Kỹ thuật trồng keo torulosa trên đất cát ven biển
Tên khoa học: Acacia torulosa
Họ thực vật: Đậu (Leguminosae)
Họ phụ: Trinh nữ (Mimosaceae)
1. Công dụng
Dùng để trồng rừng phòng hộ chắn gió, cố định cát bay, cải thiện tiểu khí hậu các vùng sa mạc, vùng cát có khí hậu khắc nghiệt, bị uy hiếp mạnh bởi nạn cát bay. Đai rừng rộng 100m, mật độ 4900 cây/ha ở tuổi 2 làm giảm tốc độ gió Đông Bắc 0,79 lần so với tốc độ gió trước đai 10m, hạn chế được cát bay gấp 4 lần so với nơi trống, làm tăng ẩm độ không khí 2,7%, giảm nhiệt độ không khí 1,2oC so với nơi trống, trả lại cho đất 30 gam lá rụng/m2 đai rừng.
Cũng có thể trồng phân tán tạo cảnh quan môi trường cho vùng cát. Gỗ và cành lá là nguồn chất đốt rất quí cho người dân vùng cát ven biển.
2. Đặc trưng hình thái
Cây gỗ nhỏ, trụ thân thẳng, thân chính rõ ràng. Vỏ màu nâu hoặc nâu đỏ. Cành nhỏ, phân cành thấp, mọc ngang gần thành các vòng cành trên thân, cành non có vỏ màu nâu đỏ.
Lá biến thái qua 3 giai đoạn lá mầm, lá thật là lá kép lông chim và lá giả mọc cách tồn tại trong suốt đời sống của cây. Lá giả hình lưỡi liềm, có màu màu phớt đỏ ở đầu lá lúc non, màu xanh bạc khi già. Lá mọc cách, rộng 2-5cm, dài 10-17cm, có 7-8 gân hình cung mọc từ cuống lá.
Một kg hạt có 120.000 hạt, tỷ lệ nảy mầm bình quân 74%.
Hình 1: Cây và hoa A. torulosa
3. Đặc tính sinh thái
Mọc tự nhiên ở khu vực Lliot NT, Mataranka NT, Town Cr Q (Ôxtrâylia), độ cao 30-500m so với mực nước biển.
Là cây ưa sáng mạnh, chịu mặn kém nhất, cây ngừng sinh trưởng ở nồng độ LD50=”200″ mol/m3 và chiều cao cây tối đa chỉ đạt 3,9cm nên không thích hợp trên các bãi cát thấp, bị nhiễm mặn; chịu được cát vùi nên thích hợp trồng rừng phòng hộ trên đụn, cồn cát bay.
A. torulosa được nhập trồng thử nghiệm trên đất cát ven biển ở Tuy Phong, Bắc Bình – Bình Thuận và Quảng Bình. Cây trồng 56 tháng tuổi trên đất cát đạt đường kính gốc 7,5cm, chiều cao 5,2m, đường kính tán 2,0m.
4. Điều kiện gây trồng
a. Khí hậu: Vùng cát ven biển có ảnh hưởng của gió biển. Nhiệt độ bình quân năm 23-27oC. Lượng mưa trung bình năm trên 700mm, thích hợp nhất là 1500mm. Độ ẩm không khí trung bình năm không dưới 80%.
b. Địa hình và thực bì: Độ cao dới 100m so với mực nước biển. Độ dốc tới 20o, thích hợp dưới 10o. Địa thế dạng bãi cồn đến dạng đụn. Thực bì từ đất trống, đến thảm cỏ thưa.
c. Đất đai: Trên đất cát ven biển bị di động hoặc bán di động do gió, không bị ngập nước mùa mưa.
5. Tạo cây con
– Nguồn giống: Hạt giống A. torulosa có thể nhập từ trung tâm giống của úc hoặc thu hái từ những lâm phần rừng trồng trên vùng cát ven biển nước ta như ở Bình Thuận và Quảng Bình. Chọn những cây 4 tuổi trở lên, hình thân rõ, nhiều cành nhánh, tán đều, xum xuê; độ vượt sinh trưởng về chiều cao và đường kính lớn hơn giá trị bình quân của rừng hoặc cây xung quanh ít nhất 30%; không cụt ngọn, sâu bệnh,… để lấy hạt giống ươm cây.
– Thu hái quả vào tháng 5 khi quả trên cây chín đều, vỏ có màu nâu sáng. Hái quả về trải ra sân phơi trong bóng râm cho đến khô, đập cho vỏ quả gãy và sàng bỏ tạp vật. Hạt bảo quản thông thường trong túi nilông hay túi vải, có điều kiện thì cất trữ ở nhiệt độ 4-5oC.
– Xử lý hạt bằng nước sôi 100oC trong 30 giây, sau đó ngâm vào nước lạnh trong 12 giờ, vớt ra rửa sạch hạt rồi đem gieo lên huống. Khi cây mầm ra 3 lá thì cấy vào bầu. Hoặc ủ hạt 2-3 ngày, rửa chua hàng ngày, chọn hạt nứt nanh đem gieo vào bầu, mỗi bầu 1 hạt.
