kết quả thực hiện đề tài “xây dựng mô hình trồng rừng Trám trắng (Canarium album Raeusch)”

Phạm Đình Tam, Trần Đức Mạnh,

Hoàng Nguyễn Việt Hoa

Trung tâmứng dụng KHKT Lâm nghiệp

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Trám trắng (Canarium album Raeusch) là cây gỗ lớn bản địa, có chiều cao từ 20-30m, đường kính ngang ngực đạt 50-70cm, thân tròn thẳng, tán rộng và lá xanh quanh năm. Trám trắng là cây đa mục đích được nhân dân ta ưa chuộng.

Gỗ trám trắng mềm, nhẹ, thớ mịn, dễ bóc thường được dùng làm nguyên liệu gỗ dán, đóng đồ thông thường, dùng trong xây dựng nhà cửa. Trong bảng phân loại gỗ theo mục đích sử dụng (Nguyễn Đình Hưng 1999) thì trám trắng thuộc nhóm 1 dùng cho gỗ dán…

Nhựa trám dùng trong công nghệ chế biến xà phòng, nước hoa, sơn tổng hợp, làm chất cách điện và xi đánh giày. Trong 100 kg nhựa trám trắng có thể chiết được 18-20kg tinh dầu, 57-60kg côlôphan. Theo kinh nghiệm của một số hộ dân ở Hoành Bồ, Quảng Ninh cây trám có đường kính 30cm đã bắt đầu khai thác liên tục 8-9 tháng, mỗi tháng cho bình quân từ 4-5kg nhựa/cây.

Quả trám có thể dùng để chế biến ô mai, làm thực phẩm, làm thuốc chữa ho, giải rượu và giải độc. Quả trám trắng hiện nay được tiêu thụ nhiều trong nước và là mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có giá trị. Theo điều tra sơ bộ của nhóm đề tài thì một số hộ dân ở vùng Hoà Bình, Hà Tây và các tỉnh vùng núi phía Bắc đã có ý thức bảo vệ những cây trám tự nhiên còn sót lại trong rừng, trong các vườn hộ và coi đó là nguồn thu hàng năm rất có hiệu quả. Mỗi cây trám có đường kính ngang ngực từ 30cm trở lên có thể thu 100kg – 300kg quả/ mùa và với giá tại chỗ từ 3.000đ-4.000đ/kg thì mỗi cây cũng có thể cho từ 300.000đ đến 1 triệu đồng/ năm.

Trám trắng là cây bản địa đa mục đích được nhiều địa phương quan tâm, là một trong những cây trồng chính trong nhiều chương trình và dự án trồng rừng khác nhau ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, trong thực tế các mô hình trồng rừng tập trung chưa mấy thành công do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chọn lập địa, xác định kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ,… Do đó từ năm 1995 đến 1999 Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN&PTNT) đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng trám trắng nhằm cung cấp nguyên liệu cho gỗ dán lạng”. Đề tài đã tổng kết và được đánh giá là thành công, kết quả của đề tài đã làm cơ sở khoa học để xây dựng và ban hành “Quy phạm kỹ thuật trồng rừng trám trắng”.

Để nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học, kịp thời phục vụ dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, từ năm 1999 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục cho triển khai đề tài: “Xây dựng mô hình trồng rừng trám trắng nhằm phục vụ cho dự án trồng mới 5 triệu ha rừng”. Đề tài do Trung tâm ứng dụng KHKT Lâm nghiệp làm chủ nhiệm và được thực hiện tại Hoà Bình và Đại Lải-Vĩnh Phúc.

I. Mục tiêu, nội dung và phương pháp nghiên cứu

1.1. Mục tiêu

· Đề xuất được biện pháp kỹ thuật lâm sinh trồng rừng trám trắng phục vụ cho mục tiêu lấy gỗ và lấy quả.

· Xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật tạo cây con bằng phương pháp ghép

1.2. Nội dung

· Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp ghép

· Xây dựng mô hình trồng rừng trám trắng với mục đích lấy gỗ và lấy quả

· Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp ghép.

1.3. Phương pháp nghiên cứu

· Kế thừa và ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã có về cây trám trắng để lựa chọn các giải pháp kỹ thuật cho đề tài.

