Mô tả hình thái
Hồi là cây bản địa thuộc loại gỗ nhỡ. Cây trưởng thành cao khoảng 10-15m. Thân hồi thẳng tròn, vỏ màu xám sáng. Hoa lưỡng tính, quả phức có hình ngôi sao 5-8 cánh người dân còn gọi là “hoa hồi”. Ra hoa hai lần trong năm nhưng không có ranh giới rõ ràng. Vụ thứ nhất vào tháng 6, quả chín vào tháng 5-6 năm sau còn gọi là hồi tứ quí. Vụ sau chỉ ra sau khoảng 1 tháng, quả chín vào tháng 10 năm sau. Đây là vụ hồi chính còn gọi là hồi vụ đông. Vụ này có chất lượng và sản lượng cao và là vụ thu hoạch chính. Hồi là cây gỗ được trồng tập trung ở các tỉnh biên giới phía Bắc để lấy quả chưng cất tinh dầu cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cây hồi sống lâu năm nên có tác dụng phòng hộ giữ đất giữ nước. Có thể trồng xen với một số cây khác để kết hợp mục tiêu kinh tế và phòng hộ.
Đặc điểm sinh thái
Hồi có thể trồng ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh ở những nơi có điều kiện như sau: Lượng mưa 1.200-1.800mm, nhiệt độ bình quân năm 20-210C. Lúc nhỏ hồi không chịu được nhiệt độ cao, về mùa hè cây con dễ bị chết. Trái lại khả năng chịu rét của cây con lại tương đối cao, không bị chết vì sương muối. Độ cao tuyệt đối 200-800m. Trồng hồi trên các loại đất feralit phát triển trên riolit, phiến thạch sét, sa thạch pha sét có độ sâu tầng đất từ 120cm trở lên, độ pH từ 4-6, tỷ lệ mùn tối thiểu 2%. Đất có thực bì che phủ có độ cao 1,5m trở lên. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngoài các điều kiện trên cây hồi chỉ ra hoa kết quả tốt và có chất lượng cao khi được trồng ở vùng Lạng Sơn và các vùng lân cận như Đông Khê (Cao Bằng), Bình Liêu (Quảng Ninh), phía Nam không vượt quá Hữu Lũng. Ngoài các giới hạn kể trên cây hồi cũng có thể sinh trưởng nhưng việc ra hoa kết quả sẽ hạn chế. Không trồng hồi ở đất trên nền đá vôi, các khe sâu không đủ ánh sáng và độ ẩm quá cao, những khu vực có cỏ tranh chiếm ưu thế và các cây bụi chỉ thị quá thoái hoá như thanh hao, sim mua ưu thế. Khả năng chịu gió của hồi kém, vì tán lá rậm, rễ cọc ăn nông cho nên nơi đỉnh núi lộng gió và khe núi gió lùa mạnh không thích hợp cho cây hồi sinh trưởng.
Công dụng
Hồi là cây gỗ xanh quanh năm. Gỗ, lá, hoa, quả của hồi đều có giá trị sử dụng. Gỗ có thể dùng làm nhà và đóng đồ gia đình, nhưng sản phẩm chủ yếu nhất của hồi là lấy quả để cất dầu. Tinh dầu hồi dùng để sản xuất 1 loại sản phẩm truyền thống dùng cho xứ lạnh là rượu anis. Chất lượng tinh dầu hồi ở vùng Lạng Sơn được đánh giá cao, nó phụ thuộc vào tỷ lệ anêtôn trong tinh dầu. Tỷ lệ này cao thì độ đông của tinh dầu càng cao. Theo kinh nghiệm dân gian tỷ lệ chưng cất tinh dầu là khoảng 30kg quả tươi được 1kg tinh dầu. Theo Nguyễn Minh Lê (1977) thì tỷ lệ tinh dầu trong quả tươi là 1,2-2,61% theo trọng lượng và từ 7,69-12,24% theo trọng lượng quả khô. Lượng tinh dầu trong lá là 1,29-3,66%.