– Vỏ bầu bằng túi Polyêtylen, dán đáy, cỡ 9x12cm. Ruột bầu gồm đất mặt đất cát vườn ươm hoặc trộn thêm 10-20% đất mặt sét pha, đập nhỏ, sàng kỹ loại bỏ tạp vật + 10% phân chuồng hoai + 1% supe lân (% tính theo khối lượng ruột bầu).
– Chăm sóc: Tưới đẫm bầu trước khi gieo hạt hoặc cấy cây. Cắm ràng hoặc làm dàn che 50% ánh sáng. Sau khi cấy tưới nước thường xuyên đủ ẩm cho cây, dặm cây bị chết. Dỡ bỏ giàn che sau khi cây cấy đã ổn định, cứ 15-20 ngày nhổ cỏ phá váng 1 lần và tưới thúc đạm urê nồng độ 0,1%, liều lượng 4 lít/m2.
– Tiêu chuẩn cây con đem trồng: Cây ươm 6 tháng tuổi, có chiều cao 0,7-0,8m, đường kính cổ rễ 0,3-0,4cm, sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh, cụt ngọn.
6. Bố trí hệ thống đai và kết cấu đai rừng
Hệ thống đai rừng phòng hộ trên cát di động được bố trí từ chân tiến dần lên đỉnh đụn cát. Đai chính vuông góc hoặc gần vuông góc với hướng gió hại chính, song song với đường đồng mức. Đai phụ vuông góc với đai chính.
Khoảng cách giữa các đai là 100-200m. Bề rộng đai rừng trên đụn, cồn cát bay tối thiểu 100m; ở cồn, bãi cát cố định tối thiểu 20m; trên líp trong khu vực canh tác nông nghiệp tối thiểu 2-3 hàng cây.
áp dụng kiểu đai có kết cấu trồng xen theo băng của 1-3 loài cây với tầng cây cao trồng phi lao, keo Acacia difficilis, keo Acacia torulosa chắn gió, tầng dưới trồng dứa dại, xương rồng chắn cát.
Hình 2: Rừng trồng A. torulosa 2 tuổi trên đụn cát bay ở Quảng Bình
7. Kỹ thuật trồng
– Thời vụ trồng: Vùng ven biển phía Bắc trồng vụ xuân hè và có thể mở rộng vụ thu, vùng có gió Lào trồng vụ thu đông, vùng khô hạn cực Nam Trung bộ trồng vụ đông, vùng còn lại trồng đầu mùa mưa. Tranh thủ trồng vào ngày có mưa, tránh trồng rừng vào ngày có gió heo may.
– Mật độ trồng 5000 cây/ha, cự ly 1x2m trên đụn, cồn cát bay và có thể giảm xuống 3300 cây/ha, cự ly 1,5x2m nơi cồn, bãi cát cố định.
– Làm đất: Đào hố rộng 40x40cm, sâu 40-60cm ngay khi trồng.
– Bón lót: Độn 1kg lá cỏ rác hoặc rong rêu và bón 1kg phân chuồng hoai và 100g phân NPK Sông Gianh với thành phần chất độn 75%, N 10%, P2O5 10%, K2O 5% cho 1 cây, trộn đều phân với đất ở độ sâu 30cm rồi lấp đất đầy hố.
– Cách trồng: Moi 1 lỗ sâu 20cm ở giữa hố, đặt cây cho rễ và thân đứng thẳng, lấp kín đất, dậm chặt rồi vun đất cao hơn mặt đất 3-5cm.
– Chăm sóc: Trồng dặm sau khi trồng 1 tháng, đảm bảo tỷ lệ sống từ 90% trở lên. Chăm sóc 3 năm liền: Năm đầu chăm sóc 1 lần sau khi trồng 1-2 tháng. Năm thứ 2 và 3 chăm sóc 2 lần mỗi năm vào cuối mùa mưa và đầu mùa khô. Cách chăm sóc là vun xới đất quanh gốc rộng 1m, cao 5-10cm, tận dụng cỏ rác tủ kín quanh gốc cây. Bón thúc 100g phân NPK Sông Gianh vào lần chăm sóc thứ nhất của năm thứ 2 và năm thứ 3.
8. Nuôi dưỡng, bảo vệ rừng
Rừng phòng hộ chắn gió, cố định cát không tỉa thưa, chỉ chặt phần cây bị khô tận dụng làm củi.
Không chăn thả trâu bò vào rừng từ sau khi trồng đến khi cây cao hơn 3-4m. Cấm vơ quét lá, chặt phá cây cành, chỉ được tận dụng cành khô làm củi. Theo dõi, phòng chống lửa và sâu bệnh hại rừng,…
Đặng Văn Thuyết,Triệu Thái Hưng
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- KỸ THUẬT TRỒNG TRE KINH DOANH MĂNG Ở MIỀN ĐÔNG NAM BỘ
- Sự phát triển của công nghiệp sản xuất ván MDF trên thế giới & Triển vọng ở Việt nam
- CDM - CƠ HỘI MỚI CHO NGÀNH LÂM NGHIỆP
- Một số bất cập trong quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác ( Quyết định số 40/2000/QĐ-BNN, ngày 07/07/2005)
- Kết quả điều tra sâu hại vườn ươm cây rừng ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam