Điều kiện tự nhiên ưu đãi cho Việt Nam một hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú và đa dạng nguồn gen, có tiềm năng lớn về tài nguyên lâm sản ngoài gỗ (LSNG), trong đó có rất nhiều LSNG mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việt Nam hiện có hơn 100 loài tre nứa, hơn 50 loài song mây, 113 loài cây cho chất thơm, 800 loài cho tanin, 93 loài chứa chất làm thuốc nhuộm, 458 loài có tinh dầu, 473 loài chứa dầu và 3.948 loài cây làm thuốc, trên 800 loài lan, 20 loài tuế. Trong đó, có hơn 750 loài cây trồng phổ biến, cho khai thác, cung cấp cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, bình quân mỗi năm khai thác khoảng triệu tấn các loại.
Cây giổi ăn hạt ở Phú Thọ
Vùng phân bố các loài cây LSNG được phân bố rộng khắp trên toàn lãnh thổ, trải dài trên 9 vùng sinh thái lâm nghiệp, từ khí hậu nhiệt đới núi cao đến vùng trung du phía Bắc, ĐBSH, Bắc Trung Bộ, vùng núi cao Tây Nguyên, Nam Bộ và ĐBSCL.
Nhiều loài cây LSNG giá trị kinh tế cao, quý. Trong đó có nhiều loài đặc hữu như sâm Ngọc Linh, hồi, lùng, quế, sa nhân tím, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, ba gạc Vĩnh Phú…
Bên cạnh phát triển cây LSNG bản địa, Việt Nam bắt đầu nhập nội một số loài cây LSNG có giá trị cao như Maccadamia và nhiều loài cây dược liệu để đưa vào gây trồng, phát triển.
Các điển hình về công tác phát triển LSNG gắn với bảo vệ rừng tốt ở các vùng trồng quế, thảo quả, hồi, sa nhân tím… đã nói lên vai trò của LSNG với việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng. Nếu không có cây hổi, quế trồng hoặc cây thảo quả, sa nhân trồng dưới tán rừng, chắc chắn hàng trăm nghìn ha rừng có chất lượng tốt ở nhiều vùng trong cả nước đặc biệt ở vùng sâu vùng xa của nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên đã trở thành đất nương rẫy, hay bị sa mạc hóa.
Cây hồi Văn Quan (Lạng Sơn)
Theo TS Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp VN), gây trồng và phát triển LSNG không những góp phần vào bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tạo ra cảnh quan đẹp, hấp dẫn, vừa có lợi cho sức khỏe con người, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần cho khách tham quan du lịch và gián tiếp mang lại nguồn thu nhập kinh tế cho địa phương. Do đó, hàng năm trong diện tích trồng rừng mới cây LSNG được người dân ở nhiều địa phương gây trồng trong rừng sản xuất, trồng kết hợp trong rừng phòng hộ, đã góp phần nâng cao độ che phủ của rừng.
Đặc biệt, xu thế nhu cầu sử dụng các loài sản phẩm có nguồn gốc sinh học ngày càng tăng trong phục vụ đời sống con người. Nhiều loài LSNG đã được nghiên cứu chọn giống đưa vào trồng thành công như quế, hồi, thảo quả, sa nhân, ba kích, giổi ăn hạt… và nhiều loài cây dược liệu khác đã thay thế hoàn toàn cho việc khai thác trong tự nhiên.
Là một cơ quan nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về LSNG hàng đầu và duy nhất ở Việt Nam, trong gần 40 năm hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã đạt được một số kết quả nghiên cứu quan trọng và chuyển giao thành công vào sản xuất. Phát huy những kết quả đạt được, gần đây trung tâm đã chuyển giao thành công một số kết quả nghiên cứu vào sản xuất LSNG.
Cây quế trên vùng cao Bắc Hà (Lào Cai)
Trong đó, nổi bật là nghiên cứu và chuyển giao một số giống sa nhân tím có năng suất cao, chất lượng tốt, chịu khô hạn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La và Nghệ An. Nghiên cứu chọn và nhân giống thành công một số giống ba kích tím có năng suất cao, chất lượng tốt. Nghiên cứu chọn và chuyển giao một số giống cây giổi ăn hạt, thảo quả có năng suất quả cao vào sản xuất. Chọn một số giống quế có năng suất vỏ cao, hàm lượng tinh dầu tốt và sản xuất một số giống cây dược liệu đạt chuẩn…
Về lĩnh vực canh tác, đã nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây hồi, quế, sa nhân, thảo quả vào sản xuất. Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật gây trồng và phục tráng rừng lùng, mây nước, mây nếp vào sản xuất.
Với lĩnh vực thu hoạch và công nghệ sau thu hoạch: Đã nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chưng cất tinh dầu quế từ lá ở mức độ quy mô vừa cho Yên Bái và Quảng Ninh. Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chưng cất tinh dầu hồi từ quả và lá ở quy mô nhỏ và vừa cho Lạng Sơn và Hà Giang. Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật trích nhựa thông ba lá, thông nhựa, thông mã vĩ cho Quảng Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Bình. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và chuyển giao công nghệ chế biến collophan quy mô công nghiệp cho Quảng Bình. Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sơ chế song mây làm nguyên liệu thủ công mỹ nghệ cho Quảng Bình, Bình Định…
“Các mô hình LSNG hầu hết cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng quế ở Bắc Hà (Lào Cai), Văn Yên, Văn Chấn (Yên Bái) cho thu nhập trung bình 25 – 30 triệu đồng/ha/năm; hồi ở Văn Quan (Lạng Sơn), Chợ Mới (Bắc Kạn) cho thu nhập trung bình 25 -3 0 triệu đồng/ha/năm; thảo quả ở Tân Uyên (Lai Châu), Bát Xát (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho thu nhập trung bình 20 – 25 triệu đồng/ha/năm; sa nhân ở Thuận Châu (Sơn La), Hoành Bồ (Quảng Ninh) cho thu nhập trung bình 35 – 50 triệu đồng/ha/năm; giổi ăn hạt ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Thanh Sơn (Phú Thọ), Lạc Sơn (Hòa Bình) cho thu nhập trung bình 20 – 25 triệu đồng/ha/năm”, TS Phan Văn Thắng.
NGUYÊN HUÂN
Nguồn: http://nongnghiep.vn/phat-trien-giong-lam-san-ngoai-go-post183464.html
Tin mới nhất
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
- Hội thao truyền thống Công đoàn cơ sở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam năm 2024, Chào mừng kỷ niệm 63 năm thành lập Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (1961-2024)
- Hội nghị “Thúc đẩy thí điểm cấp, quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu và khởi động dự án FCBMO”
- Hội đồng tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu trồng rừng thâm canh cây Sồi phảng (Lithocapus fissus Champ. Ex Benth) cung cấp gỗ lớn ở Quảng Ninh
Các tin khác
- Thông báo về việc tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ Lâm nghiệp
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 - Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ
- Chuyển rừng gỗ nhỏ thành gỗ lớn – Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Tổ chức Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Toàn Thắng
- Hội thảo Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp