Lương Văn Tiến, Vũ Hoàng Phương, Hoàng Văn Thắng
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
TÓM TẮT
Cây Lai (Aleurites moluccana) là loài cây gỗ lớn đa tác dụng, có phân bố rộng từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh Tây Nguyên. Dầu ép từ hạt Lai có giá trị dinh dưỡng cao, tại một số nước trên thế giới như Hawai, Úc, Malaysia, dầu Lai được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Các kết quả nghiên cứu ban đầu về tách dầu từ hạt và xác định thành phần hóa học của dầu Lai phân bố tại ba vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên cho thấy hàm lượng axit linoleic (axit omega- 6) chiếm 32–40%, hàm lượng axit linolenic (α- linoleic) 22 – 26%, hàmlượng axit oleic 22 –38%, tổng hàm lượng axit béo bão hoà thấp dưới 12%; ngoài các axit béo bão hoà và chưa bão hoà còn có mặt các alcaloid, terpennoid, flavonoid. Dầu Lai có chỉ số axit thấp, chỉ số iode tương đối cao (115), độ nhớt thấp (45 cP), là loại dầu dễ ester hóa để làm nguyên liệu cho sản xuất biodiesel. Các kết quả phân tích cho thấy có thể coi dầu Lai là một nguồn nguyên liệu dầu thực vật quan trọng trong tương lai.
Từ khoá: Dầu Lai, Aleurites moluccana, Thành phần hóa học.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Cây Lai (Aleurites moluccana), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) là loài cây nhiệt đới, phân bố rộng rãi ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Philippin, Ấn Độ, Malaysia, Mỹ, Úc. Cây Lai được biết như loài cây đa tác dụng. Hạt Lai dùng để ăn, ép dầu dùng trong công nghiệp xà phòng, mỹ phẩm, chế dầu nhờn, thắp sáng, làm sơn, verni. Khô dầu được khử độc dùng làm thức ăn chăn nuôi. Một số bộ phận của cây được dùng làm thuốc chữa bệnh như lá, hoa, nhựa tiết ra từ cành non. Gỗ được dùng làm nhà, đóng đồ mộc. Cây còn được trồng làm cảnh, cây bóng mát.
Phần quan trọng nhất của cây Lai là dầu ép từ hạt. Theo các tài liệu nghiên cứu nước ngoài đã được công bố, dầu chiết bằng phương pháp Sochxlet trong dung môi n-hexan, xác định thành phần dầu bằng phương pháp sắc ký khí/khối phổ (GC/MS), trong dầu Lai có khoảng 13 axit béo no và không no, chiếm 92% khối lượng, bao gồm: myristic, palmitic, palmitoleic, heptadecanoic, heptadecenoic, stearic, oleic, linoleic, arachidic,eicosenoic, behenic, lignoceric. Trong dầu Lai, ngoài thành phần chủ yếu là các axit béo, phần còn lại bao gồm các saponin, terpenoidvà các peroxides.
Dầu ép từ hạt Lai là loại dầu có giá trị dinh dưỡng vì có hàm lượng axit béo chưa bão hòa cao, đặc biệt trong đó hàm lượng linoleic và α- linoleic (còn gọi là axit omega -6) đạt tới trên 60%, đây là những axit hoàn toàn không thể thiếu cho quá trình trao đổi chất ở những cơ thể động vật không có khả năng tự sinh ra axit này. Axit linoleic còn được sử dụng trong dược phẩm để chế tạo thuốc ngăn ngừa một số bệnh như ung thư, tiểu đường, xơ vữa động mạch,….và sử dụng trongmỹ phẩm, làm xà phòng, chất nhũ hóa, mỹ phẩm.
Ở Việt Nam, loài cây Lai có phạm vi phân bố khá rộng, từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh Tây Nguyên. Người dân các địa phương từ lâu đã biết sử dụng những sản phẩm từ cây Lai như dầu ép từ hạt làm thực phẩm, dùng lá non và vỏ thân làm thuốc chữa bệnh, nhưng cho đến nay những nghiên cứu về loài cây này, đặc biệt là những nghiên cứu về thành phần hoạt chất của dầu hạt chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Đề tài “Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng cây Lai (Aleurites moluccana) ở Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Đông Bắc theo hướng lấy quả” do TSKH. Lương Văn Tiến, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì được thực hiện, với mục đích xác định được các biện pháp gây trồng phù hợp, đồng thời xác định các giống Lai có năng suất quả, hàm lượng và chất lượng dầu cao. Kết quả phân tích dầu trong hạt từ các cây trội ở ba vùng sinh thái cho thấy thành phần các hoạt chất khá phong phú, đặc biệt tổng hàm lượng các axit béo chưa bão hoà lên đến trên 80%. Bài báo này sẽ cung cấp các thông tinban đầu về tách dầu từ hạt Lai và xác định thành phần hoá học của dầu thu được.
(Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp số 2 năm 2012, trang 2273-2279)
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Nghiên cứu tác động của các hoạt động sinh kế của cộng đồng dân cư vùng đệm đến tài nguyên rừng vườn quốc gia Kon Ka King, tỉnh Gia Lai
- Đánh giá thực trạng quản lý rừng và đất lâm nghiệp do ủy ban nhân dân xã quản lý tại huỵện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang
- Nghiên cứu vi sinh vật nội sinh và các hợp chất hóa học có hoạt tính kháng nấm gây bệnh ở các dòng Keo tai tượng khảo nghiệm tại Thừa Thiên Huế
- Xây dựng cơ sở khoa học đề xuất hệ thống biện pháp kỹ thuật lâm sinh cho rừng tự nhiên tại vùng đệm vườn quốc gia Chư Mom Ray tỉnh Kon Tum
- Nghiên cứu đặc điểm lâm học rừng kín ẩm thường xanh ẩm nhiệt đới tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú - Đồng Nai