Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã đặt ra mục tiêu thời gian tới phải nâng cao giá trị sản xuất và từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Trong bối cảnh khả năng cung cấp gỗ xẻ từ rừng tự nhiên đã cạn kiệt, nguồn nguyên liệu cho sản xuất đồ mộc xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn gỗ nhập thì trồng rừng gỗ lớn thay thế là một giải pháp quan trọng đang được ngành lâm nghiệp tập trung đẩy mạnh.
Rừng trồng keo lá tràm 5 tuổi tại Vân Canh, Bình Định
Tuy nhiên, việc chọn loài cây trồng rừng gỗ lớn đang gặp nhiều khó khăn do các loài cây bản địa được đặt nhiều hy vọng, song tỉ lệ thành công thấp, thời gian một chu kỳ quá dài, chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế đất nước hiện tại.
Vì vậy, đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã đặt ra mục tiêu thời gian tới phải nâng cao giá trị sản xuất và từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Ở một chiều hướng khác, những năm gần đây ngành lâm nghiệp gần như là sự thống trị của các loài keo do có ưu điểm sinh trưởng nhanh, dễ gây trồng và đang được khuyến khích chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, phần lớn gỗ rừng trồng các loài keo tai tượng, keo lai hiện nay có phẩm chất kém, thường chỉ đáp ứng các yêu cầu sản phẩm đồ gỗ chất lượng thấp.
Trong khi đó, keo lá tràm được đánh giá có tính chất gỗ vượt trội so với các loài keo tai tượng, keo lai lại rất được ưa chuộng để đóng đồ mộc và làm gỗ xây dựng nên triển vọng để trồng rừng gỗ lớn đang vô cùng tiềm năng.
Trước đây, keo lá tràm trồng từ hạt thường được đánh giá là sinh trưởng chậm, hình thân xấu. Nhưng hiện nay, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tuyển chọn được nhiều dòng keo lá tràm có khả năng sinh trưởng rất nhanh, xấp xỉ với tốc độ sinh trưởng của keo tai tượng và keo lai, có khả năng tỉa cành tự nhiên tốt nên thân rất thẳng, ít mấu mắt, khuyết tật.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) Trần Lâm Đồng, thực tế tại rừng keo lá tràm giống mới ở Vân Canh, Bình Định với mật độ 2.000 cây/ha mà keo 5 tuổi đã có đường kính trung bình 11,3cm, chiều cao 15,2m, năng suất bình quân đạt 21,8m3/ha/năm. Rừng trồng keo lá tràm 6 tuổi tại Bình Phước với mật độ 1.660 cây/ha có đường kính bình quân 13,2cm, chiều cao 17,1m và năng suất đạt 28,3m3/ha/năm. Hơn nữa, keo lá tràm có khả năng kháng bệnh tốt hơn nhiều so với keo tai tượng và keo lai nên tỷ lệ chết, hoặc khuyết tật gỗ hầu như không có.
Rừng trồng keo lá tràm 5 tuổi tại Vân Canh, Bình Định
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã trồng khảo nghiệm thành công keo lá tràm giống mới ở các vùng Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Phước), Nam Trung Bộ (Bình Định) và Bắc Trung Bộ (Quảng Trị). Mặc dù chưa được khuyến cáo trồng ở các tỉnh phía Bắc, nhưng Viện cũng đã trồng khảo nghiệm ở Thanh Hóa và Quảng Ninh kết quả cho thấy ở tuổi 2 cây sinh trưởng tốt.
Ông Trần Lâm Đồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh chia sẻ, các biện pháp kỹ thuật trồng rừng keo lá tràm cũng tương tự như trồng rừng keo tại tượng và keo lai. Mật độ trồng rừng khoảng 1.660 cây/ha. Khi trồng có thể bón lót 100 – 200kg phân NPK 5:10:3 và 300kg lân. Trên lập địa xấu có thể bón thêm 500kg phân hữu cơ vi sinh.
Hiện tại, giống keo lá tràm chủ yếu được sản xuất là giống nuôi cấy mô hoặc giâm hom. Đối với giống giâm hom, cần chú ý tỉa cành và tỉa thân chỉ để lại một thân chính trong thời gian khoảng 6 – 12 tháng sau khi trồng. Rừng trồng gỗ lớn cần được tỉa thưa để lại khoảng 1000 cây/ha ở khoảng tuổi 4 – 5 và có thể tỉa lần 2 ở tuổi 8 – 10 để lại khoảng 700 cây/ha cho đến khi khai thác chính.
Với những ưu điểm sinh trưởng nhanh, thân thẳng ít khuyết tật, tính chất gỗ tốt, dễ gây trồng, thích hợp biên độ sinh thái rộng, chịu được đất nghèo xấu, khả năng kháng bệnh tốt, có khả năng cố định đạm cải tạo đất, keo lá tràm là loài cây rất có triển vọng cho trồng rừng gỗ lớn tại Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai. |
NGUYÊN HUÂN
Nguồn: http://nongnghiep.vn/keo-la-tram-phuc-vu-trong-rung-go-lon-post183990.html
Tin mới nhất
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
- Hội thao truyền thống Công đoàn cơ sở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam năm 2024, Chào mừng kỷ niệm 63 năm thành lập Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (1961-2024)
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh