Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”.

 

Sáng ngày 22/02/2019, tại thủ đô Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 – Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”. 

Tham dự diễn đàn và chủ trì cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – ông Trần Hồng Hà; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành khác…

Tham dự diễn đàn còn có khoảng 600 đại biểu đại diện các Bộ, Ngành, Trung ương, Địa phương và một số đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị – xã hội, các hiệp hội và hơn 300 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu.

Đoàn đại biểu Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tham dự diễn đàn có PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Viện cùng với hơn 30 cán bộ đại diện lãnh đạo, các nhà khoa học và cán bộ một số đơn vị trong Viện.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Trường đã báo cáo kết quả ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ lâm sản năm 2018. Theo bộ trưởng, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,3 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản ngày càng được mở rộng, đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng đáp ứng thị hiếu phong phú của người tiêu dùng, chủ yếu là đồ gỗ nội thất chất lượng cao, sản phẩm đồ gỗ ngoại thất.

Thành tựu sau hơn 30 năm đổi mới, ngành lâm nghiệp đã chủ động chuyển dần từ nền lâm nghiệp nhà nước dựa trên chế độ công hữu tài nguyên rừng, lấy khai thác lâm sản từ rừng tự nhiên là nguồn thu chính sáng nền lâm nghiệp xã hội với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Từ hiệu quả của chủ trương xã hội hoá nghề rừng, chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến nay, tỷ trọng nguyên liệu chế biến gỗ trong nước đã đạt 76,4%, nhập khẩu giảm xuống ở tỷ lệ 23,4%. Năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa đạt 28,45 triệu m3. Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đã từng nước được nâng lên, liên kết chuỗi từ công tác chọn tạo giống, trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng để trồng gỗ lớn khoảng 290 nghìn ha. Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trên 220 nghìn ha. Đây là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia, tự hào dân tộc.

Cùng với đó, năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng và tính thẩm mỹ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, cả nước có 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó có 95% là doanh nghiệp tư nhân, 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam được thiết kế tỉ mỉ, đẹp mắt, được các thị trường khó tính chấp nhận. Chúng ta có quyền tự hào khi sản phẩm đồ gỗ được sản xuất từ nguyên liệu rừng trồng, đứng trên chính đôi chân của mình. Sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất siêu lớn là thành quả của ngành lâm nghiệp Việt Nam. 

                                                      Thủ tướng chính phủ phát biểu tại Diễn đàn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nếu sản xuất, chế biến đồ gỗ chỉ dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì chưa thể phát huy được thế mạnh cho việc trồng rừng. Và như vậy, việc phát triển của ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ chưa thể mang nhiều ý nghĩa. Thủ tướng đã đặt hàng cho Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành, địa phương trong 10 năm tới, liệu ngành nông nghiệp Việt Nam có phấn đấu nằm trong top 15 nước xuất khẩu nông nghiệp thế giới hay không, Việt Nam sẽ chiếm bao nhiêu thị phần xuất khẩu đồ gỗ toàn cầu?

Chỉ ra những hạn chế, bất cập của ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các doanh nghiệp, các bộ ngành không chỉ tập trung sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu ra thế giới mà cần có sự quan tâm đúng mức, đáp ứng nhu cầu thị trường đồ gỗ trong nước. Cùng với đó, vấn đề liên kết xây dựng chuỗi giá trị của ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ phải được quan tâm.

Với mong muốn biến Việt Nam thành công xưởng sản xuất, chế biến đồ gỗ của thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ NN&PTNT, ngành lâm nghiệp và chính quyền các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng nguồn nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng phục vụ sản xuất chế biến, xuất khẩu. Về kỹ thuật công nghệ, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đổi mới thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu mã sản phẩm đồ gỗ đẹp, đa dạng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Một vấn đề nữa được Thủ tướng gợi mở, đó là cần phải tiếp tục củng cố vùng nguyên liệu, làm sao để có vùng nguyên liệu đủ lớn, hợp pháp từ rừng trồng để phục vụ sản xuất để liên tục xuất siêu ở mức cao. Ngoài ra “Vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản cần nâng cấp, ứng dụng mới khoa học công nghệ cao, cần đổi mới thiết bị sản xuất để thiết kế mẫu mã, mỹ thuật và tận dụng tối đa nguyên liệu để làm ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Các viện, các trường, các xưởng cơ khí chúng ta nên tự động hóa, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 trong sản xuất đồ gỗ xuất khẩu”  – Thủ tướng nhấn mạnh tại diễn đàn.

Thủ tướng thăm sản phẩm nuôi cấy mô các loài cây trồng rừng chủ lực trong gian hàng giới thiệu sản phẩm nghiên cứu của Viện.

Để giải quyết những vấn đề trên, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự diễn đàn cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản để cùng thảo luận và khắc phục, đó là: Nhà nước đã có cơ chế, đầu tư xứng đáng với tiềm năng lợi thế của ngành chưa, nhất là hạ tầng lâm sinh; Chính sách tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến để làm sao tạo điều kiện để người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu; Vấn đề công nghệ trồng rừng, chế biến và năng lực quản trị doanh nghiệp của chúng ta còn rất nhiều hạn chế, thậm chí còn ở quy mô nhỏ, lạc hậu, trình độ quản lý chưa cao và hiệu quả còn thấp.

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và cả thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức, chúng ta có nhiều thương hiệu gỗ, lâm sản Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu thì còn phải thông qua đối tác nước ngoài nên hiệu quả giá trị được nhận còn thấp. Chúng ta còn trăn trở, khi nhiều sản phẩm hoàn toàn có thể sản xuất được, đáp ứng được mà vẫn phải nhập khẩu do không có thương hiệu nên khó cạnh tranh ngay cả thị trường trong nước.

Đặc biệt một số lâm sản kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế,  hồi,…và nhiều sản phẩm dưới rừng chưa phát huy, chúng ta xuất khẩu được ít vì chưa xây dựng được thương hiệu với thị trường nước ngoài và khâu chế biến chưa tốt; Việc thực thi pháp luật để bảo vệ và phát triển rừng, lâm sản còn nhiều bất cập,  nhất là có những điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép. Việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp còn chậm, nhiều vướng mắc, tranh chấp đất rừng còn gay gắt, chưa được xử lý dứt điểm.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị, về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản năm 2019 là 11 tỷ USD, Thủ tướng cho là quá thấp. “Các đồng chí phải có giải pháp để vượt mức con số này, đóng góp vào sản phẩm xuất khẩu lâm nghiệp của Việt Nam”.

“Tôi mong diễn đàn dành thời gian thảo luận vấn đề này, làm thế nào để đưa Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới. Đây là một câu hỏi rất lớn chứ không phải nhỏ lẻ, đơn điệu, vì không thể chỉ xuất khẩu được trên dưới 10 tỷ USD là chúng ta đã thỏa mãn rồi” – Thủ tướng nói.

Một số hình ảnh về các sản phẩm nghiên cứu của Viện tại Diễn đàn:

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]