250 cây, nhưng đang bị người dân khai thác lá, cành và vở quá mức để chiết xuất taxol. Thông Pà Cò chỉ được tìm thấy ở 2 quần thể tại Hang Kia – Pà Cò với số lượng cá thể ít (<20 cây/quần thể) và tại khu vực Thài Phìn Tủng – Đồng Văn – Hà Giang. Bách xanh cũng chỉ tìm thấy một số quần thể nhỏ tại Mang Linh, Datanla, Đarơcao – Lâm Đồng, Hang cọp – Trại Mát – Hòa Bình, Ba Vì – Hà Nội. Bách xanh đá tuy được đánh giá ở mức độ nguy hiểm trước đây tại Na Rì – Bắc Cạn, nhưng hiện nay các nhà khoa học đã tìm ra được một quần thể khá lớn tại Phong Nha – Kẻ Bàng – Quảng Bình (trên 5000 ha). Như vậy mức độ đe dọa của loài này có thể hạ xuống và cần đẩy mạnh bảo tồn tốt 2 quần thể tại Na Rì và Phong Nha.

Theo IUCN (2008), mức độ đe dọa của các loài cây họ Dầu đã tăng lên, như Dầu song nàng và Dầu đọt tím ở mức độ CR; Chò chỉ và Kiền kiền ở mức EN. Riêng Dầu rái vẫn giữ mức độ đe dọa NT. Kết quả điều tra cho thấy Dầu rái hiện còn gặp nhiều trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại phía Nam (như Cát Tiên, Bù Gia Mập, Yokdon; Tân Phú, Bình Châu – Phước Bửu), nhưng số lượng cây trong quần thể thấp (5-7 cây/quần thể). Dầu song nàng chỉ còn tìm được thấy tại tỉnh Đồng Nai (Cát Tiên, Mã Đà và Tân Phú), với mật độ thấp (70-75 cây/ha), không thấy có tái sinh dưới tán rừng. Dầu đọt tím hiện còn tại chân núi Bà Nà – Đà Nẵng, núi Kim Phương – Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam. Cây cũng thường mọc rải rác trong rừng lá rộng thường xanh ở độ cao dưới 700 m so với mực nước biển. Mật độ cá thể của Dầu đọt tím cũng rất thấp (30 cây/ha), thấp hơn cả Dầu song nàng. Chò chỉ chỉ còn phân bố tự nhiên tại Lục Yên – Yên Bái, Na Hang – Tuyên Quang, Xuân Sơn – Phú Thọ, Cúc phương – Ninh Bình, Bến En – Thanh Hóa, Phù Mát – Nghệ An. Cây tự nhiên có kích thước khá lớn và phân bố rải rác trong rừng. Hiện tượng tái sinh hạt khá phổ biến quanh gốc cây mẹ, nhưng cây con sau một thời gian thường bị nấm bệnh và chết. Kiền kiền phân bố rải rác hay mọc thành từng đám nhỏ ở Thừa Thiên Huế (Bạch Mã, A lưới), Quảng Nam (Hiên), Đắc Lắc (Đắc Min, Lâm Đồng (Di Linh), và Kiên Giang (Phú Quốc). Kiền kiền đang bị khai thác trộm khá nhiều, nên chủ yếu là rừng tái sinh tự nhiên. Vì vậy, với cả hai nhóm loài, các khu phân bố tự nhiên và các diện tích rừng trồng cần được quy hoạch bảo tồn và/hoặc cung cấp giống. Các khu bảo tồn chuyển chỗ cần tập trung tập hợp các xuất xứ còn thiếu và tăng số lượng cá thể trong khu bảo tồn nhằm đa dạng di truyền để phục vụ nghiên cứu sao này vàcung cấp giống sau này.

Ngoài 40 loài cây đã từng điều tra khảo sát và công bố trong cuốn sách “Một số loài cây bị đe dọa” (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 1999) và các loài đã được đưa vào nhóm cây lá kim và cây họ Dầu, trong giai đoạn 2006-2010, đề tài đã điều tra bổ xung và đánh giá 10 loài khác, bao gồm một số loài hiện đang bị đe dọa cao (Vù hương) và một số loài mặc dù có mức độ đe dọa thấp song có tiềm năng trồng rừng lớn, như Ươi, Giổi xanh, Giổi ăn quả, Chiêu liêu nghệ, Re gừng, Sưa, Xạ đen, Cẩm liên và Song mật. Rừng trồng bảo tồn các loài cây này được thiết lập với mục tiêu vừa bảo tồn vừa góp phần cung cấp giống trồng rừng trong tương lai.

4.2  Cấu trúc tổ thành của rừng tự nhiên có phân bố loài nghiên cứu đã được xác định

Xác định cấu trúc tổ thành và mối quan hệ giữa các loài trong quần thể tự nhiên và các xuất xứ trong loài cũng đã được tiến hành ở 45 ô tiêu chuẩn 2500 m2 cho một số loài có tiềm năng trồng rừng để có cơ sở khoa học cho khai thác và phát triển sau này, chẳng hạn như: Pơ mu (Lào Cai, Lâm Đồng), Kiền kiền (Thừa Thiên Huế), Chiêu liêu nghệ (Đắk Lắc), Song mật (Đồng Nai), Thông đỏ (Lâm Đồng), Thông Pà Cò (Hòa Bình), Thông Đà Lạt (Lâm Đồng, Gia Lai), Bách xanh đá (Quảng Bình), Bách xanh (Hà Nội), Giổi xanh (Phú Thọ, Thanh Hóa, Gia Lai) và Re gừng (Thanh Hóa và Lâm Đồng). Đây là cơ sở khoa học quan trọng cho việc khai thác và phát triển nguồn gen các loài cây rừng bản địa có giá trị kinh tế vào trồng rừng.

4.3 Thu thập nguồn gen và xây dựng các khu bảo tồn

Thu thập nguồn gen đã đạt được kết quả khả quan. Cho tới nay, đề tài đã thu thập được 18 xuất xứ và 265 cá thể của cho 22 loài, với 16.980 cá thể đã được gieo ươm và gây trồng. Các cá thể này có nguồn gốc từ hạt, cây con tái sinh và cành hom. Bên cạnh việc xây dựng các khu bảo tồn trên hiện trường, với sự giúp đỡ một phần kinh phí của đề tài, công tác bảo tồn hạt giống đã bước đầu được tiến hành cho các loài cây nhập nội có giá trị kinh tế cao nhằm phục vụ các nghiên cứu trong tương lai. 3134 xuất xứ và lô hạt cá thể của 11 loài Bạch đàn, 6 loài Keo, 4 loài Thông, 1 loài Phi lao, Lát hoa, Xoan chịu hạn, Giáng hương, Sơn ta, Tếch và Cẩm liên đã được lưu giữ trong kho hạt giống tại Hà Nội. Hơn thế nữa, một phòng tiêu bản hạt cũng đã được xây dựng, bao gồm 89 loài cây bản địa và nhập nội, và 22,75 ha quần thụ bảo tồn ex-situ của 22 loài đã được xây dựng tại Ba Vì – Hà Nội, Xuân Sơn – Phú Thọ, Bến En – Thanh Hóa, Măng Linh – Lâm Đồng, Đakplao – Đắk Nông. Ngoài ra, đề tài cũng chăm sóc, trồng bổ xung và bảo vệ 62,2 ha quần thụ bảo tồn và rừng trồng bảo tồn được xây dựng ở giai đoạn trước (2000-2005). Ngoài các nội dung nghiên cứu bảo tồn, đề tài giai đoạn 2006-2010 cũng đã tiến hành trồng dặm, chăm sóc bảo vệ và đánh giá sinh trưởng 62,7 ha rừng trồng bảo tồn và các khu bảo tồn đã được đề tài giai đoạn trước xây dựng.

