Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu giải pháp quản lý tổng hợp bệnh tua mực hại cây quế tại tỉnh Quảng Nam và vùng phụ cận

Thực hiện Quyết định số: 140/QĐ-KHLN-KH ngày 20 tháng 4 năm 2023 của của Giám đốc Viện về việc Thành lập Hội đồng Khoa học Công nghệ. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu tổng kết đề tài KHCN cấp Quốc gia: Nghiên cứu giải pháp quản lý tổng hợp bệnh tua mực hại cây quế tại tỉnh Quảng Nam và vùng phụ cận; Mã số 34/2018-ĐTĐL.CN-ĐP; Chủ nhiệm: TS. Đào Ngọc Quang.

Mục tiêu:

– Xác định được tác nhân gây bệnh, điều kiện phát sinh, phát triển và mức độ gây hại của bệnh tua mực trên cây Quế tại tỉnh Quảng Nam và vùng phụ cận.

– Đề xuất được biện pháp quản lý tổng hợp (IPM) bệnh tua mực trên cây Quế và chuyển giao, áp dụng có hiệu quả tại địa phương.

Nội dung

Nội dung 1: Đánh giá tình hình gây hại và phân bố của bệnh tua mực hại cây Quế tại tỉnh Quảng Nam và vùng phụ cận

Nội dung 2: Nghiên cứu xác định các nguyên nhân gây bệnh tua mực hại cây Quế

Nội dung 3: Nghiên cứu các giải pháp Khoa học công nghệ để quản lý tổng hợp bệnh tua mực hại cây Quế

Nội dung 4: Xây dựng mô hình thử nghiệm và chuyển giao quy trình quản lý tổng hợp (IPM) bệnh tua mực ở rừng trồng Quế hiện có, quy trình sản xuất cây giống Quế sạch bệnh tua mực và quy trình trồng mới, chăm sóc và quản lý tổng hợp (IPM) cây Quế sạch bệnh tua mực

Kết quả đạt được:

Điều tra, đánh giá tình hình bệnh tua mực gâu hại cây Quế ở rừng trồng và vườn ươm ở 4 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn (Quảng Nam) và huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi):

Triệu chứng điển hình của cây Quế bị bệnh tua mực là trên thân, cành, cuống lá và gân lá xuất hiện các u bướu sần sùi, sau đó mọc ra các tua dài hoặc phát triển những cụm chồi mọc bất thường. Một số trường hợp xuất hiện cả tua mực và cụm chồi mọc bất thường trên cùng một cây, thậm chí trên cùng một vị trí. Cây bị bệnh thường còi cọc, chậm phát triển, nếu bệnh nặng cây có thể bị chết.

Các rừng trồng quế ở độ cao trên 600 m so với mực nước biển có xu hướng ít bị bệnh hơn so với rừng trồng ở độ cao thấp hơn và đặc biệt rừng trồng ở những nơi có độ cao <300 m bị bệnh nặng hơn rõ rệt.

Bệnh tua mực gây hại ở tất cả các cấp tuổi rừng trồng Quế, trong đó rừng trồng ở cấp tuổi 2 có tỷ lệ bị bệnh (80,03%) và chỉ số bị bệnh (1,61) cao nhất, đặc biệt ở 2 huyện Nam Trà My (Quảng Nam) và Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Bệnh tua mực gây hại ở trên cây con từ 3 tháng tuổi và xuất hiện rải rác ở tất cả các địa phương. Trong đó tỷ lệ bị bệnh tua mực trên cây con tại các vườn ươm quế ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam (15,99%) và Trà Bồng, Quảng Ngãi (17,42%) nặng hơn các địa phương khác.

81,5% lô hạt bị nhiễm bệnh tua mực quế với tỷ lệ bị bệnh từ 3,33 – 13,33%. Trong đó tỷ lệ bị bệnh và chỉ số bệnh tua mực trung bình trên các cây con được tạo từ các mẫu hạt ở huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi là 8,21%, cao hơn các địa phương khác (tỷ lệ bị bệnh trung bình 4,44%).

Xác định được nguyên nhân gây bệnh và véc tơ truyền bệnh tua mực hại cây Quế:

Nguyên nhân gây bệnh tua mực trên cây Quế tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi được xác định do Cinnamomum cassia witches’ broom phytoplasma. Các mẫu phytoplasma từ các cây bị bệnh tua mực đều có tính gây bệnh từ trung bình đến rất mạnh trên cây Quế ở giai đoạn 1 năm tuổi. Điều kiện nhiệt độ 25±2oC, độ ẩm 90±5% phù hợp nhất cho phytoplasma gây bệnh phát triển và gây tua mực trên cây con.

Xác định được 3 loài côn trùng thuộc nhóm chích hút là véc tơ lây bệnh tua mực quế: Rệp sáp Icerya aegyptiaca (Douglas, 1890), Rệp sáp bông Icerya seychellarum (WestWood, 1855) và Rệp sáp vảy Aulacaspis tubercularis (Newstead, 1906). Đã xác định được đặc điểm sinh học, sinh thái của ba loài rệp là véc tơ truyền bệnh làm cơ sở cho việc phòng trừ các loài côn trùng này.

Xác định được các giải pháp khoa học quản lý bệnh tua mực hại cây Quế:

Biện pháp lâm sinh (tỉa thưa, loại trừ nguồn bệnh, dọn thực bì, bón phân, xới vun gốc) áp dụng cho các rừng trồng với mật độ 1.000 – 2.000 cây/ha có hiệu quả rõ rệt trong phòng trừ côn trùng là véc tơ truyền bệnh tua mực và bệnh tua mực quế.

Bẫy dính màu vàng có hiệu quả cao nhất trong phòng trừ côn trùng là véc tơ truyền bệnh tua mực ở cả vườn ươm và rừng trồng. Chế phẩm Beauveria bassiana và thuốc sinh học hoạt chất Flupyradifurone có hiệu lực trừ côn trùng là véc tơ truyền bệnh tua mực rất tốt, đều đạt trên 70% sau 9 ngày phòng trừ và có thể sử dụng để phòng trừ côn trùng là véc tơ truyền bệnh tua mực cho rừng trồng. Thuốc hóa học Cypermap 25EC và Nugor super 450EC có tác dụng để phòng trừ các loài côn trùng là véc tơ truyền bệnh tua mực khi có dịch.

Thuốc hóa học có thành phần streptomycin và tetracycline có khả năng ức chế mạnh đối với phytoplasma gây bệnh tua mực. Sử dụng hạt giống Quế thu từ những cây mẹ sạch bệnh tua mực và xử lý hạt bằng dung dịch tetracycline 1% trước khi gieo.

03 quy trình đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam nghiệm thu, thông qua và ban hành để các đơn vị trong tỉnh áp dụng triển khai mở rộng trong quá trình trồng Quế: Quy trình quản lý tổng hợp (IPM) bệnh tua mực ở rừng trồng Quế hiện có; Quy trình sản xuất cây giống Quế sạch bệnh tua mực; Quy trình trồng mới, chăm sóc và quản lý tổng hợp cây Quế sạch bệnh tua mực.

Xây dựng các mô hình và tập huấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu:

Mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh tua mực hại cây Quế trên rừng có sẵn đã đạt hiệu quả trên 83% so với đối chứng. Cây sinh trưởng tốt và được sử dụng làm mô hình điểm để phổ biến kỹ thuật cho các đơn vị và người dân trồng Quế.

50.000 cây con trong mô hình sản xuất cây giống Quế sạch bệnh đảm bảo hoàn toàn sạch bệnh tua mực phục vụ trồng mô hình trồng mới của đề tài và cung cấp ra thị trường.

Mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh tua mực hại cây quế trên rừng trồng mới đã đạt hiệu quả trên 80% so với đối chứng.

Đề tài đã tổ chức được 3 lớp tập huấn (quy mô 100 người/lớp) với sự tham gia của các cán bộ Phòng Nông nghiệp, Hạt Kiểm lâm, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các đơn vị và người dân trồng Quế tại Nam Trà My, Bắc Trà My (Quảng Nam) và Trà Bồng (Quảng Ngãi). Thông qua đó đã chuyển giao được các Quy trình quản lý tổng hợp bệnh tua mực ở rừng trồng Quế hiện có; Quy trình sản xuất cây giống Quế sạch bệnh tua mực; và Quy trình trồng mới, chăm sóc và quản lý tổng hợp (IPM) cây Quế sạch bệnh tua mực. Qua đó sẽ góp phần cung cấp thêm thông tin để người dân quản lý hiệu quả bệnh tua mực hại cây Quế tại địa phương.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]