VÊN VÊN
Tên khoa học: Anisoptera costata Korth.
hoặc Anisoptera cochinchinensis Pierre
Họ thực vật: Dầu (Dipterocarpaceae)
(Nguồn chính: Bùi Đoàn, 1997)
1. Đặc điểm hình thái
Thân tròn thẳng, hình trụ, cây cao tới 35m, vỏ khi non màu xám nhạt, khi già màu đen, nứt dọc sâu, cây thường chia cành cao và cho sinh khối lớn.
Lá đơn mọc cách có lá kèm, gân lá nổi rõ, gân bên song song và hình cung, mặt dưới lá có lông nhỏ. Lá dài từ 8-15cm, rộng 4-8cm.
Hoa tự chùm mọc ở nách lá hoặc đầu cành, Tràng hoa màu trắng, mỗi hoa có khoảng 30- 35 nhị, bầu hạ 2 ô, mỗi ô 2 noãn. Mùa hoa vào tháng 2-4.
Quả hình cầu, đường kính 1-1,5cm, khi non màu xanh, khi chín chuyển sang màu nâu, có 2 vòi tồn tại. Quả có 2 cánh dài 8-12cm, rộng 1-2cm. Mùa quả chín tháng 4-5.
2. Đặc tính sinh thái
Vên vên phân bố tự nhiên ở các nước vùng Đông Nam Á như Lào, Cămpuchia, Malaixia, Thái Lan, Việt Nam, Inđônêxia.
Ở Việt Nam, Vên vên phân bố trong các kiểu rừng thường xanh và nửa rụng lá tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Tây Ninh, Sông Bé, Đồng Nai, Bình Thuận, có khi mọc thành quần thụ thuần loại trên đất ẩm mát. Tuy nhiên nó cũng có khả năng chịu được đất khô, kết von, sỏi đá. Cây ưa sáng, sinh trưởng trung bình, tái sinh hạt tốt dưới tán rừng, tái sinh chồi khoẻ. Trong rừng Vên vên thường sống với các loài Sao đen, Dầu rái, Dầu lông, Giáng hương, Hoàng linh, Căm xe và một số loài họ Đậu khác.
3. Giống và tạo cây con
Cây mẹ để lấy giống phải là cây có hình dáng đẹp, cân đối không bị sâu mục, u bướu. Thân cây thẳng không thót ngọn, tán rộng, nhiều cành. Cây mẹ có đường kính từ 25cm trở lên có thể bắt đầu thu hái hạt giống. Không thu hái hạt ở những cây quá già đã bị rỗng ruột, sâu, bọng.
Qủa chín vào tháng 3-4 hàng năm. Khi thấy quả chín rộ (2 cánh quả chuyển từ màu vàng xanh sang màu nâu) thì thu hái. Trước khi thu hái cần phải tiến hành điều tra sản lượng quả để chủ động nguồn giống. Thu hái quả rụng tự nhiên hoặc rung cành cho quả rụng xuống để thu nhặt. Quét dọn sạch dưới gốc cây mẹ trước mùa quả rụng để nhặt quả dễ dàng.
Thu hái ngày nào phải làm sạch sơ bộ ngay bằng cách loại bỏ hết cánh quả, vỏ, lá, tạp chất khác rồi đánh thành từng đống để nơi thoáng gió và đảo quả hàng ngày.
Vận chuyển quả đến nơi bảo quản hoặc vườn ươm bằng bao, túi đựng đảm bảo thoáng khí. Hạt Vên vên dễ mất sức nẩy mầm nên phải gieo ươm hạt ngay sau khi thu hái không để quả thời gian 10-15 ngày. Trường hợp chưa có điều kiện gieo ươm ngay hoặc phải vận chuyển đi xa thì bảo quản tạm thời tại nơi chế biến bằng cách cho hạt vào các giỏ tre, giỏ lưới sắt rồi treo dưới mái che trong bóng râm; Đưa hạt vào trong phòng thoáng khí, trải mỏng phủ lên trên lớp cát ẩm (5-10%) hoặc bột than có phun mù nhẹ bằng nước.
Quả (hạt) Vên vên đã cắt bỏ phần cánh đài được ngâm trong nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) trong khoảng thời gian 6-10 giờ sau đó vớt ra rửa sạch, loại bỏ hạt sâu, thối, hạt lép. Để hạt vào thúng hoặc rổ sau đó dùng bao tải gai hoặc rơm rạ ủ lên lô hạt. Hàng ngày phải rửa chua rồi đem ủ lại. Hạt nẩy mầm trong khoảng 7-10 ngày và kéo dài khoảng 2 tuần.
Gieo hạt lên luống sau đó cấy vào bầu nhưng thông thường nên cấy vào bầu sau khi hạt nẩy mầm. Cấy vào bầu những hạt có rễ mầm từ 1-2cm, mỗi bầu cấy 1 hạt. Hạt được vùi sâu 1-2 cm theo chiều nghiêng 45o (chỉ chừa lại trên mặt đất phần cánh còn lại sau khi đã bị cắt ở chóp quả).
Vỏ bầu bằng Polyêtylen với kích thước 13x20cm có đáy cắt 2 góc và đục 6 lỗ xung quanh dùng cho cây ươm 3-4 tháng tuổi; 15cm x 25cm dùng cho cây ươm >1 năm tuổi.
Thành phần ruột bầu: Lớp đất mặt dưới rừng hoặc đất vườn ươm 80 – 82% + phân chuồng ủ hoai 15-18% + supe lân 2-3% tính theo trọng lượng. Hỗn hợp được trộn đều rồi đóng vào bầu sau đó xếp trên các luống nổi hoặc chìm trong vườn ươm.
Sau khi cấy phải đảm bảo cây mầm đủ ẩm bằng cách hàng ngày tưới với lượng nước tưới 4 lít /m2 (2 gánh nước cho 1 luống 10m2). Cây mầm sau khi ra lá non (từ 5-10 lá trở lên) cần tăng lượng nước tưới gấp đôi vào các buổi sáng và chiều tối.
Làm cỏ xới váng 1 tháng một lần cho đến khi cây xuất vườn. Dùng phên nứa hoặc cắm tế guột, lá dừa nước,… để tạo độ che bóng (40-50%). Dàn che phải làm ngay sau khi cấy hạt vào bầu. Cây con trước khi xuất vườn 10 – 15 ngày cần phải được tháo bỏ toàn bộ dàn che để tăng khả năng thích ứng của cây con với môi trường khi đem trồng.
Có 2 kỳ xuất vườn theo thời vụ trồng: Vụ trồng vào tháng 6-8, thì cây ươm đảm bảo có tuổi ươm 3-4 tháng tuổi, cao 40-50 cm, đường kính cổ rễ 0,5cm. Vụ trồng vào tháng 6-8 năm sau thì tiêu chuẩn cây ươm 15-16 tháng tuổi, cao 70-75 cm; đường kính cổ rễ 0,8-1cm. Cây con có thân hình thẳng đẹp, cân đối, không chỉa cành sớm không cụt ngọn, thót ngọn.
Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây mầm và cây con. Vên vên ít bị sâu bệnh hại trong vườn ươm ngoài việc bị bệnh đốm lá. Dùng Boóc đô pha 0,4 kg Sunfat đồng (CuSO4 trộn với 0,4kg vôi sống và hoà vào 40-50 lít nước phun cho 100m2; định kỳ 7-10 ngày phun 1 lần cho đến khi hết bệnh). Ngoài ra còn có thể dùng Ben lát hoặc loại thuốc khác có hiệu quả.
4. Trồng và chăm sóc rừng
Chỉ trồng rừng ở các tỉnh phía Nam (từ Tây Nguyên trở vào) nơi có điều kiện khí hậu mưa mùa nhiệt đới, mùa mưa và khô phân biệt rõ trong năm, lượng mưa bình quân năm 1500-2200 mm, nhiệt độ trung bình 24-27oC; địa hình có độ cao dưới 500m so với mực nước biển, dốc dưới 25o. Đất xám trên phù sa cổ, đất đỏ trên Bazan, Tup, đất đỏ vàng trên phiến thạch sét, độ sâu tầng đất trên 50cm, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, pHKCl >4,5, mùn >1%. Thực bì là rừng nghèo kiệt có độ tàn che <0,3 hoặc trảng cây bụi, cây cỏ, rừng trồng đã khai thác trắng.
Áp dụng 3 phương thức trồng là trồng toàn diện, nông lâm kết hợp hoặc làm giàu rừng.
Trồng toàn diện:
Phát thực bì, dọn sạch trong mùa khô (trước vụ trồng 2-3 tháng). Nơi đất dốc nên xếp thành từng hàng theo đường đồng mức để hạn chế rửa trôi, xói mòn đất. Làm đất, cày bừa toàn diện vào đầu mùa mưa (khoảng cuối tháng 4, đầu hoặc giữa tháng 5).
Cuốc hố trồng vào tháng 3-5, với kích thước hố 40x40x40 cm.
Trồng Đậu tràm (Indigofera teysmanii) làm cây cải tạo đất và vừa che bóng nhẹ cho Vên vên khi mới trồng. Đậu tràm trồng theo cự ly 1x1m ngay sau khi làm đất, sao cho khi trồng Vên vên, các hàng Đậu tràm tối thiểu cao 40-50cm.
Trồng 1600 cây/ha, cự ly 2x3m trong đó Vên vên chiếm 70-80% số cây.
Trồng nông lâm kết hợp:
Xử lý thực bì, làm đất tương tự như phương thức trồng toàn diện, cự ly hố trồng là 2x6m.
Trồng mật độ 800 cây/ha, cự ly 2x6m.
Trồng Đậu tương, Lạc, Đỗ xanh hoặc Ngô xen 2-3 năm đầu làm cây che phủ, cải tạo đất, vừa cho thu hoạch. Vụ trồng Đậu xanh, Lạc, Đậu tương vào tháng 3 và tháng 7.
Có thể trồng xen với cây công nghiệp lâu năm như Điều, Cà phê, Chè để phù trợ chống gió hại, che nắng cho Cà phê, Chè theo cách bố trí như sau:
1 hàng Vên vên – 1 hàng Điều trồng xen;
1 hàng Vên vên – 3 hàng Chè trồng xen;
1 hàng Vên vên – 3 hàng Cà phê trồng xen.
Trồng làm giàu rừng:
Ngay từ đầù phải hạ thấp chiều cao thảm rừng cũ xuống còn 4-5m bằng cách chặt bỏ những cây gỗ cong queo sâu bệnh sau đó mở các rạch song song cách đều nhau theo đường đồng mức hoặc theo hướng Đông – Tây ở nơi bằng phẳng để lượng ánh sáng chiếu xuống rạch được nhiều nhất.
Rạch mở cách nhau 5-6m; chiều rộng của rạch trồng 3m. Thời gian xử lý thảm rừng cũng phải được tiến hành trong mùa khô. Cuốc hố trồng vào tháng 3-5, kích thước hố 40x40x40cm.
Trồng mật độ 400 cây/ ha, cự ly 3x8m.
Lợi dụng rạch chừa để che bóng cho cây con trong giai đoạn đầu.
Chọn cây trồng hỗn giao: Vên vên có thể trồng hỗn giao theo hàng hoặc theo băng với các loài cây khác như Dầu nước, Sao đen, Muồng đen. Tiêu chuẩn cây trồng của các loài này cũng tương tự như Vên vên.
Trồng cây xong từ đầu mùa mưa và kéo dài đến giữa hoặc cuối tháng 7. Nên chọn ngày râm mát và tốt nhất vào lúc đang có mưa nhỏ để trồng.
Trước khi trồng cây phải rạch bỏ lớp vỏ bầu, gạt lớp đất mịn trên miệng xuống lòng hố sau đó đặt cây đứng thẳng và lấp đất đến cổ rễ, dùng chân dẫm đất chung quanh bầu cho chặt. (không được làm vỡ bầu). Tiến hành trồng dặm cây ngay sau khi trồng được 2-3 tuần.
Chăm sóc 5 năm liền cho đến khi rừng khép tán:
– Năm thứ nhất và thứ hai: Mỗi năm chăm sóc 2 lần vào trước mùa mưa (tháng 3-4) và cuối mùa mưa (tháng 11-12), gồm làm cỏ, phát luỗng dây leo cây bụi, xới đất vun quanh gốc Vên vên rộng 50-60cm.
– Năm thứ ba: Nội dung cũng tương tự 2 năm đầu nhưng công việc phát quang chỉ tiến hành với những cây bụi cao hơn 1m. Với phương thức trồng toàn diện thì trước mùa mưa năm thứ 3 cần tiến hành chặt Đậu tràm để nuôi chồi (chặt sát gốc và dùng cành lá phủ quanh gốc Vên vên).
– Năm thứ tư: Chăm sóc 1 lần vào trước mùa mưa. Ngoài những nội dung như trên còn phải chặt vệ sinh những cây cong queo, sâu bệnh, sinh trưởng kém và tỉa chồi.
– Năm thứ năm: Chặt tỉa những cây lệch tán, thót ngọn, sâu bệnh, cây chỉa cành thấp, cành nhánh nhiều với cường độ tỉa thưa 20-30% số cây.
Thời kỳ chăm sóc trong phương thức nông lâm kết hợp cần hài hoà giữa chăm sóc cây nông nghiệp với cây rừng theo số lần chăm sóc quy định tối thiểu trên.
Thời kỳ chăm sóc trong phương thức làm giàu rừng cũng giống như trên nhưng chủ yếu tập trung chăm sóc Vên vên trong các rạch. Hàng năm cần phát quang mở rộng 2 bên rạch trồng để cây con nhận được nhiều ánh sáng hơn.
Không làm cỏ vun gốc trước mùa mưa ở những khu vực có Mối hại xuất hiện. Dùng thuốc dẫn dụ, diệt mối để phòng trừ Mối.
5. Khai thác, sử dụng
Gỗ màu sáng trắng pha vàng nhạt, mịn thớ không phân biệt giác lõi. Gỗ thuộc nhóm III, bền cứng và khá nặng, tỷ trọng 0,61-0,71, vòng năm khó nhận. Gỗ Vên vên dễ gia công chế biến thường được dùng đóng tàu thuyền và các đồ gỗ gia dụng, làm gỗ dán lạng hoặc dùng trong xây dựng.
Nhựa có mùi thơm, dùng để chế biến hương liệu.
Mật độ cuối cùng của các phương thức trồng sau khi tỉa thưa, sẽ giữ lại 100-200 cây/ ha.
Tin mới nhất
- Thông báo tổ chức đánh giá Luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Dương Huy Khôi
- Hội đồng thẩm định Báo cáo đề nghị công nhận giống Mắc ca thuộc đề tài: “Nghiên cứu chọn giống cho năng suất, chất lượng hạt cao và giải pháp phòng trừ sâu, bệnh hại Macadamia”;
- Kiểm tra hiện trường thực hiện dự án SXTN cấp Bộ “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo máy tạo hố trồng rừng, máy xử lý thực bì, vật liệu hữu cơ sau khai thác liên hợp với máy kéo phục vụ cơ giới hóa trồng, chăm sóc rừng trên đất dốc”
- Kiểm tra hiện trường triển khai thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ do Viện chủ trì tại Bình Định
- Giáo sư Tiến sỹ Võ Đại Hải được Hội đồng Giáo sư Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông nghiệp Lâm nghiệp năm 2024