I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Nghiên cứu, xác định tính chất vật lý, cơ học và hoá học gỗ là một nhiệm vụ quan trọng trong khoa học gỗ nói riêng và trong nghiên cứu đánh giá giá trị tài nguyên rừng nói chung. Kết quả xác định tính chất vật lý, cơ học và hoá học gỗ là cơ sở khoa học rất cơ bản để tìm hiểu về bản chất của gỗ, là căn cứ cho chế biến, bảo quản và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên gỗ; là những tiêu chí để đánh giá chất lượng rừng, đánh giá tuyển chọn giống; nghiên cứu những ảnh hưởng của các nhân tố môi trường, biện pháp kinh doanh,….
Nghiên cứu về tre trúc từ trước đến nay tập trung chủ yếu vào lĩnh vực lâm sinh. Nghiên cứu về tính chất vật lý, cơ học, hoá học và giải phẫu của tre mới làm được ít, mặc dù nó có tầm quan trọng to lớn đối với nghiên cứu, sản xuất như gỗ. Sự thiếu hụt này cần phải bổ sung kịp thời và đầy đủ.
Như vậy, nghiên cứu xác định tính chất vật lý, cơ học, hoá học và cấu tạo giải phẫu của gỗ và tre ở nước ta có một ý nghĩa to lớn, nhưng kết quả nghiên cứu từ trước cho đến nay còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng, đã không đáp ứng được những nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn sản xuất hiện nay. Đề tài: “Nghiên cứu tính chất cơ, vật lý và giải phẫu của một số loài gỗ và tre thông dụng ở Việt Nam làm cơ sở cho chế biến, bảo quản và sử dụng” là công việc thực hiện lâu dài nhưng từng bước phải đạt được kết quả thiết thực.
II. MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
2.1. Mục tiêu của đề tài:
– Lập được cơ sở dữ liệu về tính chất cơ học, vật lý, hoá học và bản mô tả cấu tạo giải phẫu thân khí sinh của 5 loài tre và 10 loài gỗ thông dụng.
– Xuất bản được 1 cuốn Át-lát cho một số loài tre và gỗ thông dụng.
2.2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu:
1) Thu thập và tổng hợp các nghiên cứu đã có về tính chất cơ học, vật lý và mô tả cấu tạo giải phẫu của gỗ.
2) Nghiên cứu xác định tính chất vật lý, cơ học của 5 loài tre theo tiêu chuẩn quốc tế ISO22157. Bamboo-Determination of physical and mechanical properties và cấu tạo giải phẫu tre theo hướng dẫn trong quyển “The anatomy of Bamboo culms”
3) Nghiên cứu tính chất cơ, vật lý và cấu tạo giải phẫu của 10 loài gỗ theo phương pháp phiếu lỗ của CTFT và Nguyễn Đình Hưng 1990 với 70 đặc điểm cơ bản và các tiêu chuẩn của Việt Nam TCVN 355-70 đến 370-70.
4) Nghiên cứu thành phần hóa học của gỗ và tre theo tiêu chuẩn quốc tế T232 su-68, T9 m-54, T13 os-54, T19 m-50, T6 os-95, T1 os-59, T4 os-59, T15 os-58, T435 su-68, T232 su-59.
5) Ứng dụng công nghệ Dot Net phiên bản 2008 của tập đoàn Microsoft lập phần mềm tra cứu về tính chất cơ học, vật lý, hoá học và cấu tạo giải phẫu cho một số loài tre và loài gỗ thông dụng.
6) Đánh giá phân loại các tính chất
– Tính chất cơ học và vật lý gỗ, tre: Theo tiêu chuẩn TCVN 1072-71 và dự thảo phân loại gỗ của Nguyễn Đình Hưng năm 1977.
– Đặc điểm cấu tạo, kích thước các tế bào: Theo phân loại của tổ chức giải phẫu gỗ thế giới IAWA.
7) Biên soạn cuốn Át -lát cho 50 loài tre và gỗ thông dụng.
2.3. Vật liệu nghiên cứu: 5 loài tre và 10 loài gỗ
TT |
Tên loài |
Tên Khoa học |
Địa điểm lấy mẫu |
1 |
Dùng phấn |
Bambusa chungii McClure |
Phú Thọ |
2 |
Tre là ngà |
Bambusa sinospinosa McClure |
Phú Thọ |
3 |
Mai ống |
Dendrocalamus yunnannicus Hsueh et D.Z. Li |
Phú Thọ |
4 |
Vầu ngọt |
Indosasa parvifolia C.S.Chao et Q.H.Dai |
Phú Thọ |
5 |
Hóp đá |
Bambusa dissemulator McClure |
Phú Thọ |
6 |
Đước | Rhizophora apiculata Blume |
Cà Mau |
7 |
Vẹt tách | Bruguiera pariflora (Roxb.) Wight & Arn.. ex Griff. |
Cà Mau |
8 |
Đưng | Rhizophora mucronata Poir. | Bến Tre |
9 |
Su sung | Xylocarpus moluccensis (Lamk.) M. Roem. |
Cà Mau |
10 |
Bạch đàn uro |
Eucalyptus urophylla S.T. Blake |
Vĩnh Phúc |
11 |
Trầm | Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte |
Quảng Nam |
12 |
Gạo | Bombax malabarica DC. |
Lạng Sơn |
13 |
Gáo trắng | Neolamarckia cadamba (Roxb.) Booser |
An Giang |
14 |
Bông gòn | Ceiba pentandra (L.) Gaertn |
An Giang |
15 |
Sữa | Alstonia scholaris (L.) R. Br |
Đắc Lắc |
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:
3.1. Kết quả tổng hợp các nghiên cứu đã có về tính chất cơ học, vật lý và cấu tạo giải phẫu gỗ:
– Nghiên cứu cấu tạo giải phẫu gỗ: 1106 mẫu loài đã được nghiên cứu về cấu tạo thô đại, 529 mẫu loài đã được nghiên cứu cấu tạo hiển vi tại 3 cơ quan chính là Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Số mẫu loài được sử dụng gồm 906 mẫu cấu tạo thô đại, 523 mẫu cấu tạo hiển vi và 84 bộ ảnh giải phẫu. Kết quả đó là căn cứ quan trọng lập bảng khóa tra định loại gỗ.
– Nghiên cứu tính chất gỗ: 655 mẫu loài gỗ đã được nghiên cứu tại 3 đơn vị như trên, sơ bộ đánh giá 157 loài (24%), thuộc nhóm không có tên khoa học hoặc tên Việt Nam, hoặc chưa nghiên cứu 4/5 tính chất cơ bản, đề nghị được nghiên cứu lại; 162 loài (25%) thiếu hoặc sai tên khoa học, thiểu 3/5 tính chất cơ bản cần được nghiên cứu bổ sung; 285 loài (43%) có đủ tên khoa học, tên Việt Nam, đủ 5 tính chất cơ bản nhưng số lượng mẫu thử <20 và sai số của số liệu >5% nên xếp vào nhóm tham khảo khi sử dụng; chỉ có 51 loài (8%) có tư liệu đầy đủ và đáng tin cậy được đánh giá vào nhóm sử dụng tốt. Kết quả trên đã góp phần phục vụ giảng dậy, đào tạo, quản lý và sản xuất.
– Tập hợp được những kết quả nghiên cứu đã có, 2 cuốn sách đã được xuất bản gồm:
+ Cuốn sách “Các loại gỗ thông dụng ở Việt Nam, đặc điểm cấu tạo, tính chất vật lý, cơ học và hướng sử dụng” giới thiệu đặc tính gỗ của 53 chi thuộc 25 họ thực vật, kèm theo mỗi chi có chọn ra một số cây đại diện.
+ Cuốn sách “Át-lát cấu tạo, tính chất gỗ và tre Việt Nam (tập 1)”: Cung cấp các thông tin về cấu tạo thô đại, hiển vi, tính chất vật lý, tính chất cơ học, hướng sử dụng gỗ, đặc điểm hình thái và sinh học của 45 loài cây gỗ và 5 loài tre của Việt Nam.
3.2. Cơ sở dữ liệu về cấu tạo giải phẫu, tính chất vật lý, cơ học và thành phần hoá học của 10 loài gỗ và 5 loài tre:
* Gỗ Đước (Rhizophora apiculata Blume), Vẹt tách (Bruguiera pariflora (Roxb.) Wight & Arn.. ex Griff.) và Đưng (Rhizophora mucronata Poir.): là 3 loài cây gỗ thuộc họ Đước (Rhizophoraceae). Gỗ có dác lõi phân biệt (Đước) hoặc không phân biệt dác lõi (Vẹt tách, Đưng). Vòng sinh trưởng rõ ràng, rộng 4-6 mm. Mặt gỗ mịn. Mạch đơn và kép ngắn phân tán. Trong mạch thường có thể bít dạng màng mỏng. Mô mềm phân tán và tụ hợp, dính mạch không đều, thành đường ở giới hạn vòng năm (Đước), ít, khó thấy. Tia gỗ dị hình, to, dễ thấy, trong tia và trong mô mềm dọc thường có tinh thể. Tia gỗ có hai độ rộng khác nhau và có nhiều dãy tế bào(Vẹt tách, Đưng). Góc nghiêng vi thớ sợi gỗ nhỏ, ít thay đổi từ trong tâm ra ngoài. Khối lượng thể tích lần lượt là 0,91, 0,95, 1,04 g/cm3.
Gỗ Đước, Vẹt tách, Đưng có hệ số co rút thể tích cao (0,7) cần thận trọng trong quá trình phơi sấy, gỗ dễ cong, nứt. Gỗ có kích thước nhỏ, khối lượng thể tích cao, mặt gỗ mịn, vân gỗ không đặc biệt, gỗ có tính chất cơ học từ cao đến rất cao như ứng suất khi nén dọc (lần lượt là: 93, 85, 97 MPa), ứng suất khi kéo dọc (lần lượt là: 229, 180, 203 MPa), ứng suất uốn tĩnh (lần lượt là: 216, 149, 291 MPa), ứng suất khi trượt dọc (lần lượt là: 22, 23, 17,8 MPa) nên gỗ những loài cây này có thể dùng đóng cọc móng, dùng trong xây dựng và giao thông. Nếu được xủ lý ổn định kích thước tốt thì có thể dùng làm thanh chớp cửa. Gỗ dễ cưa xẻ khi tươi. Độ bền tự nhiên cao trong điều kiện khô ráo. Theo TCVN 1072-71 thì 3 loại gỗ này được xếp vào nhóm I.
Gỗ có sợi ngắn đến trung bình, hàm lượng xenlulô và lignin trung bình nên không thích hợp để sản xuất bột giấy. Hàm lượng các chất tan và độ pH trong gỗ trung bình hoặc thấp, không ảnh hưởng đến quá trình dán dính của keo.
* Gỗ Su sung (Xylocarpus moluccensis (Lam.) M. Roem.) và Bạch đàn uro (Eucalyptus urophylla S.T. Blake.): Gỗ có dác lõi phân biệt (Bạch đàn Uro) hoặc không phân biệt dác lõi (Su sung). Vòng sinh trưởng rõ ràng, rộng 6-8 mm. Mặt gỗ mịn (Su sung) hoặc trung bình (Bạch đàn Uro). Mạch đơn và kép ngắn phân tán. Đường kính mạch trung bình, trong mạch thường không có thể bít hoặc chất chứa. Mô mềm phân tán và tụ hợp, dính mạch không đều, thành đường tiếp tuyến ở giới hạn vòng năm (Su sung), hay ít, khó thấy (Bạch đàn Uro). Tia gỗ dị hình với những tận cùng ngắn, thường 3-4 dãy tế bào (Su sung) hoặc 1-2 dãy tế bào (Bạch đàn Uro); Trong tia gỗ Su sung có tinh thể. Khối lượng thể tích lần lượt là 0,68 và 0,64 g/cm3.
Gỗ Su sung và gỗ Bạch đàn Uro có hệ số co rút thể tích trung bình (0,4-0,5) không quá khó sấy, chú ý không để ngoài trời nắng nóng. Gỗ có kích thước trung bình, vân gỗ không đặc biệt, gỗ có tính chất cơ học từ trung bình đến cao như ứng suất khi nén dọc (51 và 56 MPa), ứng suất khi kéo dọc (420 và 98 MPa), ứng suất uốn tĩnh (78 và 104 MPa), ứng suất khi trượt dọc (13 và 14,1 MPa) nên gỗ những loài cây này có thể dùng làm đồ mộc dân dụng hoặc dùng trong xây dựng. Độ bền tự nhiên không cao nên cần được bảo quản. Theo TCVN 1072-71 thì 2 loại gỗ này được xếp vào nhóm III.
Gỗ có sợi dài trung bình, gỗ có hàm lượng xenlulô và lignin trung bình (Su sung) hoặc cao (Bạch đàn Uro), hàm lượng pentozan thấp nên có thể dùng để sản xuất bột giấy, băm dăm. Hàm lượng các chất tan và độ pH trong gỗ trung bình hoặc thấp, không ảnh hưởng đến quá trình dán dính của keo.
* Gỗ Bông gòn (Ceiba pentandra (L.) Gaertn.) , Gáo trằng (Neolamarckia cadamba (Roxb.) Booser) , Sữa (Alstonia scholaris (L.) R. Br.), Trầm (Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte), Gạo (Bombax malabaricum DC.): Gỗ có dác lõi phân biệt dác lõi (Bông gòn, Gáo trắng, Gạo) hoặc khó phân biệt dác lõi (Sữa, Trầm). Vòng sinh trưởng rõ ràng, rộng khoảng 10 mm (Bông gòn, Gáo trắng, Gạo) hoặc không rõ (Trầm). Mặt gỗ mịn (Trầm) hoặc trung bình (Sữa) hay thô (Bông gòn, Gáo trắng, Gạo). Mạch đơn và kép ngắn phân tán, ít khi kép dài trên 4 (Bông gòn, Trầm). Đường kính mạch trung bình, trong mạch thường không có thể bít hoặc chất chứa. Mô mềm nhiều, khó thấy, phân tán và tụ hợp, dính mạch không đều, thành đường tiếp tuyến ở giới hạn vòng năm (Sữa), hay thành tầng (Gạo). Tia gỗ dị hình với những tận cùng ngắn (Bông gòn, Sữa, Trầm, Gạo) hoặc dài (Gáo trắng), thường 1 dãy tế bào (Trầm) hoặc 2-3 dãy tế bào (Gáo trắng, Sữa, Gạo) hay 2 độ rộng khác nhau (Bông gòn); Trong tia gỗ có tinh thể (trừ Trầm). Trong gỗ có tế bào libe (Trầm). Khối lượng thể tích lần lượt là 0,32, 0,46, 0,43, 0,36, và 0,36g/cm3.
Gỗ có hệ số co rút thể tích trung bình (Gáo trắng, Sữa, Trầm, Gạo) hoặc thấp (Bông gòn), nên thuận lợi trong quá trình phơi sấy. Gỗ có kích thước trung bình hoặc lớn, vân gỗ không đặc biệt, gỗ có tính chất cơ học từ thấp đến trung bình như ứng suất khi nén dọc (lần lượt là: 20, 36, 27, 22 và 28 MPa), ứng suất khi kéo dọc (lần lượt là: 31, 71, 49, 58, và 42 MPa), ứng suất uốn tĩnh (lần lượt là: 33, 66, 59, 43 và 43 MPa), ứng suất khi trượt dọc (lần lượt là: 5,3, 10,4, 9,1, 4,8 và 5,3 MPa) nên gỗ những loài cây này mềm, nhẹ, khả năng chịu lực không cao, chỉ thích hợp làm ván ốp trần, đồ dùng thông thường hoặc xử lý biến tính gỗ tăng chất lượng gỗ. Độ bền tự nhiên không cao nên cần được bảo quản. Theo TCVN 1072-71 thì các loại gỗ này được xếp vào nhóm V (Gáo trắng) và nhóm VI (Bông gòn, Sữa, Trầm, Gạo).
Gỗ có sợi ngắn (Trầm) hay trung bình (Gáo trắng, Sữa) hoặc dài (Bông gòn, Gạo), gỗ có hàm lượng xenlulô trung bình hoặc cao (Trầm), hàm lượng lignin trung bình, hàm lượng pentozan thấp nên có thể dùng để sản xuất bột giấy. Hàm lượng các chất tan và độ pH trong gỗ trung bình hoặc thấp, không ảnh hưởng đến quá trình dán dính của keo.
* Tre Vầu ngọt (Indosasa parvifolia C.S.Chao et Q.H.Dai), Là ngà (Bambusa sinospinosa McClure) và Mai ống (Dendrocalamus yunnannicus Hsueh et D.Z.Li) là 3 loài tre có thân to, đường kính từ 10-12cm, vách thân từ trung bình đến dầy. Tại đốt thứ 8 từ gốc lên, độ dầy vách thân của Vầu ngọt (0,72cm), của Mai ống (0,9cm), Là ngà (1,7cm). Bó mạch ở Vầu ngọt thuộc loại 1 với các bó sợi dính với Xylem và Libe có kích thước tương tự nhau. Bó mạch ở Là ngà và Mai ống thuộc loại 3 với một bó mạch trung tâm và 1 bó sọi nằm phía trong của bó mạch trung tâm. Bó sợi nằm phía trong này sẽ tăng về kích thước nhưng vách sợi lại mỏng đi khi càng vào phía bên trong ruột tre. Ở biểu bì thân tre, tế bào ngắn nhiều, dễ thấy (Vầu ngọt, Mai ống), tế bào cork lớn hơn tế bào silica. Khí khổng lớn, dễ thấy (Vầu ngọt, Mai ống). Tế bào dài dài và hẹp vách thẳng tới hơi lượn sóng (Vầu ngọt, Mai ống) hay dài trung bình và hơi phình ở giữa, vách nhẵn (Là ngà). Không thấy lông to, lông nhỏ. Tế bào bọt khí khó thấy, thường tập trung ở cạnh khí khổng. Khối lượng thể tích lần lượt là 0,78, 0,74, 0,61 g/cm3.
Tre Vầu ngọt, Là ngà, Mai ống có độ co rút thể tích cả phần mắt và phần lóng thấp nên thuận lợi trong quá trình phơi, sấy, có thể phơi nơi dâm mát hoặc sấy trong lò sấy công nghiệp. Phần lóng tre thường có khả năng chịu lực tốt hơn phần mắt đặc biệt là khả năng chịu kéo; ứng suất nén dọc thớ ở phần lóng và phần mắt của 3 loài tương ứng là: 58 và 45, 58 và 54, 48 và 52 MPa; ứng suất kéo dọc thớ tương ứng là 219 và 59, 204 và 107, 154 và 61 MPa; ứng suất uốn tĩnh tiếp tuyến tương ứng là 130 và 87, 143 và 113, 118 và 96 MPa; ứng suất trượt dọc thớ tương ứng là 5,0 và 4,2, 6,3 và 7,2, 4,7 và 4,9 MPa. Như vậy 3 loài tre này khả năng chịu lực ở mức trung bình nên có thể sử dụng vào một số hạng mục xây dựng tạm thời. Vầu ngọt và Mai ống có thể dùng làm đũa, Là ngà có thể dùng làm nhà dân dụng, ít bị mối mọt (lớp cu tin hóa trên thân dầy). Tre cần được bảo quản ngay khi khai thác bằng các biện pháp thông thường như ngâm trong nước, trong bùn hoặc dùng hóa chất XM5. Thân tre dễ ngấm thuốc bảo quản từ phía ruột vào sau khi đã được loại bỏ lớp màng lụa.
Sợi tre dài nhưng tỷ lệ xenlulo thấp (Vầu ngọt, Mai ống) hoặc trung bình (Là ngà), hiệu suất bột giấy không cao, có thể dùng làm nguyên liệu giấy có yêu cầu dai hoặc trộn với sợi gỗ để tăng chất lượng giấy. Hàm lượng lignin, pentoza trung bình nên không khó khăn trong sản xuất sợi.
* Tre Hóp đá (Bambusa disemulator McClure), Dùng phấn (Bambusa chungii McClure) là 2 loài tre có đường kính thân trung bình (5-7cm). Tại đốt thứ 8 từ gốc lên, độ dầy vách thân của Hóp đá (1,1 cm), của Dùng phấn (0,5cm). Bó mạch ở Hóp đá và Dùng phấn thuộc loại 3 với một bó mạch trung tâm và 1 bó sợi nằm phía trong của bó mạch trung tâm. Từ 2/3 vách thân vào trong, sợi ở các bó sợi có vách mỏng nên có khác biệt lớn về khả năng chịu lực khi so sánh với phần gần cật. Ở biểu bì thân tre, tế bào ngắn nhiều, dễ thấy, tế bào cork lớn hơn tế bào silica. Khí khổng dễ thấy và có khi tập hợp 2-3 khí khổng cạnh nhau (Hóp đá) hay ít và khó thấy (Dùng phấn) . Tế bào dài dài và hẹp vách thẳng tới hơi lượn sóng (Hóp đá) hay dài và rộng (Dùng phấn). Không thấy lông to, lông nhỏ. Tế bào bọt khí khó thấy, thường tập trung ở cạnh khí khổng. Khối lượng thể tích lần lượt là 0,73 và 0,71 g/cm3.
Tre Hóp đá và Dùng phấn có độ co rút thể tích cả phần mắt và phần lóng thấp nên thuận lợi trong quá trình phơi, sấy, có thể phơi nơi dâm mát. Phần lóng tre thường có khả năng chịu lực tốt hơn phần mắt đặc biệt là khả năng chịu kéo; ứng suất nén dọc thớ ở phần lóng và phần mắt của 2 loài tương ứng là: 68 và 68, 61 và 55MPa; ứng suất kéo dọc thớ tương ứng là: 361 và 76, 347 và 132 MPa; ứng suất uốn tĩnh tiếp tuyến tương ứng là: 169 và 129, 185 và 129 MPa; ứng suất trượt dọc thớ tương ứng là: 7,1 và 5,0, 5,7 và 4,3 MPa. Hóp đá có khả năng chịu lực ở mức cao nên có thể sử dụng vào một số công việc cần độ dẻo dai như làm đòn tay, sào chống. Dùng phấn có vách thân mỏng nên chủ yếu dùng vào công việc đan lát. Tre cần được bảo quản ngay khi khai thác bằng các biện pháp thông thường như ngâm trong nước, trong bùn hoặc dùng hóa chất XM5. Thân tre dễ ngấm thuốc bảo quản từ phía ruột vào sau khi đã được loại bỏ lớp màng lụa.
Sợi tre dài và tỷ lệ xenlulo cao nên có thể dùng làm nguyên liệu giấy có yêu cầu dai hoặc trộn với sợi gỗ để tăng chất lượng giấy. Hàm lượng lignin, pentoza trung bình nên không khó khăn trong sản xuất sợi.
3.3. Chương trình lưu trữ và tra cứu “Tên gọi và đặc tính gỗ, tre Việt Nam”
Phần mềm chương trình lưu trữ và tra cứu “Tên gọi và đặc tính gỗ, tre Việt Nam” là phần mềm được xây dựng trên nền công nghệ DotNet 2008 của tập đoàn Microsoft đảm bảo các tính năng sau:
+ Lưu trữ thông tin đầy đủ về các loài gỗ và tre Việt Nam
+ Tìm thông tin đầy đủ về tên và đặc tính gỗ theo một tên gọi
+ Tìm thông tin đầy đủ về tên và đặc tính gỗ theo đặc điểm cấu tạo hiển vi của gỗ
+ Tìm thông tin đầy đủ về tên và đặc tính gỗ theo tính chất gỗ
+ Tìm thông tin đầy đủ về tên và đặc tính gỗ từ kết hợp giữa đặc điểm cấu tạo và tính chất gỗ
Phần mềm hiện có dữ liệu của 130 loài gỗ và tre Việt Nam.
IV. Kết luận và kiến nghị:
– Các nghiên cứu về cấu tạo, đặc tính gỗ, tre của Việt Nam đã được tiến hành từ lâu ở 3 đơn vị nghiên cứu chính là Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, những kết quả này đã góp phần quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên cây gỗ và tre trong những năm qua. Tuy nhiên do sự trùng lặp ở các cơ quan nghiên cứu, chất lượng không đảm bảo và nhiều tính chất chưa được nghiên cứu hoặc số liệu có độ chính xác chưa cao. Vì vậy các kết quả đã có cần được tổng hợp chi tiết, đánh giá sử dụng và công bố; Từ đó xây dựng định hướng và kế hoạch cho nghiên cứu về khoa học gỗ và tre Việt Nam.
– Kết quả nghiên cứu 5 loài tre và 10 loài gỗ đã cung cấp thông tin đầy đủ, đảm bảo chính xác về cấu tạo, đặc tính gỗ, tre cho chế biến, bảo quản và sử dụng những loài gỗ và tre này. Công việc nghiên cứu cấu tạo và đặc tính cơ bản cảu gỗ và tre cần được xác định là một nhiệm vụ thường xuyên đáp ứng các yêu cầu của quản lý, sản xuất và sử dụng.
– Chương trình lưu trữ và tra cứu “Tên gọi và đặc tính gỗ, tre Việt Nam” có tính năng lưu trữ cơ sở dữ liệu của các loài gỗ và tre về tên gọi và đặc tính gỗ đồng thời giúp cho tra cứu các thông tin nhanh chóng. Phần mềm không thua kém các phần mềm tương tự ở một số phòng nghiên cứu khoa học gỗ trên thế giới và ở Việt Nam. Chương trình cần được tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu và nâng cấp bảo mật, khả năng liên kết internet.
– Cuốn “Át-lát cấu tạo, tính chất gỗ và tre Việt Nam” và cuốn sách “Các loại gỗ thông dụng ở Việt Nam” đã cung cấp những thông tin quan trọng về cấu tạo, đặc tính giúp cho người quản lý và sử dụng được thuận tiện. Các phần tiếp theo cần được biên soạn và xuất bản.
Tin mới nhất
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng nhận cờ thi đua nhân kỷ niệm 50 năm thành lập
- VFCS được công bố tại website của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản
- Lễ ký ký biên bản ghi nhớ về việc trao các mẫu vật liệu mới từ gỗ của Đại sứ quán (ĐSQ) Phần Lan để phục vụ trưng bày tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Hội đồng nghiệm thu sản phẩm và tổng kết nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và xây dựng mô hình trồng thâm canh Vù hương (Cinnamomum balansae H.Lec) cung cấp gỗ lớn kết hợp lấy tinh dầu tại tỉnh Lào Cai"
Các tin khác
- Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, Khóa XI tại Đảng bộ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
- Báo cáo kết quả đề tài: Nghiên cứu chọn, nhân giống và kỹ thuật gây trồng Giổi xanh và Re gừng
- Mời chào hàng cạnh tranh mua hóa chất và thiết bị thí nghiệm
- Lễ hội trăng hồng soi sáng nụ cười em - Trung thu năm 2014
- Báo cáo tóm tắt đề tài: Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật gây trồng cây bản địa đa mục đích: Ươi (Scaphium macropodum), Cọc rào (Jatropha curcas)