4.4 Xác định đặc điểm sinh lý và phương pháp bảo quản hạt giống

Nghiên cứu bảo quản hạt Cẩm lai bà rịa cho thấy độ ẩn tự nhiên của hạt được xác định là 49,3%. Trọng lượng 1000 hạt là 650g. Tỷ lệ nảy mầm ban đầu của Cẩm lai bà rịa khá cao (93,8%). Như vậy hạt Cẩm lai bà rịa không có hiện tượng ngủ như ở Giổi ăn quả (Nguyễn Huy Sơn, 2007). Phương pháp cất trữ tối ưu là giữ nguyên độ ẩm tự nhiên, cất trữ hạt trong túi nylon bịt kín đầu và ở nhiệt độ cực lạnh -300C. Bằng phương pháp cất trữ này hạt có thể cất trữ được 2 tháng với tỷ lệ nảy mầm đạt 41%. Độ ẩm tự nhiên của hạt Chò chỉ được xác định là 58,9%. Trọng lượng 1000 hạt của Chò chỉ là 18,96 g. Tỷ lệ nẩy mầm ban đầu sau thu hái là 90,7%. Nghiên cứu các chế độ bảo quả hạt giống ở nhiều mức nhiệt độ và độ ẩm hạt cho thấy phương pháp bảo quản tối ưu cho Chò chỉ là cất trữ hạt giống ở độ ẩm hạt là 50%. Nhiệt độ cất trữ tối ưu là -300C, với thời hạn cất trữ trên 2 tháng. Một số thông tin quan trọng về mùa vụ ra hoa và kết quả, trọng lượng 1000 hạt, tỷ lệ nảy mần ban đầu và thời gian nảy mần cho 13 loài cây đã được tổng hợp để tham khảo trong thực hiện công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen vào sản xuất.

4.5  Đánh giá đa dạng di truyền trong loài

Đánh giá đa dạng di truyền giữa các xuất xứ trong một loài nhằm thúc đẩy quá trình khai thác và sử dụng hiện quả, bảo tồn bền vững và đa dạng các nguồn gen cây rừng, và đồng thời phục vụ công tác cải thiện giống sau này. Trong giai đoạn 2006-2010, 4 xuất xứ (Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Tĩnh và Gia Lai) của loài Giổi xanh đã được đánh giá đa dạng di truyền giữa các xuất xứ và trong từng xuất xứ bằng 15 chỉ thị RAPD và 5 chỉ thị lục lạp.  Kết quả cho thấy đa dạng di truyền của giữa các xuất xứ Giối xanh là cao. Trong 19 mẫu trộn của 95 cây đại diện của 4 xuất xứ Giổi xanh thì hệ số tương đồng về di truyền dao động từ 0,57-0,95. Hầu hết các mẫu của cùng một xuất xứ được lập thành một nhóm, chẳng hạn như 5 mẫu thu từ Gia Lai lập thành một nhóm, hay các mẫu thu có nguồn gốc từ Hà Tĩnh nằm trong nhóm. Nhưng các mẫu thu từ Phú Thọ và Ninh Bình lại chỉ được xếp vào 1 nhóm, mặc dù các nghiên cứu về phân loại thực vật khẳng định Giổi tại Xuân Sơn – Phú Thọ là Giổi ăn quả. Với loài Pơ mu, khi phân tích 25 mẫu trộn của 100 cây đại diện từ Lâm Đồng, Khánh Hòa, Lào Cai và Hòa Bình, cho thấy 25 mẫu này cũng chỉ phân làm 2 nhánh chính có mức độ sai khác di truyền dao động trong khoảng từ 0,876 – 1,0. Nhánh I chỉ có duy nhất mẫu thu tại Lâm Đồng. Nhánh chính II bao gồm 24 mẫu còn lại. Như vậy, tính đa dạng di truyền giữa các xuất xứ của Pơ mu rất thấp và có thể đe dọa sự tồn vong của loài trong quá trình tiến hóa và sự cố gắng bảo tồn nguồn gen cho các loài này. Đối với loài Bách xanh, hệ số tương đồng di truyền Dice của 20 mẫu trộn từ 100 cây đại diện thu tại Hà Nội, Lâm Đồng và Quảng Bình dao động từ 0,69 đến 1,0. Trong đó các mẫu có cùng nguồn gốc địa lý thì có hệ số tương đồng di truyền cao hơn khi so sánh với các mẫu khác nguồn địa lý. Từ kết quả nhận được cho thấy các mẫu thu được phân ra làm 3 nhóm rõ ràng. Nhóm I tập trung cả 7 mẫu thu tại Hà Nội, nhóm II gồm 7 mẫu thu tại Lâm Đồng và nhóm III gồm 6 mẫu thu tại Quảng Bình. Như vậy khi tiến hành bảo tồn loài Bách xanh cần thu thập ít nhất hai xuất xứ là Ba Vì và Lâm Đồng. Loài Bách xanh tại Phong Nha Kẻ Bàng – Quảng Bình được xác định là loài Bách xanh đá (Calocedrus rupetris), với quần thể rộng tới 2400 ha trên núi đá vôi ở độ cao 650m-700m so với mực nước biển (Phan Kế Lộc, 2009), nên cần chú trọng hơn đến bảo tồn in situ cho quần thể này. Tương tự như loài Giổi xanh, khi phân tích 18 mẫu trộn của 90 cây cá thể Chò chỉ thu từ Tuyên Quang, Phú Thọ, và Ninh Bình chỉ phân ra làm 02 nhánh chính rõ ràng: Nhánh chính I duy nhất chỉ có mẫu TH6 thu tại Thanh Hoá. Nhánh chính II bao gồm 17 mẫu còn lại và được chia làm 02 nhánh phụ II.1 và II.2. Nhưng, tính đa dạng di truyền giữa các xuất xứ của Chò chỉ khá cao và có thể đẩy mạnh bảo tồn và phát triển nguồn gen cho các loài này.

