Ngày 26/6/2020 tại Hà Nội, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ Lâm nghiệp: Thành tựu và định hướng phát triển”. Hội thảo này là một trong các hoạt động của Đề án tổ chức chuỗi các sự kiện về Lâm nghiệp Việt Nam – 75 năm hình thành và phát triển nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được và đề xuất các định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 để thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng toàn diện và bền vững.
Chủ trì hội thảo là ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và PTNT; Tổng cục Lâm nghiệp; Bộ Khoa học Công nghệ; Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia; Trường Đại học Lâm nghiệp; Viện Điều Tra Quy hoạch rừng; Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp; Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh và Lạng Sơn; Sở Khoa học Công nghệ các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh; các tổng công ty, doanh nghiệp; Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam; Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam; Hội chủ rừng Việt Nam; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan truyền thông.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại Hội thảo Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao công nghệ lâm nghiệp
Các bài trình bày và tham luận tại Hội thảo đã đề cập đến các kết quả và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển ngành Lâm nghiệp bao gồm các lĩnh vực giống cây lâm nghiệp, kỹ thuật lâm sinh, chế biến lâm sản, điều tra rừng, gắn kết nghiên cứu và đào tạo, hợp tác lâm nghiệp giữa Việt Nam và Úc. Hội thảo khẳng định khoa học và công nghệ có vai trì quan trọng trong phát triển ngành Lâm nghiệp. Trong 10 năm qua, những thành tựu đạt được của Ngành lâm nghiệp có sự đóng góp rất quan trọng của khoa học công nghệ Lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn và miền núi. Các kết quả quan trọng của Ngành Lâm nghiệp trong 10 năm qua gồm:
Thứ nhất: Diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng, từ 39,5% năm 2010 lên 41,89% năm 2019; đặc biệt diện tích và chất lượng rừng trồng được cải thiện đáng kể và hiện đang cung cấp khoảng 20 triệu m3 gỗ hàng năm cho chế biến gỗ; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp trong giai đoạn 2010-2019 bình quân đạt trên 5%/năm;
Thứ hai: Ngành chế biến gỗ tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ, giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản tăng từ 3,3 tỷ đô la năm 2010 lên 11,3 tỷ đô la trong năm 2019; hiện có hơn 3.500 doanh nghiệp chế biến gỗ;
Thứ ba: Thể chế, chính sách đã có nhiều thay đổi mang tính đột phá, điển hình là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với doanh thu năm 2019 đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong thực hiện xã hội hóa nghề rừng, giảm chi ngân sách; Luật Lâm nghiệp 2017 đã có những thay đổi cơ bản, trong đó nhấn mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ môi trường rừng;
Mặc dù kết quả đạt được là rất to lớn và đáng khích lệ, tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục phát huy các thành tựu đã có và đẩy nhanh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ Lâm nghiệp nhằm tạo ra sự đột phá trên tất cả các mặt của hoạt động sản xuất lâm nghiệp – đó là nâng cao giá trị gia tăng của ngành lâm nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn đánh giá cao các nỗ lực của các cơ quan quản lý, các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và các bên liên quan đã có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển ngành Lâm nghiệp. Trong bối cảnh Bộ đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của khoa học công nghệ lâm nghiệp để đưa ra các định hướng phù hợp nhằm đẩy nhanh phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bao gồm cả các giá trị sinh thái, đa dạng sinh học. Thứ trưởng đưa ra một số gợi mở về định hướng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ như sau:
- Tiếp tục nghiên cứu khoa học công nghệ cơ bản, bao gồm: nghiên cứu về công nghệ gen trong chọn tạo giống để tạo ra các giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất và chất lượng cao; các nghiên cứu cơ bản về các hệ sinh thái rừng, đặc biệt là hệ sinh thái rừng tự nhiên; các nghiên cứu về dịch bệnh và giải pháp quản lý dịch bệch, v.v;
- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bao gồm quy chuẩn hóa thâm canh các cây trồng chủ lực, công nghệ trong khai thác, chế biến và bảo quản lâm sản; ứng dụng các công nghệ mới (viễn thám) trong điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; cần ứng dụng trong thúc đẩy, theo dõi quản lý rừng bền vững và truy suất nguồn gốc gỗ; phòng cháy chữa cháy, v.v;