· ứng dụng phương pháp sinh thái thực nghiệm để bố trí các thí nghiệm tại hiện trường

· ứng dụng phương pháp thống kê toán học và sử dụng các phần mềm thông dụng để xử lý và phân tích số liệu

II. Kết quả và thảo luận

2.1. Nghiên cứu phương pháp ghép

Để tạo được cây giống có chất lượng cao, đáp ứng được mục tiêu xây dựng mô hình trồng rừng lấy quả đề tài đã tập trung nghiên cứu 2 nội dung chính: Điều tra tuyển chọn cây mẹ và nghiên cứu phương pháp ghép. Kết quả thực hiện được tóm tắt như sau:

· Tuyển chọn cây mẹ:

– Qua điều tra phân bố cây trám trắng, tình hình sinh trưởng và sản lượng quả hàng năm của một số cây trám mọc rải rác trong rừng tự nhiên, trong vườn hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đề tài đã lựa chọn được 50 cây mẹ có đường kính ngang ngực từ 50cm trở lên và đã có nhiều năm sai quả, bình quân quả đạt 100kg/vụ/cây. Những cây mẹ này đều được lập lý lịch theo dõi và có chủ quản lý, phân bố ở các địa phương Tân Lạc (Hoà Bình), Ba Vì (Hà Tây), Cúc Phương (Ninh Bình). Đây được xác định là cây đầu dòng để cung cấp cành ghép sau này.

– Trên cơ sở những cây mẹ đã được tuyển chọn, đề tài đã tiến hành lấy các cành ghép để tạo cây ghép phục vụ cho nhu cầu xây dựng mô hình, đồng thời cũng đã kết hợp tạo vườn giống để lấy hom tại trạm Tân Lạc-Hoà Bình. Hiện nay vườn giống đã có 6 xuất xứ khác nhau: Hoà Bình, Hà Tây, Ninh Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ và giống nhập của Trung Quốc.

· Nghiên cứu về phương pháp ghép:

Đề tài đã tiến hành thí nghiệm hai phương pháp ghép: ghép nêm và ghép áp với các thời điểm khác nhau. Kết quả qua nhiều lần thí nghiệm đã rút ra được nhận xét như sau:

– Tỷ lệ cây ghép thành công đạt từ 50-70%.

– Phương pháp ghép nêm và ghép áp đều có tỷ lệ sống xấp xỉ nhau, nhưng mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm nhất định. Ghép nêm dễ thi công, vật liệu ghép dễ chọn, nhưng tỷ lệ sống thấp hơn, cây yếu, nếu gặp gió thường hay bị gãy; ghép áp khó thi công, đòi hỏi tay nghề cao, vật liệu ghép khó chọn, nhưng tỷ lệ sống thường cao hơn, cây khoẻ mạnh.

– Về thời vụ ghép bước đầu cho thấy ghép vào mùa xuân có nhiều thuận lợi hơn: tỷ lệ sống cao, cành ghép dễ chọn và cây trồng sinh trưởng nhanh.

2.2. Xây dựng mô hình trồng rừng trám trắng

2.2.1. Xây dựng mô hình trồng rừng với mục đích lấy gỗ là chính

· Bố trí thí nghiệm:

Kết quả nghiên cứu của đề tài trước đây (1995-1999) do nhóm chúng tôi thực hiện cho thấy: trám trắng là cây ưa bóng ở giai đoạn đầu (từ 1-4 tuổi), sau đó nhu cầu ánh sáng càng tăng dần và đến tuổi 5-6 trở đi thì ưa sáng hoàn toàn. Do vậy rừng trám mới trồng cần tạo cây che phủ để hỗ trợ cho trám sinh trưởng. Các nghiên cứu cũng cho thấy dùng cây cốt khí che phủ đất vừa tạo được tàn che thích hợp cho cây trám vừa cải tạo đất. Ngoài ra, phương thức trồng trám có xen keo tai tượng và trồng trong rạch ở rừng tự nhiên nghèo kiệt hay phục hồi cũng có nhiều triển vọng. Vì vậy, đề tài này cũng tập trung xây dựng mô hình theo hướng đó. Các công thức thí nghiệm được bố trí cụ thể như sau:

Công thức1: (Trám + keo tai tượng): Phát trắng thực bì, dọn sạch sau đó thiết kế trồng rừng. Mật độ trồng 1600cây/ha (3x2m), trong đó Trám trắng 800cây/ha, Keo tai tượng 800cây/ha. Trám và Keo trồng cùng một lúc, hỗn giao theo hàng, giữa các hàng cây gieo một hàng cốt khí.

Công thức 2: (Trám + cốt khí): Thực bì được phát trắng toàn bộ, dọn sạch, sau đó được thiết kế trồng rừng. Mật độ 1600cây/ha (3x2m). Giữa hai hàng trám gieo một hàng cốt khí dày, cốt khí được gieo sau khi cuốc hố xong.

Công thức 3:(Trám trồng trong rạch): Hạ chiều cao của rừng xuống dưới 3m, mở các rạch song song, rạch rộng 2m, tâm rạch cách đều nhau 8m. Trên rạch phát dọn sạch thực bì và trồng một hàng Trám ở giữa, cây cách cây 2m.

Công thức 4: (Công thức đối chứng): Phát trắng thực bì, dọn sạch sau đó thiết kế trồng rừng. Mật độ 1600cây/ha, không trồng cây che phủ đất.

Các mô hình được xây dựng trong 3 năm 1999 đến 2001 với diện tích 15ha tại Hoà Bình và Vĩnh Phúc. Các mô hình chủ yếu tập trung cho công thức 1 và 2. Riêng trong năm 1999 đề tài bố trí đầy đủ 4 công thức thí nghiệm nêu trên nhằm khẳng định lại những kết quả nghiên cứu trước đây, đồng thời đề xuất được mô hình chuyển giao và nhân rộng cho sản xuất. Trong thông báo này chúng tôi cũng chỉ tập trung phân tích các mô hình trồng năm 1999 tại Hoà Bình.

· Tình hình sinh trưởng về đường kính và chiều cao:

Số liệu đo đếm sinh trưởng được tiến hành 1 năm 1 lần vào thời điểm cuối năm, chỉ tiêu đo đếm gồm: chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành; đường kính gốc; đường kính tán và chất lượng cây trồng. Kết quả tính toán được ghi trong biểu 1 dưới đây:

Biểu 1: Sinh tr­ưởng Trám trắng trong các công thức thí nghiệm

(Rừng trồng 4 tuổi tại Hoà Bình)

C.thức

C.tiêu

Lần đo

Trám + Keo Trám + cốt khí Trám trong rạch Đối chứng
D00

(cm)

Hvn

(cm)

D00

(cm)

Hvn

(cm)

D00

(cm)

Hvn

(cm)

D00

(cm)

Hvn

(cm)

1999 0,53 0,56 0,45 0,57 0,47 0,55 0,43 0,57
2000 1,60 1,15 1,55 1,25 1,42 1,20 1,57 1,05
2001 3,10 2,15 3,50 2,35 2,90 2,05 2,95 1,85
2002 4,90 3,30 5,95 3,55 4,65 3,10 4,45 2,60
2003 6,65 4,50 8,70 4,90 6,50 4,20 5,50 3,36
S% (2003) 26,9 31,2 19,1 17,0 24,5 23,2 22,6 21,0

Qua biểu trên chúng ta rút ra một số nhận xét sau đây:

– Sau khi trồng 1 năm thì đường kính và chiều cao giữa các công thức chưa thấy có sự khác nhau rõ rệt.

– Từ năm thứ 2 trở đi thì lớp thực bì che phủ đã có ảnh hưởng tương đối rõ đến sinh trưởng của trám trắng.

– So sánh sinh trưởng đường kính và chiều cao giữa các công thức cho thấy: Trong 4 công thức thì trám trồng có cốt khí che phủ có trị số bình quân cao hơn, độ biến động (S%) bé hơn các công thức khác nên được đánh giá là tốt nhất. Ba công thức còn lại, tuy độ biến động không chênh lệch nhau mấy nhưng trị số bình quân của công thức đối chứng thấp nhất nên đánh giá là công thức kém nhất. Riêng hai công thức trồng trong rạch và dùng cây keo phù trợ đều là những biện pháp kỹ thuật có khả năng tạo thành rừng trám có chất lượng cao, tuy nhiên hai công thức này cần lưu ý điều chỉnh tàn che của keo và thực bì tự nhiên kịp thời, đúng kỹ thuật và phải tiến hành từ năm thứ 2 trở đi, nếu không keo và lớp thực bì tự nhiên sẽ lấn át cây trám.

(xem biểu đồ số 1,2 dưới đây)

Biểu đồ 1:Sinh trưởng đường kính trám trắng trong các công thức TN

Biểu đồ 2: Sinh trưởng chiều cao trám trắng trong các công thức TN

· Tăng trưởng đường kính và chiều cao của trám trắng:

Đề tài cũng đã tính toán, phân tích lượng tăng trưởng đường kính và chiều cao hàng năm của trám trắng trong các công thức thí nghiệm, số liệu được tổng hợp trong biểu 2 dưới đây:

Biểu 2: Tăng trưởng của Trám trắng trong các công thức thí nghiệm

Công thức

C.tiêu

Tuổi

Trám + Keo Trám + cốt khí Trám trong rạch Đối chứng
ZDoo

(cm)

ZH

(m)

ZDo

(cm)

ZH

(m)

ZDo

(cm)

ZH

(m)

ZDo

(cm)