4.6 Kết quả nhân giống vô tính phục vụ trồng rừng bảo tồn

Cây bản địa quý hiếm vừa có phân bố rải rác, vừa có số lượng cá thể ít, lại khó thu hái  hạt nên sự thành công của nhân giống sinh dưỡng là rất đáng khích lệ, nó sẽ giúp đưa nhanh loài cây bản địa vào các chương trình trồng rừng ở nước ta. Trong 5 năm vừa qua, đề tài bảo tồn nguồn gen cây rừng đã nghiên cứu nhân giống sinh dưỡng thành công cho nhiều loài cây bản địa như Bách xanh, Vù hương, Sưa, Xạ đen, và Giổi xanh. Kết quả nghiên cứu khẳng định công thức thuốc giâm hom và mùa vụ giâm hom tốt nhất cho 4 loài nghiên cứu như sau: Đối với loài Giổi xanh và Giổi ăn quả, tiến hành giâm hom ở vụ xuân và hạ v sử dụng thuốc IBA ở nồng độ 1% sẽ đạt hiệu quả nhất. Đối với Sưa, mùa giâm hom tốt nhất là mùa Xuân. Thuốc tốt nhất là thuốc IAA 2%. Tuy nhiên so không có sự sai khác rõ ràng về tỷ lệ ra rễ và chất lượng hom giữa các mùa vụ và loại thuốc nên chúng tôi khuyến cáo cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng NAA, IBA ở 1-1,5% hay thuốc IAA 2% khi tiến hành giâm hom ở các thời vụ khác nhau. Đối với Xạ đen, mùa giâm hom tốt nhất cho Xạ đen là mùa Thu. Thuốc tốt nhất là thuốc IBA nồng độ từ 0,5- 2%. Đối với Vù hương, thuốc IAA ở nồng độ 1,5% cho tỷ lệ ra rễ cao nhất, đạt 80%. Loại thuốc IBA chỉ đạt tỷ lệ ra rễ trên từ 40-60%, đủ tiêu chuẩn giâm hom cho sản xuất.

Nghiên cứu nhân giống bằng nuôi cấy mô cho Vù hương cũng đã bước đầu được tiến hành trong giai đoạn 2006-2010. Tuy chưa có kết quả cuối cùng, nhưng nghiên cứu này cũng đã có một số kết quả nhất định như: phương pháp khử trùng thích hợp cho Vù hương là khử trùng bằng HgCl20,1%, thời gian khử trùng thích hợp là từ 5 đến 7 phút; thời điểm lấy mẫu thích hợp nhất cho Vù hương là vào tháng 5-8, vụ hè; môi trường tái sinh ban đầu là môi trường MS và được xác định sử dụng cho các thí nghiệm tiếp theo.

4.7 Tư liệu hóa thông tin

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài và một số đề tài dự án trong và ngoài nước về bảo tồn nguồn gen, nhiều bài báo đã công bố và luận án thạc sĩ đã được xuất bản.  Bên cạnh đó, tập hợp thông tin cần thiết và ảnh hoa quả cho gần 105 loài cây bản địa đã được tư liệu hóa. Hiện đề tài đã liên kết với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam để tiến hành tư liệu hóa trên cơ sở sẽ đưa các thông tin này lên Website của Viện. Đã tư liệu hóa trên máy vi tính danh sách 3134 xuất xứ và lô hạt cá thể của 11 loài Bạch đàn, 6 loài Keo, 4 loài Thông, 1 loài Phi lao, Lát hoa, Xoan chịu hạn, Giáng hương, Sơn ta, Tếch, Lim xanh, Giáng hương, Bách xanh, Thông hai lá dẹt và Cẩm liên.