Lá, hoa, quả, hạt hồi đều có mùi thơm, hương vị mạnh, đều có thể cất dầu. Dầu hồi dùng để chế rượu mùi, làm bánh kẹo, xà phòng và dùng làm thuốc xoa bóp chữa đường ruột, quả hồi làm gia vị nấu nướng.
Giá hồi hiện nay bình quân khoảng 13.000đ/kg hồi tươi, với quả khô giá từ 55.000-60.000đ/kg. Tuy nhiên, biến động về giá cũng rất lớn có khi 70.000-80.000đ 1kg quả khô. Cá biệt có lúc giá lên tới 120.000đ/kg.
Cây hồi trồng 5-6 tuổi là bắt đầu ra hoa nhưng quả đậu chưa nhiều. Thông thường cây hồi ở độ tuổi 20-70 tuổi có sản lượng và chất lượng tinh dầu cao nhất. Hồi có chu kỳ sai quả 3-4 năm. Những năm sai quả tỷ lệ cây ra hoa có thể đạt 80-90%, số cây đậu quả 45-55%. Vào những năm mất mùa tỷ lệ quả chỉ khoảng 10%. Chất lượng quả cao nhất vào khoảng tiết sương giáng hàng năm. Thu hoạch hạt làm giống cũng vào thời vụ này. Hạt được lấy từ những cây hồi có tán đều, phát triển rộng, với quả có 8 cánh đều. Tỷ lệ chế biến 30kg quả được 1kg hạt. Trong 1kg hạt có khoảng 8.000-11.000 hạt. Hạt mới thu có tỷ lệ nảy mầm trên 80%.
Giá trị thu hoạch của rừng hồi phụ thuộc nhiều vào tuổi cây. Rừng hồi khoảng 40-50 tuổi thường có năng suất cao. Tại Văn Quang rừng hồi độ tuổi này năm sai quả có cây thu được tới 300kg quả tươi. Tuy nhiên, thông thường có thể thu hoạch bình quân khoảng 3-4kg quả khô cho 1 cây (kể cả cây có quả và cây ít quả).
Hồi là cây đặc sản quan trọng để tạo ra sản phẩm đặc hữu và góp phần xây dựng và phát triển kinh tế một số tỉnh miền Bắc.
Kỹ thuật gây trồng
Chọn những cây mẹ khỏe mạnh, trên 10 tuổi, sai quả, và phần lớn quả có 8-11 cánh để lấy giống. Khi chín quả từ màu xanh chuyển sang màu vàng mơ là thu hái được. Thường là thu hái sau tiết sương giáng. Quả hái về trải một lớp mỏng để nơi thoáng mát dưới mái che hoặc phơi nắng nhẹ vào lúc sáng sớm hoặc cuối buổi chiều để tách lấy hạt. Hong như vậy 4-5 ngày thì hạt sẽ tách ra hết.
Hạt thu được cần bảo quản trong cát ẩm mà không được phơi nắng. Hạt trộn lẫn cát ẩm rồi đặt trong các hang hàm ếch đào ở sườn đồi, xung quanh vảy dầu hoả để chống kiến, mỗi hàm ếch cất khoảng 2-3kg hạt, cất xong bịt miệng hàm ếch. Bên ngoài cũng đào rãnh xung quanh để nước mưa khỏi chảy vào, 2 tuần 1 lần cần mở ra kiểm tra đảo hạt lại. Cách bảo quản này có thể để hạt đến mùa xuân đem gieo, tỷ lệ nảy mầm còn khoảng 70-80%.
Vườn ươm cần chọn nơi đất ẩm, màu mỡ, nơi đất sét nhẹ, đất đỏ; không chọn nơi đất cát vì mùa hè đất cát dễ nóng lên, làm cho cây con dễ bị hư hại, đất cần cày bừa kỹ, bón lót bằng phân chuồng hoai 5-6kg/m2.
Gieo hạt vào mùa xuân, gieo theo hàng hoặc gieo vãi. 1kg hạt gieo trên diện tích 50-100m2. Gieo xong cần trải rơm rạ đã tẩy trùng, tưới nhẹ. Sau 1-2 tuần hạt nảy mầm thì có thể dỡ bỏ vật che phủ và làm giàn che. Giàn che làm cao 0,5-0,6m, lúc đầu làm kín sau khi cây lớn có thể giảm dần còn 60 đến 70%, năm thứ hai giảm còn 30-40%. Trước khi trồng 1-2 tháng thì cần bỏ giàn che. Cần chú ý làm cỏ, phát quang và bón thúc. Phòng trừ nấm thối gốc bằng dung dịch boóc-đô 1% tới cho mỗi lần 5 lít/m2, định kỳ 15 ngày tưới 1 lần và tưới trong 3 tháng đầu. Cây trên luống gieo cần được điều chỉnh khoảng trống cho phù hợp. Trường hợp trồng cây 2 tuổi thì sau một năm cần cấy mở rộng khoảng cách hoặc cấy vào bầu. Bầu có đường kính 10-12cm, cao 15cm. Ruột bầu gồm 90% đất, 10% phân chuồng hoai. Chăm sóc cây bầu cũng tương tự như chăm sóc năm đầu.
Đất trồng hồi cần sâu lớp, còn mùn, đất có cây bụi. Thời vụ trồng vào mùa xuân. Hố trồng cần đào 40x40x40cm, xung quanh hố cần phát cây bụi rộng 0,7-0,8cm. Ngoài hố trồng thì cây bụi được giữ lại để che bóng cho hồi lúc nhỏ.
Mật độ trồng 400-600 cây/ha. Có thể lúc đầu nuôi một số loài cây gỗ trên đất rừng phục hồi hoặc trên nương rẫy cũ, vừa có tác dụng chống xói mòn, vừa che bóng cho hồi và lại giải quyết một phần nhu cầu gỗ củi cho sinh hoạt.
Ngoài ra có thể trồng xen khoai núi, củ na và các cây lương thực phụ dưới rừng hồi. Có thể trồng hồi + chè cũng là mô hình tốt.
Hàng năm nên xới đất, làm cỏ phát quang dây leo, cây bụi lấn át hồi, chú ý phát quang dần dần, khi cây hồi cao 2m trở lên mới mở rộng dần. Để có sản lượng quả cao cần thiết phải bón phân hàng năm, nếu không cũng phải 2-3 năm 1 lần. Mỗi lần bón 10-20kg/cây. Khi bón cần đào rãnh quanh gốc, bón xong lấp đất. Có thể bón vào cuối thu hoặc đầu xuân.
Thực tiễn trồng hồi của bà con dân tộc Tày, Dao ở Lạng Sơn thời gian qua cho thấy 5 kinh nghiệm sau:
1. Trồng hồi hỗn loài với cây gỗ trên đất sau nương rẫy của đồng bào Dao ở Bắc Sơn, Lạng Sơn. Đất nương rẫy sau một số vụ lúa, hoa màu hoặc cây công nghiệp ngắn ngày sẽ được trồng hồi. Cây hồi con được trồng dưới tán một số cây gỗ tái sinh tự nhiên sau nương rẫy như re lá, bời lời, dẻ gai, hu đây, ba bét trắng, ba soi. Trong quá trình sinh trưởng, cây hồi dần dần lớn lên và có nhu cầu ánh sáng tăng dần, bà con tiến hành ken chết dần các cây gỗ tự nhiên. Bằng cách này, bà con dân tộc Dao ở Vũ Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) đã trồng được những rừng hồi cho năng suất cao (15.000kg quả tươi/năm/1 ha).
2. Trồng hồi xen tre, vầu của đồng bào Tày ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn. Các rừng tre, vầu được đồng bào trồng xen hồi con; khi hồi đã lớn, có nhu cầu ánh sáng cao hơn thì nó đã vươn lên để chiếm lĩnh tầng cao của tán rừng. Bằng phương thức này, đồng bào đã tạo ra kiểu rừng hỗn loài với tre, vầu với cấu trúc 2 tầng cây.