ZH

(m)

Năm thứ nhất 0,53 0,56 0,45 0,57 0,47 0,55 0,43 0,57
Năm thứ hai 1,07 0,59 1,10 0,68 0,95 0,65 1,14 0,48
Năm thứ ba 1,50 1,00 1,95 1,10 1,48 0,85 1,38 0,80
Năm thứ tư­ 1,80 1,15 2,45 1,20 1,75 1,05 1,50 0,75
Bình quân 1,75 1,20 2,75 1,40 1,85 1,10 1,05 0,76

Qua biểu trên đây cho thấy: sau khi trồng 1 năm thì thực bì che phủ chưa ảnh hưởng đến sinh trưởng của trám trắng, nhưng từ năm thứ 2 trở đi bắt đầu có sự phân hoá. Trong 4 công thức thì công thức trồng trám có cốt khí che phủ có tốc độ tăng trưởng cả chiều cao và đường kính tăng đều và đến năm thứ tư thì lượng tăng trưởng cao hơn hẳn các công thức khác. Hai công thức trồng có keo phù trợ và trồng trong rạch lượng tăng trưởng đến năm thứ 3 trở đi đã có sự chững lại, đặc biệt là chiều cao, điều này cho thấy tán của keo và các cây tái sinh của lớp rừng cũ đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của trám. Riêng công thức đối chứng thì lượng tăng trưởng hàng năm từ năm thứ 2 trở đi bắt đầu thấp hơn các công thức khác. Tính đến thời điểm hiện nay (rừng 4 tuổi) thì lượng tăng trưởng hàng năm bình quân của công thức trồng có cốt khí là cao nhất, sau đó đến công thức trồng có keo phù trợ và trồng trong rạch, thấp nhất là công thức đối chứng. (xem biểu đồ số 3)

Biểu đồ 3:Lượng tăng trưởng bình quân H và Doo ở các công thức

· Tình hình sinh trưởng của trám trắng trên các dạng lập địa khác nhau:

Để có thêm những căn cứ giúp cho việc xác định vùng trồng và lập địa trồng trám, đề tài đã tiến hành xây dựng mô hình tại 3 địa điểm có điều kiện đất đai và thực bì khác nhau, cụ thể là:

– Đất rừng tự nhiên phục hồi, tầng đất sâu 0,7 – 1,0m (Tân Lạc, HB)

– Đất nương rẫy cũ, tầng đất trung bình 0,5 m (Kỳ Sơn, HB)

– Đất đồi trọc có cây bụi rải rác, tầng đất nông dưới 0,3 m (Đại Lải, VP)

Số liệu đo đến năm 2003 của rừng trồng 3 tuổi (trồng năm 2001) được tổng hợp trong biểu 3 sau đây:

Biểu 3:Sinh trưởng của trám trắng trên các điều kiện lập địa khác nhau

Lập địa

Chỉ tiêu

Trồng trên đất RTN

(tầng đất sâu)

Đất nương rẫy cũ

(tầng đất TB)

Đấttrống có cây bụi rải rác

(tầng đất nông)

Hvn(m) 2,26 1,85 1,20
Doo(cm) 3,25 2,95 1,70

Qua bảng số liệu trên đây cho thấy: trám trắng trồng trên đất rừng tự nhiên có tầng đất sâu trên 0,7m sinh trưởng chiều cao và đường kính gốc vượt trội hơn cả so với trồng trên các lập địa khác, cây sinh trưởng tốt và trong thực tế cũng ít sâu bệnh hơn. Trồng trên nương rẫy cũ, tầng đất trung bình, cây trám cũng đạt được sinh trưởng ở mức trung bình. Riêng trên dạng đất xấu, tầng đất nông, đất không còn tính chất đất rừng trám sinh trưởng rất kém. Đây cũng là điểm cần lưu ý trong quá trình chọn đất để trồng trám. Tuy nhiên, đây mới là những nhận xét sơ bộ qua số liệu thu thập chưa đầy đủ, hy vọng chỉ là những nhận xét dùng để tài liệu tham khảo.

Biểu đồ 4:Biểu đồ sinh trưởng trám trắng trên các dạng lập địa

2.2.2. Kết quả xây dựng mô hình trồng rừng trám với mục tiêu lấy quả

Sau khi tạo được cây ghép đề tài đã xây dựng được 6ha mô hình tại Hoà Bình và Đại Lải bằng cây ghép, kỹ thuật trồng được tóm tắt như sau: Cây ghép được chăm sóc ở vườn 1 năm với kích thước bầu 18x25cm, mật độ trồng 330 cây/ha (cự ly 6 m x 5 m), hố cuốc 50x50x50cm, bón lót 5kg phân chuồng + 1kg phân vi sinh/hố, có trồng cây che phủ ban đầu, chăm sóc 3 lần/năm (chủ yếu là phát thực bì, xới và vun quanh gốc rộng 1m). Kết quả theo dõi sinh trưởng ở các mô hình trồng năm 2001 cho thấy:

– Tỷ lệ sống đạt trên 90%

– Chiều cao trung bình 1,10m.