5. Kết luận

Hai mươi sáu loài cây quý hiếm và/hoặc có giá trị kinh tế đã được điều tra khảo sát chi tiết, trong đó có 11 loài đã được điều tra tổ thành loài ở 45 ô tiêu chuẩn (2500m2). Đề tài đã chọn lọc được 1053 cây trội và cây đại diện để thu hái vật liệu nghiên cứu. Đã thu hái được 394 lô hạt giống của 18 xuất xứ và 265 cá thể của 22 loài cây quý hiếm và/hoặc có giá trị kinh tế phục vụ trồng khu bảo tồn. Bên cạnh đó đề tài cũng đã thu thập được vật liệu cành hom của 50 cây cá thể Thông đỏ và 5 cây Thông Pò Cò, và đã nhân giống thành công phục vụ trồng bảo tồn. 22,7 ha khu bảo tồn chuyển chỗ đã được xây dựng tại Lâm Đồng, Hà Nội, Thanh Hóa và Phú Thọ. Hầu hết các khu bảo tồn đều được kết hợp xây dựng như các khảo nghiệm hậu thế và khảo nghiệm xuất xứ với mục đích phát triển sau nay. Ngoài ra, một kho hạt giống đã được xây dựng và lưu trữ 3134 lô hạt cá thể của nhiều loài cây nhập nội và bản địa. Việc quản lý kho hạt giống cũng được vi tính hóa và được kiểm tra tỷ lệ nẩy mầm định kỳ cho từng lô hạt giống. Bên cạnh đó, thông tin cần thiết và ảnh hoa quả của gần 105 loài cây bản địa, 3134 lô hạt giống đã được tư liệu hóa. Một phòng tiêu bản hạt cũng đã được xây dựng cho 89 loài cây bản địa và nhập nội. Một số thông tin quan trọng về mùa vụ ra hoa và kết quả, trọng lượng 1000 hạt, tỷ lệ nảy mần ban đầu và thời gian nảy mần cho 13 loài cây đã được tổng hợp để tham khảo trong thực hiện công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen vào sản xuất.

Đánh giá đa dạng di truyền giữa các xuất xứ trong một loài đã được tiến hành cho 4 loài nhằm thúc đẩy quá trình khai thác và sử dụng hiệu quả, bảo tồn bền vững và đa dạng các nguồn gen cây rừng, và đồng thời phục vụ công tác cải thiện giống sau này. Kết quả cụ thể là: đa dạng di truyền giữa các xuất xứ của Giổi xanh và Chò chỉ khá cao. Trong khi đa dạng di truyền giữa các xuất xứ của Pơ mu và Bách xanh lại rất thấp. Phân tích đa dạng di truyền lục lạp chưa chỉ ra được sự sai khác giữa các loài Giổi xanh và Giổi ăn quả, Bách xanh và Bách xanh đá.

 

Các công thức thuốc giâm hom và mùa vụ giâm hom đã được xác định cho cả 4 loài. Cụ thể  là: đối với loài Giổi ăn quả, tiến hành giâm hom ở vụ xuân và hạ v sử dụng thuốc IBA ở nồng độ 1% sẽ đạt hiệu quả nhất; Đối với Sưa, mùa giâm hom tốt nhất là mùa Xuân. Thuốc tốt nhất là thuốc IAA 2%; Đối với Xạ đen, mùa giâm hom tốt nhất cho Xạ đen là mùa Thu. Thuốc tốt nhất là thuốc IBA nồng độ từ 0,5- 2%; Đối với Vù hương, thuốc IAA ở nồng độ 1,5% cho tỷ lệ ra rễ cao nhất, đạt 80%. Loại thuốc IBA chỉ đạt tỷ lệ ra rễ trên từ 40-60%, đủ tiêu chuẩn giâm hom cho sản xuất. Trong nghiên cứu nhân giống mô cho Vù hương đã xác định được hóa chất và thời gian khử trùng, và bước đầu khẳng định môi trường tái sinh chồi phù hợp cho Vù hương là môi trường MS. Các thí nghiệm nhân giống đã tiếp tục được tiến hành để đưa đến kết luận cuối cùng.