- Thực hiện các nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý ngành lâm nghiệp, gồm theo dõi, giám sát và dự báo phát triển ngành lâm nghiệp; khoa học về điều tra, thống kê; tổ chức ngành lâm nghiệp trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế (tái cơ cấu sản xuất); quy hoạch tích hợp quốc gia và quy hoạch ngành, v.v;
Trên cơ sở các định hướng nghiên cứu, các cơ quan quản lý và các bên liên quan cần xác định các trọng tâm ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Một số giải pháp thực hiện chính đề xuất gồm:
- Rà soát xây dựng chiến lược gắn với dự báo, có tầm nhìn chiến lược hướng đến một nền lâm nghiệp bền vững;
- Các đơn vị cần rà soát và xây dựng chiến lược phát triển gắn với các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước; cần tìm tòi, sáng tạo để có thể tiến tới tự chủ cao, gắn với doanh nghiệp và người dân;
- Đẩy mạnh mở rộng liên doanh, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp trong sản xuất;
- Xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp. Các cơ chế chính sách cần tạo động lực để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Nghiên cứu khoa học cơ bản cần có sự đầu tư từ Nhà nước, nhưng nghiên cứu phát triển và ứng dụng sẽ tiến tới xã hội hóa;
- Xây dựng các cơ chế, chính sách đào tạo chuyên gia đầu ngành; cơ chế giám sát đánh giá trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tê để thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế; tiếp cận, chia sẻ và ứng dụng các kiến thức và tiến bộ khoa học của cộng đồng quốc tế;
Hội thảo đã thảo luận về định hướng nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Các ý kiến gồm:
- Cần đánh giá toàn diện kết quả đạt được và tổng kết các bài học kinh nghiệm;
- Cần đặt ra mục tiêu cụ thể về đóng góp của khoa học công nghệ lâm nghiệp trong phát triển ngành;
- Cần có sự thay đổi về nhận thức về vai trò của ngành lâm nghiệp trong đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu;
- Phát triển lâm nghiệp đô thị, lâm viên trong bối cảnh đô thị hóa tăng nhanh và nhu cầu mảng xanh tại đô thị;
- Nâng cao chất lượng rừng, bao gồm rừng tự nhiên và rừng trồng đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia;
- Đẩy mạnh cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp; tiếp cận thông tin và ứng dụng giống mới và tiến bộ kỹ thuật;
- Tạo đột phá trong phát triển, chuyển từ phát triển theo chiều rộng theo chiều sâu, đặc biệt nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến gỗ;
- Cần tạo môi trường và động lực để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ lâm nghiệp; gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất;
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản (hệ sinh thái rừng, tính chất gỗ, đất, lập địa, vv);
- Cần có giải pháp tổng thể (chính sách, khoa học công nghệ, đầu tư, vv) để thúc đẩy phát triển và nâng cao năng suất và chất lượng rừng, đặc biệt là rừng trồng;
- Đang dạng hóa cơ cấu cây trồng phù hợp với các vùng sinh thái, địa phương; phát triển cây phân tán;
- Tăng cường quản lý hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, bao gồm quản lý giống, sâu bệnh hại và kỹ thuật thâm canh.
Tổng kết hội thảo, GS. TS. Võ Đại Hải cho rằng trong 10 năm qua, khoa học công nghệ lâm nghiệp đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển ngành lâm nghiệp, góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội. Các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các ý kiến góp ý trong phiên thảo luận là các thông tin tham khảo quan trọng trong quá trình xây dựng định hướng nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ Lâm nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Thay mặt ban tổ chức Hội thảo, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam gửi lời cảm ơn trân thành tới Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn, các cơ quan liên quan đã quan tâm hỗ trợ tổ chức thành công hội thảo. Cảm ơn tất cả các quý vị đại biểu đã dành thời gia tham gia và đóng góp cho hội thảo.
KH, ĐT và HTQT
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác với Tổng công ty Giấy Việt Nam về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp.
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác với Tập đoàn Tân Mai về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Đại hội Đảng bộ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025
- Thông báo tuyển chuyên gia tư vấn
- Ký kết phối hợp giữa UBND Tỉnh Quảng Ninh với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 -2025, định hướng năm 2030.
- Nghiên cứu sinh Nông Phương Nhung bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Viện
- Hội đồng nghiệm thu tổng kết cấp cơ sở dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ: “Sản xuất thử nghiệm các giống TBKT Keo lai (AH1, AH7), Keo Lá tràm (AA1, AA9), Bạch đàn lai (UE24, UE27) có năng suất cao đã được công nhận trên líp và bờ bao tại vùng Tứ Giác Long Xuyên, nhằm cung cấp nguyên liệu cho chế biến ván nhân tạo”.