3. Trồng hồi xen sắn của đồng bào Tày, huyện Bình Gia, Lạng Sơn. Các hộ nông dân Tày đã trồng sắn xen với hồi khi hồi còn nhỏ. Đặc biệt, khi thu hoạch sắn cần thu hoạch vào lúc có thời tiết râm mát và thu hoạch dần dần để tránh tình trạng tán che mở đột ngột làm cho hồi con bị mất nhiều nước có thể bị chết.
4. Trồng hồi xen chè của đồng bào Tày huyện Bình Gia, Lạng Sơn. Dưới tán rừng hồi đã khép tán, vào các năm thứ 3 trồng hồi xen sắn, đến năm thứ 4 và thứ 5 trồng xen chè. Theo kiểu trồng xen này, đồng bào đã tạo ra loại rừng chè hỗn hợp chè + hồi với 2 tầng cây. Tuy vậy, ở một số nơi, bà con còn trồng thêm cây phân xanh họ đậu (cốt khí), dứa. Các băng cây cốt khí, dứa được thiết kế chạy theo đường đồng mức để chống xói mòn, bảo vệ đất. Theo mô hình này, nếu tính cả chè và hồi có thể cho thu nhập 17.000.000 đ/ha/năm (theo giá thị trường năm 1998).
5. Trồng hồi trong các vườn quả gia đình. Cho đến nay, nhiều gia đình đã trồng được vườn cây ăn quả gồm các loại hồng không hạt, mận, quýt ngọt, na dai… Nhân dân đã tiến hành trồng hồi thành những vành đai bao quanh vườn ăn quả tạo thành các băng cây cản gió, bảo vệ vườn quả.
Các kinh nghiệm trồng hồi kể trên của đồng bào dân tộc Tày, Dao ở Lạng Sơn đã được khoa học và thực tiễn xác minh là đúng đắn, có thể mở rộng ra toàn tỉnh Lạng Sơn và một số địa phương lân cận.
Khuyến nghị
· Hồi là cây trồng rất có giá trị nên được phát triển gây trồng và phục hồi tại vùng trồng hồi chính của nó là Lạng Sơn và vùng giáp ranh của hai tỉnh Cao Bằng và Quảng Ninh. Hiện nay giá trị của sản phẩm quả hồi đã cao hơn trước rất nhiều và đúng với giá trị của nó. Vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX, 1kg quả hồi khô chỉ tương đương 1-1,5kg gạo theo giá thị trường nhưng giá hiện nay 1kg quả hồi khô tương đương 12-15kg gạo.
· Để có được những rừng hồi có năng suất cao cần có chế độ quản lý, chăm sóc các khu rừng hiện có.
· Sử dụng các tiến bộ kỹ thuật nhân giống vô tính, trồng bằng cây ghép với vật liệu từ các dòng sai quả, hoặc nghiên cứu ghép cải tạo những cây ít quả ở các rừng hồi đã trồng để cải thiện năng suất rừng trồng.
Nguồn: Tổng hợp từ Kỹ thuật trồng một số cây thân gỗ đa tác dụng, NXB Văn hóa Dân tộc, 2000, Sử dụng cây bản địa vào trồng rừng ở Việt Nam, NXBNnông nghiệp, 2002, Khoa học và Đời sống, Ngày 13/8/ 2000, Số 32
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Nghiên cứu ảnh hưởng của áp xuất ép biên và chiều dày thành tre luồng đến độ hở mạch keo của ván ghép thanh tre luồng
- Tinh dầu thiên nhiên trên thị trường Cộng đồng châu âu
- Về rừng thôn bản ở tỉnh Cao bằng
- Những bất cập trong thị trường sản phẩm quế tại Yên Bái
- NGHIêN CứU MốI QUAN Hệ GIữA HìNH THáI Vỏ QUả Và PHẩM CHấT GIEO ươM HạT GIốNG LOàI CăM XE (XYLIA XYLOCARPA)