 

Kết quả nghiên cứu sinh lý hạt giống cho Chò chỉ và Cẩm lai bà rịa khẳng định hạt giống Chò chỉ và Cẩm lai bà rịa là loại hạt khó bảo quản. Sau khi thu hái và chế biến, hạt giống của cả hai loài này nên được đem gieo ngay là tốt nhất. Đối với Chò chỉ, nếu điều kiện không cho phép tiến hành gieo ngay thì có thể bảo quản ở tủ lạnh gia đình trong vòng 15 ngày. Đối với Cẩm lai bà rịa phương pháp bảo quản tối ưu là không rút ẩm tự nhiên của hạt giống, và lưu giữ trong điều kiện -300C trong vòng 1-2 tháng. Ngoài các nội dung nghiên cứu bảo tồn, đề tài giai đoạn 2006-2010 cũng đã tiến hành trồng dặm, chăm sóc bảo vệ và đánh giá sinh trưởng 62,7 ha rừng trồng bảo tồn và các khu bảo tồn đã được đề tài giai đoạn trước xây dựng.

6 Khuyến nghị

Bảo tồn nguồn gen cây rừng cần được coi là công tác thường xuyên liên tục và phải có định hướng chiến lược bảo tồn nguồn gen rõ ràng. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, chúng ta chưa có định hướng chiến lược bảo tồn nguồn gen cây rừng rõ ràng, chính vì vậy đề nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng và thông qua Chiến lược bảo tồn nguồn gen cây rừng để các đề tài bảo tồn đi đúng định hướng và thúc đẩy việc khai thác phát triển nguồn gen các loài cây rừng bản địa có giá trị kinh tế vào trồng rừng. Về đối tượng, đề tài giai đoạn 2006-2010 phải chỉ tập trung nghiên cứu khá nhiều loài thực vật quý hiếm và/hoặc có giá trị kinh tế cao (26 loài). Vì vậy, kết quả nghiên cứu còn dàn trải và chưa đi vào nghiên cứu sâu và thông suốt cho từng loài. Để thúc đẩy việc khai thác phát triển nguồn gen các loài cây rừng bản địa có giá trị kinh tế vào trồng rừng đề nghị cho các đề tài tiếp theo tập trung vào nghiên cứu bảo tồn sâu cho 5-7 loài. Bảo tồn nguồn gen trong các kho lạnh, ứng dụng bảo quản cực lạnh, công nghệ mô hom và các chỉ thị phân tử cần được đẩy mạnh hơn. Ngoài ra, việc xây dựng các khu bảo tồn chuyển chỗ kết hợp với khảo nghiệm xuất xứ-hậu thể cũng cần được chú trọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, 1996. Sách đỏ Việt Nam, phần Thực vật. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật, Hà Nội. 484 trang.
  2. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, 2007. Sách đỏ Việt Nam, phần Thực vật. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật, Hà Nội. 611 trang.
  3. Nguyễn Nghĩa Thìn, 1997. Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội: 223
  4. IUCN, 2001. Red List Categories and Criteria, version 3.1. Gland, Switzerland. 32pp.
  5. IUCN, 2008. Red List Categories and Criteria, version 3.1. Gland, Switzerland.
  6. Bảo Huy, 2009. Tin học thống kê trong quản lý tài nguyên thiên nhiên. Trường Đại học Tây Nguyên. 64 trang
  7. Nei M, Li WH (1979), “Mathematical model for studying genetic variation in terms of restriction and nucleases”, Proc. Natl. Sci. 76: 5269-5273.
  8. Lê Đình Khả, 2003. Chọn giống và nhân giống cho một số loài cây rừng chủ yếu ở Việt Nam. Nhà xuất bản nông nghiệp, Hà Nội.
  9. Đoàn Thị Mai, Nguyễn Thị Mỹ Hương, Vũ Thị Ngọc, Trần Thanh Hương, Văn Thu Huyền, 2009. Nuôi cấy mô một số giống Keo lai mới chọn tạo. Tạp chí khoa học lâm nghiệp, số 2/2009, trang 905 – 910.
  10. 10.  Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2004. Các loài cây lá kim ở Việt Nam. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 148 trang.

Kirsten Thomsen and Finn Stubsgaard, 1998. Easyguide to controlling seed moisture during seed procurement, Danida Forest Seed Centre. Krogerupvej 21 DK-3050 Humlebek. Denmark.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]