Hội thảo thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực và kiến thức để áp dụng các thực hành quản lý rừng cải tiến cho các công ty lâm nghiệp và chủ rừng quy mô nhỏ ở Việt Nam”

Ngày 31/8/2021, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo thực hiện dự án “Nâng cao năng lực và kiến thức để áp dụng các thực hành quản lý rừng cải tiến cho các công ty lâm nghiệp và chủ rừng quy mô nhỏ ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Lương thực CHLB Đức (BMEL) tài trợ. Mục tiêu của Hội thảo là giới thiệu mục tiêu, nội dung và các kết quả dự kiến của dự án, đồng thời thảo luận về các giải pháp và tiến trình thực hiện dự án.

Tham gia hội thảo có hơn 40 đại biểu là đại diện của BMEL/GFA; các cơ quan và các tổ chức như Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Hợp tác quốc tế; chi cục Kiểm lâm, ban quản lý dự án các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi; đại diện một số tổ chức quốc tế như GFA, GIZ, FSC; đại diện các hội chủ rừng, hợp tác xã, công ty lâm nghiệp, dự án MCNV; các chuyên gia, nhà khoa và các đối tác thực hiện dự án.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, và ông Christian Aschenbach, đại diện BMEL/GFA, đều nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của Dự án trong việc hỗ trợ thúc đẩy quản lý rừng bền vững tại Việt Nam. Dự án thực hiện phù hợp với mục tiêu chiến lược của Việt Nam và Cộng hòa Liên Bang Đức.

Các ý kiến tại hội thảo cho rằng thực hiện dự án có đóng góp quan trọng trong tiến trình thực hiện quản lý rừng bền vững ở Việt Nam, đặc biệt là việc xây dựng năng lực cho các chủ rừng, trong đó cần ưu tiên xây dựng năng lực cho các chủ rừng quy mô nhỏ thông qua các hội chủ rừng, hợp tác xã. Xây dựng năng lực cho các chủ rừng cần đa dạng về phương thức đào tạo và hướng tới đào tạo theo nhu cầu của các chủ rừng và các bên liên quan. Mô hình trình diễn về quản lý rừng bền vững cần được xây dựng để trình diễn các kỹ thuật lâm sinh và quản lý rừng tốt nhất phục vụ công tác đào tạo, chuyển giao có hiệu quả.

Kết luận hội thảo, GS.TS. Võ Đại Hải nhấn mạnh dự án cần linh động trong triển khai các hoạt động dự án, đặc biệt xem xét bối cảnh dịch bệnh covid-19. Cần huy động các nguồn lực chuyên gia trong nước để đảm bảo tiến độ dự án; ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến, cập nhật và hoàn thiện các tài liệu đào tạo phù hợp với đối tượng đào tạo, nhất là các chủ rừng quy mô nhỏ; hoàn thiện đề xuất và triển khai xây dựng mô hình trình diễn. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền và mở rộng các đối tác tiến tới đảm bảo tự chủ về tài chính trong hoạt động đào tạo, tư vấn về quản lý rừng bền vững./.

HTQT

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]