Đánh giá chất lượng rừng trồng phòng hộ trên đất cát ven biển dự án 661

Võ Đại Hải

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam

Tóm tắt

Xây dựng rừng phòng hộ trên đất cát ven biển là một nhiệm vụ quan trọng nhằm ngăn chặn nạn cát bay, cải tạo môi trường và điều kiện sống của vùng đất cát ven biển nước ta. Nhiệm vụ này đã được cụ thể hoá trong dự án 661 giai đoạn 1998-2005 trên địa bàn vùng đất cát các tỉnh ven biển. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá chất lượng rừng trồng phòng hộ dự án 661 giai đoạn 1998-2005trên đất cát ven biển tỉnh Quảng Bình. Kết quả nghiên cứu đã bước đầu đánh giá được tỷ lệ sống, tình hình sinh trưởng về đường kính, chiều cao, đường kính tán của rừng trồng trên các dạng lập địa khác nhau, các biện pháp kỹ thuật khác nhau, rút ra được các mô hình, loài cây trồng và biện pháp kỹ thuật có triển vọng làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng rừng trồng dự án 661 giai đoạn 2006 – 2010.

Mở đầu

Đã từ lâu nạn cát bay, cát nhảy, cát trôi luôn là mối đe doạ thường xuyên, và nguy hiểm đối với cuộc sống của người dân ven biển các tỉnh miền Trung nước ta. Trải qua hàng triệu năm vận động địa chất, cát theo sóng biển được đưa lên bờ, từ đó theo gió tập trung thành những bãi cát, cồn cát lớn trên đất liền, hàng năm cứ vào mùa gió thổi thì cát lại theo gió lấp ruộng, vườn, nhà cửa, đường sá, phá hoại hoa màu và các công trình xã hội khác. Nhằm hạn chế những tác hại đó, trong nhiều năm trở lại đây, Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng hệ thống rừng phòng hộ chắn cát, chắn gió ven biển, đặc biệt là trong Chương trình 327 và Dựán trồng mới 5 triệu ha rừng (sau đây gọi tắt là Dự án 661).

Nhằm tổng kết, đúc rút những thành công và bài học kinh nghiệm làm cơ sở đề xuất các biện pháp triển khai dự án 661 trong giai đoạn 2006-2010, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng phòng hộ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá chất lượng rừng trồng phòng hộ trên đất cát ven biển và ngập mặn ven biển trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998-2005“. Kết quả đánh giá chất lượng rừng trồng phòng hộ trên đất cát ven biển tại Quảng Bình là một phần của nhiệm vụ này.

Mục tiêu, Nội dung và Phương phápnghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu

Đánh giá được chất lượng rừng trồng phòng hộ trên đất cát ven biển thuộc dự án 661 giai đoạn 1998-2005trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, rút ra được những bài học kinh nghiệm, các mô hình có triển vọng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng rừng trồng phòng hộ cho giai đoạn 2006-2010tại tỉnh Quảng Bình và những nơi khác có điều kiện tượng tự.

Nội dung nghiên cứu

– Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trồng rừng phòng hộ 661 trên đất cát ven biển giai đoạn 1998-2005 tại Quảng Bình.

– Tổng kết và đánh giá các biện pháp kỹ thuật trồng rừng phòng hộ 661 trên đất cát ven biển giai đoạn 1998-2005 tại Quảng Bình.

– Đánh giá chất lượng rừng trồng phòng hộ 661 trên đất cát ven biển Quảng Bình.

– Đề xuất một số giải pháp về xây dựng và phát triển rừng trồng phòng hộ 661 trên đất cát ven biển cho giai đoạn 2006-2010 tại Quảng Bình.

Phương pháp nghiên cứu

– Kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có về trồng rừng phòng hộ trên đất cát ven biển; các số liệu tổng kết, báo cáo của các Ban quản lý dự án 661 ở Trung ương và tỉnh Quảng Bình về diện tích rừng trồng phòng hộ trên đất cát ven biển, loài cây và kỹ thuật trồng rừng phòng hộ,…

– Điều tra, khảo sát các mô hình rừng trồng trên thực địa: Trên cơ sở phân loại đối tượng, lập địa trồng rừng, tiến hành khảo sát các mô hình rừng trồng 661 tại Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình trên địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Địa điểm khảo sát cụ thể như sau:

+ Huyện Quảng Ninh: Khảo sát các điểm: i) Thôn Tân Định, xã Hải Ninh; ii) thôn Tân Hải, xã Hải Ninh.

+ Huyện Lệ Thuỷ: Khảo sát các điểm: i) Thôn An Định, xã Hồng Thuỷ; ii) thôn Xóm Bớp, xã Sen Thuỷ; iii) thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thuỷ Nam; iv) thôn Thượng Bắc, xã Ngư Thuỷ Trung; v) thôn Tương Trợ, xã Hưng Thuỷ.

-Sử dụng toán thống kê trong sinh học để tính toán và xử lý số liệu.

-Lập các ô tiêu chuẩn diện tích 500m2, tiến hành thu thập các số liệu về tỷ lệ sống, sinh trưởng đường kính, chiều cao, đường kính tán của rừng trồng.

Tin mới nhất

Các tin khác

[logo-slider]