Trước đòi hỏi của thực tế, từ chủ trương tái cơ cấu ngành và hướng tới một nền lâm nghiệp phát triển bền vững, việc chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đang được các bộ, ngành địa phương rất quan tâm.
Cán bộ, chuyên gia Viện Nghiên cứu Lâm sinh triển khai dự án khuyến nông mô hình thâm canh rừng gỗ lớn
Với số liệu thực tế ngành lâm nghiệp nước ta hiện tại, hầu hết những diện tích rừng có triển vọng để chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang thành rừng gỗ lớn đều nằm ở tốp đầu về diện tích. Trong đó, rừng keo hiện chiếm vị trí đầu tiên với diện tích trên nửa triệu ha, tiếp theo là thông và bạch đàn. Ngoài ra, rất nhiều diện tích rừng gỗ nhỏ có điều kiện phù hợp cũng có thể chuyển đổi sang rừng gỗ lớn.
TS Đặng Văn Thuyết, Bộ môn Lâm sinh, Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) chia sẻ, theo tập quán trồng rừng gỗ nhỏ hiện nay, bà con thường trồng keo từ 3 – 5 năm, bạch đàn 4 – 7 năm, thông 7 – 10 năm rồi tiến hành khai thác toàn bộ, sau đó trồng lại với chu kỳ tương tự. Biện pháp này có ưu điểm là nhanh quay vòng vốn, song chi phí đầu tư nhân công lớn, nguy cơ sâu bệnh hại cao và đặc biệt gây suy thoái đất trầm trọng.
Trong khi đó, việc chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn không chỉ giúp tiết kiệm cây giống, tiết kiệm chi phí trồng và chăm sóc, mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng nhưng tốc độ thu hồi vốn chậm… Do đó, khi chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn cần nhìn nhận trên diện rộng, nếu chỉ so sánh về mặt kinh tế đơn thuần chưa chắc rừng gỗ lớn đã cho hiệu quả cao hơn rõ rệt.
Cũng theo TS Đặng Văn Thuyết, hiện mật độ trồng rừng gỗ nhỏ của người dân ở các vùng rất khác nhau. Đơn cử như cây keo lai, miền Bắc trồng bình quân 1.600 – 2.500 cây/ha; miền Trung 2.500 – 5.000 cây/ha và miền Nam từ 3.000 – 10.000 cây/ha. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Lâm sinh, mật độ rừng gỗ nhỏ tốt nhất để chuyển đổi sang rừng gỗ lớn nên trồng trong khoảng 1.100 – 1.600 cây/ha.
Một trong những biện pháp kỹ thuật cơ bản trong chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Lâm sinh đang áp dụng chuyển giao cho các địa phương hiện nay là tỉa thưa, bón phân.
Tỉa thưa là kỹ thuật đơn giản, nhưng cũng phức tạp, đòi hỏi phải tuân thủ rất chặt chẽ về thời gian và điều kiện sinh trưởng của rừng cây.
Theo đó, không nên tỉa sớm quá và không được tỉa muộn quá. Nếu tỉa sớm, hiệu quả kinh tế không cao bởi đường kính của cây còn nhỏ còn tỉa muộn khi cây đã khép tán, phát triển chiều cao vượt quá đường kính của cây tỉ lệ bị đổ ngã sẽ rất lớn, khối lượng gỗ sau này cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thời điểm tỉa thưa tốt nhất cho rừng gỗ nhỏ có mục đích chuyển đổi thành rừng gỗ lớn là trong khoảng 3 – 5 năm với keo lai; 4 – 6 năm keo tai tượng; 5 – 7 năm bạch đàn urô; 7 – 10 năm với thông.
Tùy vào điều kiện thực tế đầu ra tại địa phương và hiệu quả kinh tế, người trồng rừng có thể chọn phướng án tỉa 1 hoặc 2 lần.
Nếu tỉa 1 lần tiến hành tỉa trên 50 – 60% số cây. Còn tỉa 2 lần, lần 1 tỉa 40% và lần 2 tỉa 40% của 60% còn lại.
Với những diện tích chuyển đổi này, người trồng rừng tiếp tục duy trì bón phân, chăm sóc thêm khoảng 10 – 15 năm sẽ cho khai thác rừng gỗ lớn. Không nên để quá lâu bởi hiệu quả không cao và những loại cây lâm nghiệp này hay bị bệnh nấm rỗng lõi.
TS Đặng Văn Thuyết cho biết thêm, để việc chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn phát huy hiệu quả tối đa, sau khi tiến hành tỉa thưa, người dân, doanh nghiệp có thể kết hợp trồng các lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng như: ba kích, sa nhân, mây nếp, thảo quả. Bên cạnh đó, có thể kết hợp các mô hình chăn nuôi các con đặc sản. Nếu kết hợp tốt và đồng bộ, 1ha rừng hoàn toàn có thể cho thu nhập 100 triệu/ha/năm.
TS Đặng Văn Thuyết kết luận: “Để chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn yêu cầu đầu tiên khu vực đó phải có thị trường gỗ lớn. Tiếp đến, khu rừng được lựa chọn chuyển đổi mật độ trồng không quá dày và có độ tuổi phù hợp để tỉa thưa. Ngoài ra, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương đối phù hợp và đặc biệt là những nơi ít bị gió bão. Bởi với việc chuyển đổi nếu gặp những nơi có gió bão mạnh tỉ lệ đổ sau khi tiến hành tỉa thưa có thể lên tới 100%”.
- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh Lại Thanh Hải lưu ý, việc chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn là chủ trương đúng đắn của ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, không phải diện tích rừng nào cũng có thể chuyển đổi và cũng không nên chuyển đổi bằng mọi giá. Điều quan trọng nhất là tùy thuộc vào điều kiện của thị trường, khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng của từng vùng miền để có lựa chọn trồng rừng gỗ nhỏ hay rừng gỗ lớn cho phù hợp với kinh tế thị trường và phát triển bền vững.
NGUYÊN HUÂN
Nguồn: http://nongnghiep.vn/chuyen-rung-go-nho-thanh-rung-go-lon-post182817.html
Tin mới nhất
- PGS.TS Hoàng Văn Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm Sinh - Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam được tôn vinh :” Nhà khoa học của nhà nông 2024”
- Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng ban Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế
- Hội thảo Tham vấn Báo cáo đánh giá rủi ro vùng nguyên liệu theo Tiêu chuẩn SBP
- Hội thảo Công nghệ giám định gỗ DART-TOFMS của Hoa Kỳ – Bước tiến giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp ở Việt Nam
- Sinh hoạt học thuật “Kỹ năng viết bài báo khoa học”.
Các tin khác
- Tổ chức Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp Viện cho NCS Nguyễn Toàn Thắng
- Hội thảo Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
- GS.TS Lê Đình Khả: Phượng tím có thể ra hoa quanh năm là hoàn toàn khả thi!
- Tối ưu hóa sản xuất gỗ ván từ rừng trồng - Báo Nông nghiệp Việt Nam
- Chò nâu phục vụ thâm canh rừng gỗ lớn – Báo Nông nghiệp Việt Nam