Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, ngày 18/12/2014 tại Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Xác định ưu tiên nghiên cứu phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp”. Tới dự và điều hành Hội thảo có Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội thảo đã đón tiếp hơn 90 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học lâm nghiệp trong và ngoài nước, và các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo tham luận về tình hình thực hiện chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp: các khoảng trống và thách thức; lĩnh vực ưu tiên và những vấn đề đặt ra cho nghiên cứu lâm nghiệp; thành tựu nghiên cứu lâm nghiệp…Các đại biểu nhất trí cho rằng, trong thời gian tới ngành lâm nghiệp cần tiếp tục tập trung vào công tác cải thiện giống, ứng dụng kỹ thuật thâm canh rừng, công nghiệp rừng và chế biến lâm sản, đồng thời tạo liên kết giữa các hộ trồng rừng hướng đến nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất từ sản phẩm gỗ nguyên liệu, công nghiệp chế biến đến khâu tiêu thụ…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, khoa học và công nghệ cũng như các nghiên cứu được áp dụng vào lĩnh vực lâm nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra là phải nâng cao chuỗi giá trị của hàng hóa lâm sản thông qua nâng cao năng suất và đảm bảo thị trường đầu ra tiêu thụ các mặt hàng lâm sản.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích: “Sản phẩm lâm nghiệp có chu kỳ dài, công tác nghiên cứu khoa học cũng phải đầu tư nhiều thời gian, để tạo ra 1 giống mới trong nước phải mất hàng chục năm, do vậy chúng ta phải tranh thủ tận dụng thành tựu khoa học của quốc tế để nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng vào Việt Nam. Đồng thời, phải nhanh chóng chuyển giao khoa học vào sản xuất đối với những tổ chức, cơ sở sản xuất chế biến, và có những giải pháp ưu tiên để những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị và ứng dụng ngay”.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Quát (Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Ngành lâm nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với ba thách thức lớn gồm: cơ cấu cây trồng và giống chưa được đa dạng hóa; thiếu nguồn nhân lực dẫn đầu; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ công lập khó có thể được thực hiện nếu không tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Nghiên cứu ưu tiên phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp cần hướng tới việc chọn tạo và phát triển giống thông qua việc nâng cao năng suất chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh cho nhóm cây chủ lực trồng rừng sản xuất; ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn giống như chuyển gen sinh trưởng và kháng bệnh, chọn tam bội, cấy phôi soma”.
Theo ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội thông qua năm 2013 và Nghị định 08 của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nghiên cứu với nhiều giải pháp mới, phục vụ thiết thực tái cơ cấu lâm nghiệp. Cùng với việc đổi mới chính sách và thể chế trong lâm nghiệp để tạo mối liên kết, mục tiêu nghiên cứu áp dụng khoa học cần ưu tiên vào phát triển rừng trồng gỗ lớn với năng suất cao và bền vững cho các loài cây chủ lực trồng rừng sản xuất; thâm canh rừng trồng sản xuất; chế biến, bảo quản các loài lâm sản gỗ có giá trị kinh tế và có tiềm năng phát triển; quản lý bền vững rừng tự nhiên. Liên kết các hộ trồng rừng hướng đến nâng cao chuỗi giá trị trong chuỗi sản xuất từ sản phẩm gỗ nguyên liệu, công nghiệp chế biến đến khâu tiêu thụ…
Buổi chiều các đại biểu đã thảo luận theo các nhóm, đó là các nhóm cải thiện giống, lâm sinh, lâm sản ngoài gỗ, công nghiệp rừng và kinh tế chính sách lâm nghiệp. Các nhóm đã thảo luận sôi nổi và đã đưa ra những ưu tiêu nghiên cứu cho từ lĩnh vực của nhóm. Các đại biểu nhất trí cho rằng trong thời gian tới ngành lâm nghiệp cần tiếp tục tập trung đầu tư cho chương trình nghiên cứu dài hạn như sau:
Công tác cải thiện giống là ưu tiên hàng đầu để chọn tạo ra những giống cây trồng tốt phục vụ đề án tái cơ cầu ngành lâm nghiệp. Các nghiên cứu ưu tiên cần tập trung nâng cao hơn nữa năng suất rừng trồng, chất lượng sản phẩm đầu ra, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh hại và môi trường khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra, nhưng chỉ chú trọng vào các loài cây trồng rừng chủ lực được ban hành tại quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ NN&PTNT; Khảo nghiệm mở rộng và hoàn thiện công nghệ nhân giống cho các giống tiến bộ kỹ thuật đã được công nhận; Ứng dụng hiệu quả những công nghệ tiên tiến vào công tác chọn tạo giống nhằm rút gắn thời gian chọn tạo giống cây lâm nghiệp và đẩy mạnh chuyển giao giống và công nghệ nhân giống phục vụ sản xuất.
Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật lâm sinh cần tập trung theo Rừng kinh doanh đa chức năng và Rừng kinh doanh gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Trong rừng kinh doanh đa chức năng, nghiên cứu tăng khả năng sản xuất gỗ và lâm sản khác, Bảo toàn nguồn gen và khả năng tự điều chỉnh của hệ sinh thái rừng; Bảo đảm duy trì và điều tiết các nhân tố cơ bản của sự sống cả về chất lượng và khối lượng (như nước, không khí, …); Đảm bảo thực hiện được các yêu cầu phòng hộ cần thiết và có cấu trúc rừng hấp dẫn về cảnh quan và giá trị thẩm mỹ. Trong rừng kinh doanh gỗ và lâm sản ngoài gỗ, các nghiên cứu cần áp dụng các công nghệ cao, các kỹ thuật thâm canh với cường độ mạnh (giống được cải thiện, làm đất cơ giới, bón phân); Khai thác trắng và trồng lại trên cơ sở quản lý tốt chu trình dinh dưỡng để bảo đảm bền vững năng suất cho các luân kỳ sau; Từ đó các đại biểu đã điều xuất thực hiện các nhóm đề tài nghiên cứu về xác định cơ sở lâm học xác định lâm phận ổn định theo các nhóm chức năng rừng (đa mục đích, rừng thương mại gỗ lớn); xác định cơ sở và lợi thế sinh thái để quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp để khuyến nghị các lựa chọn cho nhà quản lý; Cơ sở lâm học để quản lý rừng đa chức năng (lâm phận phải ổn định); Nghiên cứu cơ sở lâm sinh để thâm canh rừng trồng hướng gỗ lớn (quản lý lập địa, kỹ thuật lâm sinh trong thiết lập, nuôi dưỡng,…) chuyên đề theo loài cụ thể; và Sử dụng các chế phẩm sinh học để tăng năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh và thân thiện môi trường.
Nghiên cứu phát triển lâm sản ngoài gỗ cần có những nghiên cứu tổng thể theo liên kết chuỗi từ chọn tạo giống nâng cao năng suất chất lượng; Kỹ thuật thâm canh; Thu hoạch và công nghệ sau thu hoạch; và Chính sách và thị trường về LSNG. Nhóm cũng đề xuất cần thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học như sau phục vụ đề án tái cơ cầu ngành lâm nghiệp: nghiên cứu các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm của nhóm loài cây thủ công mỹ nghệ (như các loài (Mây nếp, Song bột, Trúc sào, Luồng, Lùng); nhóm dược liệu (Sa nhân, Ba kích, Địa liền; Nấm linh chi; Đông trùng hạ thảo); nhóm gia vị và thực phẩm (Quế, Hồi, Thảo quả, Bương mốc, Mai xanh, Maccadamia); và nhóm loài cây cho tinh dầu và nhựa (Thông nhựa, Trám trắng, Dó bầu, Bời lời đỏ, Tràm);
Nghiên cứu kinh tế chính sách lâm nghiệp cần tập trung vào các lĩnh vực nhằm nâng cao năng xuất và chất lượng rừng trồng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ, và phát triển kinh tế hợp tác và liên kết. Các đại biểu cũng đã đề xuất một số nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể cần thực hiện ngay để phục vụ đề án như sau: nghiên cứu chính sách tín dụng để hỗ trợ phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn quy mô nhỏ và hộ gia đình; Chính sách liên doanh liên kết để phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn; Xây dựng chính sách thí điểm mô hình cổ phần hóa Công ty Lâm nghiệp trồng rừng, Nhà nước không nắm cổ phần chi phối; Nghiên cứu hiệu quả kinh tế chuyển hóa và rừng trồng gỗ lớn; Nghiên cứu kết mô hình liên kết dọc, lấy doanh nghiệp chế biến gỗ làm trung tâm; Nghiên cứu hình thành mô hình hiệp hội chủ rừng nhỏ
Kết luận tại Hội thảo, ông Võ Đại Hải Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đã nêu rõ nghiên cứu áp dụng khoa học cần ưu tiên vào phát triển rừng trồng gỗ lớn với năng suất cao và bền vững cho các loài cây chủ lực trồng rừng sản xuất; thâm canh rừng trồng sản xuất; chế biến, bảo quản các loài lâm sản gỗ có giá trị kinh tế và có tiềm năng phát triển; quản lý bền vững rừng tự nhiên. Liên kết các hộ trồng rừng hướng đến nâng cao chuỗi giá trị trong chuỗi sản xuất từ sản phẩm gỗ nguyên liệu, công nghiệp chế biến đến khâu tiêu thụ…Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sẽ cụ thể hóa hơn nữa những đề xuất ưu tiên nghiên cứu của các đại biểu và xác định rõ lộ trình thực hiện các ưu tiên này và trình Bộ NN&PTNT trong thời gian sớm nhất.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"