Đánh giá một số mô hình trồng rừng hỗn loài ở các tỉnh phía Bắc
Hoàng Văn Thắng, Nguyễn Bá Chất, Vũ Đức Năng
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Tính đến hết năm 2004, cả nước đã trồng được 2.218.570ha rừng tập trung [3] với hơn 40 loài cây, kể cả các loài cây nhập nội và cây bản địa. Trong đó các loài Bạch đàn, Keo, Thông, Mỡ, Bồ đề … chiếm hơn 60% tổng diện tích. Những năm gần đây ngành lâm nghiệp đã có chủ trương xây dựng, phát triển trồng rừng hỗn loài trên quy mô rộng, nổi bật là chương trình trồng rừng 327 và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Hàng năm, ở các vùng đã tạo lập được nhiều mô hình trồng rừng hỗn loài. Tuy vậy, một số mô hình đã không đạt định hướng ban đầu, chỉ còn ít loài tồn tại và sinh trưởng kém. Việc thành, bại trong trồng rừng hỗn loài thuộc các chương trình trên chưa được xem xét đầy đủ để có những bài học cần thiết. Vì thế đánh giá tổng kết các mô hình trồng rừng hỗn loài đã có để đúc rút kinh nghiệm là rất cần thiết.
1. Mục tiêu
Đánh giá kết quả một số mô hình trồng rừng hỗn loài đã có nhằm đúc rút kinh nghiệm cho việc xây dựng mô hình rừng trồng hỗn loài bằng các loài cây lá rộng bản địa ở các tỉnh phía Bắc.
2. Đối tượng và địa điểm
Các mô hình rừng trồng hỗn loài ở một số tỉnh phía Bắc: Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Hà Tây và Nghệ An.
3. Nội dung:
Điều tra, đánh giá một số mô hình rừng trồng hỗn loài trong sản xuất, nghiên cứu và các mô hình khác theo các nội dung: Chọn lập địa, phương thức và phương pháp hỗn loài; tình hình sinh trưởng của các mô hình; cách xử lý thực bì và các biện pháp tác động …
4. Phương pháp
– Áp dụng phương pháp kế thừa có chọn lọc các tài liệu đã có.
– Sử dụng phương pháp điều tra theo ô tiêu chuẩn điển hình. Mỗi mô hình lập 3 ô tiêu chuẩn, mỗi ô đảm bảo tối thiểu 30 cây/loài. Trong mỗi ô thu thập các chỉ tiêu D1.3, Hvn, Dt, sức sinh trưởng, tình hình sâu bệnh hại, tình hình xử lý thực bì và các biện pháp tác động.
5. Kết quả
Kết quả điều tra, đánh giá mô hình rừng trồng hỗn loài ®îc tiÕn hµnhtõ 2000-2004 được tổng hợp theo các mô hình sau:
5.1. Các mô hình rừng trồng hỗn loài trong chương trình 327.
Theo quyết định số 556/TTg đã quy định: “Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn là trồng rừng hỗn giao theo sinh thái nhiều tầng gồm nhiều loài cây rừng bản địa gỗ quý, chủ yếu lấy giống từ rừng nguyên sinh với mật độ bình quân 1600 cây/ha. Trong đó 40% là các loài cây bản địa và 60% cây phù trợ, kể cả cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản lâu năm” [1]. Dựa vào kinh nghiệm sản xuất, các Sở Nông nghiệp, Ban quản lý dự án 327 căn cứ những quy định kỹ thuật của chương trình để chọn đối tượng đất, cây trồng và phương thức trồng. Các loài cây được sử dụng rất đa dạng, gồm cả cây mọc nhanh, cây mọc chậm; cây lá rộng, cây lá kim; cây bản địa, cây nhập nội …
Theo tài liệu kiểm kê rừng năm 1999 [2], chương trình 327 đã trồng được 172.875ha rừng hỗn loài, với các loài cây trồng rừng chính: Bồ đề, Mỡ, Sao dầu, Thông, Keo, Muồng … và các loài cây hỗ trợ khác. Loài cây bạn có khi 2, 3 loài tạo nên các mô hình hỗn loài khác nhau. Chủ yếu các mô hình rừng hỗn giao chỉ có 2 loài. Các phương thức hỗn loài đã được các địa phương sử dụng là: Hỗn loài giữa các cây trong hàng, hỗn loài giữa các hàng với nhau và hỗn loài theo đám.
Hầu hết các địa phương đều áp dụng phương pháp trồng rừng hỗn loài theo hàng. Các phương thức trồng được bố trí một cách ngẫu nhiên. Lập địa trồng rừng, cấu trúc lâm phần, chọn loài cho mô hình và các đặc tính sinh thái của loài cây chưa được chú ý đầy đủ. Do các loài cây có nhu cầu sinh thái khác nhau nhưng lại được áp dụng chung một phương thức gây trồng nên chưa thật sự hợp lý. Một số địa phương xác định đất trồng không phù hợp (quá xấu) lại không có biện pháp trồng cây phù trợ. Việc xử lý thực bì được thực hiện một cách đơn giản và chỉ tiến hành chăm sóc trong 2 năm đầu thông qua việc phát cây bụi và xới quanh gốc cây trồng. Vì thế cây trồng trong mô hình sinh trưởng chậm, kết quả trồng rừng chưa cao. Điều này được thể hiện qua sự sinh trưởng của các mô hình hiện tại. Phần lớn các mô hình trồng rừng hỗn giao thường sử dụng cây Keo làm cây phù trợ. Đây là loài cây chịu được đất xấu, dễ trồng nhưng có tốc độ sinh trưởng nhanh gấp 3-4 lần một số loài cây bản địa trong những năm đầu. Trong khi đó quy định về mật độ khiến cho cự ly trồng giữa các hàng cây bản địa và cây phù trợ quá gần (2.5- 3m). Hầu hết các mô hình sau 2, 3 năm trồng các loài cây chính đều bị cây bạn (Keo tai tượng, Keo lá tràm) lấn át. Điều này được chứng minh qua số liệu sinh trưởng của các loài trong bảng sau.
Bảng 1. Sinh trưởng các loài cây trồng 6 tuổi ở Lập Thạch, Phú Thọ
Loài cây | D1.3
(cm) |
H
(m) |
Tăng trưởng bình quân chung | Dt
( m) |
|
D1.3 (cm) | H ( m) | ||||
Muồng | 7.0 | 5.9 | 1.2 | 1.0 | 1.5 |
Lim xanh | 5.1 | 4.6 | 0.8 | 0.8 | 1.2 |
Lim xẹt | 5.2 | 4.3 | 0.9 | 0.7 | 1.3 |
Keo | 15.4 | 11.2 | 2.6 | 1.9 | 3.0 |
Trong mô hình trên các loài cây được trồng cùng một thời điểm, với phương pháp hỗn loài theo hàng. Cự ly cây 2m, cự ly hàng 3m. Tại thời điểm đo đếm (6 tuổi), Keo có đường kính tán lá 3m đã che kín các loài. Chiều cao các loài cây chính chỉ bằng 40 -60% chiều cao cây phù trợ. Rõ ràng với phương thức hỗn loài theo hàng như trên, cây trồng chính bị chèn ép, tốc độ sinh trưởng kém.
Mặt khác trong quy định của nhiều địa phương quyền lợi của người xây dựng rừng được hưởng các sản phẩm từ các loài cây phù trợ. Vì vậy đối với người dân ở một số vùng cây phù trợ trở thành cây trồng chính. Do đó các chủ rừng chỉ tỉa thưa cây phù trợ khi nó đã trở thành hàng hoá. Do vậy không thể tạo điều kiện tốt nhất cho loài cây chính sinh trưởng. Trên thực tế chỉ có cây phù trợ sinh trưởng tốt còn hầu hết các loài cây bản địa còn lại với mật độ rất thấp (200 -300 cây/ha) và sinh trưởng kém.
Tuy nhiên, cũng với các quy định trồng rừng theo chương trình 327 nhưng do cách làm cẩn thận và có hiệu quả hơn nên hiện tại ở một số địa phương các mô hình này còn tương đối tốt. Điển hình là ở Cầu Hai (Phú Thọ). Cây trồng được sử dụng trong các mô hình hỗn loài là: Re gừng, Lim xanh, Lim xẹt, Trám trắng, Giẻ đỏ và cây phù trợ là Keo tai tượng, Keo lá tràm hoặc Cốt khí được trồng theo phương pháp hỗn loài theo hàng. Cự ly bố trí giữa các cây và các hàng tương đối hợp lý (3×4 m) nên cây phù trợ phát huy được tác dụng hỗ trợ cho các loài cây bản địa sinh trưởng phát triển bình thường. Mật độ hiện tại của các loài còn rất cao (90%), các loài trong mô hình đã bắt đầu giao tán nhưng chưa có sự cạnh tranh lớn. Để mô hình phát triển tốt cần theo dõi quá trình sinh trưởng của các loài trong mô hình để điều chỉnh sự cạnh tranh giữa các loài cho thích hợp như tỉa thưa cây phù trợ, phát dây leo cây bụi …
5.2. Mô hình trồng rừng hỗn loài Keo dificilis và Lim xanh trên đất thoái hoá tại Cẩm Quỳ – Hà Tây.
Đây là mô hình được xây dựng trên đối tượng đất bị thoái hoá mạnh, lớp đất mặt bị xói mòn chỉ còn lại kết von và sỏi đá, đất rắn chắc, khô cứng. Keo dificilis được đưa vào trồng trước với cự ly 3×6 m. Sau hai năm mới đưa Lim xanh vào trồng với cự ly 3x6m (xen giữa hai hàng Keo lá tràm là một hàng Lim xanh), mật độ chung cho cả lâm phần là 1100cây/ha. Việc xử lý thực bì trước khi trồng tương đối đơn giản, do độ che phủ của thực bì thưa (< 30%) nên không phát toàn bộ thực bì mà chỉ tiến hành đào hố để trồng cây. Tại thời điểm điều tra Keo hỗ trợ rất tốt cho Lim xanh sinh trưởng. Tuy nhiên do đất xấu nên tốc độ sinh trưởng của Lim xanh chậm hơn so với các lập địa khác. Tăng trưởng bình quân chung về đường kính của Lim xanh là 0.6 cm/năm và về chiều cao là 0.5m/năm. Mức độ phân hoá của Lim xanh về đường kính và chiều cao là 25%. Trên dạng đất thoái hoá như vậy thì mô hình này được coi là rất thành công. Các loài cây trồng sinh trưởng tốt và rất có triển vọng.
5.3. Mô hình trồng rừng hỗn loài Keo trắng (Paraserianthes falcataria) và Lõi thọ (Gmelia arboria ) ở Lương Sơn- Hoà Bình.
Mô hình được trồng hỗn loài theo băng, mỗi băng 6 hàng (6 hàng Keo trắng xen 6 hàng Lõi thọ). Mật độ trồng 1100cây/ha (3x3m), trên đất rừng sau nương rãy, với độ dốc 15-20o. Cốt khí được dùng làm cây phù trợ và gieo trước 6 tháng. Trước khi trồng thực bì được phát dọn thành hàng để giảm sự lấn át cây bản địa và tiện lợi cho việc đào hố. Mặt khác việc chăm sóc được tiến hành đều đặn 2 lần/năm trong 3 năm đầu nên các loài Keo trắng và Lõi thọ đều sinh trưởng tốt. Đến tuổi 6 cả hai loài đã giao tán. Do tán của Lõi thọ dày dậm nên Cốt khí dưới tán Lõi thọ còn lại rất ít, thực bì tái sinh dười tán cũng rất thưa thớt (độ che phủ của thực bì 40%). Tán Keo trắng thưa hơn nên dưới tán của nó Cốt khí hiện còn với mật độ lớn hơn, các hàng Cốt khí vẫn còn rất đều với chiều cao 2.8m, thực bì dưới tán Keo trắng cũng dày hơn (độ che phủ của thực bì khoảng 90%, chủ yếu là cỏ Lào). Phân hóa giữa các cá thể của Keo trắng lớn hơn của Lõi thọ (hệ số biến động của Keo trắng là 27% về đường kính và 14% về chiều cao, của Lõi thọ là 19% về đường kính và 10% về chiều cao). Tăng trưởng bình quân về chiều cao của cả hai loài đều lớn: Lõi thọ 2.2m/năm và Keo trắng 2.5m/năm. Sau 6 năm trồng chưa thấy xuất hiện sau bệnh hại, các loài cây trong mô hình sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao (>95%), Lõi thọ đã bắt đầu ra hoa, nếu được theo dõi, bảo vệ và chăm sóc cẩn thận thì khu rừng trồng này có thể làm rừng giống rất tốt. Đây là một mô hình rất thành công và có nhiều triển vọng.
5.4. Mô hình trồng rừng hỗn loài theo đám ở khu rừng đặc dụng Núi Chung – Nam Đàn – Nghệ An.
Các loài cây bản địa được đưa vào trồng gồm: Lim xanh, Lim xẹt, Trám, Sấu, Sau sau, Gụ, Giẻ, Dầu rái, Trai, Bằng lăng … theo phương thức hỗn loài theo đám từ8- 20 cây. Đất tại khu vực này rất xấu, bị thoái hoá mạnh, khô cứng, có nhiều kết von, tầng mặt bị xói mòn mạnh không còn tầng Ao. Sau hơn 30 năm gây trồng hiện các loài cây sinh trưởng tốt (số liệu được thể hiện ở bảng dưới đây), cây tương đối đều. Sự phân hóa giữa các cá thể trong loài không lớn, từ 2.8% (Bằng lăng) đến 7.9% (Lim xanh). Dưới tán các loài cây bản địa thực bì phát triển mạnh, độ che phủ của thực bì 60%. Sau khi trồng cây bản địa môi trường rừng được tạo lập, một số loài cây bản địa đã ra hoa kết quả và có tái sinh tự nhiên dưới tán cây mẹ như: Lim xẹt, Trai, Sau sau. Các loài cây bản địa sinh trưởng bình thường. Do đất xấu nên tốc độ sinh trưởng của chúng chậm. Một số loài có hiện tượng phân cành rất sớm: 100% cây Gụ đều có 2-4 thân/gốc, số cây có từ 2 thân/gốc của Lim xanh là 90%, Bằng lăng 57%, phần lớn chúng đều phần cành ở độ cao dưới 1.3m. Mặc dù vậy đây được coi là mô hình thành công về trồng rừng hỗn loài bằng các loài cây bản địa trên đất rừng thoái hoá.
Tin mới nhất
- Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp
- Ảnh hưởng của mật độ và phân bón đến năng suất rừng trồng Keo lai 9,5 năm tuổi ở Quảng Trị
- Nghiên cứu đặc điểm đất đai tại khu vực loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro) phân bố tại Sa Pa, Lào Cai
- Phân tích chỉ số đa dạng sinh học của thực vật thân gỗ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - Tp. Đà Nẵng
- Nghiên cứu đa dạng di truyền cây Dầu rái (Dipterocarpus alatus Roxb.) bằng kỹ thuật RAPD
Các tin khác
- Vấn đề chuyển hoá rừng trồng thuần loại và định hướng hỗn giao với cây bản địa lá rộng ở dự án Trồng rừng tại Lạng Sơn và Bắc Giang.
- Đánh giá chất lượng rừng trồng phòng hộ đầu nguồn tại Hà Tĩnh
- Hiện trạng lâm sản ngoài gỗ và vai trò của nó trong đời sống kinh tế xã hội tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
- Ảnh hưởng của giao đất, giao rừng tới phát triển rừng trồng sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc
- KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU XÂY DỰNG MÔ HÌNH TRỒNG RỪNG SAO ĐEN NĂNG SUẤT CAO Ở ĐÔNG NAM BỘ