– Đường kính tán đạt 0,85m

– Cây sinh trưởng bình thường.

Ngoài ra đề tài cũng đã bố trí thêm một số thí nghiệm trồng phân tán trong vườn hộ với kỹ thuật trồng cũng giống như trên rừng, chỉ khác là chăm sóc kịp thời, đặc biệt là tưới nước đều trong mùa khô. Kết quả cho thấy cây trồng ở vườn hộ sinh trưởng nhanh hơn từ 50 – 90% so với trồng trên đồi. Đây cũng là điểm đáng chú ý để lựa chọn hình thức phát triển cây trám với mục đích lấy quả.

III. Kết luận và kiến nghị

3.1. Kết luận

Qua kết quả thực hiện đề tài cho phép đi đến một số nhận xét sơ bộ như sau:

– Trám trắng là cây bản địa có giá trị kinh tế cao phân bố ở nhiều tỉnh trung du và miền núi phía Bắc và miền Trung, trám là cây có triển vọng trồng thành rừng với mục tiêu lấy gỗ kết hợp lấy quả.

– Trám sinh trưởng tốt ở điều kiện đất rừng tự nhiên còn tốt, đất còn thực bì che phủ hay nơi còn có tính chất đất rừng.

– Trám có thể trồng toàn diện có cây phù trợ trong giai đoạn đầu hoặc trồng trong rạch, cây phù trợ tốt nhất là cốt khí. Riêng trồng xen keo và trồng trong rạch cần lưu ý điều chỉnh độ tàn che kịp thời, luôn luôn không cho cành nhánh che đầu ngọn trám.

– Trám có khả năng nhân giống bằng phương pháp ghép, hai phương pháp ghép áp và ghép nêm đều cho tỷ lệ thành cây từ 40 – 60%. Thời vụ ghép trám thích hợp nhất là vụ xuân (tháng 2-3).

– Hình thức trồng rừng phân tán trong vườn hộ với đầu tư chăm sóc cao để tạo cây trám nhằm mục đích lấy quả cho sinh trưởng cao hơn.

3.2. Kiến nghị

– Để kịp thời đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất đề tài cần được hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp ghép và kỹ thuật trồng rừng cho các địa phương.

– Sau khi kết thúc đề tài, những mô hình có triển vọng cần được tiếp tục hỗ trợ kinh phí để theo dõi, đánh giá.

Tài liệu tham khảo

1) Nhà xuất bản Nông nghiệp 1994. Kỹ thuật gieo trồng Trám.

2) Nguyễn Văn Lê, Lưu Phạm Hoành. Kết quả nghiên cứu kỹ thuật gây trồng Trám trắng tại Hữu Lũng – Lạng Sơn. Thông tin tư liệu Bộ LN, 1985.

3) Triệu Hùng. Kết quả điều tra sinh thái cây Trám trắng – Báo cáo khoa học – Trường Đại học Lâm nghiệp, 1992.

4) Phạm Đình Tam, Trần Lâm Đồng. Gây trồng Trám trắng (C.album R.)-Thông tin KHKT lâm nghiệp, 1998

5) Phạm Đình Tam, Trần Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng Trám trắng – 1999.

Summary.

C. albumis a large-sized indigenous tree species of high economic value. Wood of C.album is used for common furniture making, house construction and as plywood raw material. C.album resin is used in soap, scent and synthetic paint industries and as electric insulation substance and shoe polish. C.album fruit is used as foodsfuff, sugared dry canari and antipoison preparation. The research subject makes use of the previous research results on C.album forest planting technique of the FSIV (1995-1999) to establish forest planting models for two purposes: timber and fruit. The research subject is managed by the Forest Science and Techniques Application Centre and has been implemented in the 1999-2004 period in Hoa Binh and Vinh Phuc.The research subject has succeeded in developing grafting method for C.album (Survival of the grafts is 70%; 50 mother trees of high yield of 3 different provenances have been selected to supply branches for grafting; the models have been established on 15 ha (6 ha for fruit, 9 ha for timber) The models are now performing well, survival rate is over 90%. Plantations in 1999 attain mean height of 4.9m and diameter at tree base 8.7cm.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]